Nga đã phớt lờ thông tin tình báo về khủng bố do Mỹ chia sẻ?
Tác giả : Gordon Corera Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-03-24
Người dân đang đứng gần nhà hát Crocus City Hall khi vụ tấn công xảy ra
Luôn có những câu hỏi xuất hiện sau bất kỳ vụ tấn công nào, chẳng hạn tại sao không thể ngăn chặn hay phát hiện. Vụ tấn công tại Moscow đã đặt ra những vấn đề khó khăn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời điểm căng thẳng và mất niềm tin với quốc tế. Và mấu chốt là từ lời cảnh báo do Washington đưa ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tất cả bốn tay súng thực hiện vụ tấn công đã bị bắt giữ.
Ít nhất 133 người chết và hơn 40 người bị thương khi những kẻ tấn công xông vào nhà hát Crocus City Hall, nổ súng trong một buổi biểu diễn nhạc rock.
Chính quyền Nga cho biết tổng cộng 11 người đã bị bắt giữ và bốn tay súng bị bắt khi trốn chạy về hướng Ukraine. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Phát biểu trên truyền hình, ông Putin lên án vụ tấn công, được xem chết chóc nhất tại Nga trong gần 20 năm qua, gọi đây là một "hành động khủng bố man rợ" và lặp lại lời tuyên bố trước đó của cơ quan an ninh Nga là những tên tấn công đã tìm cách tháo chạy sang Ukraine.
Kyiv bác bỏ cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công này, gọi cáo buộc của ông Putin là chuyện "ngu xuẩn".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Putin "đổ tội" Ukraine cho vụ tấn công.
"Một Putin vô dụng, thay vì giải quyết vấn đề cho công dân Nga, đối diện với họ, thì lại im lặng trong một ngày để nghĩ cách đổ tội cho Urkaine," ông Zelensky nói.
Cảnh báo ngày 7/3 từ Mỹ được phát đi dành cho công dân của họ là một thông tin cụ thể một cách bất thường. Cảnh báo này đưa ra khả năng "những kẻ cực đoan" đã "có những kế hoạch sát sườn nhằm vào các địa điểm tập trung đông người ở Moscow" và đặc biệt đề cập đến các buổi hòa nhạc.
Cảnh báo này có nội dung khuyến cáo công dân Mỹ ở Moscow tránh xa các sự kiện tập trung đông người trong vòng 48 giờ tới.
Thời điểm có thể không như trong cảnh báo, nhưng các chi tiết khác thì rất trùng khớp với các sự kiện hôm 22/3. Dường như Washington rõ ràng đã có thông tin tình báo và cho thấy sự liên quan của Nhà nước Hồi giáo (IS) - nhóm đã phát đi tuyên bố cho biết mình đứng đằng sau vụ tấn công tại Moscow.
Ngoài việc phát đi cảnh báo công khai cho công dân nước mình, phía Mỹ cũng cho biết đã liên lạc trực tiếp với chính phủ Nga.
"Chính phủ Mỹ cũng đã chia sẻ thông tin này với giới chức Nga theo chính sách 'nghĩa vụ cảnh báo' đã có từ lâu của chúng tôi," một quan chức Mỹ nói trong một thông cáo được đưa ra sau vụ tấn công.
Hiện có những kênh chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước - thậm chí giữa các quốc gia vốn không phải là đồng minh - đặc biệt khi có liên quan đến các vụ tấn công có thể nhằm vào dân thường.
Nhưng vấn đề là Moscow đã bỏ qua những lời cảnh báo đó.
Ba ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước ban lãnh đạo của Tổng Cục An ninh Liên bang Nga (FSB), cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia.
Ông nói với các lãnh đạo của cơ quan an ninh này rằng ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt - cụm từ chính thức mà ông dùng để chỉ cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine.
Tổng thống Nga cáo buộc Ukraine đã chuyển sang cái mà ông ta gọi là "những chiến thuật khủng bố". Putin cũng đề cập trực tiếp điều mà ông ta gọi là "những tuyên bố mang tính khiêu khích" từ phương Tây về các vụ tấn công có thể xảy ra bên trong lòng nước Nga.
Putin nói các cảnh báo ấy "giống như lời hăm dọa thẳng thừng và nhằm mục đích làm xã hội của chúng ta lo sợ và bất ổn".
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước người dân Nga sau cuộc tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall ở Moscow
Điều này cho thấy chuyện Mỹ và Nga mất niềm tin đồng nghĩa Moscow có thể đã không muốn lắng nghe và thay vào đó nhận thấy những lời cảnh báo là một phần nỗ lực nhằm đe dọa Nga, liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.
Chúng ta vẫn chưa biết được chính xác bản chất thông tin mà phía Mỹ có được hoặc đã chuyển đi (cho Nga) hay mức độ rõ ràng của thông tin ấy. Thông tin tình báo có thể không rõ ràng và vì thế khó giúp đưa ra biện pháp đối phó.
Nhưng phía Mỹ cũng có cơ chế thu thập thông tin tình báo rộng lớn và theo dõi IS chặt chẽ.
ISIS-K, một nhánh của IS bị tình nghi thực hiện vụ tấn công tại Moscow, cũng liên quan đến một vụ tấn công khác nhằm vào quân Mỹ và dân thường tại sân bay Kabul ở Afghanistan hồi tháng 8/2021, cũng như các đợt đánh bom chết người gần đây tại Iraq.
Nếu như thông tin tình báo được chia sẻ với phía Nga là đáng tin cậy và cụ thể về IS, thì FSB và Putin khó bề biện minh cho việc đã không xem xét cảnh báo của Mỹ một cách nghiêm túc hơn.
Và nếu câu chuyện là thế thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn đối với Moscow khi cho rằng cuộc tấn công có liên quan đến Ukraine theo một cách nào đó, nhằm điều hướng chỉ trích và giúp gia tăng sự ủng hộ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thay vì thừa nhận việc họ có thể đã phớt lờ thông tin tình báo từ phía Mỹ.
-----------
Khủng bố tại Nga: Putin ''đổ lỗi'' cho Ukraina, phớt lờ việc Daech (IS) nhận trách nhiệm
Tác giả : Thùy Dương Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-03-24
Hôm nay 24/03/2024 là ngày quốc tang của Nga sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại nước này từ 2 thập kỷ nay. Điều đáng chú ý là cho dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech (IS) tuyên bố nhận trách nhiệm và chính quyền Matxcơva cũng đã khẳng định 4 kẻ tấn công là người Tadjikistan, nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin tối qua chỉ “ đổ lỗi ” cho Kiev.
Màn hình điện tử tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Crocus City Hall, gần trụ sở bộ Ngoại Giao Nga, Matxcơva, 23/03/2024. REUTERS - Shamil Zhumatov
Hôm nay, Nga treo cờ rủ để tưởng niệm 133 nạn nhân đã chết trong vụ khủng bố nhắm vào Crocus City Hall, một rạp hát nằm ở ngoại ô Matxcơva, tối thứ Sáu 22/03/2024. Trong số 133 nạn nhân có 3 trẻ em. Ngoài ra, còn có 152 người bị thương, theo số liệu của bộ Tình trạng Khẩn cấp, được AFP trích dẫn. Hiện nay, chính quyền Nga mới xác định được danh tính của vài chục nạn nhân thiệt mạng. Công tác cứu hộ và tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp diễn. Nhà chức trách lo ngại việc này sẽ kéo dài nhiều ngày và số nạn nhân sẽ còn tăng cao.
Tối hôm qua, trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình sau vụ khủng bố, tổng thống Nga đã phớt lờ việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, cũng không hề đề cập đến mối liên hệ giữa 4 người Tadjikistan bị bắt với Daech mà chính quyền Nga đã khẳng định là thủ phạm của vụ khủng bố tại rạp hát Crocus City Hall. Putin chỉ nhắm vào Ukraina, khẳng định là các thủ phạm vụ tấn công đã tìm cách chạy sang Ukraina. Trước đó, cơ quan an ninh FSB của Nga khẳng định các nghi phạm có “ những mối liên hệ ở Ukraina ” và đã tìm cách trốn sang Ukraina, nhưng lại không cung cấp được bằng chứng về mối liên hệ này, cũng như thông tin chi tiết về bản chất mối liên hệ đó.
Đổ lỗi cho Ukraina là để biện minh ” cho thất bại của an ninh Nga
Đối với Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu hợp tác với cơ quan tư vấn Open Diplomacy, thái độ của tổng thống Nga gây ngạc nhiên, nhưng rõ ràng là có chủ ý. Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 23/03, ông Ulrich Bounat giải thích :
“ Ông ấy chưa từng nhắc đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Đây là điều khá gây ngạc nhiên, bởi vì rõ ràng là tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã hai lần đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng việc đổ lỗi cho Ukraina chính là cách để biện minh cho chính ông ta và biện minh cho cả các cơ quan an ninh của Nga về thất bại rõ ràng mà cuộc tấn công này đã cho thấy.
Trên thực tế, mối đe dọa khủng bố ở Nga là một mối đe dọa đã có từ lâu nay, ít nhất là kể từ chiến tranh Chechnya, tức là từ khoảng hai chục năm nay thì mối đe dọa khủng bố này đã tồn tại, đã được biết đến. Đúng là trong những năm qua thì các vụ khủng bố ở Matxcơva và Saint Petersburg đã bớt đi một chút, nhưng trong những năm từ 2002 đến 2010 thì các vụ tấn công diễn ra khá thường xuyên, nhắm vào những thành phố chính của Nga.
Thế nên, quả đúng là đổ lỗi cho Ukraina cũng là một cách để tránh việc cơ quan an ninh FSB và các cơ quan an ninh khác của Nga không phải giải thích lý do tại sao họ đã không thể nắm được mối đe dọa khủng bố vốn đã được biết đến từ khá lâu nay tại Nga và nhất là khi các cơ quan an ninh của Mỹ đã đề cập với các đồng nghiệp Nga cách nay 2-3 tuần rằng mối đe dọa xảy ra tấn công khủng bố là vô cùng cao.”
Về phía Ukraina, cố vấn phủ tổng thống, Mykhaïlo Podoliak, ngay lập tức bác bỏ những cáo buộc vô lý của Matxcơva về sự can dự của Kiev. Tổng thống Ukraina Zelensky cũng chỉ trích việc Putin tìm cách “ đổ lỗi ” cho Ukraina. Trong khi đó, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm qua hy vọng là vụ tấn công khủng bố sẽ không biến thành “ cái cớ ” gây “ leo thang bạo lực ”, ý nói tới cuộc chiến ở Ukraina. Giới quan sát hiện cũng đang lo ngại về nguy cơ này.
-------
Ý kiến của BCT :

Nga đã từng bị khủng bố Hồi Giáo tấn công vào nhà hát ở Moscow một lần vào năm 2002 theo cùng một phương cách. Thế mà Nga vẫn ngu ngơ không biết đề phòng, lại còn tìm cách đổ lỗi cho Ukraine, thật là hèn hạ. Câu chuyện như sau :
Cuộc khủng hoảng con tin tại Nhà hát Mátxcơva năm 2002
Vụ bắt giữ con tin do phiến quân Chechnya tại Nhà hát Dubrovka ở Mátxcơva, Nga, kéo dài từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 26 tháng 10 năm 2002. Nó kết thúc khi quân Spetsnaz (lực lượng đặc biệt) của Nga thuộc Bộ chỉ huy chống khủng bố Alfa bơm hơi ga tê liệt thần kinh vào rạp hát khiến ít nhất 150 con tin bị chết, phần lớn là do ảnh hưởng của khí gas.
Khi sự sụp đổ của Liên Xô ngày càng gia tăng vào năm 1991, các nhà lãnh đạo ở Chechnya đã tuyên bố độc lập. Nga xua quân xâm lăng Chechnya vào năm 1994 và nhiều năm giao tranh đã tàn phá nước này. Khi các thành phố của họ bị lực lượng Nga xóa sổ, quân ly khai Chechnya xữ dụng nhiều chiến lược mới, bao gồm chiến thuật du kích ở Chechnya và tấn công dân thường ở Nga. Chính trong bối cảnh đó, khoảng 50 chiến binh Chechnya được trang bị vũ khí hạng nặng dưới sự lãnh đạo của lãnh chúa Movsar Barayev đã tiến vào một nhà hát ở Moscow trong buổi biểu diễn vở nhạc kịch nổi tiếng của Nga Nord-Ost và bắt giữ 850 khán giả làm con tin. Người Chechnya, những người đã chuẩn bị cuộc tấn công từ nhiều tháng trước, đã yêu cầu quân Nga rút hoàn toàn khỏi quê hương của họ.
Lúc đầu, phiến quân đã thả 150 con tin (phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài), nhưng vào ngày thứ hai của cuộc bao vây, điều kiện bên trong nhà hát bắt đầu xấu đi và một số người đã bị bắn. Sáng ngày thứ ba, lực lượng đặc biệt Nga, vốn đặt trụ sở dưới tầng hầm của khu nhà hát, chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực. Khí độc được phun vào nhà hát để vô hiệu hóa các chiến binh Chechnya; các con tin cũng bị ảnh hưởng và nhiều người chết vì khí gas.
Tổng số người chết trong cuộc khủng hoảng đang bị tranh cãi, cũng như số lượng con tin và những kẻ bắt giữ họ. Hầu hết chín con tin không phải người Nga đã chết đều là công dân của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ; một công dân Hà Lan và một người Mỹ cũng nằm trong số những người thiệt mạng. Người ta tin rằng hầu hết, nếu không phải tất cả, những kẻ bắt giữ con tin đã bị giết—theo báo cáo của các nhân chứng, bị giết sau khi họ bị bất lực bơi khí độc—và có lẽ có tới 200 khán giả đã chết.
Loại khí mà lực lượng đặc biệt Nga sử dụng được cho là dẫn xuất bay hơi của fentanyl , một loại thuốc giảm đau mạnh hơn morphin 100 lần. Các cơ quan an ninh từ chối tiết lộ loại khí đó ngay sau cuộc tấn công vào nhà hát; các bác sĩ và nhân viên y tế phải đoán xem loại chất độc mà chính quyền đã dùng là loại gì để họ thực hiện biện pháp sơ cứu nào để chống lại tác dụng của nó. Kết quả là nhiều người bị thương đã bị tổn hại vĩnh viễn do được điều trị không thích hợp.
Sau cuộc khủng hoảng trên chiến trường, Nga còn lâu mới rút khỏi nước cộng hòa ly khai, Tổng thống Vladimir Putin đã tăng cường các hoạt động quân sự của Nga chống lại phiến quân Chechnya trong một chiến dịch chỉ kết thúc vào năm 2009.
----------