Vì sao có quá nhiều người mê tín?
Tác giả : Chu Mộng Long | Nguồn: Tiếng Dân | Ngày đăng: 2024-03-26 |
Ngày hôm qua, tôi đang say sưa giảng bài thì nhiều học viên xin nghỉ sớm. Tôi nói, giáo trình 30 tiết, các bạn chỉ học một ngày rưỡi, còn xin nghỉ sớm nữa thì làm sao tôi có thể hoàn thành trách nhiệm?
Hỏi ra mới biết, rất nhiều bạn là Phật tử, ngày Rằm cần lên chùa nghe thầy giảng pháp. Tôi biết có tiếp tục giảng bài thì người học cũng không để tâm. Cho nghỉ thôi, vì tâm họ ở chùa. Thiện tai!
Tâm thiện thì tốt. Chỉ băn khoăn. Học thầy giáo vì tấm bằng để kiếm cơm hàng ngày. Học thầy chùa có khi kiếm được phước báu, mà phước báu được các thầy chùa chiêu dụ là chỉ cúng dường, không làm gì cả vẫn được giàu có vô lượng. Ác tai!
Ở giảng đường cũng học. Vào chùa cũng học. Và hiển nhiên, tôi thú nhận sự thất bại của thầy giáo so với thầy chùa. Thầy giáo không có khả năng mê hoặc bằng thầy chùa. Thầy giáo thất bại vì Luật Giáo dục nghiêm cấm tuyên truyền tôn giáo trong nhà trường. Phải chờ nhà trường và nhà chùa sáp nhập làm một thì may ra thầy giáo mới có sức mê hoặc như thầy chùa.
Dẫn chuyện như vậy để nói với nhiều bạn đang chửi, rằng lỗi tại dân ngu nên mới có hàng vạn người mê tín dị đoan, há hốc mồm nghe và vỗ tay trước những bài giảng ma quỷ của thầy chùa. Quan điểm của tôi, những tín đồ ấy không có lỗi gì cả.
Trước sau, tôi vẫn tin K. Marx và những nhà duy vật đúng: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Tất nhiên, tôi chỉ quy vào loại tôn giáo đồng bóng, kể cả những chủ nghĩa hoang tưởng. Các bạn không hoặc ít đi chùa, hoặc đi chỉ để vãn cảnh, các bạn chưa thành con nghiện. Còn đã đi bằng sự “thành tâm”, tức “tín ngưỡng”, các bạn chẳng chóng thì chầy cũng rơi vào trạng thái nghiện, tâm lý học gọi là thôi miên.
Thôi miên, trong nghĩa rộng, là trạng thái tâm lý hôn mê, kéo theo hành động rất vô thức trước một tác động, sai khiến nào đó. Thôi miên chẳng có gì bí ẩn cả. Tất cả chúng ta ít nhiều đều có lần ở trạng thái thôi miên. Từ giấc mơ đến mộng du đã là ở trạng thái thôi miên. Đọc huyền thoại, cổ tích, ta tin thế giới thần tiên, ma quỷ như thật. Đọc một tiểu thuyết ly kỳ, ta bị cuốn hút như thể ta đang là nhân vật trong đó, cũng là ở trạng thái thôi miên. Diễn viên nhập vai, cười khóc như chính mình trong tình huống kịch, chính là ở trạng thái thôi miên.
Đặc điểm của trạng thái thôi miên là cái ảo bị đồng hóa với sự thật. Biết được điều này, thuật thôi miên ra đời. Gốc xa xưa, trò cúng bói của thầy mo, thầy pháp với những ma thuật tác động vào tâm lý người bệnh, chính là đưa người bệnh vào trạng thái thôi miên. Ở trong trạng thái ấy, Ma quỷ, Thần thánh là cái ảo, cũng thành thật. Một trạng thái hoang tưởng nảy sinh bốc người bệnh thoát ly khỏi thực tại.
Thôi miên tích cực có tác dụng chữa bệnh thật. Đơn giản là thủ thuật thôi miên cung cấp cho người bệnh những thông tin sáng sủa, đẹp đẽ (thần tiên, thiên đường) để thanh lọc những thông tin tối tăm, xấu xa (ma quỷ, địa ngục). Tất nhiên, sẽ có kẻ sử dụng thôi miên tiêu cực, tức làm điều ngược lại.
Khi rơi vào trạng thái thôi miên, người bị thôi miên chịu sự sai khiến của kẻ sử dụng thuật thôi miên. Không thần tiên dẫn dắt thì cũng “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Trạng thái này không trừ ai cả. Những người yếu bóng vía, tức thần kinh không tốt đều rất dễ rơi vào trạng thái thôi miên.
Không ngạc nhiên, khi trong số những người há hốc mồm nghe thầy bói, thầy cúng, và phổ biến hiện nay là thầy chùa, có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ và quan chức. Phàm kẻ gian, kẻ từng phạm tội, tâm hồn đang bệnh hoạn, đều rất dễ bị các loại thầy ấy thôi miên. Đặc biệt là người già, trẻ em, đối tượng mà lý trí còn mong manh, càng dễ bị thôi miên.
Tôi không rõ những hình thức tu tập ở các chùa bao gồm những trò gì. Nếu thiền hay pháp luân công thì hiển nhiên cũng chỉ là một trong những cách thôi miên. Thiền hướng chân tâm, tức Phật, tất nhiên là thôi miên tích cực, tự nó thanh lọc bóng tối của ma quỷ, địa ngục. Nhưng nếu sau tu tập là nghe những bài giảng về vong oan gia trái chủ thì ắt bị vong nhập tâm. Thầy chỉ cần nói một điều đúng nhân quả Phật dạy nhưng cấy vào đó trăm điều “Vong nói”, “Vong đòi”, ắt Vong đã thay thế Phật. Tâm sai khiến hành động.
Và cứ thế, Vong đòi tiền trăm triệu, ngàn tỷ, đòi luôn cả nhà đất, con bệnh ắt nghe và làm theo. Thậm chí, một đám đông có thể cầm dao, cầm súng xông lên theo lệnh của một ai đó nhân danh thần thánh. Khủng bố chẳng hạn. Trong trạng thái ấy, người ta giống như con nghiện phải nghe lời sai khiến của ông chủ bán thuốc phiện vậy!
Ở đây tôi chỉ có thể chuyển một vấn đề phức tạp thành đơn giản, ai cũng có thể hiểu được. Tốt nhất là các bạn phòng tránh hơn là để rơi vào trạng thái, như mắc cơn nghiện rồi thì rất khó cai, chữa. Cụ thể là tránh xa những trò đồng bóng.
Tôi có đứa em gái, con ông chú họ, có chồng từng rơi vào trò đồng bóng đến tán gia bại sản, nhân danh thần thánh khủng bố, hành hạ vợ con, sau nhiều năm nhờ em gái có thần kinh tốt mới gỡ ra được.
----------