Tại sao Trung Quốc tái hiện khu đầu não chính quyền của Đài Bắc trong khu Nội Mông?
Tác giả : Anh Vũ Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-04-03
Những hình ảnh thu từ vệ tinh, đã được xác nhận, cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một bản sao khu trung tâm đầu não chính quyền Đài Bắc tại Nội Mông. Nhiều ý kiến cho rằng có khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược đảo Đài Loan.
Ảnh minh họa: Khu dinh tổng thống Đài Loan tại Đài Bắc nhìn từ ngoài, ngày 10/01/2024. AFP - ALASTAIR PIKE
Hôm 26/03 vừa qua, một chuyên gia người Đài Loan phân tích các dữ liệu công khai đã đăng lên mạng X hình ảnh vệ tinh các công trình xây dựng trông giống hệt như khu phố tập trung các cơ quan chính quyền tại Đài Bắc, thủ đô Đài Loan, nhưng nằm ở phía bắc Trung Quốc, cách Bắc Kinh 1200 km. Trang tin Taiwan News hôm 28/03 dấy lên nhận định cho rằng “ Trung Quốc dựng bản sao của Đài Bắc để tập dượt cho cuộc xâm lược”. Thực ra không phải toàn bộ thành phố được dựng lại trong khu vực phía tây nam của khu tự trị Nội Mông.
RFI giới thiệu một số nhận định của các chuyên gia trên kênh truyền hình France 24 về động thái của Trung Quốc.
Bản sao khu phố trọng yếu của Đài Bắc
Bức ảnh vệ tinh cho thấy dãy đường phố được bố trí theo cách để gợi lại một cách tổng thể hình ảnh một phần khu Bắc Ái (Bo’ai), một khu phố rất đặc biệt nằm trong quận Trung Chính (Zhongzheng) của Đài Bắc. Thực tế, khu vực này của thủ đô là nơi tập trung hầu hết các trụ sở của cơ quan hành chính như dinh tổng thống, Tòa án Tối cao, bộ Tư pháp và Ngân hàng Trung ương Đài Loan. Khu Bắc Ái được áp dụng các quy định an ninh đặc biệt, trong đó bao gồm lệnh cấm bay qua.
Thực tế việc xây dựng này đã được Sim Tack, nhà phân tích của Force Analysis, một công ty giám sát khu vực xung đột đã truy cập hình ảnh vệ tinh, xác nhận với France 24. Chuyên gia này chỉ rõ Trung Quốc bắt đầu tái hiện khu trung tâm chính quyền ở Đài Bắc này “từ tháng 3 năm 2021 và ít nhất cho đến tháng 2 năm 2022”.
Không chỉ đơn thuần là mạng lưới đường xá, người Trung Quốc còn dựng thêm các tòa nhà hay các mặt tiền “ như người ta có thể thấy ở Đài Bắc tuy không hẳn giống chính xác về hình thức hay kích thước”. Chuyên gia Sim Tack cho biết rõ thêm.
Hôm 27/03, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) khẳng định « chắc chắn chỉ có quân đội Trung Quốc làm cái việc bắt chước như kiểu này ». Ông nói thêm là Đài Loan cũng có thể sao chép lại các công trình hạ tầng cơ sở của bất kỳ nước nào vào mục đích huấn luyện quân sự.
Marc Lanteigne, nhà nhiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Cực của Na Uy, cho rằng đáng ngạc nhiên khi giảm thiểu tầm mức của những tiết lộ về các công trình xây dựng mới ở Nội Mông vào lúc trong “ những tháng gần đây, chúng ta nhận thấy Trung Quốc đang gia tăng các hành động thù địch chống lại Đài Loan”.
Bắc Kinh đã gia tăng áp lực đối với hòn đảo này bằng việc cho máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào mùa thu năm 2023. Và giờ đây, phải chăng quân đội tập luyện để bắn phá khu trung tâm quyền lực hay chuẩn bị mở cuộc xâm lược trên bộ ở đó?
Giống năm 2015
Trên thực tế, Đài Loan đã phải đối phó với kiểu khiêu khích này... nhưng không có kết quả. Lewis Eves, chuyên gia về các vấn đề an ninh ở Trung Quốc tại Đại học Sheffield, khẳng định: “Để hiểu những gì đang xảy ra, chúng ta phải so sánh nó với tiền lệ năm 2015”. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tái hiện dinh tổng thống Đài Loan gần như giống hệt ở Nội Mông. Lewis Eves nhắc lại: “Người ta nhận ra điều này do có một video về một cuộc tấn công mô phỏng vào tòa nhà đã được truyền hình Trung Quốc phát sóng và trang web của quân đội đã đăng tải những hình ảnh tập luyện khu xung quanh dinh thự được dựng lại”.
Chuyên gia này không ngạc nhiên khi quân đội Trung Quốc đưa ra ý tưởng dựng lại một phần Đài Bắc trong khi “bối cảnh địa chính trị trong khu vực có nhiều điểm tương đồng với năm 2015”. Đài Loan khi đó cũng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, như năm nay – cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào tháng 1. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về tình trạng các đảo ở Biển Đông rất cao vào năm 2015 và hiện nay cũng vậy.
Trong cả hai trường hợp, "Bắc Kinh cho rằng cần phải phô trương sức mạnh đối với Đài Loan cũng như nhằm mục đích tuyên truyền nội bộ để kích thích và nuôi dưỡng tâm lý dân tộc chủ nghĩa", Lewis Eves nhận xét. Quả thực, vào thời điểm căng thẳng quốc tế cao độ, Trung Quốc vẫn “tìm cách tập hợp dư luận ủng hộ đảng Cộng Sản bằng lá bài dân tộc chủ nghĩa”, chuyên gia này giải thích. Và việc tái khẳng định các đòi hỏi với Đài Loan vì mục đích “đoàn kết dân tộc” của Trung Quốc cũng nằm trong nỗ lực đó.
Chiến tranh tâm lý ?
Tuy nhiên, những bảo sao công trình của Đài Bắc mang nặng yếu tố tuyên truyền, hay đúng hơn là « chiến tranh tâm lý » Chuyên gia về Trung Quốc thuộc cơ quan tư vấn l’International Team for the Study of Security of Verona (ITSS Verona), ông Ho ting (Bosco) Hung nhận định. Ông giải thích : « Đây rõ ràng là cách để nói với Đài Loan rằng nếu chính quyền đảo từ chối các yêu sách của Bắc Kinh, Trung Quốc chuẩn bị các kịch bản quân sự ».
Nhưng Bắc Kinh việc gì phải mất nhiều công sức chỉ để gửi một tín hiệu đến Đài Loan và dân chúng hòn đảo. Có nhiều cách đỡ tốn kém hơn để làm việc đó. Nhất là không phải Bắc Kinh tung ra các tiết lộ dựng lại đặc khu Bắc Ái như đề cập ở trên. Trung Quốc thậm chí đã cố gắng kín đáo hơn hồi năm 2015. Vào thời điểm đó, bản sao dinh tổng thống Đài Loan được dựng lên giữa cơ sở huấn luyện Chu Nhật Hòa (Zhurihe), được Bắc Kinh giới thiệu như là căn cứ « lớn nhất châu Á ». Các ảnh chụp từ vệ tinh còn cho thấy tại đó Trung Quốc đã xây dựng một công trình giống hết như tháp Eiffel.
Nhưng công trình xây dựng mới lần này nằm cách đó hàng trăm km, trong một vùng « có lẽ ít bị vệ tinh của phương Tây quan sát hơn là căn cứ Chu Nhật Hòa » chuyên gia Marc Lanteigne nhận xét.
Có khả năng « chính quyền Trung Quốc đợi thời điểm thích hợp để phổ biến các công trình xây dựng mới của họ nhưng họ đã bị lộ trước », theo chuyên gia này.
Chuẩn bị không kích ?
Ông Marc Lanteigne cho rằng, « quân đội Trung Quốc bắt đầu quan tâm một cách cụ thể đến những cuộc tấn công mô phỏng vào các mục tiêu cụ thể và chiến lược. Phiên bản mới khu phố của Đài Bắc thực tế chi tiết hơn nhiều so với phiên bản họ đã làm hồi 2015 ».
Trong trường hợp đặc khu Bắc Ái, có hai kịch bản. Thứ nhất liên quan đến các mô phỏng không kích nhằm « chặt đứt các cơ quan đầu não Đài Loan », theo như trang Taiwan News đã nêu ra. Đó sẽ là một chiến dịch phức tạp vì « người ta biết hệ thống phòng không của Đài Loan rất tốt », ông Ho Ting (Bosco) Hung ghi nhận. Nhưng theo chuyên gia này, việc đó là để chuẩn bị vì « tấn công từ trên không vẫn là giải pháp nhanh nhất để xâm chiếm hòn đảo ».
Một kịch bản khác liên quan đế việc chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ. Chuyên gia Marc Lanteigne cho rằng « chỉ để bắn phá, Trung Quốc có thể sẽ không mất nhiều công sức tái hiện lại khu phố của Đài Bắc ... cuộc chiến đô thị mới là khó khăn hơn trong trường hợp tấn công Đài Loan ».
Chuyên gia này kết luận « Tập Cận Bình thúc đẩy cải cách và hiện đại hóa quân đội. Biết chiến đấu trong môi trường đô thị là một mảng sống còn nên cần phải tập. Việc quân đội chọn tái hiện khu tổng thống Đài Bắc, có thể là do đó sẽ là một hiện trường có thể để quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp ».
(Theo france24.com)
----------