Ông Vương Đình Huệ thăm Trung Quốc làm gì và trong bối cảnh nào?
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2024-04-06
Chuyến thăm của ông Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có những dấu hiệu bất an về đường lối ngoại giao của Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ sắp thăm Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đã nhất trí xây dựng 'cộng đồng chia sẻ tương lai’. Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào?
Ông Vương Đình Huệ sẽ có chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh từ ngày 7 đến 12/4.
Trong một bài viết với hình thức trả lời phỏng vấn nằm trong chiến dịch truyền thông của chính quyền và được một loạt cơ quan báo chí nhà nước đăng tải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lê Thu Hà khẳng định chuyến thăm sẽ làm sâu đậm thêm mối quan hệ hai nước và ký kết một vài văn kiện liên quan tới hợp tác nghị viện, nâng cao vai trò quốc hội trong quan hệ song phương.
Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, tức chủ tịch quốc hội.
Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa miễn nhiệm chủ tịch nước và bị đánh giá là “bất ổn chính trị”, chuyến đi của ông Huệ đang trở thành tâm điểm chú ý.
Chuyến thăm có mục đích gì?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị chủ tịch quốc hội.
Đây cũng sẽ là cuộc gặp mặt đầu tiên của hai vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023.
Chuyến thăm hồi tháng 12/2023 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hai nước khi Việt Nam và Trung Quốc nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”.
Vietnamnet vừa rồi đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba về chuyến thăm của ông Huệ.
Ông Hùng Ba cho biết rằng dự kiến lãnh đạo hai nước sẽ “đi sâu trao đổi kinh nghiệm trong lập pháp và quản lý đất nước”.
Trả lời phỏng vấn VOV, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết nội dung chuyến thăm là để “cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng” và đặc biệt là để thúc đẩy “tin cậy chính trị cao hơn” và củng cố “nền tảng xã hội vững chắc hơn”.
Ngoài việc trao đổi cấp cao, những vấn đề về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch... cũng là những nội dung sẽ được thúc đẩy, theo ông Mai.
Năm 2023, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc và Hong Kong vào Việt Nam tăng mạnh. So với năm 2022, FDI từ Trung Quốc tăng hơn 77%, từ Hong Kong tăng hơn 110%, theo số liệu công bố trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Có thể thấy, chuyến thăm này nhằm thúc đẩy lòng tin giữa đôi bên, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn khẳng định sự ổn định chính trị với láng giềng khổng lồ này.
Bối cảnh chuyến thăm
Ông Vương Đình Huệ sang thăm Trung Quốc chỉ khoảng nửa tháng sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước vào ngày 21/3.
Trong bối cảnh Việt Nam đang cần tìm người kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước, ông Huệ là một trong số ít những người đạt tiêu chuẩn theo Quy định 214-QĐ/TW.
Nếu ông Vương Đình Huệ làm chủ tịch nước, ông sẽ được miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội, gây ra thêm những chuyển biến trong giới lãnh đạo “Tứ trụ”. Do đó, giới quan sát nhận định khả năng ông Huệ làm chủ tịch nước là có nhưng không cao.
Ba ngày trước khi ông Thưởng bị miễn nhiệm, vào ngày 18/3, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung đã lên đường đến thăm Trung Quốc.
Ngày 22/3, ông Trung đã có cuộc gặp với cả lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và của Chính phủ Trung Quốc.
Trong các cuộc hội kiến, ông Trung đã đề nghị hai bên cùng nỗ lực thực hiện tốt nhận thức chung cấp cao và tăng cường tin cậy chính trị, theo báo Nhân dân.
Có thể hiểu là trong chuyến thăm này, đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã cập nhật cho phía Trung Quốc về những diễn biến chính trị gần đây ở trong nước.
Vừa rồi vào thứ Năm (4/4), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã đi thăm Trung Quốc và có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị.
Về mặt kinh tế, trong ba ngày cuối tháng 3/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Trong khuôn khổ chuyến đi, phía Việt Nam đã “tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, xây dựng và phát triển mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.
Có thể thấy rằng, những chuyến đi con thoi, của cả đảng, chính phủ lẫn quốc hội, nằm trong chuỗi nỗ lực thúc đẩy quan hệ, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hiện thực hóa các cam kết và nhận thức chung mà lãnh đạo hai bên đã đạt được.
Điều này trở nên cực kỳ quan trọng hơn khi mà, trong thời gian gần đây, Việt Nam liên tục nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện với một số nước phương Tây hoặc các quốc gia có cạnh tranh lợi ích với Trung Quốc, mới đây nhất là Mỹ, Nhật Bản (năm 2023) và Úc (2024).
Những bước đi ấy của Việt Nam có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an. Thế nên, việc Việt Nam chấp nhận tham gia “cộng đồng chia sẻ tương lai” cũng như thực hiện các hoạt động ngoại giao liên tục vừa qua được đánh giá là các nỗ lực để trấn an, xoa dịu nỗi lo và nghi hoặc của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Đây chính là biểu hiện của đường lối “ngoại giao cây tre” mà phía Việt Nam luôn nhấn mạnh.
Nhiều khác biệt khó hóa giải
Ngày 28/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với các vụ va chạm giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Đức Thắng nói: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).”
Đây là lần mới nhất chính phủ Việt Nam lên tiếng về vấn đề Biển Đông, cho thấy bên cạnh mối quan hệ “phát triển rất tích cực”“những thành tựu quan trọng”, giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn những mâu thuẫn không thể hóa giải.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Trung Quốc chính thức công bố đường cơ sở ở ven Vịnh Bắc Bộ.
Trung Quốc tuyên bố việc làm của họ là phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam sau đó đã lên tiếng.
"Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và UNCLOS 1982," bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói.
Xung đột chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề đã tồn tại từ lâu và cho đến nay, ở nhiều khu vực tranh chấp, hai bên chỉ mới tiến đến các giải pháp tạm thời, có tính chất câu giờ như “tạm gác tranh chấp”, “kiểm soát xung đột”.
Vốn là nước yếu hơn, Việt Nam luôn muốn sử dụng các cơ chế đa phương, luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của các cường quốc khác vào vấn đề Biển Đông được coi là quan trọng để kiềm chế Trung Quốc.
Trong buổi điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/4, ông Biden đã đề cập tới tầm quan trọng của “luật pháp và tự do hàng hải ở Biển Đông”.
Trong bối cảnh xung khắc gay gắt giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đang áp dụng đường lối “ngoại giao cây tre”, được quảng bá là linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên định, để bảo vệ lợi ích của mình.
Ngoại giao cây tre của Việt Nam – Hình do BCT chèn vào bài
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, đường lối này của Việt Nam khó phát huy trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Khi xem xét mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, có một yếu tố không thể bỏ qua, đó là tình cảm của người dân. Tinh thần chống Trung Quốc trong người dân Việt Nam nhìn chung vẫn khá cao và dễ nhận thấy.
Một khảo sát của Viện nghiên cứu ISEAS ở Singapore mới đây cho thấy 79% người Việt Nam ủng hộ việc ngả về phía Mỹ thay vì Trung Quốc nếu phải lựa chọn giữa hai cường quốc.
------------
Chuyến đi sống còn vào Trung Nam Hải của Vương Đình Huệ
Tác giả : namviet Nguồn: rfavietnam Ngày đăng: 2024-04-06
Có vẻ như chuyến đi của Vương Đình Huệ đến Trung Quốc dù là để thắt chặt các mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản nhưng thực sự số phận của ông Huệ đang nằm trong cuộc đối thoại ngoại giao này.
Báo chí nhà nước cho biết, ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 12/4, theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Ủy ban Đối ngoại Việt Nam cho biết hôm 4/4.
Nhìn vào lời mời của phía Trung Quốc và sự đáp lời nhanh nhẩu của phía Việt Nam, người ta nhìn thấy rằng đây như là một cuộc hẹn được sắp đặt trước, gấp rút, và được ngoại giao hóa bề mặt bằng một lời mời của Ủy ban thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.
Mặc dù Thông Tấn Xã Việt Nam đề cao chuyến đi của ông Huệ là cực kỳ quan trọng nhăm “định hướng chiến lược cho quan hệ song phương”, nhưng thật ra đâu còn có cái gì để “định hướng nữa” khi mà ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã nắm chặt tay, cam kết với Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp vào tháng 12/2023, rằng hai quốc gia quyết nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”?
Bất kỳ ai đang quan sát tình hình chiến trường Việt Nam cũng có thể hiểu rằng ông Vương Đình Huệ, con cờ cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng, đang đứng trước những nguy cơ bị loại bỏ bởi Tô Lâm, Bộ trưởng công an kiêm lãnh chúa toàn phần Việt Nam. Chuyến đi này chắc chắn là có lời cậy nhờ của ông Nguyễn Phú Trọng, cùng sự bày tỏ trung thành của ông Vương Đình Huệ với họ Tập, để xin bảo đảm cho chiếc ghế tổng bí thư sắp đến không bị lung lay.
Biếm Họa Ba Bùi
Nếu có tiếng nói của Tập ủng hộ cho việc Huệ thế Trọng, ít nhất thì Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ không thể manh động cho đến khi quy định Huệ ngồi được vào ghế bí thư. Chuyện lật đổ hay loại bỏ ứng cử viên bí thư nhiều sai lầm về đời tư này chỉ có thể hành động sau đó. Nhưng khi Huệ nắm quyền sinh sát rồi, thì chưa biết lúc đó ai sẽ loại ai để giữ mạng cho mình.
Điều thú vị là trước chuyến đi của Huệ trên báo chí bắt đầu lại dấy lên câu chuyện về người tình ca sĩ của Huệ đang nương nhờ ở nước Mỹ thù địch.
Trên báo Ngôi Sao, ngày 4/4, đột nhiên có một bài viết điểm lại cuộc đời của ca sĩ Hương Tràm một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng rõ ràng nó là lưỡi gươm được cố ý treo lơ lửng, đối với ông Huệ. Bài viết có tựa đề Cuộc sống của Hương Tràm sau 5 năm sang Mỹ, trong đó mô tả úp mở rằng cô chọn cuộc sống xa nhà không rõ lý do, và nói “cô có cuộc sống như một sinh viên xa nhà, biết trân quý sức khỏe và suy nghĩ tích cực”.
Thời gian gần đây, mạng xã hội rò rỉ hình ảnh ca sĩ Hương Tràm bế hai đứa bé được cho là sinh đôi, với tin đồn cô này là người tình, và đẻ hai đứa con cho ông Huệ tại Mỹ. Tờ VnExpress dẫn lời của Hương Tràm nói rằng cô không có con giống như lời đồn đại. Tuy nhiên cô không đính chính hay giải thích gì về tấm ảnh cô đang ôm hai đứa bé.
Tin lan nhanh, và thực tế từ đó đến giờ tất cả những câu chuyện bê bối của giới quan chức lộ ra ngoài phần lớn đều là trong nội bộ đưa ra trong mục đích đánh phá, loại bỏ nhau.
Hương Tràm tuyên bố đột ngột từ bỏ sự nghiệp khi đang được chú ý, và nói đi Mỹ học. Nhưng tờ Ngôi Sao lại tiết lộ cô không làm gì ngoài thú vui làm việc ở nhà, hát để phát online trên kênh YouTube riêng. “Theo giọng ca sinh năm 1995, cô muốn thỏa thích thể hiện chất nghệ sĩ, làm mới các bản hit của mình hoặc cover các nhạc phẩm nổi tiếng”, báo này viết.
Cũng úp mở, báo Ngôi sao viết “Ngay cả cô cũng không muốn đánh mất hình tượng vốn đã được mọi người yêu quý, công nhận. 'Tuy nhiên, cuộc sống luôn phải có điều bất ngờ mới thú vị. Hiện tôi sống trong niềm vui thật sự, được là chính mình', cô nói.” (hết trích)
Trên con đường đi phó hội và nài xin Tập Cận Bình một vé để bảo đảm cho chức Bí thư, chắc chắn Vương Đình Huệ cũng sẽ luôn toát mồ hôi hột về đêm, khi nằm nghĩ đến câu chuyện đang cứ úp mở như vậy. Bằng mọi cách để bảo vệ cho mạng sống của mình và cho chức vụ quan trọng mà mình phải nắm bằng được, liệu Vương Đình Huệ có hy sinh thêm phần nào của đất nước, dân tộc, để nhượng bộ Tập Cận Bình cho chiếc miễn tử bài, đem về Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam gay cấn với Trung Quốc về tuyên bố những xâm lấn trên biển?
----------