Dưới thời Biden, Mỹ xem các liên minh châu Á như hàng rào ‘lưới’
Nguồn: VOA | Ngày đăng: 2024-04-18 |
Tổng thống Mỹ Joe Biden, giữa, Tổng thống Philippine Ferdinand Marcos Jr., trái, và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida chụp ảnh trước hội nghị ba bên tại Tòa Bạch Ốc ngày 11/4/2024.
Trong nhiều thập niên, chính sách của Mỹ ở châu Á dựa vào cái được gọi một cách không chính thức là hệ thống “trục và nan hoa” (hub and spokes = trục và căm [tăm] bánh xe = phụ chú BCT) của các liên minh song phương. Nhưng gần đây, các quan chức Mỹ đã sử dụng một cách so sánh khác để mô tả tầm nhìn của họ đối với khu vực: một hàng rào lưới.
Nghe có vẻ chỉ là một sự điều chỉnh mang tính ẩn dụ, nhưng các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nó có thể có ý nghĩa lớn khi họ cố gắng tạo ra một kế hoạch lâu dài để ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo khuôn khổ cũ, Hoa Kỳ, siêu cường quân sự toàn cầu, đóng vai trò là trung tâm và các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, đóng vai trò là nan hoa.
Các nan hoa không liên kết với nhau. Nhưng động lực đó đang thay đổi, khi một số đồng minh và đối tác lớn của Hoa Kỳ liên kết lại xung quanh cái mà họ gọi là “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Những gì các quan chức Mỹ hình dung không phải là một liên minh hiệp ước đa phương như NATO. Các nhà phân tích từ lâu đã cho rằng một khuôn khổ an ninh như vậy là không thể ở châu Á, do các lợi ích cạnh tranh và sự thù địch lịch sử sâu sắc, ngay cả giữa các đồng minh của Mỹ.
Thay vào đó, mục tiêu là giúp tạo ra ngày càng nhiều các mối liên kết củng cố lẫn nhau giữa các quốc gia có cùng quan điểm, cùng nhau tạo thành một hàng rào – hay nói cách khác là một mạng lưới.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên
Chiến lược mạng lưới đã được thể hiện vào tuần trước, khi ông Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên.
Cuộc gặp gỡ có giá trị biểu tượng quan trọng. Một tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về thái độ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cố gắng đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ của mình đè bẹp các yêu sách lãnh thổ của Nhật Bản và Philippines.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ thêm cho các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Philippines và tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc tập trận chung trong khu vực với sự tham gia của ngày càng nhiều đối tác trong những năm gần đây.
Tại cuộc gặp riêng giữa ông Biden và ông Kishida, Mỹ và Nhật đã công bố hàng chục thỏa thuận song phương liên quan đến hợp tác quốc phòng, bao gồm kế hoạch cho phép các lực lượng Mỹ và Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn trong một cuộc xung đột tiềm ẩn.
Theo một quan chức chính quyền Hoa Kỳ, người đã nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo, các cuộc gặp này là bằng chứng cho thấy kế hoạch châu Á của ông Biden đang có hiệu quả.
“Lý thuyết của (Biden) là nếu Hoa Kỳ tái đầu tư vào các liên minh và quan hệ đối tác của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… thì những đồng minh và đối tác đó sẽ sát cánh cùng nhau theo những cách giúp chúng tôi được trang bị tốt hơn nhiều để hoàn thành các mục tiêu của mình,” quan chức Hoa Kỳ nói.
Quan chức này nói thêm, không nơi nào lý thuyết này được chứng minh tốt hơn so với liên minh giữa Mỹ và Nhật, nơi ông Kishida “tiến lên và bước vào thế giới nhiều hơn bất kỳ ai thực sự có thể tưởng tượng”.
Nhật đóng vai trò chủ chốt
Khi Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiềm chế theo chủ nghĩa chủ hòa của họ, quốc gia này đã trở thành một nước đóng vai trò quan trọng trong an ninh khu vực. Nhật Bản đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, chuyển sang mua phi đạn có thể tấn công các quốc gia khác và ban hành những thay đổi về mặt pháp lý cho phép nước này xuất khẩu vũ khí dễ dàng hơn.
Nhật Bản hiện tham gia sâu vào nhiều diễn đàn do Mỹ dẫn đầu, bao gồm Đối thoại An ninh Bốn bên, một liên minh không chính thức bao gồm Australia và Ấn Độ, và Nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến, ngày càng tập trung vào Trung Quốc.
Tuần trước, Anh, Mỹ và Australia tuyên bố đang xem xét hợp tác với Nhật Bản thông qua hiệp ước an ninh AUKUS. NATO, liên minh quân sự châu Âu, cũng đã mở rộng hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Ông Daniel Russel, phó chủ tịch tổ chức Asia Society và là cựu quan chức hàng đầu về châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Nhật Bản ngày nay không còn là quốc gia nhút nhát và hướng nội, trông cậy vào chủ nghĩa hòa bình và sức mạnh của Mỹ để bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài”.
Một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong khu vực là việc cải thiện mối quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, vốn đã căng thẳng từ lâu vì các vấn đề liên quan đến việc Nhật Bản chiếm đóng thuộc địa Hàn Quốc. Dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, hiện nay hai nước thường xuyên tham gia các cuộc tập trận với Mỹ. Năm ngoái, ba nước đã công bố một hệ thống mới để chia sẻ dữ liệu cảnh báo phi đạn của Triều Tiên trong thời gian thực.
Có hiệu quả không?
Rất ít nhà quan sát phủ nhận rằng những thay đổi lớn đang diễn ra khi các nước phản ứng trước một Trung Quốc hùng mạnh hơn. Nhưng sự thay đổi chiến lược hướng tới Hoa Kỳ còn lâu mới được nhất trí.
Ông Van Jackson, giảng viên tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nói: “Hầu hết các chính phủ trong khu vực đều đang phòng ngừa rủi ro, thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc là đối tượng lâu dài và trung tâm của nền kinh tế chính trị châu Á”.
Theo một cuộc khảo sát được Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore công bố trong tháng này, nhận thức của các nước Đông Nam Á về Hoa Kỳ đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.
Cuộc khảo sát Tình hình Đông Nam Á hàng năm đều đặt ra những câu hỏi tương tự cho một nhóm chuyên gia và quan chức chính phủ.
Hơn một nửa, 51% số người được hỏi ở Đông Nam Á cho biết họ sẽ đứng về phía Trung Quốc thay vì Mỹ nếu buộc phải lựa chọn. Đây là lần đầu tiên cuộc khảo sát cho thấy sự ưa thích dành cho Trung Quốc.
Theo cuộc thăm dò, một trong những phàn nàn chính là sự hoài nghi về sự tham gia kinh tế của Hoa Kỳ. Sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, nhiều người ở châu Á đã đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có cam kết tự do thương mại như trước đây hay không.
Các quan chức của ông Biden không đồng ý về quan điểm đó, coi Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay IPEF, như một đối trọng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Nhưng IPEF khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống ở chỗ nó không mang lại khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn hoặc giảm thuế quan - những lĩnh vực không còn được coi là an toàn trong bối cảnh chính trị nội bộ của Hoa Kỳ. Bất chấp điều đó, ông Trump đã thề sẽ dẹp IPEF nếu đánh bại ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Theo ý kiến của ông Philip Turner, nguyên là một nhà ngoại giao New Zealand, IPEF dường như đã thất bại phần lớn.
Ông Turner, người gần đây nhất giữ chức đại sứ New Zealand tại Hàn Quốc, cho biết: “Nhiều nước châu Á và các nước trong khu vực như Australia và New Zealand đã chỉ ra rằng việc Mỹ không cam kết về mặt kinh tế với khu vực sẽ làm suy yếu các tuyên bố của nước này đối với vai trò lãnh đạo khu vực”.
Ông Turner nói thêm, mặc dù khu vực đang ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy và thái độ của Trung Quốc, nhưng rất ít quốc gia châu Á ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Ông nói: “Họ muốn Hoa Kỳ bước xuống từ việc ép buộc kinh tế cao độ chống lại Trung Quốc và tìm cách hòa hợp với nhau mà không xảy ra xung đột”.
----------