Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
Tác giả : Eliot A. Cohen Biên dịch : Viên Đăng Huy |
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế | Ngày đăng: 2024-04-19 |
Cuộc tấn công của Iran vào Israel chỉ là một chiến dịch trong một cuộc xung đột lớn hơn nhiều.
Vợ tôi, một người lưu trữ hình ảnh, thường xuyên chỉ ra rằng tất cả hình ảnh tĩnh đều là kết quả của quá trình cắt xén kép – lát cắt theo thời gian (chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trước hoặc sau khoảnh khắc đó) và lát cắt theo không gian (chúng ta không biết những gì xảy ra bên ngoài khung hình của nhiếp ảnh gia). Tương tự như vậy, các xung đột bạo lực, chẳng hạn như loạt 300 drone, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo gần đây của Iran nhằm vào Israel, cũng vậy. Để hiểu những gì chúng ta đang quan sát, chúng ta cần phải nhìn ra xa hơn khung hình của những thứ chúng ta nhìn thấy ban đầu.
Cuộc tấn công của Iran không chỉ đơn thuần là hành động đáp trả cuộc không kích của Israel vào Damascus ngày 1 tháng 4, khiến hai tướng lĩnh Iran và năm sĩ quan khác thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo thiệt mạng. Thay vào đó, nó đại diện cho một điểm thay đổi quan trọng trong cuộc chiến bán bí mật đã diễn ra trong nhiều năm. Cuộc xung đột đó bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào tàu biển của cả hai bên, các vụ đánh bom nhắm vào các mục tiêu dân sự Do Thái và Israel, các vụ phóng rocket qua biên giới phía bắc của Israel và thỉnh thoảng là các hoạt động ám sát các nhân vật chủ chốt, chẳng hạn như Mohsen Fakhrizadeh, cha đỡ đầu của chương trình hạt nhân Iran.
Những người hay bông đùa về chiến tranh từ Israel thường xuyên đưa ra những câu nói đầy mỉa mai về chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Tehran đến Jerusalem kể từ năm 1979, nhưng như thường lệ, những câu bông đùa này chứa đựng một sự thật ngầm hiểu sâu sắc: Sự thù địch không khoan nhượng đối với Israel là một phần trong DNA của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Hơn nữa, sự thù địch đó gắn bó chặt chẽ với sự thù địch của Iran đối với Mỹ: Một bên là Satan, bên kia là đại diện cho sự vĩ đại. Hòa giải với một trong hai là không thể về mặt ý thức hệ; sự thù địch đối với cả hai và niềm tin rằng cả hai gắn bó mật thiết với nhau là không thể lay chuyển.
Tuy nhiên, có một sự thay đổi ở đây. Cuộc chiến bán bí mật của Iran sử dụng Hezbollah ở Lebanon (và các nơi khác trên thế giới), dân quân Iraq và lực lượng Houthi ở Yemen để tấn công và tiêu diệt kẻ thù của mình. Giới hạn đó đã bắt đầu thay đổi. Sử dụng hơn 300 vũ khí dẫn đường và nhận trách nhiệm về việc đó là một tuyên bố công khai rằng Iran sẵn sàng tiến hành chiến tranh công khai chứ không chỉ trong bóng tối.
Hành động này bản thân nó là một phần trong xu hướng hiếu chiến lớn hơn của Iran: bao gồm việc sử dụng lực lượng dân quân Iraq để tấn công các căn cứ của Mỹ cũng như việc trang bị vũ khí và hỗ trợ cho lực lượng dân quân Houthi trong các cuộc tấn công vào tàu vận tải dân sự ở Biển Đỏ và xa hơn nữa. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao Iran bắt đầu hành động trắng trợn hơn, ít thận trọng hơn và ở phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết?
Một trong những câu trả lời có thể là bước tiến dường như không thể thay đổi của Iran trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân, một bước tiến đã bị làm chậm lại một thời gian ngắn do cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 (theo sau đó là sự tạm dừng chương trình từ Iran) và Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) yểu mệnh năm 2015, bị chính quyền Trump từ bỏ và được chính quyền Biden cố gắng hồi sinh nhưng không thành công.
Tuy nhiên, câu trả lời thứ hai sâu sắc hơn là việc Iran gia nhập một liên minh tạm thời (coalition) – không phải liên minh chính thức (alliance) – với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Iran hiện đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Drone của Iran bay hàng đêm nhằm vào các thành phố của Ukraine, làm lộ rõ và gây áp lực lên hệ thống phòng không của Ukraine nhằm mở đường cho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga. Iran được cho là đã giúp xây dựng các nhà máy sản xuất drone tại Nga, có lẽ để đổi lấy sự hỗ trợ của Nga trên các mặt trận khác.
Chính sự thay đổi địa chính trị lớn này đã khiến cuộc tấn công của Iran vào Israel trở nên nổi bật. Các nước chủ chốt trong khối liên minh Nga-Trung-Iran-Triều Tiên ngày càng sẵn sàng sử dụng bạo lực công khai (chống lại Ukraine, Israel và Philippines), và đe dọa tiến hành những điều còn tồi tệ hơn nhiều, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ đoàn kết với nhau bởi niềm tin ngày càng tăng rằng thời điểm của họ đang đến, khi một phương Tây bị chia rẽ và thiếu quyết đoán, giàu có hơn nhưng yếu đuối hơn, sẽ không sẵn sàng chiến đấu.
Để đáp lại, như thường lệ, các quốc gia phương Tây chuyển sang các giải pháp công nghệ và chiến thuật. Trong ngắn hạn, các biện pháp này có tác dụng nhất định. Israel, với sự hỗ trợ của Mỹ, Anh và có thể cả các cường quốc khác (đã có đề cập đến sự can dự của Pháp và Jordan), đã bắn hạ hầu hết mọi tên lửa hướng tới họ. Đây là một kỳ tích đáng kinh ngạc và chắc chắn sẽ tạo ra nhu cầu lớn về công nghệ chống tên lửa của Israel. Theo cách tương tự, các tàu chiến của Mỹ và châu Âu đã bắn hạ hầu hết các tên lửa của Houthi (thực ra là của Iran) nhắm vào các tàu buôn đang cố gắng tiếp cận Kênh đào Suez.
Nhưng về lâu dài, việc phòng thủ chống tên lửa sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Nếu mỗi tên lửa phòng thủ mà bạn bắn, cùng với tất cả các hệ thống phát tín hiệu và điều khiển nó, tốn kém hơn rất nhiều so với tên lửa đang bay tới, thì ngay cả những quốc gia giàu nhất cũng sẽ tự phá sản. Những hệ thống như vậy hiện chưa được sản xuất hàng loạt, mặc dù điều đó có thể thay đổi. Hơn nữa, kỷ nguyên mới của chiến tranh tên lửa và drone vẫn còn ở giai đoạn đầu. Như cuộc chiến drone trên các cánh đồng ở Ukraine cho thấy, số lượng, cũng như độ phức tạp của những hệ thống như vậy sẽ tăng lên nhanh chóng dưới sự thúc đẩy của xung đột thực tế. Trò chơi dần trở thành một cuộc rượt đuổi giữa công nghệ tấn công và phòng thủ, và trong mọi trường hợp, không có cách phòng thủ nào có hiệu quả 100% về lâu dài. Và như vậy, sớm hay muộn, tàu sẽ chìm, các tòa nhà chung cư sẽ nổ tung, và dân thường sẽ tiếp tục bỏ mạng.
Trong những cuộc rượt đuổi như vậy, kẻ tấn công sẽ giành chiến thắng vì những tác động lớn hơn. Tàu vận tải sẽ tránh những tuyến đường nhất định, các công ty sẽ ngần ngại khi kinh doanh ở vùng chiến sự, còn khách du lịch và các giám đốc điều hành sẽ tránh xa các sân bay nơi còi báo động thỉnh thoảng vang lên. Đó là chiến lược lớn hơn đang được áp dụng ở đây và đừng nhầm lẫn: Mục đích của Iran, như đã được tuyên bố nhiều lần và rõ ràng, là tiêu diệt nhà nước Israel, một mục tiêu được Hamas chia sẻ, và có thể là bởi đám đông la hét khẩu hiệu “Từ sông ra biển” (from the river to the sea) trên đường phố New York hay London. Bản thân điều này không có gì mới; vào giữa thế kỷ trước, đó là mục tiêu của Ai Cập và Syria, nhưng đó chỉ là thông qua một hoặc hai trận chiến đỉnh cao. Đây là một cái gì đó kéo dài hơn nhiều.
Mục đích ở đây cũng là một cái gì đó lớn hơn nhiều so với cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt Israel. Mục tiêu của liên minh Nga-Trung-Iran-Triều Tiên không phải là lật đổ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”—một cụm từ thường gây hiểu lầm bởi vì luôn có những loại quy tắc nào đó—mà là lật đổ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, vốn là một tạo tác của 75 năm qua. Bộ khung của liên minh, có thể nói, là một bộ khung lớn, trong đó Mỹ và các đồng minh đại diện cho một tổng thể mong manh mà nếu bị tác động mạnh vào một số chỗ cụ thể, sẽ bị tan rã.
Do vậy, trong bộ khung đó, Mỹ và các đồng minh phải xem xét các bước đi tiếp theo. Việc Iran chống lại Israel chỉ là một chiến dịch trong một cuộc xung đột lớn hơn nhiều. Vào giữa những năm 1930, thật sai lầm khi coi cuộc xâm lược Abyssinia của Ý, Nội chiến Tây Ban Nha, việc Đức tái chiếm Rhineland và việc Nhật Bản phát động chiến tranh ở Trung Quốc vào năm 1937 là một tập hợp các sự kiện riêng biệt và không có mối liên hệ với nhau. Trên thực tế, chúng đại diện cho một vấn đề lớn. Các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ sai lầm nếu họ cố gắng khu biệt từng thách thức ngày nay một cách tương tự: chiến tranh Ukraine, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, xung đột ở Trung Đông.
Một liên minh của phương Tây và các đối tác sẵn sàng hành động để chống lại cuộc tấn công tên lửa của Iran là một dấu hiệu đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, cho đến khi Iran trả giá đắt và rõ ràng cho hành vi tấn công trực tiếp không chỉ Israel mà cả các nước láng giềng Ả Rập và các tuyến đường vận chuyển hàng hóa toàn cầu thông qua các lực lượng ủy nhiệm của họ, nếu không, vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Nếu có một thời điểm nào đó mà khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự, thì chính là lúc này. Nhưng ngay cả khi Mỹ trách mắng các đồng minh của mình vì không chi tiêu đủ, thì chi tiêu quốc phòng lúc dó của chính nước Mỹ, tính theo phần trăm GDP, đang giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ thời bình năm 1999, xuống còn 2,7%. Điều đó không mang lại cho các chính trị gia cây gậy lớn mà họ cần nếu họ muốn những lời nói nhẹ nhàng của họ trở nên thuyết phục hơn.
Từ nay cho đến khi Mỹ nghiêm túc về những gì cần làm để duy trì trật tự mà nước này đã góp phần tạo dựng và duy trì, mang lại lợi ích to lớn cho chính mình và những nước khác trong quá trình này, thì sẽ có thêm nhiều tên lửa bay tới các thành phố của các đồng minh dân chủ. Thật là một sự an ủi lạnh lùng khi những quốc gia khác sẽ phải trả giá bằng máu từ rất sớm trước khi nước Mỹ làm điều tương tự – nhưng sớm hay muộn thì Mỹ cũng sẽ phải trả một cái giá tương đương.
Eliot Cohen là cộng tác viên của The Atlantic. Ông là thành viên Arleigh Burke về Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là tác giả cuốn The Hollow Crown: Shakespeare về cách các nhà lãnh đạo trỗi dậy, cai trị và sa ngã.
Nguồn: Eliot A. Cohen, “The Coalition of Malevolent”, The Atlantic, 14/04/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
----------