Làn sóng rời Hạ viện Mỹ của nghị sĩ Cộng hòa
Tác giả : Vũ Hoàng | Nguồn: VnExpress | Ngày đăng: 2024-04-22 |
Nhiều lý do được các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đưa ra khi quyết định nghỉ hưu và một trong số đó là không còn tin tưởng vào đảng.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Wisconsin Mike Gallagher đã thông báo sẽ rời quốc hội vào tháng này. Ông là một trong 21 đảng viên Cộng hòa quyết định rời đi trong năm nay. Nhưng một số đảng viên Cộng hòa trước đó tuyên bố ý định rời đi đã xem xét lại. Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise muốn nhấn mạnh thực tế này với Gallagher, hy vọng ngôi sao trẻ đang lên của đảng có thể cân nhắc.
"Tôi nói 'anh biết đấy, vẫn chưa quá muộn đối với anh', chúng tôi đã nói đùa về điều đó", Scalise nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực thuyết phục anh ấy".
Mike Gallagher trong một cuộc họp tại Đồi Capitol hồi tháng 5/2023. Ảnh: Reuters
Nhưng nỗ lực này vẫn chưa có kết quả. Gallagher, 40 tuổi, chưa từ bỏ quyết định.
Hạ viện Mỹ gồm 435 ghế, trong đó đảng Cộng hòa giữ 218 ghế, đảng Dân chủ giữ 213 ghế, 4 ghế đang bỏ trống. Khi một nghị sĩ lựa chọn nghỉ hưu sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm nay và không tái tranh cử, ghế đó sẽ được định đoạt trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. Nếu một nghị sĩ rời đi trước khi kết thúc nhiệm kỳ, khu vực mà nghị sĩ đó đại diện sẽ tổ chức bầu cử đặc biệt để định đoạt người thay thế. Ứng viên từ cả hai đảng đều có thể tham gia bầu cử đặc biệt.
43 nghị sĩ, gần như chia đều cho cả hai đảng, sẽ không trở lại Hạ viện vào năm tới. Trong khi số lượng người nghỉ hưu ngang bằng những năm trước, việc tìm hiểu đảng viên Cộng hòa nào sẽ nghỉ hưu và thời gian nghỉ hưu sớm của họ cho thấy một câu chuyện phức tạp hơn.
5 trong 21 đảng viên Cộng hòa sắp nghỉ hưu sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. 4 chủ tịch ủy ban đảng Cộng hòa sẽ rời đi.
8 nghị sĩ sắp rời khỏi Ủy ban Thương mại và Năng lượng và 8 chủ tịch tiểu bang cũng sẽ nghỉ. 4 cựu thành viên của kỷ nguyên lãnh đạo quá khứ đã tuyên bố rời ghế, gồm cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, cấp phó của ông, hạ nghị sĩ Patrick T. McHenry, cựu phó chủ tịch Drew Ferguson và McMorris Rodgers, người từng giữ chức chủ tịch hội nghị đảng Cộng hòa.
Một năm đầy biến động với thế đa số mong manh không hẳn là lý do thúc đẩy các đảng viên Cộng hòa rời đi tìm kiếm chức vụ cao hơn hoặc theo đuổi các cơ hội khác ngoài Đồi Capitol. Nhưng nó đã gửi đi tín hiệu đáng báo động về mối quan hệ trong đảng, giới quan sát đánh giá.
Thái độ đối chọi, ghét bỏ lẫn nhau giữa các thành viên Cộng hòa sau khi cựu chủ tịch Kevin McCarthy bị bãi nhiệm hồi năm ngoái đã đóng vai trò quan trọng trong quyết định từ bỏ của hạ nghị sĩ Debbie Lesko.
Lesko tuyên bố nghỉ hưu giữa lúc cuộc chiến ba tuần để bầu Mike Johnson lên ghế chủ tịch Hạ viện đang diễn ra, với lý do muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhưng bà đã ám chỉ lý do sâu xa khi nhận xét "Washington đã tan vỡ, thật khó hoàn thành được việc gì".
Greg Pence hồi tháng một thông báo sẽ không tái tranh cử. Ông nhấn mạnh rằng cách nhiều đồng nghiệp cư xử trong những tháng trước đó "không tạo ra động lực" khiến ông ở lại.
Hạ nghị sĩ Kelly Armstrong, người được bầu vào năm 2018 và đã quyết định tranh cử thống đốc, nhấn mạnh ông chưa bao giờ "hiểu điều bình thường trong quốc hội là thế nào" sau khi trải qua hai cuộc luận tội chống lại cựu tổng thống Donald Trump, đại dịch Covid-19 và cuộc bạo loạn Đồi Capitiol.
Gallagher, người được bầu trước Armstrong hai năm, lặp lại quan điểm trên, khẳng định "quốc hội ngày càng hỗn loạn" và tình trạng đó "diễn ra khá đều đặn" trong suốt 8 năm ông làm việc.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 18/4, Gallagher ám chỉ rằng ông và gia đình đã nhận những lời dọa giết và bị quấy rầy vào đêm khuya. Bình luận này cho thấy quyết định của ông có liên quan đến lo ngại về bạo lực chính trị gia tăng ở Mỹ.
Gallagher cũng cho hay ông đã cân nhắc xem liệu mình sẽ tạo ra tác động lớn hơn đến các vấn đề mà ông quan tâm bằng cách tiếp tục ở lại quốc hội hay làm việc trong khu vực tư nhân.
Ken Buck tại Đồi Capitol hồi tháng hai. Ảnh: Reuters
Ken Buck, người rời đi hồi tháng ba, nói rằng căng thẳng gia tăng trong nội bộ đảng đã tác động đến quyết định của ông. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp cho rằng chính ông đã góp phần gây ra bất ổn. Buck đã bỏ phiếu phế truất McCarthy, cho rằng cựu chủ tịch Hạ viện "không giữ lời hứa" cắt giảm đáng kể chi tiêu.
Hạ nghị sĩ Colorado nhận thấy đảng Cộng hòa không còn cố gắng đạt được mục tiêu cắt giảm chi tiêu một cách thực tế mà chỉ tập trung vào việc bảo vệ cựu tổng thống Trump và ghi điểm chính trị.
"Tôi nghĩ làn sóng dân túy đã làm xói mòn những giá trị bảo thủ mà tôi có được khi đến nơi này", ông nói. "Bây giờ, chúng ta tổ chức luận tội như thể một lễ hội nào đó".
Buck cho biết ông từng thành công khi thông qua luật có sự ủng hộ của lưỡng đảng về thay đổi cách các công ty giải quyết những khiếu nại tấn công và quấy rối tình dục, nâng cao nhận thức về luật chống độc quyền nhắm vào các ông lớn công nghệ. Nhưng ông gọi đây là điều mỉa mai khi bản thân "làm việc tốt hơn với nghị sĩ Dân chủ thay vì đảng Cộng hòa".
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tại Washington hồi tháng hai. Ảnh: Reuters
Phe Cộng hòa lo lắng rằng việc một số nghị sĩ quyết định rời Hạ viện sẽ đe dọa thế đa số hiện tại của họ. Ứng viên Cộng hòa có thể bị ứng viên Dân chủ đánh bại trong các cuộc bầu cử đặc biệt và tổng tuyển cử cuối năm. Ngay cả khi ứng viên Cộng hòa giữ được ghế, việc các nghị sĩ cũ rời đi có thể mở ra cơ hội cho những ứng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn, sẵn sàng cản trở các đề xuất hơn là thỏa hiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhà bình luận bảo thủ Charlie Kirk, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thừa nhận "thách thức lớn hiện nay là giữ được đội ngũ đoàn kết" và việc nhiều người rời Hạ viện sớm không giúp ích gì cho đảng Cộng hòa trong sứ mệnh "cứu lấy quốc gia".
"Nếu không giữ được thế đa số, đảng Cộng hòa không thể làm điều đó", ông nói.
Vũ Hoàng
(Theo Washington Post, NBC, Reuters)
(Theo Washington Post, NBC, Reuters)
----------