23 VĐV bơi lội Trung Quốc dương tính doping trong xét nghiệm trước Olympic Tokyo
Tác giả : Trí Đạt Nguồn: Việt Luận Ngày đăng: 2024-04-23
Trung Quốc cử 432 vận động viên tham dự Olympic Tokyo năm 2021 (Nguồn: Chụp màn hình video CCTV)
Theo New York Times đưa tin hôm 20/4, 23 vận động viên bơi lội hàng đầu của Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính doping 7 tháng trước Olympic Tokyo 2021, nhưng các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã ngầm rửa sạch tội danh sử dụng dopping của họ.
Cùng với đó, cơ quan toàn cầu chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng ma túy trong thể thao đã chọn không can thiệp, cho phép họ thoát khỏi sự giám sát của công chúng và tiếp tục thi đấu.
Báo cáo cho biết, nhiều vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính – bao gồm gần một nửa đội bơi lội Trung Quốc cử đến Thế vận hội Tokyo – sau đó đã giành được huy chương, trong đó có 3 huy chương vàng. Nhiều người trong số họ vẫn đang thi đấu cho Trung Quốc, và một số vận động viên, trong đó có vận động viên từng 2 lần đoạt huy chương vàng Trương Vũ Phi (Zhang Yufei), dự kiến sẽ tranh huy chương một lần nữa tại Thế vận hội Mùa hè năm nay ở Paris.
Trung Quốc thừa nhận các kết quả xét nghiệm dương tính trong một báo cáo của cơ quan giám sát chống doping, nói rằng các vận động viên bơi lội đã nuốt phải một lượng nhỏ chất cấm trong tình huống không biết (vô tình nuốt phải), do đó không cần thiết phải áp dụng bất cứ hành động nào đối với họ.
Nhưng một cuộc điều tra của New York Times cho thấy, vụ việc chưa được báo cáo trước đó đã gây chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng chống doping, trong khi thành tích của các vận động viên Trung Quốc luôn là chủ đề nóng trong lĩnh vực chống doping này.
Email qua lại
Quan chức Mỹ và các chuyên gia khác nói rằng trước khi tiến hành điều tra thêm, các vận động viên bơi lội đáng lẽ phải bị đình chỉ thi đấu hoặc công khai danh tính. Họ cho rằng các quan chức thể thao Trung Quốc, cơ quan quản lý quốc tế về bơi lội – Liên đoàn Bơi lội Thế giới (World Aquatics), và cơ quan toàn cầu giám sát các chương trình thử nghiệm ma túy của các quốc gia – Cơ quan chống doping, đã không làm được điều này.
Mặc dù các email trao đổi giữa một quan chức chống doping Trung Quốc và một trong những quan chức cấp cao nhất của bơi lội thế giới dường như chỉ ra rằng một hành vi vi phạm có thể đã xảy ra và ít nhất phải được thừa nhận một cách công khai, nhưng các cơ quan chủ quản vẫn quyết định không hành động.
Báo cáo cho biết ngay cả sau khi các quan chức chống doping các nước khác và quốc tế liên tục cung cấp thông tin cho Cơ quan chống doping thế giới (WADA), chỉ ra hành vi che đậy và sử dụng doping của các vận động viên bơi lội Trung Quốc, nhưng cơ quan này vẫn quyết định không quy trách nhiệm cho các vận động viên. Đồng thời còn tuyên bố rằng “thiếu bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào” để nghi ngờ về cách nói của Trung Quốc đối với sự kiện này. WADA bảo vệ quyết định không hành động của mình, nói rằng những lời chỉ trích là vô căn cứ.
Mỹ có thể truy tố
Theo nguồn tin quen thuộc với vấn đề này và tài liệu mà New York Times đọc được, năm ngoái FBI đã biết về sự tồn tại của các kết quả xét nghiệm dương tính và lý do Trung Quốc rửa sạch tội danh cho các vận động viên, và cả việc Cơ quan chống doping quốc tế không hành động.
Các nhà điều tra liên bang đã thực hiện các bước trong những tuần gần đây để tìm hiểu thêm về vụ án. Một phát ngôn viên của FBI từ chối bình luận. Bất kỳ cuộc điều tra nào của chính quyền Mỹ sẽ được hỗ trợ bởi một công cụ pháp lý mới mạnh mẽ: Một đạo luật được thông qua vào năm 2020 trao cho Bộ Tư pháp Mỹ quyền truy tố hình sự các nỗ lực nhằm phá hoại các sự kiện thể thao quốc tế thông qua doping, bất kể chúng xảy ra ở đâu.
Trong tuyên bố trả lời câu hỏi của New York Times, Cơ quan chống doping Mỹ chỉ trích Cơ quan chống doping thế giới (WADA) – cơ quan đối ứng toàn cầu của họ – đã không hoàn thành sứ mệnh của mình.
Vận động viên trong sạch “bị đâm sau lưng”
Ông Travis T. Tygart, Giám đốc điều hành Cơ quan chống doping Mỹ, cho biết: “Đây dường như là một cú đâm sau lưng đối với các vận động viên trong sạch, là sự phản bội sâu sắc đối với tất cả các vận động viên thi đấu công bằng và tuân thủ các quy tắc”.
Ông Tygart thừa nhận rằng kể từ năm 2020, ông đã nhiều lần cung cấp cho WADA những cáo buộc về doping đối với giới bơi lội Trung Quốc. “Tất cả những thủ đoạn bẩn thỉu nhằm che đậy những kết quả dương tính này và bịt miệng những người tố giác dũng cảm, đều nên bị truy cứu trách nhiệm trong phạm vi các quy tắc và luật pháp lớn nhất.”
Bài báo cáo này của New York Times dựa trên việc xem xét các tài liệu và email bí mật, bao gồm các báo cáo do Cơ quan chống doping Trung Quốc biên soạn và nộp cho Cơ quan chống doping thế giới, cũng như các cuộc phỏng vấn với những người liên quan đến hoạt động nỗ lực chống doping trên toàn thế giới. Một số cuộc phỏng vấn được thực hiện mà không xác định được nguồn tin vì họ không được phép phát biểu công khai hoặc sợ bị trả thù.
Hãng tin AFP chỉ ra, họ chưa liên hệ được với Cơ quan chống doping Trung Quốc để bình luận về vấn đề này.
AFP đã liên hệ với Liên đoàn bơi lội Trung Quốc để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.
AFP chỉ ra trong báo cáo của mình rằng đội tuyển bơi lội Trung Quốc có lịch sử sử dụng doping đáng hổ thẹn, đặc biệt là vào những năm 1990. Tại Đại hội thể thao châu Á Hiroshima năm 1994, bảy vận động viên bơi lội Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy. Khi Úc đăng cai Giải vô địch bơi lội thế giới năm 1998, vận động viên bơi lội người Trung Quốc Viên Viên (Yuan Yuan) bị phát hiện mang trái phép một lượng lớn hormone tăng trưởng trong hành lý khi nhập cảnh vào nước này.
Vận động viên bơi lội nổi tiếng của Trung Quốc Tôn Dương (Sun Yang), người từng 3 lần đoạt huy chương vàng Olympic, cũng bị đình chỉ vì xét nghiệm dương tính với ma túy. Anh cũng bị cấm tham gia Thế vận hội Tokyo sau khi đơn kháng cáo của anh bị bác bỏ.
Trí Đạt
----------
Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước phát giác các ngôi sao bơi lội Trung Quốc dùng doping
Tác giả : Anh Vũ Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-04-23
Cuối tuần qua, truyền thông Đức và Mỹ đã công bố một cuộc điều tra cho biết 23 vận động viên bơi của Trung Quốc có kết quả dương tính với doping ngay trước Olympic Tokyo 2021, nhưng 13 trong số họ vẫn được tham gia thi đấu và giành huy chương ở Thế Vận Hội mùa hè năm đó. Ngay lập tực, hôm qua, Bắc Kinh qua kênh ngoại giao đã phản ứng gay gắt với những tiết lộ đang gây sốc trong làng thể thao thế giới.
4 nữ vận động viên bơi của Trung Quốc được huy chương Vàng môn 400 m tự do tại Thế Vận Hội Tokyo 2021. AFP - ATTILA KISBENEDEK
Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
“Nếu như Trung Quốc không chấp nhận thông tin riêng từ đài phát thanh ARD và nhật báo New York Times, là bởi vì tại đây những tay bơi bị cáo giác được ca ngợi như những anh hùng thực sự. Nhiều người trong số này đã giành huy chương, có cả huy chương Vàng ở Olympic Tokyo 2021, như các vận động viên Trương Vũ Phi (Zhang Yufei), nội dung 200 mét bơi bướm và 400 m tự do, Uông Thuận (Wang Shun) ở 200 m bơi hỗn hợp, Dương Tấn Tuyên (Yang Junxuan) ở môn 4x200m tự do. Ngoài ra, còn một số vận động viên trong danh sách được thi đấu tại Paris mùa hè 2024.
Theo cuộc điều tra của đài phát thanh Đức và nhật báo Mỹ, các vận động viên bơi của Trung Quốc có thể đã dùng trimetazidine (TMZ), một loại chất cấm có tác dụng cải thiện thành tích thể thao. Một báo cáo, do Cơ quan chống doping Trung Quốc thực hiện, đã kết luận là các vận động viên này bị nhiễm chất cấm qua thực phẩm và lý do đó đã được Cơ quan chống doping thế giới (Wada) chấp nhận. Hôm thứ Hai (22/04), phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc, Vương Văn Bân, đã nhắc lại chi tiết này tại Bắc Kinh :
« Các thông tin liên quan là không đúng. Cuộc điều tra sâu và chi tiết về sự cố này do trung tâm chống doping Trung Quốc thực hiện năm 2021, đã xác định rằng các vận động viên liên quan đã uống thuốc nhiễm chất cấm mà không biết. Các vận động viên Trung Quốc dính dáng trong vụ việc này đã không gian lận, không cố tình, hành vi của họ không vi phạm các quy định chống doping ».
Chính quyền Trung Quốc khẳng định vẫn luôn bảo vệ tính « cạnh tranh trung thực trong các sự kiện thể thao » và đã « đóng góp tích cực đấu tranh chống doping ». Tuy nhiên, họ quên mất rằng vận động viên bơi Tôn Dương (Sun Yang) đã bị phát hiện dương tính với chất TMZ và bị cấm thi đấu 3 tháng hồi năm 2014.
----------