Tôi, đứa con người tù “học tập cải tạo” (Kỳ 2)
Tác giả : Lê Xuân Mỹ | Nguồn: Báo Tiếng Dân | Ngày đăng: 2024-04-28 |
(Tiếp theo kỳ 1)
Từ khi lập gia đình, tuy có thêm đồng lương của vợ tôi, nhưng vẫn không thể nào đủ cho một gia đình 11 miệng ăn. Bán chợ chạy của mẹ thì vất vả mà thu nhập quá kém cỏi. Hai đứa bắt đầu làm thêm đủ thứ ngành nghề.
Khởi đầu là nuôi heo. Nhờ giấy giới thiệu của cơ quan, mỗi tháng vợ tôi được mua một cặp heo con với giá rẻ. Chiếc cầu tiêu duy nhất tuy nhỏ cũng được ngăn ra dành chỗ để nuôi 2 con heo mọi mới đẻ. Mỗi ngày đi tiêu đi tiểu trong tiếng kêu ủn ỉn của chúng, mới đầu rất khó chịu, nhưng rồi nghe riết cũng quen, cũng ghiền. Nuôi 1-2 tháng, đem ra chợ bán. Lại lên trại mua 2 con khác nuôi tiếp.
Chỉ nuôi heo không cũng chưa ăn thua. Bắt đầu nuôi thêm gà công nghiệp. Cũng xin giấy giới thiệu lên trại gà mua vài chục gà con, nuôi vài tháng hơi lớn lớn rồi đem bán. Được vài tháng suông sẻ, gặp mùa toi dịch, gà heo chết hàng loạt, cụt vốn, hai vợ chồng nhảy qua làm bánh đậu xanh, khô, ướt. Mẹ ngâm, đãi đậu, tôi cắt giấy, vợ tôi gói. Mỗi chiều đi làm về, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi giao bánh cho mấy tiệm ăn quanh xóm. Không phải bán đứt, ký gửi thì đúng hơn. Giao bánh, vài ngày sau quay lại. Bán hết thì lấy tiền, giao bánh mới. Gặp lúc bán không hết, bị mốc, đem về không biết làm gì cho hết, trộn vô cám cho heo gà ăn.
Cứ vậy, những tháng ngày tiếp tục trôi. Vợ chồng ốm tong ốm teo như ma đói, nhưng cũng phải ráng chịu cực mong đợi ngày ba về.
Đến một ngày đầu tháng 2 năm 1978, bỗng nhiên chúng tôi nhận được thư ba, lần đầu tiên. Góc thư tôi còn nhớ rõ địa chỉ: Trại K2 Tân Lập, Vĩnh Phú. Trong thư, ba hỏi thăm mẹ và các em. Ba kể ba đang học tập cải tạo tốt. Thư ngắn chưa đầy một trang giấy. Ba nhắc tôi ráng chăm sóc mẹ và các em. Đợi ngày ba về. Miền bắc lúc đó đối với tôi vô cùng xa lạ… Nếu có biết cũng chỉ biết qua sách vở. Vĩnh Phú ở đâu, ra sao, xa xôi như thế nào, không quan trọng, ít nhất là ba vẫn còn sống.
Thế là đủ. Quá mừng rỡ mẹ biểu tôi viết thư thăm ba và mỗi đứa em viết một câu cho ba. Mẹ nói tôi kể cho ba về cuộc sống ngoài này. Tôi ầm ừ cho qua chuyện, trong thư chỉ viết là nhớ ba, mong ba học tập tiến bộ để sớm về với gia đình.
Tôi không kể về cuộc sống gia đình từ ngày ba đi. Không lẽ cho ba hay rằng căn nhà đã bị tịch thu, gia đình suýt nữa bị đi “kinh tế mới”, hay lại kể với ba rằng mẹ mỗi ngày đang bán từng chiếc áo cũ của ba ngoài lề đường. Hoặc kể cho ba chuyện 2 cây vàng.
Thôi thì cứ để ba vui khi nghĩ rằng vợ và các con của ba dù là con của sĩ quan “chế độ Mỹ ngụỵ, vẫn được cách mạng Cộng Sản đùm bọc thương yêu”… Thôi thì cứ như vậy cho ba yên lòng và ít nhất thư cũng đến được với ba. Kể từ hôm đó, khoảng hơn mỗi tháng một lần gia đình tiếp tục nhận được thư ba. Mỗi lần chỉ hơn một trang giấy, nhưng cũng mang đến cho chúng tôi một niềm vui và hy vọng. Sẽ có ngày ba trở về.
Cho đến một ngày, cũng từ K2 trại cải tạo Tân Lập Vĩnh Phú. Cũng nội dung “ba đang học tập tốt, cán bộ đối xử với ba rất tốt”, cũng khuyên “các con cố gắng học tập trở thành cháu ngoan của ‘Bác’,” nhưng nét chữ run run, nguệch ngoạc, khó đọc và ngắn hơn rất nhiều so với các thư trước.
Mẹ và các em vẫn mừng rỡ như mọi lần, nhưng riêng tôi linh cảm một điều gì đó không hay đang xảy ra. Hai vợ chồng đem thư ba lên phòng đọc đi đọc lại nhiều lần. Hình như chữ “tốt” (học tập tốt, sức khoẻ ba vẫn rất tốt được viết đậm hơn, to hơn các chữ khác). Chữ ba viết quá xấu so với bình thường. Rất bất thường. Không tốt nghĩa là xấu. Không khoẻ nghĩa là bịnh.
Quá lo lắng, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện đi thăm ba. Lên phường xin giấy phép đi ra Bắc, bị từ chối. Phải có giấy phép thăm nuôi từ trại gửi về. Hồi đó muốn đi Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, người dân bình thường như tôi phải làm đơn xin phép, phải có lý do chính đáng và phải có người bảo lãnh. Thời gian được cấp giấy phép thường rất lâu, nhất là đối với những gia đình thuộc diện Ngụy quân Ngụy quyền như chúng tôi. Lên gặp chú nhờ chú can thiệp giúp đỡ, chú nói cũng y hệt như mấy “ông cán bộ” phường:
– Khi nào họ cho phép thăm nuôi thì ba con sẽ gửi giấy tờ về.
Chú trả lời như vậy thì kể như không nói. Thật lo lắng cho ba, nhưng không biết làm sao, đêm đêm tôi chỉ biết cầu nguyện cho ba sức khoẻ, và mong chờ một phép lạ. Và phép lạ cuối cùng cũng đã xảy ra…
Ở hiền gặp lành. Tháng 8, hiệu trưởng loan báo có đợt cho “nhân viên và giáo viên trường Bưu Điện đi thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa và du ngoạn tại bãi biển Đồ Sơn 1 tuần”. Tôi và vợ tôi có tên trong danh sách được đi. Lúc đó vợ tôi đang mang thai đứa con đầu được 5 tháng. Phần làm việc vất vả, phần thể trạng yếu đuối, khộng dám đi xa, vợ tôi đành ở nhà. Tôi đi ra miền Bắc một mình. Không phải vì yêu “Hà Nội, xã hội chủ nghĩa” cũng không phải để tắm biển Đồ Sơn, mà trong lòng tôi đang hình thành một kế hoạch đi tìm ba.
Cả đoàn đi ra Hà Nội bằng xe lửa. Chuyến đi gồm hai phần. Phần đầu là phần nghe giảng về “chính trị, về chủ nghĩa Mac Lenin, về miền Bắc, xã hội chủ nghĩa” 4 ngày tại Hà Nội (phần này bắt buộc không ai được vắng mặt). Phần sau 3 ngày là về nghỉ ngơi vui chơi tại bãi biển Đồ Sơn. Phần này kỹ luật tương đối lỏng lẻo hơn. Đa số các “cán bộ” quê miền Bắc nhân thời gian này “tranh thủ” về thăm gia đình, chỉ có những người miền Nam lần đầu tiên ra Bắc là theo đoàn về Đồ Sơn.
Tôi thì đã có kế hoạch từ trước, xin trưởng đoàn ở lại Hà Nội với lý do thăm gia đình ông chú ruột là “trung tá chính ủy” đơn vị Phòng Không Không Quân Cộng sản. Cũng phải viện một lý do gì đó để đơn xin có “trọng lượng”. Cũng phải cho trưởng đoàn biết là “con ngụy nhưng cũng có bà con là cán bộ Cộng Sản” dù trong thâm tâm tôi biết ông chú đi “cách mạng” có cũng như không, khó nhờ vả sơ múi gì đuợc. Hồn ai người nấy giữ.
Thế là những ngày đầu tháng 9 năm 1978, tôi bắt đầu chuyến hành trình tìm cha. Chưa một lần ra miền Bắc. Với tôi tất cả điều xa lạ. Manh mối duy nhất là địa chỉ trên thư: K2 Trại Cải Tạo Tân Lập Vĩnh Phú. Phương tiện di chuyển: Chiếc xe đạp Phượng Hoàng mượn của ông chú.
Sáng mồng 3 tôi bắt đầu ra đi từ nhà chú: Khu Tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Trạm đầu tiên: Ga xe lửa Hàng Cỏ. Hỏi thăm các người bán hàng rong ở ga. Vĩnh Phú thì nhiều người biết nhưng trại Tân Lập ở đâu thì không ai hay. Thôi thì cứ lên tàu đi về hướng Vĩnh Phú trước đã.
Đúng là tàu chợ, xe lửa thì củ kỹ, hôi hám, trên các toa đông nghịt người, đa số là người lao động và người bán hàng rong. Vì vướng chiếc xe đạp, chật vật lắm tôi mới leo được lên toa cuối cùng khi tàu bắt đầu chuyển bánh. Vì lên sau cùng, tàu đông kịt người, chỗ đứng chỗ ngồi hầu như không còn, tôi ngồi xuống một khoảng trống sát vách cầu tiêu. Lần đầu tiên tôi cảm thấy nỗi cô đơn giữa một rừng người cùng tiếng nói, cùng một màu da.
Mỗi một trạm tàu dừng, tôi đều hỏi thăm những người khách và những em bé bán chè xanh nhảy lên từ mỗi trạm. Cuối cùng cũng có được một tin tức mơ hồ từ một em bé:
– Có lần đi bán nước chè, em có gặp một đoàn người hình như ở trong Nam ra vì không giống người ngoài này, đi lao động, hình như ở gần ga Ấm Thượng, Vĩnh Phú. Em bé nói thêm, hình như có trại giam giữ những người miền Nam gần đó…
Tôi bám tàu đi tiếp. Tàu lắc lư đi về hướng Cao Bằng, Lạng Sơn. Mùi hôi thúi bốc lên từ cái cầu tiêu công cộng cộng hòa quyện vào cái mùi mô hôi của hàng trăm người đứng ngồi lóc nhóc không làm tôi bận tâm. Tôi mãi suy nghĩ khi nào thì đến ga Ấm Thượng? Vì không nhìn được qua cửa sổ, tôi đành nhờ một bà lão ngồi sát cửa sổ nhắc giùm khi đến ga.
Xuống được ga Ấm Thượng thì cũng đã giữa trưa. Phải nói là trạm thì đúng hơn. Nhà ga là một căn nhà nhỏ, vách lá, trống huơ trống hoác. Vùng đất thật hoang vu, dân di lại thưa thớt. Ra khỏi ga là một con đường đất đỏ duy nhất về một làng nào đó ở xa xa. Tôi vừa đi, vừa hỏi đường. Hỏi xem có ai biết về trại Tân Lập không? Không ai biết. Phải đến lần thứ 9 hay thứ 10 gì đó, khi tôi đã vào sâu khoảng 5-7 cây số, mới có được câu trả lời tương đối rõ ràng:
– Phải đi thêm 20 đến 25 Km về phía dãy núi, bên này là Trại Tân lập, bên kia là biên giới Trung Quốc.
Đoạn đường đi xa diệu vợi, chân tay rã rời, đôi khi tôi kiệt sức muốn bỏ cuộc quay về. Nhưng nghĩ đến ba, tôi gắng gượng tiếp tục lên đường. Con đường càng vào sâu càng lúc càng khó đi. Khi thì ngoằn ngoèo, khi thì lồi lõm. Có những đoạn không đạp xe được vì mưa trơn trợt, tôi xuống xe dắt bộ. Nhà cửa càng lúc càng thưa thớt, càng ít người qua lại. Tôi vừa mệt, vừa sợ, vừa đi vừa nhìn chung quanh, dáo da, dáo dác. Nói thật, lúc đó có ai nhảy ra, phang cho mình một gậy, cướp xe đạp, vất xác xuống ven đường, chắc cũng không ai hay.
Từ cha sinh mẹ đẻ đến nay có bao giờ tôi đi đâu một mình như thế này đâu. Hồi nhỏ thì có cha có mẹ, vào trường thì có bạn có bè. Đi đâu cũng đi với người này hay người khác. Ngay cả khi đi trồng cây si, cũng rủ thêm Trường Thọ hay Quốc Chính (đã mất) cùng đi. Đi đâu cũng xe đạp hay xe Jeep của Ba. Đi bộ thì nhiều nhất là một cây số. Chạy thì nhiều nhất một vòng sân trường là thở dốc. Vừa mệt vừa sợ cướp, vừa sợ ma, tôi vừa đạp xe vừa lẩm bẩm cầu nguyện, nhiều lúc nản quá muốn quay về. Rồi lại nhớ đến ba, nhớ đến khuôn mặt buồn thê thảm của ba trước cổng trường Chu Văn An ngày nào, tôi lại lê lết lên đường đi tiếp.
Đúng là lê là lết. Đường càng lúc càng khó đi. Mưa phùn, đường hẹp, đất bùn quyện nước mưa nhão nhoẹt bám vào bánh xe càng làm nặng nề. Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh. Một cái lạnh cắt da cắt thịt. Nhưng nỗi khổ chưa dừng ở đó. Trên con đường độc đạo duy nhất về trại “cải tạo” Tân Lập, tôi phải vượt qua hai con sông.
Quen với cái hiền hòa của dòng sông Hương thuở nhỏ, chưa bao giờ tôi thấy con sông nước chảy dữ dằn như vậy. Dòng nước đục ngầu và đỏ như máu chảy cuồn cuộn. Đứng bên này nhìn thấy bờ bên kia nhưng không biết cách nào qua. Không cầu không cống. Không một bóng người. Men theo bờ sông, tôi đi về hướng ánh đèn leo lét xa xa. Hỏi thăm, thì ra muốn qua sông thì đi một đoạn nơi có bờ đá dô ra ở mé sông, chụm hai tay gọi lớn sang bên bờ bên kia “Đò ơi… ơi” Thế là từ bên kia bờ, chênh chếch phía trên có một thuyền nhỏ một người chèo qua.
Nói thì rất dễ dàng nhưng để băng qua được bên này không dễ chút nào. Khoảng cách hai bên bờ không lớn lắm, nhưng do nước chảy xiết, từ bên kia muốn qua bên này, người lái đò phải khéo léo dựa theo dòng nước chảy, từ trên xa trôi xuống, tắp đúng vào kè đá nơi tôi đứng. Điều khiển không khéo thì thuyền lật như chơi, còn nếu không thì thuyền tắp xuống quá kè đá, không đúng chỗ đón khách.
Bác lái đò giúp tôi đưa xe đạp và tôi xuống thuyền. Nhìn người lái đò, nhìn dòng nước sông đục ngầu cuồn cuộn chảy, tôi nhớ các đoạn văn của Nhất Linh, của Khái Hưng thời Tự Lực Văn Đoàn, kể về các tỉnh miền Bắc xa xôi này. Hình như nơi đây, bánh xe thời gian đã ngừng lại. Giống y chang như trong các bài văn ngày nào. Vẫn như xưa, nếu không nói là cũ kỹ hơn, nghèo khổ hơn. Và có lẽ vì vậy người dân ở miền đất sát biên giới Việt – Trung này hiền lành và chơn chất gấp vạn lần những con người tôi gặp ở Hà Nội. Vì vậy, may mắn tôi vẫn còn cái mạng quay về.
Đi thêm một đoạn dài, vượt qua thêm một nhánh sông tương tự thì trời đã tối đen. Lúc này tôi không còn đạp xe được nữa… Tôi dắt xe, vừa đi vừa run cầm cập. Dân thành thị như tôi, lần đầu tiên mới cảm thấy nỗi sợ hãi cùng cực khi một mình giữa đồng không mông quạnh, âm thanh là tiếng côn trùng ếch nhái, thỉnh thoảng là những ánh đom đóm lập loè. Lại thêm cái lạnh cắt da của ban đêm và mưa phùn miền Bắc.
Khổ không thể cực khổ hơn. Sợ không thể nào sợ hơn. Nếu không vì ba, tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng gặp được một căn chòi trống ven đường. Đây có thể là nơi tạm trú của những nông dân hay của những em bé chăn trâu nào đó.
Căn nhà (cái chòi thì đúng hơn) nhỏ xíu, trống không, có một cửa bằng tre nhỏ xíu. Đặt chiếc xe đạp sát vách, tôi ngồi xuống tựa lưng nghỉ mệt. Có thể nói trong đời đây là căn nhà ấm áp nhất mà tôi từng ở dù rằng những giọt mưa vẫn từ các khe hở nhỏ xuống lạnh buốt. Bây giờ mới cảm thấy đói. Bữa ăn tối đầu tiên trên miền đất tận cùng biên giới của người con đi tìm cha đang “học tập cải tạo” là một cái bánh bao không nhân mua vội trên tàu.
Cái gọi là bánh bao thật ra chỉ là một cục bột hôi mốc nhờ mưa ẩm ướt làm mềm đi, nếu không chắc sẽ cứng như đá. Nhưng không sao, khi đói thì đất cát vẫn thấy ngon như thường. Vừa ăn tôi vừa cố nuốt đi những giọt nước mắt. Cùng với cơn lạnh ban đêm, dù trải qua một ngày không ngủ, mệt lã, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Tôi ngồi bó gối co ro ở một góc nhà. Lần đầu tiên tôi thấy cái vô tận của đêm dài.
Trời vừa hơi sáng là tôi lên đường ngay. Đi thêm một chặng đường đất khá dài, khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng đến được trại Tân Lập. Thật ra cái tôi gặp đầu tiên ở giữa cái đồng không cô quạnh này là một ngôi nhà tranh, tương đối lớn, phía trước có treo một tấm bảng nhỏ “K10 Tân Lập”. Bên trong là một cái bàn dài có hai dãy ghế bằng tre. Không thấy có ai canh gác. Tôi nghĩ đây là nhà khách. Đợi một lúc quả nhiên tôi thấy một công an đi ra. Tôi trình giấy tờ, ghi rõ là “cán bộ Bưu Điện” ra Hà Nội công tác, luôn tiện thăm cha đang học tập tại K2 Tân Lập.
Mừng hụt. Trại “cải tạo” Tân Lập thì đúng rồi nhưng đây là nhà khách thuộc K10. Toàn trại gồm có 10 khu vực. Nếu tính từ ngoài vào trong thì bắt đầu từ khu K10, K9… cuối cùng sát biên giới là khu K1. K10 là khu vực đầu tiên của trại Tân Lập. Từ đây sẽ không có nhà dân mà chỉ có những trại giam, “cán bộ” và tù nhân. Sau này tôi mới biết khu trại Tân Lập không chỉ giam giữ các tù nhân từ trong Nam mà còn là nơi giam giữ các thành phần bất hảo, ăn cắp, ăn trộm ngoài Bắc. Thành phần này được giam ở các khu K10, K9 gần phía nhà dân.
Các tù nhân sĩ quan từ miền Nam được phân loại và giam giữ theo thứ tự, chức vụ càng cao, càng “ác ôn” thì được đưa về các khu số nhỏ K1, K2, sát núi gần biên giới, khí hậu khắc nghiệt và rất khó trốn thoát. Nếu có vượt thoát được công an ở các khu vực K1, K2, K3… thì chắc không qua được các thành phần bất hảo của K9, K10. Ai nói Việt Cộng ngu. Có đào thoát khỏi trại, mặc áo tù đi lang thang 30 km, ra khỏi đây không bị bắt trở lại mới lạ.
Lại tiếp tục lên đường. Hai bên đường là nhũng cánh đồng khoai mì, những cánh đồng trà cằn cỗi. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp từng toán người mặc áo tù đang cuốc đất. Từng nhóm làm việc lặng lẽ. Lúc này đường đất tương đối dễ đi hơn. Tôi cúi thấp người cố gắng đạp thật nhanh. Đi riết rồi cũng đi qua hết khu K3 và bắt đầu vào địa phận K2.
Có lẽ khoảng 10 giờ sáng, mưa phùn vẫn còn rơi. Tính ra từ sáng tới giờ tôi đã đi một lèo gần 4 tiếng đồng hồ. Không ăn uống gì nhưng tôi vẫn không cảm thấy đói. Tôi đang náo nức với cái cảm giác sắp được gặp lại ba. Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ những chuyện sẽ hỏi ba, chuyện gì sẽ kể cho ba. Tự nhủ phải thật bình tĩnh, phải không được xúc động, phải không được khóc. Nghĩ tới lúc sắp gặp ba, quên cả mệt nhọc, tôi ráng sức đạp thật nhanh.
Qua khỏi khúc quanh cuối K3 để vào K2, tôi thấy cách đường đất đỏ khoảng 5 đến 10 mét một nhóm khoảng mươi người áo quần lam lũ, người đang cuốc đất, người đang vác những bó củi khô, cạnh đó mấy tay mặc áo vàng, đội mũ cối, cầm súng đi qua đi lại.
Tôi biết chắc chắn đó là những tù nhân đang lao động cải tạo. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đạp xe chậm lại, đưa mắt nhìn quanh. Cùng lúc, một tù nhân đang đội nón lá lui cui gần vệ đường ngước mắt nhìn về phía tôi. Dù đã bao năm qua không gặp, dù bây giờ đã quá khác xưa, gầy gò, mặt mày đen thui, râu tóc dài bạc phơ, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là Ba.
Nhảy ra khỏi xe, tôi thảng thốt kêu lên một tiếng Ba thật to. Tiếng kêu làm nhiều người quay lại hướng về phía tôi trong đó có mấy tên công an cầm súng đứng ven đường. Trong khoảnh khắc, tôi bắt gặp đôi mắt hoảng hốt của ba, cặp mắt ngây dại và đầy vẻ lo sợ, ba vừa chớp mắt vừa lấy tay xua lia lịa như muốn tôi đứng lại và chỉ về phía căn nhà xa xa.
Tôi khựng lại, tôi biết tôi không được quyền đứng lại hay trò chuyện với ba. Nuốt giọt nước mắt đang chực chờ chảy, tôi lên xe phóng nhanh về căn nhà khách, không quên nhìn lại ba. Vẫn kịp thấy ba đang cúi xuống, tấm lưng gầy gò yếu đuối, run run ngã quỵ bên đường!
(Đọc tiếp kỳ 3 vào ngày mai)
----------