Việt Nam và Ba Lan thoát nghèo nhờ ngả sang tư bản
Tác giả : Thụy My Nguồn: RFI Ngày đăng: 2024-04-28
Năm 1990, Việt Nam là quốc gia nghèo nhất thế giới, tệ hơn cả Somalie. Ba Lan lúc bức tường Berlin sụp đổ, cũng là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Ngày nay Việt Nam và Ba Lan đã cất cánh ngoạn mục. L’Express nhận định, đều thấm thía hậu quả của chủ nghĩa cộng sản và nền kinh tế kế hoạch, hai nước này đã mạnh tay cải cách.
Tỉ lệ người cực nghèo ở Việt Nam từ 80 % năm 1990 nay chỉ còn 5 %. Ảnh minh họa : Xe cộ lưu thông trên đường phố Hà Nội, ngày 29/03/2023. AP - Hau Dinh
Cất cánh nhờ ra khỏi xiềng xích giáo điều
L'Express nói về “ Bí mật phép lạ kinh tế của Việt Nam và Ba Lan ”. Trong cuốn sách “ Làm thế nào các nước ra khỏi đói nghèo ” (How nations escape poverty), nhà sử học Đức Rainer Zitelmann lý giải vì sao hai quốc gia trên thoát nghèo chỉ trong vài năm.
Cách đây 30 năm, không ai dám nghĩ đến điều này. Năm 1990, Việt Nam là quốc gia nghèo nhất thế giới. Với tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ có 98 đô la trên đầu người, Việt Nam còn tệ hơn cả Somalie hay Sierra Leone. Ngày nay đất nước này đã cất cánh ngoạn mục. Chưa đầy 5 % người Việt còn trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ (so với 80 % năm 1990), hai phần ba nay đã thuộc về giai cấp trung lưu.
Ba Lan lúc bức tường Berlin sụp đổ, cũng là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Người Ba Lan chỉ kiếm được chưa đầy 50 đô la mỗi tháng, năm 1987 chỉ có 12 % sở hữu điện thoại so với 99 % người Tây Đức. Vào thời đó, đường, thịt, bơ, xà bông, thuốc lá đều bán phân phối theo sổ mua hàng. Ngay trong các nước xã hội chủ nghĩa, Ba Lan cũng lẹt đẹt đứng sau với nợ công rất lớn và tỉ lệ lạm phát 640 % trong năm 1989. Còn nay tổng sản phẩm nội địa tăng gấp ba, tỉ lệ tăng trưởng 3,5 % khiến Ba Lan nằm trong số các nền kinh tế năng động nhất châu Âu, tuổi thọ từ 71 tăng lên 78.
Tác giả Rainer Zitelmann nhắc nhở, cả hai dân tộc đều có quá khứ đau buồn : cuộc chiến Đông Dương với Việt Nam, Đệ nhị Thế chiến và ách thống trị của Liên Xô đối với Ba Lan. Nhưng Việt Nam đã biết hướng về tương lai, vượt qua thù hận. Theo Pew Research Center năm 2014, 76 % người Việt có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ.
Đã nếm mùi “ chủ nghĩa xã hội ”, người dân ủng hộ tư bản
Về kinh tế, Việt Nam và Ba Lan đều gánh chịu hậu quả của chủ nghĩa cộng sản. Rút kinh nghiệm từ thất bại của kinh tế kế hoạch, họ đã cải cách triệt để. Kể từ 1986 với công cuộc Đổi Mới (nguyên văn bằng tiếng Việt), đảng cộng sản Việt Nam khuyến khích kinh tế thị trường.Tại Ba Lan, giảng viên đại học Leszek Balcerowicz được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chánh năm 1989, khởi đầu “ liệu pháp sốc ”, số người làm việc trong lãnh vực tư nhân tăng vọt. Hai nước cũng kết nối với kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 7,6 tăng lên 16,1 tỉ đô la từ 2009 đến 2019. Với dân số 100 triệu, đây là thị trường lớn cuối cùng ở châu Á có thể phát triển.
Đặc biệt cuốn sách của Rainer Zitelmann chỉ ra rằng hai nước đều ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Theo nghiên cứu của Ipsos-Mori tại 33 nước, Ba Lan có số người ủng hộ tự do kinh tế nhiều hơn cả Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, ngược với đa số nước khác, người dân gắn liền “ tư bản chủ nghĩa ” với những khái niệm tích cực như “ tăng tiến ” (81 %), “ sáng tạo ” (80 %), “ sản phẩm đa dạng ” (77 %) hay “ thịnh vượng ” (74 %). Người dân hai nước này cũng ít ganh tị với người giàu.
Tất nhiên mọi thứ không phải đều màu hồng. Việt Nam vẫn là chế độ độc tài độc đảng, về mặt chính thức thì theo chủ nghĩa mác-xít. Theo Minh bạch Quốc tế, Việt Nam xếp thứ 87/180 nước năm 2021 dù có cải thiện. Tại Ba Lan, đảng dân túy PiS hạn chế độc lập tư pháp trước khi Donald Tusk lên nắm quyền trở lại. Nhưng tiến bộ ngoạn mục của Ba Lan và Việt Nam khẳng định lý thuyết của Adam Smith cách đây 300 năm : tăng trưởng và tự do kinh tế là những công cụ tốt nhất để gia tăng của cải đất nước, cải thiện đời sống người dân.
Đông Dương, thuộc địa bị quên lãng
Đúng 70 năm sau Điện Biên Phủ, Le Nouvel Obs nhân dịp ra số báo đặc biệt về “ Đông Dương, quá trình chiếm thuộc địa bị lãng quên ”, đã trích đăng trong số tuần này bài viết về thời kỳ Pháp từng là Nhà nước buôn thuốc phiện. Trên trang web cũng có một số bài khác như “ Hồ Chí Minh, người tập tành làm cách mạng ở Paris ”, “ Câu chuyện về một cuộc xâm lược lâu dài ” …
Tại Pháp, mặc dù năm 1916 đã có đạo luật đầu tiên cấm nhập cảng ma túy, ở thuộc địa Đông Dương thuốc phiện trong suốt 60 năm vẫn là nguồn thu nhập quan trọng cho mẫu quốc. Năm 1918, số tiền từ thuốc phiện đạt kỷ lục, chiếm đến 42 % tổng thu. Nhà nước Pháp giữ độc quyền mua nguyên liệu và chế biến ở Sài Gòn, có đến 4.000 điểm bán trên toàn quốc. Điều đáng ngạc nhiên là bao bì thuốc phiện được đóng dấu chính thức kèm theo hình lá cờ tam tài. Hồ Chí Minh từng tố cáo Pháp dùng rượu và thuốc phiện để làm yếu đi giống nòi Việt.
Khi chiến tranh Đông Dương nổ ra khoảng năm 1946, đa số người Pháp kinh ngạc không thể hiểu vì sao “ viên ngọc trai của đế quốc ” với những người dân thuộc địa ngoan ngoãn như vậy lại có thể nổi dậy. Họ tự hỏi Hồ Chí Minh, nhân vật bắt đầu được bàn tán, từ đâu mà đến. Nhưng ông Hồ đã sống ở Paris từ 20 năm trước, nơi ông trở thành người cộng sản, nhưng dưới một cái tên khác. Xin vào làm công chức nhưng bị từ chối vì không có bằng cấp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lại tiếp tục đi rửa chén trên tàu, rong ruổi đến một số nước rồi đến 1919 quay lại Paris.
Ông bị mật thám theo dõi, nhưng không phải là người duy nhất, vì phân nửa trong số 5.000 người Đông Dương sống trên đất Pháp đều nằm trong tầm ngắm. Từ nay ông dùng tên “ Nguyễn Ái Quốc ”, cái tên của tập thể ký trong bản yêu sách. Phan Văn Trường, tiến sĩ luật đầu tiên của Đông Dương, có một biệt thự ở quận 13 và cho những người đấu tranh cư ngụ. Một cuộc cãi vã nổ ra (không rõ lý do), khiến năm 1921 Hồ Chí Minh phải chuyển sang quận 17, sống trong một căn phòng nhỏ cạnh người thợ ảnh mà ông làm việc chung, nhưng rồi bị đuổi đi vì những cơn ho của ông làm phiền người khác. Từ sau đại hội Tours tháng 12/1920, Hồ Chí Minh trở thành một người cộng sản nhiệt thành.
Lớn tiếng tố cáo Trung Quốc, Philippines tạo được vị thế quốc tế
Cũng tại Đông Nam Á, L’Express chú ý đến việc tổng thống Philippines Marcos Junior xích lại gần Hoa Kỳ và Nhật Bản, chống lại Tập Cận Bình. Là con của nhà cựu độc tài, với bà mẹ Imelda sở hữu 3.000 đôi giày, nhưng Ferdinand Marcos Jr, thường gọi là “ Bongbong Marcos ” đang trở nên nổi tiếng trên trường quốc tế, khi không còn im lặng trước những khiêu khích của tàu Trung Quốc.
Khác với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte ve vãn Bắc Kinh, tổng thống 66 tuổi đã lội ngược dòng ngoạn mục với chính sách “ Minh bạch ” - lớn tiếng tố cáo với thế giới mỗi lần bị tấn công. Nhà nghiên cứu Cleo Paskal của Quỹ bảo vệ các nền dân chủ nhận định, cách đối phó mới này được tất cả các nước trong khu vực hoan nghênh, vì lâu nay họ vẫn dè dặt không dám làm mất lòng Bắc Kinh. Ngay cả Ấn Độ cũng quan sát thái độ của “ Bongbong ” trước Trung Quốc.
Chuyên gia Mỹ Grant Newsham thấy rằng Manila đã có bước tiến lớn với hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Phi ở Washington hôm 11/04, “ chỉ trong một năm rưỡi đã làm vấn đề an ninh tiến triển hơn bao giờ hết ”. Một ngạc nhiên khác là phát biểu mạnh mẽ của thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Điều chưa từng có là cả ba nước đồng thời chỉ thẳng Bắc Kinh là nguồn gốc của tất cả những vấn đề trong khu vực. Một hiệp định song phương vừa được ký giữa Manila và Tokyo, thêm vào những thỏa thuận với Washington.
Ngoài ra Ấn Độ vừa giao các hỏa tiễn siêu thanh tầm xa cho Philippines để tự vệ trước Trung Quốc. Nhật Bản cung cấp cho Manila tàu tuần duyên, cố vấn quân sự và thông tin tình báo, bên cạnh đó Tokyo có thể tham gia thỏa thuận AUKUS trong tương lai. Bongbong Marcos vừa cho phép Mỹ mở thêm bốn căn cứ quân sự, và từ 22/04 đến 10/05 tổ chức tập trận thường niên Balikatan (“ vai kề vai ” trong tiếng Tagalog) tập hợp 16.700 quân nhân của 14 nước trong đó có Pháp. Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan nhận xét Bắc Kinh rất bực tức trước sự thân thiết Marcos-Biden vì lâu nay đã “ bỏ túi ” được Duterte.
Số 61 tỉ đô la sẽ là gói viện trợ cuối cùng cho Ukraina ?
Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, Le Point lưu ý rằng viện trợ quân sự cho Ukraina mà Washington vừa thông qua rất có thể là gói cuối cùng. Châu Âu sẽ phải làm gì ?
Giống như trong những bộ phim Viễn Tây, chàng cao bồi luôn xuất hiện vào phút chót để cứu những người hùng đang nguy khốn. Hạ Viện Mỹ rốt cuộc đã bỏ phiếu chấp thuận cấp 61 tỉ đô la quân viện cho Ukraina - đang khốn đốn từ sáu tháng qua. Vừa đúng lúc : Giám đốc CIA, William Burns cảnh báo Kiev có thể bại trận vì phải chiến đấu với rất ít đạn dược, hỏa tiễn phòng không trước quân Nga đông đảo.
Tuy nhiên đây không phải là “ xi-nê-ma ” mà là đời thực, nên sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng sau quyết định của Quốc Hội là một cái kết có hậu. Rằng nhờ đó mà Ukraina sẽ chiến thắng, các nước phương Tây tránh được thất bại chiến lược, châu Âu tiếp tục dựa vào sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ. Hôm 20/04, tuy quyết định có được là nhờ lá phiếu của cả hai đảng, nhưng chỉ một thiểu số dân biểu Cộng Hòa (101) bỏ phiếu thuận và đa số chống (112).
Những kẻ ngốc hữu dụng của Kremlin không chỉ ngự ở Quốc Hội Pháp hay Nghị Viện Châu Âu, mà cả ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Càng gần đến bầu cử tổng thống, dấu ấn của Donald Trump trên đảng Cộng Hòa càng mạnh hơn. Cần hiểu rằng rất có thể gói quân viện này là cuối cùng nếu Trump đắc cử ngày 05/11.
Châu Âu chỉ còn sáu tháng để tăng tốc
Như vậy Nga sẽ đạt mục đích, như một văn bản của bộ Ngoại Giao Nga được Washington Post tiết lộ hôm 17/04 : dùng cuộc chiến tranh ở Ukraina để làm Hoa Kỳ và phương Tây yếu đi. Còn nếu ông Joe Biden tái đắc cử, Kiev cũng không thể đặt trọn hy vọng. Tình hình lại như cũ : viện trợ quân sự phương Tây luôn đến quá trễ, với số lượng hạn chế, giúp Ukraina cầm cự nhưng không thể thắng. Bởi vì Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác muốn tránh một thất bại nhục nhã cho Vladimir Putin sẽ mở ra một thời kỳ bất định, một cuộc chiến kéo dài sẽ dẫn đến Ukraina bị phân chia trên thực tế.
Le Point tự hỏi, có cần nhắc lại rằng dân tộc Ukraina chiến đấu không chỉ cho tự do của mình mà còn của châu Âu ? Mike Johnson, chủ tịch Hạ Viện, một người Kitô giáo bảo thủ theo phe Trump rốt cuộc đã ngả sang ủng hộ Kiev, đã tóm lược rõ thế lưỡng nan của phương Tây : “ Tôi thà gởi đạn dược cho Ukraina còn hơn gởi đi những chàng trai của chúng ta ”.
Về phía châu Âu, có nguy cơ khoản viện trợ mới của Mỹ sẽ là cái cớ để trì hoãn tiếp. Từ hai năm qua, Pháp chỉ chi viện tối thiểu, đáng xấu hổ cho quốc gia tự coi là cường quốc quân sự hàng đầu của châu lục. Đức vẫn còn mặc cảm quá khứ, sợ hãi xung đột. Paris muốn nắm quyền lãnh đạo châu Âu nhưng ngân sách thâm hụt, lại thêm nỗi sợ cực hữu sẽ thắng thế trong ba năm tới. Châu Âu chỉ còn sáu tháng trước cuộc bầu cử Mỹ, để đẩy nhanh sản xuất vũ khí đạn dược, để chi viện cho Ukraina lâu dài và thay chân nếu Mỹ rút lui.
Chiến tranh chưa thể kết thúc một khi Putin vẫn nắm quyền
Tương tự, L’Express cho rằng “ Châu Âu cần chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraina, và phải thật nhanh ”. The Economist ví von, quẳng chiếc áo phao ra giúp người ta thoát được mối nguy trước mắt, nhưng do còn ở xa bờ và nước thì lạnh, người đó vẫn có thể chết chìm.
Courrier International trích dịch The Atlantic, tỏ ý tiếc rằng sự chậm trễ của Quốc Hội Mỹ có cái giá phải trả. Trong sáu tháng qua, Ukraina đã mất đi một số đất, nhiều sinh mạng và cơ sở hạ tầng. Nếu có được phòng không thành phố Kharkiv chắc chắn vẫn còn các nhà máy điện, những nạn nhân của các trận bom hàng ngày dội xuống Odessa lẽ ra vẫn còn sống, những chiến binh bị hạn chế từng viên đạn nơi chiến hào không đến nỗi tuyệt vọng.
Tin vui cho Ukraina là những vũ khí chi viện sẽ sớm đến tiền tuyến. Khi đạn pháo tới nơi, Nga sẽ thấy rằng nếu tập trung quân và xe tăng để tấn công là nguy hiểm. Hỏa tiễn để bắn chặn phải chờ lâu hơn mới có, nhưng khi đó Nga sẽ không còn kiểm soát được bầu trời, ngoại trừ trên chiến tuyến. Tuy nhiên gói viện trợ mới của Mỹ không đủ để Kiev giành lại các vùng lãnh thổ đã bị cưỡng chiếm. Drone và vệ tinh khiến chiến trường thành “ trong suốt ”, tập trung quân và vũ khí dễ bị tiêu diệt.
Số 61 tỉ đô la viện trợ dùng cho đến 2025, và nếu quỹ còn tiền đi nữa, một khi đắc cử Donald Trump có thể quyết định không dùng đến. Còn nếu ông Joe Biden tiếp tục là tổng thống, cuộc đấu tranh của phe Dân Chủ lần tới sẽ khó khăn hơn, khó có gói quân viện khác. Chiến tranh còn kéo dài, có thể là nhiều năm, chưa bên nào có dấu hiệu bỏ cuộc. Về tâm trạng, The Economist nhận thấy thật đáng kinh ngạc là người dân Ukraina vẫn bất khuất. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy đến 73 % dân số sẵn sàng “ chịu đựng cho đến khi nào chiến thắng ”.
Một số chỉ huy quân sự nghĩ rằng cuộc chiến còn tiếp tục khi nào Putin vẫn còn sống. Theo The Atlantic, chiến tranh chỉ ngưng lại khi nào người Nga ngừng chiến đấu vì hiểu rằng không có cửa thắng. Và chính phương Tây phải thuyết phục họ cũng như nhóm dân biểu Mỹ thân Nga, là cuộc xâm lăng của Putin nhất định sẽ thất bại.
Sáu tháng đã thay đổi hoàn toàn Israel
L’Express tuần này chạy tít trang nhất “ Nước Pháp ngập trong nợ nần ”, Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho nghệ sĩ da đen Omar Sy, một trong những nhân vật được người Pháp yêu mến, Le Point bàn về hố ngăn cách giữa phái nam và phái nữ. The Economist phân tích “ Kinh tế Ấn Độ mạnh như thế nào ”, Courrier International nói về “ Israel : Sáu tháng đã làm thay đổi tất cả ”.
Về chiến dịch Gaza, mọi chỉ trích lâu nay tập trung vào thủ tướng Israel. Nhưng theo Foreign Policy được Courrier International trích dịch, ông Benjamin Netanyahou chỉ là vật tế thần, vấn đề không phải từ ông mà từ cử tri Israel. Thực tế là đa số người Do Thái nay ủng hộ bộ máy chiến tranh. Một xã hội bị chấn thương sâu sắc vì vụ khủng bố quá dã man ngày 07/10/2023, đã trở nên cứng rắn hơn hẳn, ngả sang phía hữu. Triết gia David Enoch nhận thấy sáu tháng qua, vết thẹo vẫn chưa thể lành. Có cảm giác bị bỏ rơi, người Israel sẵn sàng một mình chiến đấu. Những người lính được yêu chuộng : trên các ứng dụng hẹn hò, các cô gái tìm kiếm người yêu là quân dự bị đã từng đăng ảnh phục vụ tại Gaza.
----------