TẢN MẠN 30.4.2024: HỌC LẤY CHỮ KHÔN
Tác giả : J.B Nguyễn Hữu Vinh | Nguồn: rfavietnam | Ngày đăng: 2024-05-01 |
Đến hẹn, lại lên của con nghiện
Kỷ niệm biến cố Sài Gòn thất thủ trước đội quân Miền Bắc Cộng sản - kết thúc một giai đoạn tồn tại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa - vào ngày 30.04.1975 là một dịp để “Bên Thắng cuộc” hàng năm có dịp thể hiện “tầm vóc, vĩ đại, thành quả” của sức mạnh của “Chiến tranh nhân dân do đảng lãnh đạo”.
Đó là cuộc chiến mà người Cộng sản Miền Bắc gọi là “Giải phóng” cho đồng bào Miền Nam thoát khỏi sự “xâm lăng của Đế quốc Mỹ” và “Ngụy quyền Sài Gòn” làm tay sai cho Mỹ. Tuy nhiên, nhìn lại bản chất, thì đó là một cuộc xâm lăng trắng trợn của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa là quốc gia cộng sản vào Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia được công nhận tại Miền Nam.
Điều khác nhau ở hai quốc gia ấy, là ở Miền Bắc có một chính quyền độc tài do phe đảng Cộng sản, là thành viên của Cộng sản Quốc tế dựng lên. Còn Miền Nam, có một chính quyền được bầu chọn từ người dân bằng những cuộc bầu cử tiến bộ và dân chủ hơn nhiều. Chính vì vậy, chế độ Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, dù có thể là một chế độ chưa đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của người dân, vẫn có những khuyết tật của nó, nhưng ở đó, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng, được thể hiện bằng hành vi của chính phủ chứ không chỉ bằng mấy tờ giấy như ở Miền Bắc Cộng sản dưới chế độ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc (được đọc là Độc lập Trừ Tự do, Trừ Hạnh phúc) như trên cái gọi là Quốc hiệu đã ghi và trở thành câu chuyện tiếu lâm thời Cộng sản trong dân chúng.
Hậu quả của cuộc chiến mà Đảng CSVN là “Người tổ chức và lãnh đạo” tiến hành. Bởi khi đó Việt Nam tự nhận là “Tiền đồn của Phe Xã hội Chủ nghĩa” để chống lại Đế quốc, thực dân ấy, đã gây ra cái chết cho khoảng từ 2 đến 4 triệu người Việt (tính cả binh lính và dân thường tùy theo từng nguồn thống kê khác nhau).
Australia có khoảng 500 binh sĩ chết và hơn 3.000 người bị thương, New Zealand có 38 binh sĩ chết và 187 người bị thương, Thái Lan có 351 binh sĩ chết, Liên Xô có 16 cố vấn quân sự chết, Bắc Triều Tiên có 14 phi công chết, còn Philippines có 9 binh sĩ chết và 64 người bị thương.
Đó là chưa nói đến sự tàn phá cơ đồ đất nước được xây dựng từ bao đời bị xóa sạch, nguồn lực quốc gia tan hoang bởi chiến tranh với mấy chục năm bom đạn.
Và điều đau đớn nhất, lớn lao nhất là vết thương hận thù trong nội tại của một quốc gia đã trải qua cuộc chiến huynh đệ tương tàn chỉ vì những lý tưởng, vì những hệ tư tưởng viễn vông giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam với mục đích rõ rệt là để bảo vệ, gieo rắc và chống lại hệ thống tư tưởng Cộng sản lan truyền ở khu vực Đông Nam Á.
Lẽ thường, người ta vẫn quan niệm rằng mọi cuộc chiến tranh là một nỗi bất hạnh, dù đó là những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Và vì thế, sau mỗi cuộc chiến, dù là cuộc chiến chính nghĩa hay phi nghĩa, thì người ta coi như đó là một hoạn nạn và mong xóa nó ra khỏi ký ức đau đớn của mình, để xây dựng lại đất nước, non sông.
Vậy nhưng, ở Việt Nam, nơi có một chính quyền cộng sản, điều đó đã không xảy ra, mà ngược lại. Đã gần nửa thế kỷ nay, cứ mỗi lần đến ngày này, khi mà hai miền đất nước, tại hàng triệu gia đình, khói hương đang nghi ngút tưởng nhớ đến những nạn nhân của cuộc chiến, thì trên Tivi, báo chí, đường phố, loa công cộng và mọi nơi, mọi lúc, nhà cầm quyền lại lên gân hò hét, ca ngợi, tự sướng đủ mọi cách, mọi thể loại, mọi hình thức như để khoét thêm một lần nữa vết thương của từng cá nhân, từng gia đình đã mấy chục năm qua chưa được hàn miệng.
Và đảng coi những hành động như vậy, là sự vinh danh cho đảng qua những ngôn từ xủng xoảng tiếng súng gươm là “Chiến thắng”, là “Giải phóng”, là “Tiêu diệt” là “Xóa sổ”, là “Trừng trị”…
Quan sát hiện tượng này, người ta có cảm giác rằng đảng giống như một con nghiện. Nhân tố gây nghiện ở đây là bạo lực, là hình ảnh của sự tàn bạo, sự giết chóc để thỏa mãn “bản chất bạo lực của Đảng của Giai cấp vô sản” chuyên nghề lật đổ và cướp từ chính quyền cho đến lợi ích, tài sản.
Hết thiêng hay cơ hội?
Năm nay, là kỷ niệm lần thứ 49 biến cố “Giải Phóng” trên đất nước Việt Nam không được hò hét, tung hứng bằng những màn trình diễn, bằng văn nghệ, bằng tuyên truyền như mọi năm.
Quan sát trên lĩnh vực báo chí, người ta thấy rõ điều đó.
Hàng năm, cứ đến những ngày này, Tuyên giáo cộng sản đều có kế hoạch hò hét cả ngàn tờ báo với chỉ tiêu rõ ràng, mục đích cụ thể cho mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, đài truyền hình, thậm chí là từng chi bộ, phố xóm, từng loa phường… phải có bao nhiêu bài viết “Cúng cụ” để nâng đảng lên thành thánh, thần và đủ mọi trò nhiều khi đến hài hước.
Đọc qua các báo năm nay, hầu như không mấy tờ đề cập đến biến cố “Giải phóng” và “Chiến thắng” dày đặc như mọi năm. Mặc dù theo quán tính, thì tờ báo Đảng Cộng sản và tờ Công an Nhân dân vẫn lên gân lên cốt bằng vài bài viết với tư duy “cả vú lấp miệng em” nói lấy được về cái gọi là “Ý nghĩa của chiến thắng 30.04”. Tuy nhiên, đọc những bài viết ấy, người ta thấy cái sự đuối, sự lúng túng, sự gượng gạo bất ổn ngay cả trong tư duy người viết.
Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và tự hỏi là tại sao, có vẻ như năm nay, đảng quên mất ngày “Chiến thắng, Giải phóng miền Nam”? Nhưng lập tức đã có người phản bác rằng làm sao có chuyện đảng lại quên đi được việc ăn mày dĩ vãng đó được. Đó là nghề của đảng xưa nay.
Bởi đảng có gì để lấy làm tự hào nữa, nếu không lôi ra mà gặm nhấm mấy cái cuộc chiến và mấy cái “Chiến thắng” ấy. Chẳng lẽ đảng lại lôi mấy cái thành tích như đã ký văn bản Hiệp định với giặc để mất đi cả chục ngàn cây số vuông lãnh thổ trên bộ rồi cả các di tích quốc gia như Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc.
Chẳng lẽ đảng lại tự hào rằng sau nửa thế kỷ Tổng Bí thư Đảng tuyên bố: “Tổ quốc chúng ta từ nay vĩnh viễn sạch bóng xâm lăng” thì bây giờ cả một Quần đảo Hoàng Sa và một loạt đảo Trường Sa đang nằm dưới gót giày quân xâm lược mà quân ấy, lại là bạn vàng, là quan thầy của đảng?
Nhiều người giải thích rằng: Chẳng phải vậy, mà đảng đang tập trung nhân tài, vật lực để kỷ niệm “Giải phóng Điện Biên” vì đây là năm chẵn. Nhưng lại có người đáp trả rằng: Vậy thì cái ngày kỷ niệm lần thứ 45 đảng gọi là “Chiến thắng” ở cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979 mới qua đây, sao không thấy đảng hé răng nửa lời.
Nhưng, đảng thì không dại đến thế. Mất lãnh thổ là của quốc gia, còn cái ghế cai trị là của đảng.
Và người ta lại đặt câu hỏi rằng: Tại sao, cũng sự kiện ấy, nghĩa là cũng là “Giải phóng Miền Nam” cũng là “Chiến thắng Sài Gòn” mà mỗi năm, Đảng lại có thái độ khác nhau? Phải chăng, năm trước thì có ý nghĩa trọng đại, quan trọng và nhất định phải gào lên cho cả thế giới biết là chúng tao tài giỏi, đánh đâu thắng đấy, là vĩ đại, là bất khả chiến bại… còn năm nay nó không còn vĩ đại nữa, không còn ý nghĩa nữa?
Cũng có người giải thích rằng: Không hề, đảng vẫn nhớ, vẫn cứ tự hào, nhưng năm nay tự hào trong im lặng vậy thôi. Không ồn ào, vì đảng mới cố gắng thiết lập được mối quan hệ với Mỹ ở tầm cao hơn, ở mức độ “Chiến lược Toàn diện” nên đảng im, đảng lượng tình cho kẻ thù của mình.
Và người khác đáp lại: À, thì ra vậy, điều đó có nghĩa là cái vĩ đại, cái tuyệt đối, cái giòn giã, cái quan trọng ấy nó phụ thuộc vào thời điểm, vào đối tượng ấy khi nào đảng cần và khi nào đảng không cần chứ không phụ thuộc vào chính sự kiện đó nó ra sao.
Có nghĩa rằng đó là một sự kiện mang tính cơ hội như đảng ta vẫn là đám cơ hội xưa nay. Để rồi nếu ngày mai, mối quan hệ xấu đi hoặc cần cho mục đích nào khác, thì những sự kiện bị bỏ qua hôm nay, lại có ý nghĩa ngay lập tức trên miệng của đảng.
Học lấy cái khôn
Nhưng cũng có người cho rằng, đó là cái khôn, nhưng cái khôn đó không xuất phát từ nhận thức vì nó đem lại điều có hại cho xã hội, mà cái chính là từ đảng.
Bởi đảng càng hò hét bao nhiêu, thì người ta hỏi lại những câu hỏi mà chắc chắn là đảng chỉ biết… ngọng. Chẳng hạn:
Rằng: Vậy thì qua nửa thế kỷ sau “Chiến thắng” ấy, đảng đã lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối cả đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa” thì nó đi đến đoạn nào rồi ?
Rằng : Liệu con đường mà “Đảng và bác đã chọn” ấy, có đi đến XHCN theo các định nghĩa mà người dân đã đưa ra – nghĩa là Xuống Hố Cả Nút? Hay Xuống Hàng Chó Ngựa?
Rằng: Tại sao đảng đã lãnh đạo tài tình, sáng suốt đưa cả nước tiến lên Thiên đường XHCN đã nửa thế kỷ, vậy mà con dân Việt hễ cứ có cơ hội là bằng mọi cách để thoát khỏi “sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng quang vinh là vì sao”? Vậy thì có khác gì dân Việt ngầm bảo rằng tránh xa đảng ra như tránh hủi?
Rằng: Tại sao đảng vẫn ra rả là đảng chiến thắng, đảng chửi Mỹ, chửi đế quốc như hát hay, vậy mà đảng hành động ngược lại: Con cái của đảng, gia đình của lãnh đạo đảng cứ sểnh ra là đến Mỹ, đến các quốc gia đế quốc sài lang, là tư bản giãy chết ?
Rằng: Còn cái nội bộ đảng trong sạch, vững mạnh và là đội quân tiên phong của Giai cấp, của dân tộc. Vậy sao trong cái đội quân ấy, tiên phong ở mức nào mà hễ sểnh ra là người ta biết đều là một lũ ăn cắp, ăn cướp công quỹ, ngân sách hơn cả đám lục lâm thảo khấu, đầu đường xó chợ ?
Rằng: Cách nào mà đảng dạy được cái đám từ Ủy viên Trung Ương và thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc. Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ… nếu chưa hiện nguyên hình là kẻ cướp, thì đều là những chính trị gia lão luyện, những người thầy giảng dạy, rao giảng đạo đức cho cả dân tộc mà không hề biết ngượng ?
Với những câu hỏi đó, nếu đảng đối diện, e rằng sẽ “Sập nguồn” nếu cón chút liêm sỉ và tự trọng.
Thế nên, đảng im lặng, cũng là cách để may ra học được phần nào cái chữ “Khôn”.
30.04.2024
J.B Nguyễn Hữu Vinh
----------