Thứ từ trên trời rơi xuống luôn bị mỉa mai là vô dụng bỗng trở thành báu vật
Tác giả : Yến Nguyễn Nguồn: Nhịp Sống Thị Trường Ngày đăng: 2024-05-03
Được trời phú cho nguồn tài nguyên mang lại nguồn lợi khổng lồ, quốc gia này đã chọn cách tận hưởng cho đến cạn kiệt những gì mình có.
Có diện tích vỏn vẹn 21 km vuông, quốc đảo Nauru có ít đất đai màu mỡ và nước ngọt khan hiếm. Gần 13.000 cư dân trên đảo phải nhập khẩu hơn 90% thực phẩm và tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng vọt lên mức cao nhất thế giới.
Tất cả những rắc rối này ập đến đối với một quốc gia từng có GDP bình quân đầu người cao thứ 2 thế giới. Năm 1982, tờ New York Times tuyên bố Nauru là “hòn đảo nhỏ giàu có nhất thế giới” nhờ công cuộc khai thác nguồn phốt phát dồi dào kéo dài hàng thập kỷ tại đây.
Giàu có nhờ phân chim
Phân chim có thể không phải là một nguồn tài nguyên đáng mơ ước, nhưng chúng rất giàu phốt phát và có thể sản xuất ra phân bón. Vùng đất Nauru đã từng được bao phủ bởi những quặng phốt phát tích tụ qua hàng triệu năm.
Khai thác phốt phát là nguồn thu nhập chính của quốc đảo Thái Bình Dương này trong những năm 1970-1980. Nhà kinh tế học Helen Hughes ước tính rằng GDP bình quân đầu người của Nauru vào năm 1975 là 50.000 USD, chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út.
Nhưng khi nguồn tài nguyên cạn kiệt, hòn đảo rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Những gì còn lại chỉ là các mỏ phốt phát bị phân huỷ và suy thoái môi trường nghiêm trọng. Gần một phần ba dân số trong độ tuổi lao động thất nghiệp.
Bội thu tiền mặt từ khai thác phốt phát, quốc đảo đã không chi tiêu hợp lý. Tình hình ở Nauru là một thảm kịch và là hậu quả của quản lý yếu kém và tham nhũng tràn lan, John Connell, giáo sư nghiên cứu về Nam Thái Bình Dương tại Đại học Sydney cho biết. Số tiền thu được bị phung phí vào các dự án phô trương và tăng lương ồ ạt cho khu vực công.
Cuộc sống mỗi ngày đều như một bữa tiệc
Đối với một đất nước nhỏ bé, Nauru từng có rất nhiều ô tô. Có thời kỳ, mỗi người dân sở hữu khoảng 4 chiếc xe. Giờ thì số lượng đã ít hơn đáng kể và hàng loạt xe cũ nằm trong bãi phế liệu ở giữa đảo.
Nhờ nguồn tiền dồi dào, nhiều người dân đã nghỉ việc và tiêu xài mạnh tay cho các chuyến đi nghỉ mát, mua sắm, xe sang.
Một cựu tổng thống giấu tên của Nauru nhớ lại: “Không nhiều người quan tâm đến việc các khoản đầu tư của mình có sinh lời hay không, những tờ tiền USD thậm chí còn được dùng làm giấy vệ sinh và cuộc sống mỗi ngày đều giống như một bữa tiệc vậy”.
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Khi các nguồn tài nguyên cạn kiệt và các nhà đầu tư rút lui, Nauru phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề và mất đi nguồn thu. Ngành thuỷ sản và nông nghiệp bị bỏ bê cùng hệ sinh thái bị tàn phá không thể cứu vãn nổi.
Thay vì tìm cách phát triển kinh tế, Nauru phẫn nộ khởi kiện ở một toà án quốc tế, đòi các công ty nước ngoài phải bồi thường cho việc gây ô nhiễm tại quốc gia này. Nauru đã thành công khi Úc đồng ý trả 2,6 triệu USD/năm trong 20 năm. Tuy nhiên, con số này không đủ đối với một đất nước chẳng còn gì ngoài sự ô nhiễm.
Tuổi thọ giảm, vòng eo tăng
Chìm trong sự giàu có, người dân địa phương từ bỏ lối sống truyền thống và chuyển sang thực phẩm rẻ tiền với nhiều chất béo, cùng rượu và thuốc lá. Không lâu sau, một cuộc khủng hoảng sức khỏe ập đến. Tuổi thọ trung bình của người Nauru giảm xuống chỉ còn 50, trong khi tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, tim, các bệnh mãn tính khác và cả vòng eo của họ đều tăng vọt.
Theo bảng xếp hạng do Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2017, Nauru là quốc gia béo phì nhất thế giới với tỷ lệ béo phì 61%. Trước đây, người ta thấy rằng gần 95% cư dân của Nauru bị thừa cân.
Việc khai thác phốt phát đã khiến phần lớn hòn đảo trở nên không thể canh tác được. Bởi vậy, Nauru cần nhập khẩu nhiều thực phẩm được chế biến sẵn. Họ tìm kiếm những thực phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Úc hoặc New Zealand chứa nhiều chất béo và đường.
Nguồn: Tổng hợp
----------