Làn sóng phản chiến phơi bày chia rẽ trong liên minh của ông Biden
Tác giả : Vũ Hoàng Nguồn: VnExpress Ngày đăng: 2024-05-04
Hy vọng của Tổng thống Biden về việc tái lập liên minh từng đưa ông đến Nhà Trắng đang bị đe dọa khi phong trào phản đối chiến sự Gaza lan rộng.
Những đảng viên Dân chủ thân Israel đang thúc đẩy Tổng thống Joe Biden phản ứng mạnh mẽ hơn trước phong trào biểu tình phản chiến tại các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Phe Cộng hòa, trong đó có cựu tổng thống Donald Trump, cũng cho rằng phong trào biểu tình ngày càng lan rộng là dấu hiệu cho thấy khả năng xử lý khủng hoảng yếu kém của Nhà Trắng.
Suốt nhiều tháng, các nghị sĩ và quan chức thuộc đảng Dân chủ đã thể hiện quan điểm tương đối thận trọng với xung đột ở Gaza, khi Tổng thống Biden vẫn kiên trì ủng hộ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại dải đất, dù thương vong không ngừng tăng cao. Nhưng khi làn sóng biểu tình phản chiến bùng lên mạnh mẽ ở các đại học Mỹ, nỗ lực giữ vững liên minh của ông Biden đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington hôm 6/2. Ảnh: Reuters
Dưới áp lực chính trị không ngừng gia tăng khi sinh viên hàng chục trường liên tục biểu tình, đụng độ với cảnh sát, ông Biden hôm 3/5 phải phá vỡ im lặng, tuyên bố người Mỹ có quyền biểu tình, nhưng không được phép tiến hành bằng bạo lực.
"Hủy hoại tài sản không phải biểu tình ôn hòa, mà là vi phạm pháp luật. Phá hoại, xâm phạm bất hợp pháp, phá cửa sổ, khiến các trường học phải đóng cửa, hủy lễ tốt nghiệp, không có gì trong số này là biểu tình ôn hòa", ông nói, nhấn mạnh rằng "trật tự phải được đảm bảo".
Theo giới quan sát, thông điệp cứng rắn của Tổng thống Biden khó có thể xoa dịu những lời kêu gọi ông phải có biện pháp mạnh tay hơn với những người biểu tình. Mặt khác, nó còn có nguy cơ khiến ông bị mất điểm trong mắt nhóm cử tri trẻ tuổi, những người hoàn toàn không tán thành cách Tổng thống xử lý cuộc xung đột ở Gaza. Dù vậy, mối lo lớn nhất với ông chủ Nhà Trắng lúc này dường như là việc liên minh hậu thuẫn ông đang lung lay trước phong trào biểu tình.
Nhóm Dân chủ Đại học Mỹ, tổ chức chính thống ủng hộ Tổng thống Biden, đã đứng về phía phong trào biểu tình. Họ ca ngợi "lòng dũng cảm" của những sinh viên khi sẵn sàng đối mặt rủi ro để "bảo vệ quyền và phẩm giá cho người dân Palestine".
Dù tái khẳng định lập trường ủng hộ Tổng thống Biden và các đảng viên Dân chủ khác trong cuộc bầu cử sắp tới, nhóm cũng đưa ra lời cảnh báo đối với chiến dịch tranh cử của ông.
"Mỗi ngày các đảng viên Dân chủ chưa thể đoàn kết để đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài, giải pháp hai nhà nước và công nhận Palestine độc lập, thì đó là một ngày có thêm nhiều thanh niên bị vỡ mộng về họ", nhóm tuyên bố.
Hồi đầu tuần, trước khi những người biểu tình ở Đại học Columbia chiếm một tòa nhà của trường, gần 20 nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đã đưa ra tối hậu thư cho các hội đồng trường đại học: Giải tán những khu trại biểu tình hoặc từ chức.
Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng tận dụng cơn hỗn loạn để công kích phe Dân chủ. Họ lên án mạnh mẽ các cuộc biểu tình và việc chính quyền Tổng thống Biden không nỗ lực để kiềm chế chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza.
Cựu tổng thống Trump nói rằng các thành viên Do Thái trong đảng Dân chủ "ghét tôn giáo của chính họ" và ông đang tìm mọi cách để quy trách nhiệm cho Tổng thống Biden.
"Không ai biết Mỹ hiện tại có quan điểm như thế nào. Tôi nghĩ ông Biden chưa chắc đã đứng về phía Israel và ông ấy đang phạm sai lầm nghiêm trọng. Bạn phải xử lý cơn khủng hoảng mà chúng ta đã chứng kiến từ hôm 7/10/2023", ông cho hay khi đề cập đến cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel gần 7 tháng trước.
Tranh cãi giữa các đảng viên Dân chủ đã nóng lên vào tuần trước, khi thượng nghị sĩ Bernie Sanders lên án giới lãnh đạo đảng vì không biểu quyết về đề xuất của ông nhằm "chấm dứt viện trợ quân sự cho chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu".
Hạ nghị sĩ Dân chủ Jared Moskowitz, người ủng hộ viện trợ Israel, sau đó đăng bài trên mạng xã hội, cáo buộc Sanders đang trốn tránh một vấn đề quan trọng hơn.
"Bernie, người đang theo chủ nghĩa bài Do Thái, sao im lặng thế?", ông viết, đề cập đến phản ứng của Sanders với phong trào biểu tình của sinh viên.
Ngày hôm sau, hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez, người bị một số nhà hoạt động cánh tả chỉ trích vì không có đường lối đủ cứng rắn chống lại Israel, đã đứng ra bảo vệ Sanders.
"Gia đình thượng nghị sĩ Sanders đã bị giết trong Holocaust", bà viết trên mạng xã hội. "Cam kết bảo vệ người vô tội ở Gaza của ông bắt nguồn từ các giá trị Do Thái. Ông và nhiều lãnh đạo Do Thái khác xứng đáng được đối xử tốt hơn".
Moskowitz đáp lại bằng cách dẫn chứng những thử thách của chính gia đình ông trong nạn diệt chủng Holocaust.
"Người thân trong gia đình tôi cũng bị sát hại trong Holocaust ở Đức và Ba Lan", ông nói. "Những giá trị đó cũng thấm nhuần trong tôi. Đó là lý do tôi bỏ phiếu ủng hộ viện trợ cho Israel và viện trợ cho Gaza".
Trong một cuộc phỏng vấn trên CNN vào cuối tuần trước, thượng nghị sĩ Sanders đã phản đối quyết liệt những ý kiến cho rằng các cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên Mỹ là phong trào bài Do Thái và liên tục nhấn mạnh vào những diễn biến thực tế ở Gaza để thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn viện trợ tới Israel.
Cảnh sát Mỹ bắt một người biểu tình trong khuôn viên Đại học Columbia, New York, hôm 30/4. Ảnh: Reuters
Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy thoải mái với việc sinh viên Do Thái ủng hộ Israel bị gọi là "ủng hộ hành vi diệt chủng" hay không, Sanders đã né tránh bằng cách tập trung vào những hành động của chính phủ Israel.
"Tôi nghĩ từ diệt chủng là điều đang được Tòa án Công lý Quốc tế điều tra", ông cho hay. "Nhưng đây là những gì tôi sẽ nói: Tôi không nghi ngờ về việc những gì Thủ tướng Netanyahu đang làm, di dời 80% dân số ở Gaza, là thanh lọc sắc tộc".
Theo quan điểm của những người biểu tình, Israel đang vi phạm luật pháp quốc tế vì "nỗ lực nhằm đẩy người dân Palestine khỏi Gaza".
Chính quyền Biden và chiến dịch tranh cử của ông lại vẽ nên một bức tranh rất khác. Theo họ, chiến dịch quân sự mà Israel phát động ở Gaza là một phản ứng hợp lý trước vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas và Tel Aviv có quyền tự vệ.
Khi giải quyết vấn đề, Tổng thống Biden đã tìm cách loại bỏ bầu không khí tranh cãi về phong trào biểu tình trong khuôn viên các trường đại học và những nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm biến cuộc khủng hoảng thành đòn bẩy tranh cử.
Khi được các phóng viên hỏi vào tuần trước về các cuộc biểu tình, Biden cho hay ông "lên án các cuộc biểu tình chống Do Thái" nhưng thêm rằng ông "cũng lên án những người không hiểu chuyện gì đang xảy ra với người Palestine".
Hôm 28/4, thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy, người chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel vì gây thương vong quá lớn đối với dân thường và cởi mở trước khả năng điều chỉnh viện trợ cho Tel Aviv, đã tìm cách vạch ra giới hạn giữa hai vấn đề.
"Tất cả chúng ta nên lên tiếng khi phong trào phản chiến vượt quá giới hạn, khi nó trở nên bạo lực hoặc khi có biểu hiện thù ghét. Nhưng 95% thanh niên tại các ngôi trường này biểu tình vì họ tin rằng những gì Israel đang làm ở Gaza là bất công", Murphy nói, nhấn mạnh ông không cảm thấy có điều gì sai khi bảo vệ những cuộc biểu tình ôn hòa.
Nhưng đảng Cộng hòa có xu hướng ít quan tâm tới các chi tiết như vậy.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik vài ngày trước đã kêu gọi chính quyền Biden tiến hành chiến dịch trấn áp chưa từng có đối với những người biểu tình, khẳng định "tình trạng vô chính phủ đã nhấn chìm Đại học Columbia".
"Tôi yêu cầu chính phủ thực thi luật hiện hành để thu hồi thị thực và trục xuất những sinh viên bị nhà trường đình chỉ học tập vì hành động bài Do Thái của họ", bà nói.

Nhóm phản đối biểu tình, ủng hộ Israel tấn công, ném pháo hoa vào khu trại sinh viên rạng sáng 1/5. Video: Guardian
Vũ Hoàng
(Theo CNN, AFP, Reuters)
----------