Vì sao báo chí Nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?
Nguồn: Đài Á Châu Tự Do | Ngày đăng : 2024-05-17 |
Sư Thích Minh Tuệ
Một vị sư với y áo chắp vá bằng những mảnh vải rách, cầm nồi cơm điện thay bình bát đi khất thực. Hình ảnh nhận diện ông là đầu trần, chân đất, ông phát nguyện bộ hành dọc đất nước để tập học Phật pháp, được người dân khắp nơi tôn kính, dõi theo. Đánh từ khóa “sư Minh Tuệ” trên google search chỉ có một bài viết trên VTCNews nhắc đến ông, với tựa bài “Hãy để cho sư Minh Tuệ được yên thân tu tập”, ngoài ra không thấy các trang web hoặc báo điện tử khác trong nước loan nhắc về ông.
Sư Thích Minh Tuệ trở thành hiện tượng
Ông xưng pháp danh là Thích Minh Tuệ, tu theo 13 hạnh Đầu Đà. Không tự nhận mình là sư thầy, không theo một giáo hội nào, cũng không thuyết pháp nhưng hành trình của sư đã thu hút được sự chú ý và mến mộ từ rất nhiều người dân trong nước.
Truyền thông Nhà nước không nhắc đến ông nhưng hàng chục YouTuber đã đi theo sư Minh Tuệ, ghi lại từng nẻo đường mà vị sư này đi qua. Do đó, nếu tìm kiếm trên mạng, nhiều người sẽ thấy hàng chục video về ông được các trang YouTube hoặc Facebook đăng tải, khiến ông đang trở thành “hiện tượng”.
Nói về sư Minh Tuệ, ông Thành Đỗ, từng là Trưởng ban nghiên cứu Phật học, giảng viên trường đại học Phật giáo ở Paris, giải thích tại sao vị sư chân chất này đang trở thành hiện tượng:
“Cái cốt lõi của đạo Phật, của một người tu sĩ là “Giới, Định và Tuệ”. Khi một người tu sĩ giữ chặt những giới luật của một người tu sĩ thì cái “Giới” sẽ sinh ra cái “Định” và cái “Định” sẽ sinh ra cái “Tuệ”.
Cái “Tuệ” khi mà đã có rồi thì giống như ngọn đèn được thắp sáng trong bóng đêm. Từ xa người ta nhìn thấy ngọn đèn đó sẽ tìm đến. Một vị sư mà giữ “Giới” thật là chặt thì tự nhiên sẽ tỏa sáng và mọi người sẽ đến với ông ta.”
Mất niềm tin với Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
Một nhà báo trẻ trong nước, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng đây là phản ứng của xã hội và nó cho thấy rằng người ta đã quá nhàm chán với các vị sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
“Các ông thầy ở Việt Nam được hậu thuẫn bởi Nhà nước, nói tầm bậy để thuyết phục cúng dường rồi vẽ ra những chuyện mê tín, điên khùng để thao túng người dân đi vào những hố sâu của mê muội. Cho nên, bản thân câu chuyện thanh bạch và đi hành đạo của thầy Thích Minh Tuệ cho thấy một sự khác biệt rất rõ.
Và cái sự ủng hộ đối với thầy Thích Minh Tuệ cũng cho thấy thái độ của người dân đối với Giáo hội Phật giáo Nhà nước quốc doanh Phật hôm nay là đã quá chán.”
Đồng quan điểm với nhà báo này, bà Tố Nga, nhận định thêm rằng sở dĩ sư Thích Minh Tuệ được dân chúng sùng bái là bởi:
“Có nhiều tăng ni trong hệ thống GHPGVN xảy ra tình trạng kêu gọi phật tử cúng dường quá nhiều nên khi sư Minh Tuệ không nhận tiền cúng dường thì người dân sinh lòng thần tượng.
Người dân sống trong một cơ chế chính trị độc tài, giáo dục xuống cấp, tôn giáo cũng bị nhà cầm quyền thao túng nên họ mất niềm tin vào tổ chức tôn giáo của nhà nước, nên khi sư Minh Tuệ xuất hiện với pháp tu tự do, không nhận tiền bố thí thì người dân cảm thấy thầy là chân tu.”
Nhà nước đang quan sát?
Dù đông đảo người dân chú ý và theo dõi hành trình của vị tu sĩ này khi mỗi video trên YouTube về sư Minh Tuệ có lượt view từ trăm ngàn cho đến cả triệu, nhưng hệ thống truyền thông chính thống nhà nước, cho đến ngày 14/5, vẫn rất hạn chế loan tải thông tin liên quan.
Lý giải cho điều này, một nhà báo trẻ giấu tên cho rằng:
“Việc từ chối tham gia một hệ phái do Nhà nước lập ra và thực hiện việc tu tập tự thân không có liên quan đến bất kỳ ai là một điều mà nhà nước hay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thích, không công nhận.”
Còn ông Thành Đỗ thì nhìn nhận rằng, chính quyền vẫn đang đứng ngoài cuộc quan sát. Bởi lẽ, theo ông Đỗ, vì số lượng người ái mộ sư Minh Tuệ quá đông nên chính quyền vẫn chưa có động thái ngăn chặn nào. Tuy nhiên, ông Thành Đỗ cho rằng, một khi các sư thầy bên Giáo hội Phật giáo Nhà nước mà lên tiếng thì tương lai sẽ khó khăn cho vị sư này:
“Tôi nhận thấy một điều là vừa rồi có những vị sư mà mình hay gọi là sư quốc doanh của Giáo hội Phật giáo Nhà nước bắt đầu đăng đàn và phán như là một bề trên phán xuống là thầy Minh Tuệ làm như vậy là đúng, là sai, là không được quyền, không được phép… Có một ông trắng trợn nhất là Thích Chân Quang còn kêu thầy là “thằng ba trợn”, thì những điều đó rất đáng lo ngại.
Nhà nước cho tới giờ này vẫn đứng ngoài đứng ngó thôi, nhưng mà khi bắt đầu có một áp lực là nó từ phía bên Phật giáo Việt Nam thì tôi e rằng sẽ dữ nhiều lành ít cho sự Minh Tuệ.”
Thượng toạ Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Chùa Phật Quang từng phát biểu chỉ trích sư Minh Tuệ trong một bài thuyết pháp của mình, thậm chí còn nói rằng mọi người đang sùng bái một “thằng ba trợn mặc áo rách, ôm nồi cơm đi bộ hành”.
Phát biểu này ngay lập tức nhận được hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội khiến sư Thích Chân Quang phải gỡ bỏ video sau một ngày đăng tải trên YouTube của chùa Phật Quang.
****
Cập nhật:
Hôm 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng trước hiện tượng này. Theo đó, Giáo hội khẳng định ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng hành trình bộ hành của sư Minh Tuệ làm ảnh hưởng đến Giáo hội này vì có nhiều Phật tử tập trung đông, cúng thức ăn, vật phẩm... gây dư luận trái chiều.
Vì vậy, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thông báo đến toàn bộ Phật tử và liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
----
Khi muốn tu phải được… công nhận
Tác Giả : Trân Văn (Blog VOA) | Nguồn: Báo Tiếng Dân | Ngày đăng : 2024-05-17 |
Sư Minh Tuệ khẳng định mình không phải nhà sư và lý do ông đi bộ từ Nam ra Bắc ‘chỉ là để rèn luyện sức khỏe chứ không phải tu tập’. Nguồn: VNE
Dư luận vừa dậy lên thành bão sau khi Hội đồng Trị sự (HĐTS) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG VN) gửi Thông báo cho Ban Trị sự GHPG VN các tỉnh, thành phố về “người được mạng xã hội gọi là ‘sư Thích Minh Tuệ’ không phải là tu sĩ Phật giáo”.
Thông báo vừa kể nhấn mạnh “người đàn ông mang hình dáng nhà sư bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại” đang “gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. HĐTS của GHPG VN cho biết “đã xác minh” và “khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này cũng đã được chính người đàn ông này khẳng định trong các clips trên mạng xã hội”. Theo HĐTS của GHPG VN thì “người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Tú sinh sống tại huyện Eakar tỉnh Đắk Lắk. Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Tuy nhiên lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo, tạo nên hiệu ứng câu views và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. HĐTS của GHPG VN đề nghị Ban Trị sự GHPG VN các tỉnh, thành phố thông báo để không gây ngộ nhận ông Tú là “nhà sư”.
Đáng lưu ý là HĐTS của GHPG VN đề nghị Ban Trị sự GHPG VN các tỉnh, thành phố “liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam” [1].
***
Trên thực tế, người đàn ông tên là Lê Anh Tú được nhiều triệu người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam ngưỡng mộ, tán thán với tên “sư Thích Minh Tuệ”, không phải nguyên nhân dẫn tới thực trạng mà GHPG VN cho là “dư luận xúc phạm”. “Dư luận xúc phạm” đã dậy lên từ lâu sau khi nhiều tăng, ni của GHPG VN vừa phô bày sự xa hoa, vừa đốc thúc Phật tử dâng sao giải hạn, cúng dường, chuyển khoản, thậm chí hiến kế cho nhau để tăng nguồn thu.
Không chỉ Phật tử mà công chúng nói chung chú ý đến “sư Thích Minh Tuệ” bởi sự khiêm cung, con đường tu tập mà ông chọn cho thấy nghị lực phi thường, nỗ lực buông bỏ tất cả để đạt đạo.
Có không ít người chẳng hạn như Thái Đức Phương đã so sánh cách thức tu trì của “sư Thích Minh Tuệ” với thực tế tu tập, thuyết pháp của nhiều tăng ni trong GHPG VN và chính sự so sánh này khiến HĐTS của GHPG VN cảm thấy đó là “dư luận xúc phạm”…
Theo Thái Đức Phương thì “ông Minh Tuệ” có “bảy cái sai”. Chẳng hạn ông chỉ “khất thực” chứ không chịu nhận “cúng dường”, đặc biệt là từ chối nhận tiền. Ông chọn lối tu tập… “khoe hình ảnh” đầu trần, chân đất ngoài đường trong khi nhiều vị tăng nổi tiếng ở Việt Nam thường khiêm tốn “ẩn mình” trong Mercedes, Audi,… Đã vậy ông còn “phân biệt” trong việc nhận đồ cúng, khác với những vị tăng nổi tiếng nhận hết, không chừa thứ gì. Chưa hết ông làm “tổn phước” vì khiến người ta cãi nhau về pháp tu của ông, do vậy mới có vị tăng quở ông, ông bị trách vì không biết tu theo “miệng đời”, sửa mình cho khớp với cái tham – sân – si của thiên hạ để vuốt ve Phật tử khiến Phật tử hăm hở cúng tài vật. Thái Đức Phương nói thêm, “ông Minh Tuệ” còn sai ở chỗ chỉ tu cho mình, “xưng con với tất cả mọi người, không chịu nhận là sư hay là thầy của ai, không chịu hoằng dương đạo pháp”. Cuối cùng ông “ép xác”, sai với “con đường trung đạo của Phật” bởi theo cách hiểu của số đông, trung đạo là tương đối, chẳng hạn đối với những người thu nhập bèo bọt như Thái Đức Phương, “đi xe máy là trung đạo, còn đối với những sư thầy vang danh thiên hạ có hàng trăm tỉ trong tài khoản ngân hàng thì đi Mercedes hay Audi là trung đạo”.
Tuy nhiên Thái Đức Phương thừa nhận: Hình ảnh của ông Minh Tuệ đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng khi thực hành tâm nhẫn trong công việc. Một người “tập học” theo Đức Phật, chưa làm gì lỗi đạo thì đáng được tán thán, chứ không đáng bị gọi là “thằng ba trợn” như một vị “nhân tài đất Việt thời kỳ hội nhập quốc tế” đã gọi. Nhờ những Youtuber và đoàn Phật tử đã đi theo ông Minh Tuệ suốt ngày đêm mà người ta biết được ông tu tinh tấn cỡ nào. Trước, tôi không tin có người thực hiện được hạnh ngủ ngồi suốt nhiều ngày liền và cho rằng đó chỉ là chuyện bịa ở trong kinh. Giờ điều đó đã có người làm được một cách nhẹ nhàng. Trước, người ta chỉ nghe giảng về buông xả, vô ngã qua miệng các nhà sư, thì giờ đây bỗng có người “dám” đem điều đó ra thực hành, cả xã hội ồ lên, nhận ra thế nào là “thực hành” và bọn tu mõm thì nhảy sồn sồn. Nhờ có ngắn, người ta mới biết thế nào là dài. Nhờ có bầu trời đêm, người ta mới thấy được các vì sao. Nhờ có bọn tu mõm, người ta mới biết được thế nào là một người “tập học” theo Phật. Tôi hiểu chữ “thực” trong câu “Có thực mới vực được đạo” nghĩa là “thực hành”. Phật pháp bị mạt phải chăng là do người ta mải rao giảng Phật pháp mà không chịu thực hành. Theo tôi, chỉ có thực hành đạo pháp mới mong vực dậy được đạo pháp [2]…
***
Không phải tự nhiên mà càng ngày càng nhiều người gọi GHPG VN là “Phật giáo quốc doanh”. Thông báo về “người đàn ông mang hình dáng nhà sư bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại” của HĐTS GHPG VN khiến rất nhiều người phẫn nộ như Phạm Hải: Phật giáo có từ hàng ngàn năm, GHPG VN lấy tư cách gì định đoạt ai là tu sĩ, ai không phải tu sĩ? Có người mỉa mai như Phạm Minh: Vợ em không tham gia Hội Phụ nữ Việt Nam, vậy vợ em có phải phụ nữ không ạ [3]? Cũng có người nhận định về những khác biệt khiến GHPG VN không thể dung “sư Thích Minh Tuệ” như Tran Nhat Binh: Người này làm gì có ‘chùa’ mà được nhận vào băng nhóm của các ông! Người này vô sản, làm sao ngồi chung với các ông dưới một mái nhà! Người này không vợ, không con, ăn chay… làm gì được ngồi chung mâm với các ông! Người này không livestream câu view kiếm tiền, không tu online… làm sao ngồi chung bàn với các ông! Người này không khuyên thiên hạ cúng dường, giải hạn, đuổi ma, trừ tà, mê tín dị đoan… làm sao được nhận vào hội của các ông! Người này chân trần, áo rách, da bọc xương, làm sao có thể lên chung một xe với các ông! Người này ăn nói khiêm nhường, một lòng tu thân tích đức, làm sao dám đi cùng một đường với các ông [4]!
Sau khi xem thông báo của HĐTS GHPG VN, có người như Chanh Tam thắc mắc mà như than: Hội đồng Trị sự sức giấy cho Ban Trị sự các tỉnh, thành phố chuyện nội bộ của giáo hội mà nơi gởi có A02 Bộ Công an? Để nhờ công an phối hợp đôn đốc, nhắc nhở hay gì [5]? Phải chăng tiêu chí “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” mà GHPG VN quyết tâm hướng tới đã đẩy tổ chức tôn giáo này đến chỗ khiến Phật tử nói riêng, dân chúng nói chung nhìn thông báo vừa đề cập chỉ là vấn đề như Hai Tran cảm nhận: Ông Minh Tuệ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong trào vận động cúng dường và giải oan gia trái chủ của Hiệp hội Doanh nghiệp cổ phần chùa Việt Nam [6]. Hoặc là chuyện như Hoàng Thanh Tâm bỡn cợt: Đề nghị “người đàn ông mang hình dáng nhà sư” trả lại NỒI CƠM cho GHPG VN vì đã làm bể nồi cơm của hội rồi! Hay buộc Tri Do phải thở dài: Văn phong của Trung ương Phật giáo quốc doanh mạnh như nghị quyết của chính quyền. Kinh thật! Chuyển qua Bộ Công An theo dõi, xử lý? Sợ lắm! Ôi thời mạt vận, miệng mồm mấy thầy chùa quốc doanh có gang, có thép gớm [7]!
Chú thích
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |