Việt Nam: Độc diễn chính trị và thảm họa
(Phần 1)
(Phần 1)
Tác Giả : Trân Văn (Blog VOA) | Nguồn: Báo Tiếng Dân | Ngày đăng : 2024-05-21 |
Chấp nhận bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước và vẫn để ông kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đồng nghĩa với việc tạo ra thực trạng, Thủ tướng phải báo cáo công việc với thuộc cấp. Hình minh họa, chụp ngày 21-12-2023, khi ông Tô Lâm phát biểu tại Quốc Hội Việt Nam. Nguồn: AFP
Sáng 21/5/2024, báo chí Việt Nam loan báo: “Hôm nay, Quốc hội bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch nước” [1]. Theo đó, “Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để bầu Chủ tịch nước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15”. Tuy được gọi là “danh sách đề cử” nhưng danh sách ấy chỉ có… một người, là ông Tô Lâm!
Cho dù Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam chưa bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch Nhà nước (CTNN) nhưng ai cũng biết ông Tô Lâm sẽ trở thành người kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng. Điều đó trở thành đương nhiên bởi ở kỳ họp thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng khóa 13, BCH TƯ đã “thống nhất rất cao” về việc “giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước”, cũng vì vậy, chuyện “bầu” tân CTNN của Quốc hội khóa 15 tại kỳ họp thứ bảy chỉ là… “thủ tục” và điều đó cho thấy, đảng CSVN chẳng ngại ngần chút nào khi phô bày việc họ là tổ chức duy nhất độc diễn trên chính trường!
***
Theo hiến pháp, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là nơi “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước” (Điều 69) và dù là “lực lượng lãnh đạo nhà nước, xã hội” (Điều 4 – Khoản 1) nhưng trong hiến pháp, đảng CSVN long trọng cam kết “các tổ chức của đảng và đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật” (Điều 4 – Khoản 3). Tuy nhiên với đảng CSVN, hiến pháp chỉ là một mớ… giấy lộn!
Nếu đảng CSVN không xem hiến pháp là một mớ giấy lộn, ông Bùi Văn Cường (Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13, Tổng Thư ký Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) sẽ không dám dám khơi khơi bảo toàn dân, đại ý, ngoài việc chỉ hợp thức hóa việc BCH TƯ đảng chọn ông Tô Lâm làm CTNN, Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ không miễn nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm bởi BCH TƯ đảng chưa… giới thiệu người thay thế, bất kể chuyện một cá nhân vừa làm CTNN, vừa đảm nhận vai trò Bộ trưởng không chỉ năm ngoài phạm vi hiến định mà còn vi hiến và sẽ tạo ra những hệ quả khó lường.
***
Văn minh nhân loại đã giúp ngạn ngữ pháp lý (legal maxim) “công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm” (everything which is not forbidden is allowed) phát triển thêm vế sau “công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép” (for the individual citizen, everything which is not forbidden is allowed, but for public bodies, and notably government, everything which is not allowed is forbidden) để ngăn chặn lạm quyền [2]. Luật pháp nhiều quốc gia được xây dựng trên nền tảng đó và dù không minh định điều vừa kể là nguyên tắc nhưng Việt Nam không phủ nhận, thậm chí có viên chức khẳng định, điều vừa kể là một đặc điểm của nhà nước pháp quyền XHCN [3].
Hiến pháp Việt Nam không chỉ không cho phép CTNN kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng mà hợp pháp hóa việc kiêm nhiệm đó còn giẫm đạp những nội dung đã được hiến định [4] . Theo hiến pháp, CTNN là người đứng đầu nhà nước, thay mặt Cộng hòa XHCN Việt Nam trong đối nội và đối ngoại (Điều 86).
CTNN có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó CTNN, Thủ tướng và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của chính phủ (Điều 88 – Khoản 2). CTNN cũng là nhân vật có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, các Thẩm phán, Kiểm sát viên ((Điều 88 – Khoản 3). CTNN còn là nhân vật có quyền ra quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng của quân đội và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội nhân dân (Điều 88 – Khoản 5).
Ngoài ra, cứ như hiến pháp thì Thủ tướng là nhân vật lãnh đạo chính phủ (Điều 95). Ngoài các tập thể như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng chỉ có trách nhiệm báo cáo với cá nhân duy nhất là CTNN (Điều 94). Các Bộ trưởng nhận chỉ đạo của Thủ tướng và báo cáo với Thủ tướng (Điều 99).
Chấp nhận bầu ông Tô Lâm làm CTNN và vẫn để ông kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đồng nghĩa với việc biến Bộ trưởng Công an trở thành VUA vì có quyền đề nghị Quốc hội “tính sổ” với Phó CTNN, Thủ tướng. Chánh án Tòa án Tội cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Đồng thời có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng là đồng liêu, các Thẩm phán, các Kiểm sát viên. Đồng thời cho phép một ông đại tướng công an ban hành quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng của các sĩ quan cao cấp trong quân đội và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội!
Chấp nhận bầu ông Tô Lâm làm CTNN và vẫn để ông kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an đồng nghĩa với việc tạo ra thực trạng, Thủ tướng phải báo cáo công việc với thuộc cấp (Bộ trưởng Công an) vì ông Bộ trưởng là thuộc cấp ấy được BCH TƯ đảng “thống nhất rất cao” trong việc cử làm CTNN và để ông ta tiếp tục làm Bộ trưởng Công an!..
***
Cuối ngày 21/5/2024, ông Bùi Văn Cường đột nhiên đăng đàn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu… “Tờ trình xin điều chỉnh Chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa này” [5]. Theo Tờ trình, Quốc hội nên sửa nghị trình, tiến hành “miễn nhiệm” vai trò Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm trước khi bầu ông làm CTNN [5]. Vở diễn “bầu” CTNN dẫu đã được quảng cáo rộng rãi nhưng vì lẽ gì đó, giờ chót, giới lãnh đạo đảng CSVN đã biên tập lại kịch bản, ông Tô Lâm chỉ còn sắm một vai… Ông Tô Lâm sẽ đăng quang trễ hơn một ngày so với dự kiến. Độc diễn chính trị không chỉ tạo ra chuyện vừa bi, vừa hài như vừa đề cập…
Chú thích
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Everything_which_is_not_forbidden_is_allowed
[3] https://vietnamnet.vn/mong-manh-dinh-che-dan-duoc-lam-tat-ca-nhung-gi-luat-phap-khong-cam-546259.html
[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
[5] https://tuoitre.vn/quoc-hoi-se-phe-chuan-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an-doi-voi-dai-tuong-to-lam-20240520090106909.htm
---------
(Phần 2)
Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN kết thúc vào thứ bảy 18/5/2024 thì ngày chủ nhật 19/5/2024, ông Bùi Văn Cường (Tổng Thư ký Quốc hội) tổ chức họp báo về Nghị trình kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15 khai mạc vào ngày hôm sau (20/5/2024).
Ở cuộc họp báo ấy, ông Cường cho biết, tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ bầu cả Chủ tịch Quốc hội (CTQH) lẫn Chủ tịch Nhà nước (CTNN) mới, thay cho ông Vương Đình Huệ vừa bị các ĐBQH nhất trí miễn nhiệm vai trò CTQH qua một… “phiên họp bất thường” cách nay chưa đầy ba tuần [1] và ông Võ Văn Thưởng người cũng bị các ĐBQH nhất trí miễn nhiệm vai trò CTNN qua một… “phiên họp bất thường” cách nay hai tháng [2]!
***
Theo hiến pháp [3], CTQH và CTNN là những người được các ĐBQH – những cá nhân đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân” – bầu chọn và quyết định có miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm hay không (Điều 70 – Khoản 7). Tuy nhiên trên thực tế, các ĐBQH chỉ bầu và miễn nhiệm CTQH, CTNN theo quyết định của BCH TƯ đảng CSVN.
Việc ông Vương Đình Huệ “thôi” làm CTQH được quyết định ở kỳ họp bất thường lần thứ bảy của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 hôm 26/4/2024 và vài ngày sau (2/5/2024), các ĐBQH Quốc hội khóa 15 hội họp bất thường lần thứ bảy chỉ để hoàn tất quyết định này của BCH TƯ đảng CSVN.
Tương tự, việc ông Võ Văn Thưởng “thôi” làm CTNN được quyết định ở kỳ họp bất thường lần thứ sáu của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 hôm 20/3/2024 và ngay trong ngày hôm sau (21/3/2024), các ĐBQH Quốc hội khóa 15 cũng hội họp bất thường lần thứ sáu nhằm thực thi ý chí của BCH TƯ đảng.
BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này tụ tập bất thường bao nhiêu lần thì Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam hội họp bất thường bấy nhiêu lần bởi những cá nhân là Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này bị đồng đảng xử lý cũng là những cá nhân từng được đảng sắp xếp để đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.
***
Trở lại với cuộc họp báo diễn ra vào ngày chủ nhật 19/5/2024 để thông tin về nghị trình kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15, ông Cường (một Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13) hồn nhiên tuyên bố, ở hội nghị lần thứ chín, BCH TƯ đảng CSVN khóa này “thống nhất rất cao” để “giới thiệu” ông Trần Thanh Mẫn (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội) làm CTQH mới và ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an) làm CTNN mới.
Bởi Quốc hội có nghĩa vụ thi hành quyết định của BCH TƯ đảng nên ông Bùi Văn Cường mới hồn nhiên trả lời báo giới: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương chín chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an vì thế Quốc hội chưa phe chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này”. Thậm chí Tổng Thư ký của cơ quan lập hiến và lập pháp còn viện dẫn trường hợp ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường – TNMT) sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng vẫn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng TNMT một thời gian để trấn an việc ông Tô Lâm vừa làm CTNN, vừa đảm nhận vai trò Bộ trưởng Công an là bình thường [4].
Người viết bài này đã phân tích ở phần trước việc ông Tô Lâm vừa đảm nhiệm vai trò CTNN vừa kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an không chỉ vi hiến mà còn tạo ra sự hỗn loạn khó lường về hậu quả đối với chính trị – kinh tế – xã hội nhưng độc diễn chính trị đã khiến giới lãnh đạo đảng CSVN trở thành tùy tiện đến mức không thể tưởng tượng.
Tại sao chỉ hai ngày sau, hôm 21/5/2024, cũng chính ông Bùi Văn Cường lại công bố Tờ trình về điều chỉnh nghị trình, đưa thêm việc miễn nhiệm Bộ trưởng Công an vào hoạt động nghị trường lần này trước khi các ĐBQH bỏ phiếu bầu CTNN? Tại sao phút chót lại xảy ra hàng loạt chuyện ngoài dự kiến: Cấp có thẩm quyền đề nghị, Thủ tướng đề nghị nên đề nghị các ĐBQH đồng ý “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an”? Vì sao từng bị xem như một mớ giấy lộn, đột nhiên “pháp luật” lại trở thành một yếu tố quan trọng để trở thành… “căn cứ”? Vì lẽ gì một Ủy viên BCH TƯ đảng giữ trọng trách Tổng Thư ký Quốc hội phải tự “bôi tro, trát trấu” vào mặt ông ta?
***
Tháng 10 năm ngoái, ở kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 15, các ĐBQH khóa này đã bỏ phiếu xác định sự tín nhiệm đối với những cá nhân đã được họ bầu vào những chức vụ cần phiếu của họ. Ông Vương Đình Huệ, lúc ấy là CTQH nhận được 90,85% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu [6]. Chỉ sáu tháng sau, theo quyết định của đảng, cũng những ĐBQH này nhất trí bỏ phiếu cho ông “lên đường”. Cũng tháng 10 năm ngoái, ông Trần Thanh Mẫn, lúc ấy là Phó Chủ tịch Thường trực của Quốc hội chỉ nhận được 86,07% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu nhưng giờ, sau quyết định của đảng, ông nhận được 100% phiếu tín nhiệm với đề nghị để ông đảm trách vai trò CTQH [7].
Trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cá nhân đã được các ĐBQH bầu vào những chức vụ cần phiếu của họ hồi tháng 10 năm ngoái, ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Công an) chỉ nhận được 68,40% phiếu tín nhiệm cao/tổng số phiếu nên chỉ đứng thứ 25 trong số 30 cá nhân được các ĐBQH đánh giá cao. Lần này, khi các ĐBQH quyết định về việc có chọn ông Tô Lâm làm CTNN hay không, ông sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm phiếu? Nếu phiếu tín nhiệm là đáng tin, tại sao số ĐBQH tín nhiệm ông Tô Lâm ở mức cao lại thấp hơn ông Vương Đình Huệ nhưng “sự nghiệp chính trị” của cả hai lại khác biệt như vậy?
Nếu “BCH TƯ đảng đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội” như ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố khi loan báo về kết quả hội nghị lần thứ chín [8], vì sao Quốc hội lại quay 180 độ về chuyện ông Tô Lâm vừa là CTNN, vừa kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an?
***
Cách nay vài ngày, dựa trên thư cảnh báo của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và một số quốc gia, tổ chức ngoại quốc gửi Thủ tướng Việt Nam, Reuters cho biết, trong ba năm vừa qua, Việt Nam đã mất khoản tài trợ ít nhất là 2,5 tỷ Mỹ kim và có thể sẽ mất thêm chừng một tỷ Mỹ kim tài trợ nữa vì bộ máy công quyền tê liệt do hoạt động “chống tham nhũng” [9]. Nếu chịu khó ngẫm nghĩ ắt sẽ thấy việc độc diễn chính trị mới là nguyên nhân chính và thảm họa kinh tế – xã hội từ đó mà ra.
Chú thích
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |