Quốc Hội Việt Nam chính thức bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước
Tác Giả : Thanh Phương Nguồn: RFI Ngày đăng : 2024-05-22
Quốc Hội Việt Nam hôm nay, 22/05/2024, đã chính thức bầu ông Tô Lâm, nguyên bộ trưởng Công An, làm chủ tịch nước. Theo báo chí trong nước, trong một cuộc bỏ phiếu kín, Quốc Hội đã thông qua quyết định này với 472 phiếu thuận trên 473 đại biểu.
Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam tại Quốc Hội, Hà Nội, ngày 22/05/2024. AP - Nghia Duc
Cuộc bỏ phiếu hôm nay ở Quốc Hội chỉ mang tính hình thức, vì ông Tô Lâm, 66 tuổi, đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong cuộc họp ngày 18/05, chọn làm chủ tịch nước, thay thế ông Võ Văn Thưởng, đã phải từ chức vào tháng 3 vì bị xem là có những “vi phạm, khuyết điểm”.
Theo hãng tin AFP, dường như đã được dự trù là ông Tô Lâm sẽ vẫn giữ chức bộ trưởng Công An và đây sẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam chủ tịch nước kiêm nhiệm chức bộ trưởng Công An. Nhưng hôm qua, theo đề nghị của thủ tướng Phạm Minh Chính, vào giờ chót, các đại biểu Quốc Hội mới thông qua việc đưa cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm bộ trưởng Công An Tô Lâm vào chương trình nghị sự hôm nay.
Vài giờ sau khi bầu tân chủ tịch nước, các đại biểu Quốc Hội, với 100% số phiếu, đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công An đối với ông Tô Lâm.
AFP trích lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận định : “Sự do dự về chức vụ bộ trưởng Công An cho thấy các thành viên khác trong ban lãnh đạo đã ngần ngại, không muốn trao chức vụ này cho một trong những người thân tín của ông Tô Lâm. Bản thân ông Tô Lâm cũng không muốn từ bỏ quyền kiểm soát công cụ chính của chiến dịch chống tham nhũng”.
Trong cương vị bộ trưởng Công An, kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, ông Tô Lâm đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng, còn được gọi là chiến dịch “đốt lò”, do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động. Trong bài phát biểu nhậm chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã hứa sẽ “tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Điểm đáng chú ý là hiện giờ vẫn chưa có người thay thế ông Tô Lâm làm bộ trưởng Công An. Theo báo chí trong nước, tạm thời thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho tướng Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng thường trực bộ Công An, điều hành bộ này cho đến khi có tân bộ trưởng.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc ở Canberra, đấu đá nội bộ ở Việt Nam có thể sẽ dịu bớt sau khi ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước. Nhưng cuộc tranh giành chức vụ lãnh đạo số một sẽ lại diễn ra gay gắt trong thời gian tới, vì tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2026 hoặc có thể sẽ phải từ chức vì lý do sức khỏe trước khi hết nhiệm kỳ. Theo giáo sư Thayer, ông Tô Lâm có thể sử dụng vị thế của một trong “tứ trụ” để làm bàn đạp cho việc nắm giữ chức tổng bí thư.
***
Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước, hứa 'đoàn kết' trong ban lãnh đạo Đảng
Nguồn: BBC Tiếng Việt Ngày đăng : 2024-05-22
Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước
Sáng 22/5, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.
Nghị quyết bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước được Quốc hội thông qua với 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Trước đó, Quốc hội đã bỏ phiếu kín để quyết định việc bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Tô Lâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định từ trước. Hôm 18/5, ông đã được Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu cho vị trí chủ tịch nước.
Đáng chú ý, lúc bấy giờ Quốc hội cho biết sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Công an thay thế ông tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.
Cụ thể, hôm 19/5, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông báo rằng, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 (diễn ra từ ngày 16 đến 18/5), Trung ương Đảng "chưa giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm bộ trưởng Công an", do đó Quốc hội không đưa nội dung miễn nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm và phê chuẩn bộ trưởng mới vào kỳ họp lần này.
Thông tin trên đã làm dấy lên tranh luận về tính hợp hiến của việc một người làm chủ tịch nước mà vẫn giữ chức bộ trưởng Công an.
Mãi đến chiều 21/5, khi kỳ họp Quốc hội đã diễn ra được một ngày, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường mới trình bày tờ trình điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 để thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm, người được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu chủ tịch nước.
Trước khi ông Tô Lâm chính thức trở thành chủ tịch nước, Tiến sĩ Bill Hayton đã viết trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) rằng Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước “công an trị”.
Khi đó “Tứ Trụ” sẽ có hai người đi lên từ ngành công an là ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tính cả ông Chính và ông Lâm thì Bộ Chính trị có năm nhân vật xuất thân từ công an.
Hứa 'đoàn kết' trong ban lãnh đạo Đảng
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã bắt đầu thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.
Ông Tô Lâm đặt tay trái lên Hiến pháp, tay phải giơ cao, tuyên thệ:
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó."
Trong phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Quốc hội tín nhiệm bầu và giao cho ông trọng trách chủ tịch nước, cảm ơn Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đã giới thiệu ông cho cương vị chủ tịch nước.
Ông Tô Lâm cũng khẳng định ông ý thức sâu sắc “đây là trọng trách cao cả và nguyện sẽ dốc toàn bộ tâm sức, trí lực để phát triển đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn”.
Tân Chủ tịch nước Tô Lâm nói: "Tôi xin hứa thực hiện nghiêm túc đầy đủ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được hiến định."
"Tôi xin hứa, đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt, không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ," tân Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Trong vòng ba năm qua, người dân Việt Nam đã chứng kiến ba lần tuyên thệ nhậm chức của ba chủ tịch nước khác nhau. Trong đó, hai người đã bị miễn nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ do liên quan đến sai phạm, đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.

video,'Tứ Trụ' Việt Nam: Vị trí nào cho đại tướng Tô Lâm?
'Bàn đạp' để lên chức tổng bí thư?
Một số nhà quan sát nói với BBC rằng, trở thành chủ tịch nước là "bàn đạp" để ông Tô Lâm có thể củng cố quyền lực, từ đó tiến tới ghế tổng bí thư trong tương lai.
Trước khi ngồi vào vị trí chủ tịch nước, ông Tô Lâm không phải là "Tứ Trụ" cũng như không là thường trực Ban Bí thư.
Nếu ông Tô Lâm từ bộ trưởng công an lên thẳng chức tổng bí thư vào năm 2026, đó sẽ là một sự "vượt cấp", điều chưa từng xảy ra trong lịch sử chính trường Việt Nam, theo nhận định của một nhà quan sát giấu tên từ Hà Nội.
Nếu không vào "Tứ Trụ", ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào 2026, sau khi đã làm hai nhiệm kỳ bộ trưởng Công an.
Nhưng một khi đã ở trong 'Tứ Trụ' thì Quy định 214 của Bộ Chính trị có xét "trường hợp đặc biệt".
Giờ đây, khi đã vào “Tứ Trụ”, ông có thể sẽ có suất đặc biệt tại Đại hội 14 để kéo dài sự nghiệp chính trị của mình vào Đại hội Đảng 14, khi ông đã quá 65 tuổi.
Xét các đời tổng bí thư từ sau Đổi mới tới nay, có thể thấy một thông lệ rằng các vị này đều đã nắm chức vụ trong "Tứ Trụ" hoặc là thường trực Ban Bí thư (trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu).
Thách thức đối với ông Tô Lâm
Chính trường Việt Nam đang trải qua một thời kỳ biến động chưa từng có
Giáo sư Thayer đánh giá với BBC rằng tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Tô Lâm không hoàn toàn thuận lợi, vì có vẻ ông không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí của mình.
Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm ngoái, ông Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới 119 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”.
Theo chuyên gia này, kết quả phiếu bầu nói trên cho thấy có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông này là một ứng viên gây chia rẽ.
“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông ta,” Giáo sư Thayer nhận định.
Một điều mà các nhà phân tích cũng chia sẻ, đó là quyền lực của ông Tô Lâm sẽ không được duy trì một khi ông rời Bộ Công an. Đây có thể là một bất lợi của ông mà các đối thủ chính trị có thể tận dụng.
Ông Tô Lâm còn có một số vụ việc mà các đối thủ chính trị có thể khoét sâu vào.
Hồi năm 2021, trong chuyến công tác tới Anh, ông từng có mặt tại bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London, sự kiện gây chú ý cả trong nước lẫn quốc tế trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid-19.
Vụ này không được truyền thông trong nước đưa tin, cũng như ông Tô Lâm không phải chịu bất kỳ kỷ luật, phê bình công khai nào về mặt đảng và chính quyền. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đánh giá rằng danh tiếng và hình ảnh ông có thể đã bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, nhiều nhà quan sát độc lập và chính trị gia nước ngoài cho rằng ông Tô Lâm có vai trò trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao cho Việt Nam.
Ở cương vị bộ trưởng Bộ Công an, công việc của Tô Lâm không liên quan nhiều đến đối ngoại. Tuy nhiên, trên cương vị chủ tịch nước, ông sẽ đại diện nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại, chẳng hạn đón các nguyên thủ quốc gia hoặc thực hiện các chuyến công du cấp nhà nước đến các quốc gia khác.
Những vụ việc trên sẽ khiến ông bất lợi trong quan hệ đối ngoại khi ông nắm giữ cương vị chủ tịch nước.
Giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 2016, ông Tô Lâm, 66 tuổi, là người thực thi chính trong chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng và ông Tô Lâm đã sử dụng quyền lực đó để hạ tới 5 hoặc 6 ủy viên Bộ Chính trị".
Việc bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng hay còn gọi là "đốt lò" ngày một mở rộng.
Vào tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng đã trở thành chủ tịch nước thứ hai từ chức trong vòng chưa đầy một năm sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc nhận “trách nhiệm chính trị” về “những vi phạm và thiếu sót” liên quan đến hai vụ án tham nhũng.
Chỉ hơn một tháng sau khi ông Thưởng mất chức, ông Vương Đình Huệ cũng bị miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội trong một diễn biến được cho là 'chấn động' chính trường Việt Nam.
Chủ tịch nước ở Việt Nam là một trong "Tứ Trụ" của Việt Nam, bên cạnh vị trí tổng bí thư đảng cộng sản, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.
Ông Tô Lâm là ai?
Ông Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957 tại Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Sự nghiệp của ông Lâm trong ngành công an Việt Nam đến nay đã kéo dài 5 thập niên.
Ban đầu, ông là học viên của Học viên Đại học An ninh nhân dân vào năm 1974 rồi trở thành cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an vào năm 1979.
Ông Lâm chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1982, thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2016, và tiếp tục thêm một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị nữa vào năm 2021.
Tháng 4/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cho đến nay.
Ông Lâm được thăng cấp đại tướng vào năm 2019 khi Tổng Bí thư Trọng kiêm thêm chức chủ tịch nước sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018.
Năm 2021, ông Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Vào ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.

video, "Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng 'vang danh' thế giới"
Trong quá trình ông Lâm làm Bộ trưởng Công an, thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã được nâng lên từ vị trí thứ 113 năm 2016 lên vị trí thứ 83 vào năm 2023.
Dưới thời ông Lâm đứng đầu ngành công an, nhiều nhà hoạt động dân chủ, môi trường đã bị bắt. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ được đánh giá là bị siết chặt.
Ông Tô Lâm được báo Việt Nam mô tả là đã biên soạn và xuất bản "những cuốn sách có ý nghĩa vô cùng to lớn", bao gồm:
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2015)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ Công an nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (2017)
- Quần chúng nhân dân – nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Nhà xuất bản Công an Nhân dân (2017)
- Công an nhân dân Việt Nam với tác phẩm tư cách người công an cách mệnh của Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2017)
Chủ tịch nước có quyền gì?
Ông Võ Văn Thưởng (thứ hai từ phải) bị miễn nhiệm chức chủ tịch nước hôm 21/3/2024
Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013, bao gồm một vài điểm chính như sau:
• Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh
• Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ
• Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh
• Quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân
• Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Bên cạnh đó, chủ tịch nước là người ký các quyết định đặc xá, ân xá cho tù nhân.
Tháng 8/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định: đặc xá cho 2.438 người; ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án.
Tháng 12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn xin ân giảm gửi chủ tịch nước.
Vị trí này chính thức được coi là nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế gần đây thì người đóng vai trò “nguyên thủ quốc gia” trong nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như đối thoại và tiếp các nguyên thủ quốc gia nước ngoài, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiểu sử tân Chủ tịch nước Tô Lâm
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn