« Bộ đôi » Tập Cận Bình và Putin : Khi tham vọng chính trị cao hơn lợi ích kinh tế
Tác Giả : Thùy Dương | Nguồn: RFI | Ngày đăng : 2024-05-24 |
Nếu như tựa lớn trang nhất và bài xã luận của Le Monde đều dành để nói về sự lép vế của hồ sơ sinh thái, khí hậu trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới, thì mục thời luận của cây bút Alain Frachon lại tập trung vào mối quan hệ giữa Tập Cận Bình và Putin. Trong bài viết "Ukraina và hai kẻ chuyên chế", Alain Frachon nhấn mạnh là ảo tưởng vào sự " chia tay " của cặp đôi Nga - Trung là vô ích và vô trách nhiệm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/05/2024. AP - Sergei Bobylev
Những gì diễn ra gần đây cho thấy Nga - Trung sẽ tăng cường hợp tác quân sự. Trung Quốc sẽ hỗ trợ thêm cho nền kinh tế chiến tranh của Putin ở Nga. Về mặt chính thức, Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng lại cung cấp các máy công cụ cần thiết cho việc sản xuất vũ khí của Nga, cũng như cung cấp linh kiện, phụ tùng cho oanh tạc cơ Nga, bán chất bán dẫn được Nga sử dụng vào mục đích lưỡng dụng. Không những vậy, Trung Quốc còn cung cấp thông tin vệ tinh hữu ích cho Nga về chiến trường. Không thể phủ nhận là Bắc Kinh hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Matxcơva và tuyên truyền thông điệp dối trá của điện Kremlin : Matxcơva tiến hành chiến tranh chống Kiev là vì phương Tây, vĩnh viễn là đế quốc, đã sẵn sàng tấn công Nga từ Ukraina!
Về kinh tế, năm 2023, giao thương giữa hai nước đạt 240 tỉ đô la. Bắc Kinh mua được chất đốt giá rẻ của Matxcơva và xe hơi, điện thoại di động, ắc quy xe điện … của Trung Quốc tràn ngập thị trường Nga.
Thế nhưng, trên hết, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga có chung mục tiêu thiết lập một trật tự thế giới mới phù hợp với lợi ích và chế độ của Bắc Kinh và Matxcơva hơn. Le Monde trích dẫn chuyên gia Alexander Gabez trên Financial Times (15/05), theo đó " tham vọng " chung của cả Tập Cận Bình và Putin là làm suy giảm sức mạnh của Washington, chống lại điều họ xem là " chủ nghĩa bá quyền " của phương Tây, nhất là Mỹ, đối với hệ thống quốc tế.
Thế nên, để chống " chủ nghĩa bá quyền " Mỹ, Trung Quốc cần đối tác Nga, vốn là một cường quốc hạt nhân, thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và có chung hơn 4.000km đường biên giới với Trung Quốc. Tăng cường sự trao đổi với Matxcơva là để đối phó với một " chính sách thù địch và phá hoại của Mỹ " mà Bắc Kinh xem là nhằm cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi hạm đội chiến tranh của Trung Quốc đang khủng bố các nước láng giềng, và chống sự trỗi dậy của Nga ở châu Âu, nơi quân đội đang xâm lược Ukraina.
Giữa một bên là kinh tế (thị trường phương Tây) và chính trị (quan hệ hợp tác với Nga chống phương Tây), nếu phải lựa chọn, rõ ràng mối ưu tiên của Tập Cận Bình là chính trị.
Nền dân chủ bị Bắc Kinh nhắm mục tiêu
Chỉ 2 hôm sau khi tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức, Hải quân và không quân Trung Quốc đã mô phỏng một cuộc phong tỏa Đài Loan. Trong bài xã luận " Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào nền dân chủ ", báo Công giáo La Croix nhận định Bắc Kinh gây áp lực mạnh mẽ đối với Đài Bắc theo cách hiếu chiến. Đối với La Croix, đây là điều đáng lo ngại.
Ngay cả khi về ngắn hạn, một cuộc xung đột mở dường như không thể, nhưng cuộc tập trận mô phỏng lần này của Trung Quốc có thể được xem là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Bắc Kinh dự định sẽ thống nhất Đài Loan vào bộ máy nhà nước và lãnh thổ Trung Quốc, và không loại trừ biện pháp quân sự. Theo La Croix, cuộc chạy đua vũ trang của chế độ Tập Cận Bình cho thấy điều này và chiến lược của Bắc Kinh giống như chiến lược mà Nga đã thực hiện để tấn công Ukraina : dùng hệ tư tưởng dân tộc cực đoan đang làm sai lệch thực tế như một đòn bẩy để biện minh cho một cuộc tấn công có thể xảy ra.
Việc Bắc Kinh nhắm đến Đài Loan cũng là vì người dân hòn đảo đã lựa chọn dân chủ. Đây là con đường chính trị mà chế độ Bắc Kinh, vốn dựa trên sự lãnh đạo tối cao không khoan nhượng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không thể chịu đựng nổi, tương tự như việc nền dân chủ của Ukraina bị xem là đe đọa Matxcơva. Những nhà độc tài toàn trị ở Trung Quốc và Nga có chung sự thù địch đối với phương thức điều hành theo kiểu các nhà lãnh đạo phải thực thi nghĩa vụ đối với người dân. Trong hai năm qua, Bắc Kinh và Matxcơva ngày càng hỗ trợ nhau để bảo vệ lợi ích của chính họ.
La Croix kết luận là theo viễn cảnh đó, Đài Loan cần phải được xem là một tiền đồn của các nguyên tắc và giá trị được đề cao, đặc biệt ở châu Âu. Vì thế, Đài Loan cần được hỗ trợ và bảo vệ.
Bạo động Nouvelle-Calédonie : TT Macron không biết tránh " sai lầm lịch sử "
Về thời sự Pháp, nhân chuyến thăm chớp nhoáng của tổng thống Emmanuel Macron đến vùng lãnh thổ hải ngoại ở Nam Thái Bình Dương, cả hai tờ báo thiên hữu Le Figaro và thiên tả Libération đều dành trang nhất, bài xã luận và hồ sơ chính cho đề tài bạo động tại Nouvelle-Calédonie do phe đòi độc lập phản đối dữ dội dự án của chính quyền trung ương cải tổ Hiến pháp về thành phần cử tri.
Xã luận của Le Figaro nói đến " cái bẫy " của lịch sử mang tên Nouvelle-Calédonie. Cách nay 40 năm, vào năm 1984, chính quyền của tổng thống Pháp François Mitterand cũng đã tìm cách áp đặt một quy chế mới cho quần đảo Nouvelle-Calédonie, làm nổ ra bạo động. François Mitterand khi đó cũng đã bất ngờ đến Nouvelle-Calédonie để " nối lại đối thoại ". Nhưng cũng phải mất đến 4 năm sau thì tình hình mới lắng dịu.
Tờ báo thiên hữu chỉ trích việc tổng thống Macron " đi vào vết xe đổ ", bất chấp sự can ngăn của 3 vị cựu thủ tướng Pháp, và chính ông Macron hồi năm 2023 khi đến thăm Nouméa, thủ phủcủa Nouvelle-Calédonie, cũng đã khẳng định không muốn " lặp lại sai lầm của lịch sử ". Le Figaro cảnh báo lối thoát giải quyết bạo động sẽ không thể có ngay trong nay mai.
Một điều đáng lo ngại khác, theo Le Figaro, là cuộc khủng hoảng mang tên Nouvelle-Calédonie có nguy cơ làm suy yếu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của tổng thống Macron để chống đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Libération cũng cảnh báo là quần đảo Nam Thái bình Dương đang thu hút sự thèm khát của nhiều nước, trước hết là Trung Quốc nên xứng đáng được hưởng những điều đẹp hơn là những lời " khoe khoang " và " những quyết định đơn phương được đưa ra vội vã " của chính quyền tổng thống Macron.
Tái thiết kinh tế Nouvelle-Calédonie sẽ cần đến 2-3 thập kỷ
Về thiệt hại kinh tế do bạo động, báo La Croix cho biết con số ước tính lên đến hơn 1 tỉ euro. Các chủ thể kinh tế đang chờ sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước trung ương. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nouvelle-Calédonie thống kê có tới 350 cơ sở công nghiệp và thương mại bị phá hủy. Các tòa nhà của các cơ quan công quyền, trường học, cơ sở thể thao và y tế … cũng bị hư hại. Việc làm của khoảng 3.000 người, trong tổng số 69.000 lao động, bị ảnh hưởng. Thiệt hại như vậy tương đương với tổng thiệt hại do đợt bạo loạn liên quan đến cái chết của thanh niên Nahel, bị một cảnh sát ở Nanterre, ngoại ô Paris, bắn chết trong một cuộc kiểm tra giao thông hồi tháng 06/2023.
David Guyenne, giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nouvelle-Calédonie, được La Croix trích dẫn, lưu ý là là lĩnh vực thương mại và dịch vụ đặc biệt bị nhắm đến và một số lĩnh vực như kinh doanh ô tô đã bị " phá hủy hoàn toàn ". Còn Hervé Mariton, chủ tịch Liên đoàn Các doanh nghiệp Hải ngoại (Fedom), lo ngại là sức hấp dẫn về du lịch của quần đảo Nam Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng về lâu dài, gây hại cho " triển vọng đa dạng hóa nền kinh tế ngoài nickel ".
Chủ các doanh nghiệp bị thiệt hại đang chờ hãng bảo hiểm chi trả, nhưng thủ tục còn nhiều và tình hình vẫn đang rất căng thẳng. Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nouvelle-Calédonie không chắc là các hãng bảo hiểm có thể " xử lý mọi thiệt hại ". Họ có nguy cơ tăng giá bảo hiểm hoặc sẽ rời khỏi quần đảo. Việc tái thiết Nouvelle-Calédonie sẽ phải mất đến 20-30 năm.
Ngoại trưởng Israel : Công nhận Nhà nước Palestine là phần thưởng cho khủng bố
Về chiến tranh Gaza, nhân dịp ngoại trưởng Israel công du Paris, Le Figaro có bài phỏng vấn ngoại trưởng Israel Katz về việc mới đây có 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine : Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy.
Đối với ngoại trưởng Israel Katz, quyết định của 3 nước nói trên là một " phần thưởng " cho nạn khủng bố và bạo lực từ Hamas và Iran, nước hậu thuẫn Hamas, đồng thời khiến việc giải thoát cho các con tin trở nên khó khăn hơn. Ngay tại Israel, cũng có những ý kiến ủng hộ việc công nhận Nhà nước Palestine, nhưng ngoại trưởng Israel Katz nhấn mạnh việc này cần do thương lượng trực tiếp giữa Tel Aviv và Palestine, với điều kiện Hamas biến mất khỏi Gaza, chính quyền Palestine phải cải tổ, ngưng tài trợ cho những kẻ giết hại người Do Thái và ngả theo các nước Ả Rập ôn hòa.
Khai thác đất hiếm ở Miến Điện : Ví dụ tiêu biểu về sự hủy diệt
Về môi trường khí hậu, tại Paris đang diễn ra Diễn đàn lần thứ 17, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OCDE, về các dây chuyền cung ứng quặng mỏ có trách nhiệm. Nhân dịp này, chuyên mục Hành Tinh của báo Le Monde nói đến trường hợp của Miến Điện, nơi các mỏ khai thác đất hiếm ở bang Kachin, gần biên giới với Trung Quốc, bị xem là một ví dụ về " sự tàn phá tổng thể ".
Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Global Witness, được công bố hôm qua 23/05, dựa trên các dữ liệu thương mại, hình ảnh vệ tinh và các lời chứng, trong hai năm 2021-2023, số mỏ khai thác đất hiếm đã tăng 40%, chủ yếu là các mỏ khai thác bất hợp pháp, sản lượng cũng tăng gấp đôi, nhưng chủ yếu bán sang Trung Quốc, nước đang thống lĩnh thị trường đất hiếm.
Hệ quả đối với môi trường tại Miến Điện rất khủng khiếp : nồng độ arsenic cao đe dọa phá hủy vùng đất vốn cực kỳ giàu có về đa dạng sinh học, với những khu rừng nguyên sinh trải rộng. Về sức khỏe, báo cáo cho thấy người dân trong khu vực thường mắc chứng ho, người tê bì, viêm da và nhiều cơ quan nội tạng, thận bị tổn thương …
Nắng nóng 47 độ C ở New Delhi : Nạn nhân lớn nhất là người nghèo
Cũng liên quan đến châu Á, chuyên mục Hành Tinh của Le Monde nhìn sang thủ đô Ấn Độ. New Delhi 25 triệu dân đang hứng chịu cái nóng lên tới 47độ C. Những người dễ bị tổn thương nhất vẫn là người nghèo, phải mưu sinh dưới cái nóng như thiêu đốt : người bán hàng rong, nhặt rác, thợ may, thợ cắt tóc cạo râu, giao hàng ... Ban ngày họ phải làm việc ngoài trời nóng bức ngột ngạt, đêm về ngủ trong nhà tồi tàn không có điều hòa …
Mùa hè nắng nóng là đặc thù ở New Delhi, nhưng tình hình ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, trong khi đô thị hóa thì diễn ra vượt tầm kiểm soát. Những khu phố nghèo nhất thậm chí còn không có bóng cây. Chính quyền chỉ quan tâm đến xây dựng cầu đường mà bỏ bê không gian xanh.
Le Monde nhắc lại là với hơn 7500km đường bờ biển, các vùng khô cằn bán sa mạc, dãy núi Himalaya - nơi hơn 75% băng có nguy cơ tan chảy, Ấn Độ là một trong những nước bị tình trạng nóng lên toàn cầu tác động nặng nề nhất.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |