Phân tích: Đài Loan dễ phòng thủ nhưng khó tấn công, Trung Quốc đứng trước 5 thách thức nếu muốn khai hỏa
Tác Giả : Hạ Tùng Nguồn: NTD Vn Ngày đăng : 2024-05-27
Các lực lượng vũ trang Đài Loan tổ chức hai ngày diễn tập định kỳ nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu tại một căn cứ quân sự vào ngày 11/1/2023 ở thành phố Cao Hùng, miền nam Đài Loan. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
Gần đây, cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan đã tiếp tục gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Trước đó, tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) của Mỹ từng công bố một báo cáo chỉ ra, có 5 thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt nếu muốn xâm chiếm quốc đảo này.
Từ góc độ quân sự, một báo cáo do CFR công bố vào đầu năm nay đã chỉ ra những thách thức mà Trung Quốc sẽ gặp phải khi xâm chiếm Đài Loan.
Đầu tiên, việc vượt qua eo biển Đài Loan đầy rẫy những nguy hiểm.
Eo biển Đài Loan rộng hơn 90 dặm (khoảng 145 km) và có sóng lớn, cộng với hai đợt gió mùa và các kiểu thời tiết khắc nghiệt khác, vậy nên trong năm chỉ có một vài tháng thích hợp cho việc xâm lược từ trên biển. Ngoài ra, việc đưa hàng chục nghìn binh sĩ qua eo biển Đài Loan sẽ cần hàng nghìn tàu và mất hàng tuần. Mỗi một lần vượt eo biển này sẽ mất hàng giờ đồng hồ. Điều này cho phép Đài Loan nhắm mục tiêu vào các tàu và binh sĩ của Trung Quốc cũng như dựng lên các chướng ngại vật tại các địa điểm có khả năng đổ bộ.
Thứ hai, sau khi vượt qua eo biển Đài Loan, “chỉ có một số nơi có thể đổ bộ”.
Bờ biển phía tây của Đài Loan, nơi gần với Trung Quốc nhất, hầu hết là vùng nước nông. Quân đội Trung Quốc sẽ phải thả neo xa bờ. Nếu vậy, tên lửa và pháo của Đài Loan có thể khóa chặt vị trí neo đậu của quân đội Trung Quốc; ngoài ra, bờ biển phía đông Đài Loan đầy vách đá dựng đứng, lực lượng xâm lược cũng không thể leo lên được. Nếu Trung Quốc muốn tiếp cận các trung tâm có số nhân khẩu lớn của Đài Loan, họ chỉ có thể thông qua một số lối đi và đường hầm hẹp nhưng Đài Loan có thể phòng thủ hoặc phá hủy những con đường đó.
Thứ ba, “địa hình núi non hiểm trở” của Đài Loan.
Ngay cả khi quân đội Trung Quốc có thể thiết lập một đầu cầu ở Đài Loan, sau khi đổ bộ, họ cũng sẽ khó tìm được phương hướng ở địa hình núi cao và rừng rậm. Ngược lại, quân đội Đài Loan có lợi thế về địa lý vì ở thế phòng thủ, họ có thể ẩn nấp trong rừng núi và phát động chiến tranh du kích.
Thứ tư, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ rơi vào “yết hầu chiến lược” của Đài Loan.
Cùng với những cân nhắc về chính trị, Trung Quốc cần giành quyền kiểm soát Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan. Tuy nhiên, việc chiếm được Đài Bắc và thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn đối với hòn đảo này sẽ là điều “cực kỳ khó khăn”. Lý do là vì Đài Bắc thuộc khu vực địa hình bồn địa, được bao quanh bởi núi non và chỉ có một số ít tuyến đường có thể tiến vào thành phố. Quân đội Đài Loan có thể lợi dụng ưu thế này để tấn công quân xâm lược. Ngoài ra, quân đội Đài Loan cũng có thể phá hủy các cảng lớn, đường hầm và đường cao tốc để ngăn chặn quân đội Trung Quốc chiếm thành phố.
Thứ năm, "chiến tranh đô thị tốn kém".
Với địa hình của Đài Loan, hầu hết 23 triệu người Đài Loan sống phân bổ ở một số thành phố, trong đó có 7 triệu người ở Đài Bắc. Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn xâm lược Đài Loan, họ sẽ phải tiến hành chiến tranh đô thị và giao tranh trên đường phố, đây sẽ là một “cuộc xâm lược tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc”.
Cuối cùng, bản báo cáo này nêu bật lên rằng Đài Loan có lợi thế Trời ban trên phương diện phòng thủ, điều này khiến việc xâm lược trở nên khó khăn, tốn kém và chứa đầy sự bất định. Tuy nhiên, so với các rào cản tự nhiên như núi non, bến cảng, đường sá và biển cả…, quyết tâm chống quân xâm lược của người dân Đài Loan mới là nhân tố quyết định hơn cả. Nếu đa số người dân Đài Loan quyết tâm chống cự thì cuộc xâm lược của Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức gay go hơn nữa.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đông Phương biên dịch
 ----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn