Gửi những chai gạo đến Bắc Hàn để cứu đồng bào 'đang chết đói'
Tác Giả : Rachel Lee | Nguồn: BBC | Ngày đăng : 2024-05-30 |
Các nhà hoạt động đứng trên một hòn đảo Hàn Quốc gần khu phi quân sự (DMZ) để ném những chai nhựa chứa gạo và thẻ nhớ USB với hy vọng dòng nước sẽ chuyển tới Bắc Hàn
Nắng chói chang dù tiết trời tháng 4 trên đảo Seokmodo (Hàn Quốc) hãy còn se lạnh. Park Jung-oh đứng bên bờ biển, quăng những chai nhựa đựng đầy gạo xuống dòng nước với tâm trạng lo lắng. Điểm đến của chúng là Bắc Hàn.
Ông Park đã gửi những chai nhựa như vậy trong gần 10 năm nay nhưng ông không thể làm công khai kể từ khi Hàn Quốc cấm gửi tài liệu chống Bắc Hàn qua biên giới vào tháng 6/2020.
"Chúng tôi gửi những chai này vì đồng bào đang dần chết đói. Điều đó là sai trái ư?" người đàn ông 56 tuổi đặt câu hỏi.
Vào tháng 9/2023, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã hủy bỏ lệnh cấm trên. Tuy nhiên, ông Park không muốn ngay lập tức gây quá nhiều sự chú ý. Ông chờ đợi hàng tháng trời và rồi quyết định gửi lại những chai như vậy giữa ban ngày vào hôm 9/4.
Đó là thời điểm mà hải lưu được dự báo là mạnh nhất để có thể nhanh chóng đưa các chai gạo đến Bắc Hàn.
"Đây là sự khởi đầu mới cho hoạt động của tôi," ông nói.
Ông Park đã đào tẩu khỏi Bắc Hàn 26 năm trước. Cha ông là gián điệp cho Bắc Hàn nhưng đã quyết định chạy trốn sang Hàn Quốc, buộc cả gia đình phải làm theo. Chế độ cai trị đã tung ra một chiến dịch bôi nhọ và thề sẽ truy đuổi từng người trong số họ.
Khi còn sống ở Bắc Hàn, ông thường xuyên nhìn thấy thi thể những người chết đói trên đường phố.
Tuy nhiên, ông đã choáng váng khi một nhà truyền giáo thường xuyên đi Trung Quốc kể cho ông nghe về việc binh lính mang súng ống xuống tỉnh Hwanghae và lấy đi tất cả ngũ cốc trong mùa thu hoạch, khiến nông dân chết đói. Ông chưa bao giờ nghe thấy ai phải chết đói ở khu vực trồng lúa trù phú này trước đó.
Các nhà hoạt động ném những chai chứa gạo, thẻ USB và thuốc men xuống sông Hán để dòng nước đưa chúng đến Bắc Hàn
Năm 2015, ông Park cùng vợ thành lập tổ chức Keun Saem để gửi nhu yếu phẩm trong chai nhựa đến tỉnh Hwanghae (Bắc Hàn).
Họ tham khảo ý kiến của những người lái thuyền địa phương và Viện Khoa học và Công nghệ Đại dương Hàn Quốc về thời gian thủy triều lên. Vào những ngày nước chảy mạnh hơn, những chai nhựa chỉ mất khoảng bốn giờ để đến Bắc Hàn.
Bên cạnh một ký gạo, chai nhựa hai lít còn mang theo thẻ USB chứa các bài nhạc K-pop, các phim truyền hình Hàn Quốc với bối cảnh Bắc Hàn như Hạ cánh nơi anh (Crash Landing on You), các video so sánh đời sống hai miền Bán đảo Triều Tiên và bản sao kỹ thuật số của Kinh Thánh.
Với việc các thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại di động đã phổ biến, ông Park tin rằng người dân Bắc Hàn sẽ không khó tiếp cận những nội dung như vậy.
“Nhiều người nghĩ rằng Bắc Hàn không có điện nhưng tôi lại nghe có rất nhiều tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Người dân có thể dùng chúng để sạc điện, đặc biệt là trong mùa hè,” ông nói.
Đôi khi những tờ 1 USD được bỏ trong chai để người dân có thể đổi lấy tiền Trung Quốc hoặc Bắc Hàn. Tỷ giá năm 2023 là 1 USD bằng với 160 won Bắc Hàn, còn tỷ giá chợ đen cao hơn mức đó tới 50 lần.
Trong thời gian đại dịch, vợ chồng ông Park đã cho thuốc giảm đau và khẩu trang vào bên trong - những vật dụng rất cần thiết khi Bắc Hàn bị phong tỏa với phần còn lại của thế giới.
Nhưng họ chỉ có thể lén lút làm vậy vì lệnh cấm của Hàn Quốc có hiệu lực vào tháng 12/2020. Vài tháng trước đó, bà Kim Yo-jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, đã đưa ra cảnh báo đối với các nhà hoạt động gửi tờ rơi chống lại miền Bắc và cáo buộc họ vi phạm các thỏa thuận liên Triều.
Vài ngày sau, Bình Nhưỡng đã cho nổ tung văn phòng liên lạc chung mang tính biểu tượng cao ở Kaesong, một thị trấn gần khu vực phi quân sự.
Lệnh cấm của Hàn Quốc gây ra nhiều tranh cãi. Những người chỉ trích gọi đây là "sắc lệnh Kim Yo-jong", cáo buộc chính phủ dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in quá hăng hái trong việc xoa dịu miền Bắc.
Chính quyền Hàn Quốc thì cho rằng việc này bảo vệ sự an toàn của khu vực biên giới và ổn định quan hệ liên Triều.
"Chúng tôi bị đối xử như tôi phạm. Tôi đã đi đi về về đồn cảnh sát trong gần ba năm. Tôi thấy kiệt quệ và đau khổ," ông Park hồi tưởng.
Những người tẩu thoát khỏi Bắc Hàn đang đổ gạo và thuốc men vào các chai nhựa để gửi ngược lại quê hương
Dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ, việc thả trôi chai lọ của ông Park trở nên khó khăn hơn. Các nhà thờ và các tổ chức nhân quyền từng hỗ trợ tài chính nhưng giờ nguồn tiền đó đã cạn kiệt.
Những người đào tẩu khác cũng muốn gửi các chai gạo về quê nhà, nên mỗi người trong đó đóng góp 200.000 won Hàn Quốc (gần 3,7 triệu VND).
Mối quan hệ của họ với người dân địa phương cũng trở nên xấu đi sau lệnh cấm năm 2020 vì một số người tin rằng việc làm của ông Park đe dọa đến an ninh của họ.
Trước đây, hầu hết mọi người đều không quan tâm đến việc họ đang làm gì, thậm chí cả trưởng làng còn gợi ý cho họ những địa điểm tốt nhất để thả chai và đôi khi còn tham gia cùng họ.
Lần này, ông Park phải ném chai dưới sự giám sát của cả chục cảnh sát và binh sĩ. Các sĩ quan sẵn sàng đứng ra hòa giải nếu có sự cố, nhưng họ cũng liên tục hỏi ông Park xem có gì bí mật hoặc nhạy cảm bên trong không.
Tuy nhiên, ông chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ.
"Tôi từng nghe kể rằng một người Bắc Hàn nghi ngờ gạo bên trong chai nên đã nấu cơm rồi cho chó ăn. Vì con chó không bị làm sao, cô ấy đã ăn và nghĩ rằng chất lượng gạo rất tốt. Cô ấy đã bán với giá cao và mua được nhiều nông sản giá rẻ như bắp," ông Park nói.
Một gia đình chín người đào tẩu khỏi miền Bắc vào đầu năm 2023 cho biết họ đã nhận được các chai lọ và gửi lời cảm ơn ông Park thông qua một người đào tẩu khác. Bốn năm trước, một nữ đào tẩu khác cũng cảm ơn ông đã cứu mạng cô bằng cách gửi những chai lọ.
Ông Park chưa bao giờ gặp trực tiếp bất kỳ người nhận nào vì ông chỉ muốn giúp đỡ mọi người chứ không tìm kiếm lời khen ngợi.
“Người Bắc Hàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Họ tuân theo nhà nước mà không nghi ngờ gì vì sợ hậu quả của việc bất đồng chính kiến. Đây là điều nhỏ bé mà tôi có thể làm để giúp họ," ông Park chia sẻ.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |