Một con người xuất hiện mà làm lộ ra bao nhiêu điều
Tác Giả : Song Chi. Nguồn: rfavietnam Ngày đăng : 2024-05-31
Sư Minh Tuệ, một người 6 năm qua lặng lẽ thực hành lối tu khổ hạnh (Hạnh đầu đà)-- ngày ăn một bữa, áo mặc là những mảnh vải rách vá lại với nhau, đêm ngủ ngồi ở gốc cây, nghĩa địa, ngày đi lang thang từ nơi này sang nơi khác khất thực mà ăn, không nhận vật dụng, không nhận tiền cúng dường--bỗng nhiên vì có người quay phim, chụp hình đưa lên mạng xã hội mà thành “hiện tượng”, thành ra “nổi tiếng” bất đắc dĩ. Điều đáng nói là “cơn sốt” của xã hội Việt Nam về sư Minh Tuệ cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đã có rất nhiều ý kiến, bài viết khác nhau về sư Minh Tuệ trong suốt thời gian qua, với đủ mọi lời khen chê, mọi cung bậc sắc thái cảm xúc, nhưng có một điều rõ ràng là “hiện tượng” sư Minh Tuệ đã vô tình bộc lộ rất nhiều vấn đề trong tâm lý con người, hiện trạng xã hội cũng như hiện tình Phật giáo Việt Nam.
Chuyện bình thường ở nhiều nước khác, lại trở thành bất thường ở Việt Nam
Chuyện các nhà sư tu khổ hạnh lặng lẽ đi khất thực từ nơi này sang nơi khác không phải là chuyện lạ ở một số quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Phật đông đảo, thậm chí ngay ở miền Nam Việt Nam dưới chế độ VNCH trước đây, dân chúng cũng đã từng bắt gặp hình ảnh các nhà sư đi khất thực như vậy.
Nhưng như nhiều người cũng đã phân tích, tại sao bây giờ chuyện sư Minh Tuệ lại thành một hiện tượng? Thứ nhất, vì lâu nay hầu như hiếm có ai tu như vậy. Thứ hai, người dân được dịp so sánh với các ông “sư quốc doanh” trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ, Thích Trúc Thái Minh…và rất nhiều ông sư khác. Các chức sắc Phật giáo này ở trong những ngôi chùa được xây nguy nga đẹp đẽ bằng tiền cúng dường, hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ, thậm chí đi xe hơi, xài điện thoại, đồng hồ đắt tiền, mặt mũi béo tốt, từ hành vi cử chỉ, lời nói cho đến lối sống còn đầy đủ sự tham lam sân si trần tục…Chẳng hạn như Thích Nhật Từ đi kiện một ông cụ già 90 tuổi chỉ vì một câu nói “ngu như bò”, Thích Trúc Thái Minh lừa phật tử qua việc trưng bày cái gọi là “xá lợi tóc” ở chùa Ba Vàng, hoặc kêu gọi cúng sao giải hạn, hay Thích Chân Quang với những lời giảng xàm xí về kiếp trước, về nhân quả, khuyên phật tử phải cúng dường càng nhiều càng tốt, đe dọa không cúng thì sẽ không được phước báu…
Sư Minh Tuệ xuất hiện cho chúng ta thấy điều gì trong tâm lý đám đông, hiện trạng xã hội, hiện tình Phật giáo Việt Nam?
Việc người dân kéo đàn kéo lũ đi theo sư Minh Tuệ, quay phim, chụp ảnh, sắp hàng đảnh lễ, quét rác, rải hoa trên đường đón sư Minh Tuệ và các huynh đệ đi qua, một mặt cho thấy người dân khao khát có những bậc chân tu, khao khát được nhìn thấy Phật giáo trở lại con đường giản di đúng với bản chất tự ngàn xưa; nhưng mặt khác việc nhiều người tôn sùng, quỳ lạy, khóc lóc, đọc thơ, sờ vào người, đòi đổi nồi cơm điện, giành nhau cái bìa carton sư lót chai nước, xâm phạm sự riêng tư--sư Minh Tuệ đi vào nhà vệ sinh cũng chĩa máy quay…cho thấy sự mê muội, thói mê tín, quan niệm lệch lạc, hiểu sai về đạo Phật của một số người. Cũng giống như việc đi chùa nhét tiền vào tay tượng Phật, cúng bái để cầu mong làm ăn phát tài mua may bán đắt, nhiều người dường như có quan niệm cúng dường chỉ để xin phước báu? Bên cạnh đó là sự trục lợi của một số người làm YouTube, Tiktok.
Dư luận cũng nói nhiều đến thái độ ghen tị, sân si của một số nhà sư quốc doanh, một số “đệ tử” của các vị này hay những “nhà báo” bênh vực cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ những bài viết, tấn công trực diện vào sư Minh Tuệ đăng trên trang Phật Giáo Đời Sống, như bài “Nghĩ gì về tăng đoàn của Minh Tuệ” của tác giả Lý Diện Bích chẳng hạn, vu khống, chụp mũ sư Minh Tuệ, lời văn bộc lộ rõ sư ganh ghét, tức tối về việc tu tập của sư Minh Tuệ (cả 3 bài viết này hiện đã lẳng lặng bị gỡ bỏ); rồi những cái sai trong văn bản của Hội đồng trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hạ thấp thầy Minh Tuệ, tuyên bố sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ/nhà tu, đưa tên tuổi, nhân thân của sư Minh Tuệ ra; hay việc sư Sư Thích Chân Quang làm video mắng thầy Thích Minh Tuệ là thằng, là ba trợn…
Giữa những người mang tiếng là tu hành mà không hề bớt sân hận đó thì một nhà sư có những lời giảng sâu sắc, chân thành, đúng đắn về hiện tượng sư Minh Tuệ là Hòa thượng Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lại bị tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương của Hòa thượng khiển trách, bắt phạt quỳ sám hối, khiến vị Hòa thượng này phải xin rút lui khỏi mọi nhiệm vụ của giáo hội, “xin khép mình trong im lặng”.
Điều tích cực là sự lên tiếng của rất nhiều facebooker, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhân sĩ trí thức, phật tử trên mạng xã hội đã có những tác dụng: Những bài viết tấn công sư Minh Tuệ bị buộc phải gỡ bỏ, giáo hội Phật giáo Việt Nam phải “mời” nhà sư Thích Chân Quang lên làm việc về những phát ngôn của mỉnh, và ngày 20/5 vừa qua trện báo điện tử của tỉnh Hải Dương đã có một bài viết rất đàng hoàng: “Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ”.
Bên cạnh đó cũng có rât nhiều người chất vấn: đi tu như vậy thì làm lợi gì cho xã hội? Ai cũng đi tu thì ai lao động, làm ra lúa gao, dệt vải, giữ gìn trật tự an ninh con đường sư đi. Đây gọi là lo bò trắng răng. Xã hội mỗi người một việc. Xã hội Việt Nam 100 triệu dân, có mấy người đi tu khổ hạnh được như thầy Minh Tuệ? Nếu lên tiếng sao không lên tiếng về những nhà sư, chùa cao cửa rộng giảng bậy bạ làm mê muội dân chúng, hay hiện tượng du lịch tâm linh, kinh doanh chùa…nhằm móc túi người dân và làm cho Phật giáo càng băng hoại thêm.
Giữa tất cả những sự ồn ào, bất nháo cho thấy sự mê muội, thiếu ý thức của nhiều người do phải sống quá lâu trong một xã hội độc tài, lệch chuẩn, một điều an ủi khác nữa như đã nói là đám đông vẫn luôn khao khát điều tốt đẹp, khao khát những con người tử tế. Khi một người tử tế, một trí thức đúng nghĩa, một vị chân tu xuất hiện người ta nhân ra ngay. Khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ qua đời, nhiều người trong đó có những trí thức miền Bắc lần đầu mới nghe đến tên Ngài, mới tìm đọc những gì Ngài viết rồi ngưỡng mộ, chia sẻ, lan tỏa…
Những người như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát, hòa thượng Thích Quảng Độ và bao nhiêu bậc chân tu, thiền sư, học giả ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với trí tuệ cao vời, đã miệt mài làm công việc giảng dạy, viết sách, dịch kinh…đóng góp vào văn hóa, giáo dục; cũng như đã làm gương cho đám đông qua chính bản thân các vị với một đời sống giản dị, đại bi đại trí đại dũng của mình.
Trong khi đó sư Minh Tuệ là người thực hành con đường tu tập của đức Phật thời xa xưa, không thuyết giảng, nhưng hình ảnh buông xả, từ bỏ tất cả của sư Minh Tuệ sẽ có những tác động. Khi nhìn thấy một người có thể từ bỏ, buông bỏ tất cả như vậy người ta sẽ tự đặt câu hỏi tại sao chúng ta không có thể buông bỏ một chút xíu gì đó trong tâm tính, trong ham muốn, cắt giảm bớt các nhu cầu, bớt phàn nàn sân si ghen tị v.v…để cuộc sống nhẹ nhàng hơn?
Tuy nhiên, cái gỉ thái quá thì cũng có hại. Kể cả sự khen ngợi, ngưỡng mộ, sùng bái khi quá mức sẽ không chỉ làm phiền đến việc tu tập, sự bình an của sư Minh Tuệ và những người đi cùng, mà sẽ tạo cớ cho nhà cầm quyền ra tay.
Lại có những người cho rằng sự xuất hiện của sư Minh Tuệ thời gian qua tuy làm hại cho Phật giáo Việt Nam là lột mặt nạ những kẻ giả tu và phơi bày sự suy thoái, biến tướng của Phật giáo Việt Nam, nhưng lại vô hình trung làm lợi cho nhà nước cộng sản. Giữa lúc “thượng tầng chính trị” của đảng cộng sản đang bị khủng hoảng trầm trọng với những cuộc thay người, “đảo chính mềm” diễn ra liên tục, thì việc dân chúng chú ý đến sư Minh Tuệ, bàn bạc suốt ngày về sư Minh Tuệ cũng làm giảm bớt sự chú ý vào nội tình bất ổn này? Nhưng chỉ cần sau khi bàn cờ ngã ngũ, mọi cái ghế đã được chia xong mà mối quan tâm cũng như ảnh hưởng của sư Minh Tuệ vẫn không giảm đi, thì nhà cầm quyền có thể sẽ ra tay “dẹp sạch” bằng bất cứ lý do vớ vẩn gì đó. Trong một chế độ độc tài mọi thứ từ hữu hình đến vô hình đều phải nằm “trong hệ thống”, đều phải chịu sự kiểm soát của đảng, bất cứ cái gì khác đi, dù là một cách tu khác, cũng không được phép.
Chế độ độc tài toàn trị khiến mọi thứ đều lệch lạc, lệch chuẩn
Nhìn vào xã hội Việt Nam hiên tại dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo, chúng ta có thể nhận thấy một sự sai lạc, lệch hướng, lệch chuẩn trong mọi lĩnh vực, xuất phát từ sự sai lầm của mô hình thể chế chính trị và hướng đi của đất nước. Đó là sự lệch chuẩn từ những giá trị trong cuộc sống, tiêu chuẩn đánh giá con người, lối sống--chạy theo vật chất, chạy theo những cái bề ngoài…cho tới văn hóa, đạo đức, tôn giáo… Bởi vì tất cả đều bị chính trị hóa. Phật giáo Việt Nam thì vừa bị chính trị hóa, vừa bị thương mại hóa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lâu nay đã trở thành một tổ chức “thần quyền”, dựa vào nhà cầm quyền, ứng xử độc tài chẳng khác gì chính nhà nước này khi tự cho mình cái quyền xác nhận ai không phải là tu sĩ/nhà sư, ai tu khác đi thì không được công nhận, ai lên tiếng nói điều phải thì bị phạt, bị quỳ sám hối, ai tu tại gia thì bị triệt cho vào tù...; còn những “ma tăng” suốt ngày rao giảng nhảm nhí, bậy bạ, hù dọa người dân để họ phải cúng dường cho mình có tiền sống phủ phê, có tiền hàng tỷ trong tài khoản, có sổ đỏ đất đai v.v…thì lại không hề gì.
Và hiện tình đó của Phật giáo Việt Nam sẽ không thể thay đổi khi nào còn chế độ độc tài, còn chưa có tự do tôn giáo. Phải có tự do tôn giáo thì các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng mới có thể phát triển lành mạnh, đúng hướng, mới có nhiều vị chân tu, trí thức, thiền sư xuất hiện tự do hoằng dương chánh pháp, in ấn sách vở, mở trường đại học, tổ chức những cuộc tranh luận sâu về triết học, về Phật giáo…Từ đó mới lại có thể có “thế hệ vàng” những nhà sư, thiền sư, trí thức có kiến thức uyên thâm, đạo hạnh cao vời như miền Nam trước đây và mới có thể nâng cao dân trí, giúp cho người dân có được sự hiểu biết đúng đắn về Phật giáo để không sa vào mê tín, dị đoan. Và những tổ chức tôn giáo độc lập, những nhóm tu tại gia như Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ, hay người tu khổ hạnh như sư Minh Tuệ có thể được tự do tu hành miễn không làm hại gì ai.

Song Chi      
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn