Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thu hút sự chú ý trở lại về rủi ro an ninh từ Trung Quốc
Nguồn: Reuters - VOA Ngày đăng : 2024-06-01
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, 31/5/2024.
Hôm thứ Bảy 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cố gắng thu hút sự chú ý trở lại về mối đe dọa của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, tìm cách xoa dịu những lo ngại rằng xung đột ở Ukraine và Gaza đã làm phân tán các cam kết an ninh của Mỹ ở châu Á.
Ông Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, là hội nghị thượng đỉnh thường niên về an ninh ở Singapore, và đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Dong Jun (Đổng Quân) hôm 31/5, nỗ lực làm dịu đi những bất đồng về các vấn đề từ Đài Loan cho đến hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Gần đây, ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc Washington tập trung giúp đỡ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga và hỗ trợ cho cuộc chiến của Israel ở Gaza, trong khi cố đảm bảo rằng cuộc xung đột đó không lan rộng, đã làm Mỹ ít chú ý đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Bất chấp những cuộc đụng độ lịch sử ở châu Âu và Trung Đông, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là nơi hoạt động ưu tiên của chúng tôi”, ông Austin nói thông qua bài diễn văn của mình, dường như nhằm mục đích nêu rõ di sản của chính quyền Mỹ ở trong khu vực khi nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Joe Biden sắp kết thúc.
“Tôi xin nói rõ: Hoa Kỳ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực này từ lâu”, ông phát biểu.
Ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh trong khu vực.
“Và đó là giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại chứ không phải là cưỡng ép hay xung đột. Và chắc chắn không phải là thông qua cái gọi là trừng phạt”, ông Austin nói, nhắm vào Trung Quốc.
Bài phát biểu nhắm vào các hành động của Bắc Kinh trong khu vực, bao gồm cả Biển Đông, nhưng phần lớn không nêu tên Trung Quốc.
Trong cuộc gặp hôm 31/5, ông Dong cảnh báo ông Austin rằng Mỹ chớ can thiệp vào quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Wu Qian nói với các phóng viên. Trung Quốc tuyên bố hòn đảo có chính quyền dân chủ này là lãnh thổ của mình.
Hoa Kỳ đã cung cấp hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ đầu cuộc xâm lược, và Quốc hội Hoa Kỳ đã chi thêm 61 tỷ đô la vào tháng trước. Hoa Kỳ cũng tiếp tục trang bị vũ khí cho Israel và chính dự luật đã được thông qua cung cấp 26 tỷ đô la để hỗ trợ thêm cho Israel.
Khoảng 8 tỷ đô la tiền tài trợ của Hoa Kỳ được dành để đối phó với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khuôn khổ dự luật tài trợ bổ sung được các nhà lập pháp thông qua.
Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos (con) vào ngày 31/5 đã lên án các hành động bất hợp pháp, cưỡng ép và hung hăng ở Biển Đông, một vùng lãnh thổ trong vòng tranh chấp mà Trung Quốc đã điều động nhiều tàu tuần duyên tràn đến đó trong những tháng gần đây.
Ông Austin nói rằng hành vi quấy rối mà Philippines phải đối mặt là việc làm nguy hiểm và nhắc lại rằng hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ với Manila rất vững chắc. Ông phát biểu rằng mục đích là làm sao căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila không vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Austin nói: “Mỹ sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cùng với những bạn bè của chúng tôi trong khu vực mà chúng tôi chia sẻ và rất quan tâm đến họ”
**
Phó bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng 'bôi nhọ' nước này
Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc
Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc kêu gọi Mỹ ngừng “bôi nhọ” Trung Quốc và hãy thôi áp đặt các chế tài “mang tính lạm dụng” lên các công ty Trung Quốc tại các cuộc hội đàm tuần này ở Washington, bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu.
Ông Mã hội kiến Phó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell và phó cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer vào ngày thứ Năm, một ngày sau khi Mỹ cáo buộc lãnh đạo Bắc Kinh ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và nói Trung Quốc có thể đối mặt với các chế tài tiếp theo của phương Tây.
“(Chúng tôi) kêu gọi Mỹ ngừng bôi nhọ và gây áp lực lên Trung Quốc, ngừng áp đặt các chế tài đơn phương mang tính lạm dụng lên các doanh nghiệp Trung Quốc, và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine,” bộ ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Mã nói với ông Campbell.
Ông Mã nói quan hệ Trung-Mỹ đang ở "giai đoạn hệ trọng" là đi vào ổn định sau khi xấu đi và gọi vấn đề Đài Loan là "vấn đề quan trọng, nhạy cảm và dễ bùng nổ nhất" giữa Bắc Kinh và Washington.
“Nếu Mỹ thực sự muốn hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan thì Mỹ nên tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và Ba Công Báo Chung, và tôn trọng cam kết của Mỹ không ủng hộ ‘độc lập Đài Loan’,” ông Mã nói thêm.
Phó phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Vedant Patel mô tả cuộc họp của ông Campbell với ông Mã là một phần của hoạt động ngoại giao chuyên sâu nhằm quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm trong mối quan hệ Mỹ-Trung, và nói Mỹ dự kiến sẽ có thêm những giao tiếp cao cấp như vậy nữa.
Ông Patel nói Mỹ, các đối tác G7 và các nước EU và NATO khác có chung quan điểm rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga trong cuộc chiến Ukraine "không chỉ đe dọa an ninh Ukraine mà còn đe dọa an ninh Châu Âu."
Ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về bất cứ chế tài nào trong tương lai khi được hỏi liệu những biện pháp đó có nhắm vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không với phát biểu của ông Campbell.
Chính quyền Biden đã gia tăng cảnh báo về sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga và ban hành sắc lệnh hành pháp vào tháng 12 đe dọa áp chế tài lên các tổ chức tài chính giúp Nga né tránh các chế tài của phương Tây.
Tháng trước, Mỹ đã áp đặt chế tài 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong, sau nhiều lần cảnh báo từ Washington về sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho quân đội Nga.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn