Biên giới Mỹ-Mexico 'quá tải', số người Việt di cư tăng, luật sư nói gì?
Nguồn: BBC Ngày đăng : 2024-06-05
Người di cư đang cố trèo qua bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Ảnh chụp vào tháng 5/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh nhằm hạn chế lượng người di cư kỷ lục ở biên giới Mỹ-Mexico. Vấn đề nhập cư đang gây bất lợi cho ông Biden trong năm bầu cử.
Theo sắc lệnh mới, Mỹ có thể nhanh chóng trục xuất người nhập cư bất hợp pháp mà không cần xử lý yêu cầu tị nạn của họ.
Ông Biden đã nói về sắc lệnh vào chiều ngày 4/6 (giờ địa phương) với một số thị trưởng của các thị trấn nằm gần biên giới với Mexico. Ông khẳng định hành động này sẽ giúp Mỹ kiểm soát lại biên giới.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động về nhập cư đã phản đối quyết định trên.
"Thật không may khi chính trị đang chi phối các cuộc thảo luận về nhập cư theo hướng ngày càng hạn chế," Jennie Murray, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Diễn đàn Nhập cư Quốc gia, nói.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, hơn 6,4 triệu người di cư đã bị ngăn chặn, không cho vào Mỹ bất hợp pháp.
Lượng người di cư tới Mỹ đã giảm mạnh trong năm 2024, nhưng các chuyên gia nhận xét rằng chiều hướng giảm này khó tiếp tục.
Pramila Jayapal, chủ tịch Nhóm Cấp tiến của Quốc hội Mỹ, nói rằng bà "vô cùng thất vọng" trước sắc lệnh và gọi đây là một "bước đi sai hướng".
Trong số các biện pháp được công bố hôm 4/6 có việc sử dụng luật năm 1952 để hạn chế quyền tiếp cận hệ thống tị nạn của Mỹ.
Điều 212(f) trong Đạo luật Di trú và Nhập tịch Mỹ cho phép tổng thống Mỹ "đình chỉ nhập cảnh" người nước ngoài nếu việc họ đến "gây hại cho lợi ích" của đất nước.
Quy định tương tự đã được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump sử dụng để cấm nhập cư và đi lại từ một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi và cấm người di cư tị nạn nếu họ bị bắt khi vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp.
Điều này đã dẫn đến những cáo buộc phân biệt chủng tộc.
“Mặc dù Mỹ rõ ràng cần giải quyết tốt hơn các thách thức ở biên giới, nhưng việc sử dụng đến điều 212(f) thật đáng lo ngại,” bà Jennie Murray nhận định.
Quan chức Mỹ cho biết các hạn chế sẽ có hiệu lực khi số người qua biên giới trung bình mỗi ngày trong thời gian 7 ngày đạt con số 2.500.
Các hạn chế sẽ được dỡ bỏ cho người xin tị nạn nếu con số giảm xuống 1.500 và biên giới sẽ mở lại cho người di cư hai tuần sau đó.
Nhà Trắng cho biết:
“Những hành động này sẽ có hiệu lực khi biên giới phía Nam bị quá tải và chúng sẽ giúp các nhân viên nhập cư dễ dàng hơn trong việc nhanh chóng trục xuất những cá nhân không có cơ sở pháp lý để ở lại.”
Người di cư từ Venezuela trèo qua dây thép gai sau khi vượt sông Rio Grande tại biên giới Mỹ-Mexico vào tháng 9/2023
Các quan chức hành chính Mỹ cho biết những thay đổi này có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý từ những người ủng hộ nhập cư và cả các bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.
Guerline Jozef, giám đốc điều hành một tổ chức làm việc với người di cư Haiti ở biên giới, gọi thông báo này là "một cuộc tấn công trực tiếp vào nhân quyền cơ bản trong việc xin tị nạn".
“Chính sách từ thời Trump này sẽ khiến hàng ngàn người bị tổn thương, bao gồm gia đình, trẻ em và những người chạy trốn bạo lực, đàn áp mà không có sự bảo vệ và nơi ẩn náu mà họ cần,” bà Jozef bình luận.
Các quan chức cấp cao hôm 4/6 phản đối việc so sánh sắc lệnh mới với chính sách thời ông Trump, lưu ý rằng các quy định mới chỉ áp dụng khi lượng người di cư tới Mỹ tăng cao.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa chỉ trích kế hoạch liên quan đến biên giới của ông Biden là một chiêu trò trong năm bầu cử.
Họ cho rằng luật pháp Mỹ tồn tại để ngăn chặn việc nhập cư bất hợp pháp nhưng chưa được vị tổng thống Đảng Dân chủ thực thi thích đáng.
Ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social của mình trong cùng ngày:
"Joe Biden lươn lẹo đã hoàn toàn từ bỏ biên giới phía nam của chúng ta. Sự yếu đuối và chủ nghĩa cực đoan của ông ta đã dẫn đến một cuộc xâm lược biên giới mà chúng ta chưa hề thấy trước đây. Các quốc gia khác đã dọn sạch nhà tù, nhà thương điên, và gửi đến chúng ta những kẻ buôn ma túy, buôn người và khủng bố."
"Thực tế là sắc lệnh của Joe Biden sẽ không ngăn chặn được cuộc xâm lược, nó yếu đuối và thảm hại, nó thực sự khiến cuộc xâm lược trở nên tồi tệ hơn," vị cựu tổng thống Mỹ tiếp tục.
Ở chiều ngược lại, một số quan chức và Nhà Trắng đã đổ lỗi cho các chính trị gia Cộng hòa vì cản trở khiến thỏa thuận an ninh biên giới lưỡng đảng thất bại vào đầu năm 2024.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho biết trong tháng 4/2024, họ "bắt gặp" khoảng 179.000 người di cư.
Con số này trong tháng 12/2023 đạt mức kỷ lục 302.000 người.
Các cuộc thăm dò cho thấy nhập cư là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới.
Cuộc khảo sát Gallup vào tháng 4/2024 cho thấy 27% người Mỹ coi nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước phải đối mặt, hơn cả kinh tế và lạm phát.
Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia (NORC) tại Đại học Chicago và hãng thông tấn AP đã tiến hành thăm dò vào tháng 3/2024 và chỉ ra rằng 2/3 người Mỹ hiện không tán thành cách ông Biden xử lý các vấn đề biên giới, trong đó có khoảng 40% cử tri Đảng Dân chủ.
Người Việt Nam tại biên giới Mỹ-Mexico tăng phi mã
Trong cùng ngày mà Tổng thống Biden ban hành sắc lệnh, trang Fox News đăng tải một bản tin cho biết hàng trăm người di cư từ các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc tràn vào Mỹ và thậm chí còn chụp ảnh tại bức tường biên giới Mỹ-Mexico.
Hai mẹ con người Việt Nam tại biên giới Mỹ-Mexico vào tháng 12/2023
Trong một bài viết vào đầu tháng 5/2024, Đài Á châu Tự do (RFA) đăng tải số liệu được CBP chia sẻ về lượng người Việt Nam vượt biên qua Mỹ từ phía nam từ 2020 đến đầu năm 2024.
Theo số liệu, từ năm 2020 đến 2022, số người Việt vượt biên giới phía nam của Mỹ luôn dưới 300 người. Tuy nhiên, con số này tăng hơn 10 lần trong năm 2023, lên gần 3.300 người.
Tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 2/2024, con số đó là gần 2.400 người.
Bài viết của RFA cho biết mỗi người vượt biên trả khoảng 60.000 - 75.000 USD cho toàn bộ hành trình từ Việt Nam sang Mỹ bất hợp pháp. Họ thậm chí còn đánh cược cả tính mạng khi phải băng qua những khu vực nguy hiểm ở Nam Mỹ và Mexico.
Một số người được RFA phỏng vấn cho biết họ đi vì muốn đổi đời, một số khác nói rằng mình bị chính quyền ở Việt Nam gây khó dễ.
Thống kê từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho năm tài khóa 2023 ghi nhận gần 3.300 người Việt vượt biên giới phía nam của Mỹ.
Có 102 nước trong danh sách này của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Việt Nam xếp thứ 26 về số lượng.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ - Luật sư di trú Vũ Tuấn Huy, công ty First Consulting Group (Mỹ), nói rằng trước năm 2023 thì cứ vài tháng ông mới nhận được một cuộc điện thoại từ người Việt vượt biên để hỏi về những vấn đề như tìm kiếm việc làm, hợp thức hóa giấy tờ, các cách để ở lại,...
Nhưng vào năm 2023, việc ông nhận khoảng 50 cuộc điện thoại như thế trong một ngày trở thành chuyện bình thường.
"Có những người Việt vượt biên bằng cách leo rào, bơi qua sông hay chui qua hầm, và phần lớn họ sau khi vượt biên sẽ đi đến cửa khẩu và tuyên bố họ là người tị nạn," luật sư Huy chia sẻ.
Ông Huy cũng nhấn mạnh đa số khách hàng của mình không thật sự "tị nạn", bị "đàn áp" mà đúng hơn là "di dân kinh tế".
Các chuyên gia vào đầu năm 2024 đã nói với BBC ba nguyên nhân chính cho việc lượng người di cư qua biên giới Mỹ-Mexico tăng đột biến trong năm 2023, bao gồm: các hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ; xu hướng di dân đến các nước phát triển tăng cao; sự khác biệt trong chính sách biên giới của ông Trump và ông Biden.
Ông Vũ Tuấn Huy nói thêm:
"Chính sách của Đảng Dân chủ đối với người di cư, tị nạn khá rộng rãi. Có thể trong một, hai năm đầu tiên, người di cư Việt Nam còn mơ hồ về đường đi này. Nhưng khi họ thấy nhiều trường hợp thành công, làn sóng di cư này bùng lên mạnh mẽ."
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn