Nhặt Tiền Xu
Tác Giả : Huy Lâm Nguồn: Thời Báo Canada Ngày đăng : 2024-06-05
Tại một cơ sở thu gom rác thải ở thành phố Morrisville, Pennsylvania, sau khi rác được thiêu huỷ, các công nhân tại đây sẽ đổ tro than vào trong một chiếc máy rất lớn có nhiệm vụ tách và lựa ra các chất kim loại, sau đó những kim loại này được rửa sạch. Phần thưởng cho công lao này là họ thu về được những thùng chứa đầy những đồng 25 xu, 10 xu, 5 xu và 1 xu.
Theo công ty thu gom rác thải Reworld, mỗi năm người Mỹ vất bỏ đi số tiền xu trị giá lên tới $68 triệu. Bên cạnh công việc chính là thu gom rác thải, công ty Reworld còn làm thêm công việc truy tìm kho báu là thu gom luôn những đồng xu nằm lẫn lộn trong các đống rác thải đó. Công ty cho biết trong 7 năm kể từ khi bắt đầu tìm nhặt tiền xu, họ đã thu được số tiền xu trị giá lên đến ít nhất là $10 triệu.
Đối với nhiều người Mỹ, tiền xu hiện nay cũng không khác gì rác, chỉ khiến làm bận tay họ hay làm túi quần túi áo nặng thêm. Xe buýt, tiệm giặt, trạm thu phí và đồng hồ đậu xe bên các lề đường nay đã có thể nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng và ứng dụng trên điện thoại di động. Việc thanh toán trả tiền bằng bất kỳ hình thức tiền mặt nào đang ngày càng trở nên bất tiện và đôi khi còn khiến nhiều người khó chịu, và trong đó tiền xu là loại tiền gây nhiều rắc rối hơn cả và giá trị của chúng ngày càng nhỏ tới mức không đáng mang theo trong người. Vào năm 1980, một đồng 25 xu có sức mua tương đương với giá trị của một đô la ngày nay. Cầm đồng 25 xu đến bất cứ một tiệm tạp hoá nào hôm naycũng không thể mua được một viên kẹo.
Ngày càng có nhiều kinh tế gia lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ loại bỏ đồng 1 xu, do chi phí để làm ra đồng 1 xu tốn khoảng gấp ba lần giá trị của nó. Sở đúc tiền Hoa Kỳ vào năm ngoái đã chi tổng cộng $707 triệu để sản xuất loại tiền xu. Các quốc gia như Canada, New Zealand và Úc đã hoàn toàn loại bỏ và không còn lưu hành đồng 1 xu ngoài thị trường nữa.
Do bởi loại tiền xu ngày nay rất khó tiêu dùng nên chúng lưu hành cũng rất chậm trong thị trường – hoặc hoàn toàn không lưu hành. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang, hơn một nửa số tiền xu ở Mỹ là đang nằm trong các keo lọ trong nhà của người dân.
Ở bên ngoài, rất nhiều loại tiền xu bị người ta bỏ lại. Tại các cổng khám xét an ninh ở phi trường, Cơ quan An ninh Giao thông Liên bang (TSA) mỗi năm thu được hàng trăm ngàn đô la trị giá tiền xu mà hành khách bỏ lại. Tiền xu còn bị bỏ quên dưới các nệm ghế hoặc trong xe, sau đó bị hút vào trong máy hút bụi và mang ra ngoài bãi rác.
Công ty rác Reworld bắt đầu thu lượm tiền xu vào năm 2017 sau khi để ý thấy có rất nhiều đồng tiền nằm lẫn lộn trong rác. Trung bình mỗi năm công ty thu hồi khoảng 550,000 tấn kim loại, trong đó có lon nước soda, ống sắt cũ, chìa khoá và muỗng nĩa.
Và thường cứ mỗi ngày, các công nhân dùng chiếc xe xúc tại một cơ sở thu gom rác và xúc rác đổ vào các máy phân loại khác nhau. Một máy khi chạy tạo ra những tiếng lạch cạch có nhiệm vụ tách ra bất cứ thứ gì có màu giống như những đồng xu. Một máy khác có nhiệm vụ tách ra bất cứ thứ gì tròn và phẳng, giống như hình những đồng xu. Và một máy khác thì tách những loại kim loại nặng hơn chẳng hạn như tiền xu ra khỏi những kim loại nhẹ hơn chẳng hạn như nhôm. Và ngày nào người ta cũng lựa ra được hàng đống tiền xu.
Sau đó mất khoảng 35 phút để rửa sạch những gì mà máy phun ra. Kế tiếp là những đồng xu đã rửa sạch bóng được trải trên giá sắt cho khô. Trong đống hổ lốn đó, các đồng xu Mỹ nằm trộn lẫn với các đồng xu euro, các đồng xu từ nhiều nước khác và các đồng token người ta dùng để đi xe điện ngầm.
Trong một phòng khác, các công nhân đeo găng tay làm công việc kiểm tra, tách những đồng xu tốt ra khỏi những thứ khác.
Bởi vì rác được thiêu huỷ trước khi đưa tới, một số đồng xu đã bị biến dạng đến mức không thể nhận ra được. Trong số 10 triệu tiền xu mà công ty đã thu hồi được, khoảng $6 triệu vẫn ở trong tình trạng đủ tốt để sử dụng.
Công ty Reworld thu được từ 500,000 đến 1 triệu đô la tiền xu mỗi năm, số tiền này sẽ được chuyển tới cho một nhóm nhân viên khác đếm lại và ký thác vào trương mục tại ngân hàng địa phương.
Hầu hết các đồng xu không bị đưa ra bãi rác. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng được mọi người ưa chuộng.
Khi cô Cassandra Raposo còn làm thu ngân cho tiệm Dollar Store, cô kể lại có một số khách hàng thường đến quầy thu ngân trả tiền cho những món hàng trị giá từ $5 đến $10 đồng bằng những túi đựng đầy những đồng xu.
Những ngày bình thường thì không sao, nhưng vào những ngày bận rộn, cô Raposo vẫn phải giúp họ đếm những đồng xu đó. Đôi khi phải đếm tới hai lần cho ăn chắc, vừa đếm vừa ái ngại nhìn hàng người đứng chờ để trả tiền với vẻ mặt kém vui.
Trước đây người ta thường mang tiền xu để dành trong các hũ lọ đến ngân hàng để đổi, nhưng việc này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ngân hàng Capital One và PNC đã loại bỏ máy đếm tiền xu của họ từ khoảng một thập niên trước do lượng khách hàng đổi tiền xu không có bao nhiêu. Năm 2016, ngân hàng TD Bank cũng ngưng đặt máy đếm tiền xu tại ngân hàng của họ sau khi một cuộc điều tra phát hiện ra rằng máy đã trả lại cho khách hàng ít hơn số tiền mà họ mang tới đổi.
Ngày nay, nhiều người đổi tiền xu của họ tại các máy Coinstar đặt trong các chợ thực phẩm và trạm xăng. Công ty cho biết họ đặt tổng cộng hơn 24,000 máy trên khắp nước Mỹ và đã đếm được hơn 800 tỷ đồng tiền.
Tuy nhiên cũng có người coi những đồng xu không hẳn là đồ bỏ mà là những bảo vật để trưng bày. Như cặp vợ chồng Sara và Justin Ilse, hồi đầu năm nay, đã hoàn tất lát lại nền nơi lối đi chính căn nhà của họ bằng 65,507 đồng 1 xu.
Hơn 20,000 đồng 1 xu lấy từ trong những chai lọ mà cha và anh rể cô Sara đã cất giữ trong nhiều năm trong tủ quần áo của họ. Hai vợ chồng mua phần còn lại tại môt ngân hàng nơi địa phương họ sống bằng những hộp với 2,500 đồng 1 xu được đựng trong mỗi hộp. Ngoài số tiền $655 họ chi ra để mua đồng 1 xu, họ còn chi thêm $1,195 để mua keo dán.
Trên trang mạng xã hội cá nhân, hai vợ chồng đã đăng những đoạn video ghi lại chi tiết công việc khác thường này của họ kéo dài suốt một năm mới hoàn tất.
Nhân viên của công ty Reworld cũng thích sưu tầm những đồng xu loại hiếm. Chẳng hạn như những đồng 5 xu có in hình con bò rừng buffalo nếu tìm được thì họ sẽ giữ lại. Những đồng xu này chỉ được làm ra trong khoảng thời gian từ năm 1913 đến 1938, và chúng có thể có giá trị lên đến hàng ngàn đô la. Nói như vậy thì đâu phải đồng xu nào cũng mất giá trị.
Chương trình thu hồi tiền xu chỉ là đóng góp một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Reworld. Công ty kiếm lời phần lớn là từ công việc điều hành hoạt động của các cơ sở đốt rác để tạo ra nhiên liệu.
Các nhân viên của công ty tin rằng một ngày nào đó việc sử dụng tiền xu sẽ chấm dứt hoàn toàn và hoạt động thu hồi tiền xu của Reworld cũng vậy.
Tiền xu bắt đầu xuất hiện và được sử dụng khoảng 2,500 năm trước, nhưng ngày nay vai trò của nó ngày càng không cần thiết và đang dần biến mất. Tuy nhiên, 2,500 năm là khoảng thời gian khá dài, và tiền xu đã tồn tại lâu hơn so với nhiều thứ khác đã từng xuất hiện và rồi biến mất trên cõi đời này.
Huy Lâm
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn