Không gian công cộng của Việt Nam đang bị thu hẹp
Tác Giả : David Brown (Asia Sentinel) | Nguồn: Báo Tiếng Dân | Ngày đăng : 2024-06-06 |
Tóm tắt: Bộ Công An ngày càng tăng quyền lực
Huy Đức biến mất
Ngay sau giữa trưa ngày 1/6, Trương Huy San, 60 tuổi, đột nhiên biến mất. Ông rời khỏi nhà, trên đường đến buổi họp mặt “Cà phê thứ Bảy”, một nhóm thảo luận không chính thức ở thành phố quê mình, Hà Nội. Nhiều người tin rằng ông đã bị cảnh sát mặc thường phục chặn bắt và bị biệt giam từ lúc đó.
Trong số những blogger “nghiêm túc” của Việt Nam, những người bình luận sâu sắc về các vấn đề quốc gia, không ai được nể phục hơn San, có bút danh là Huy Đức với 350 000 người theo dõi trên Facebook. Xét từ các bài đăng trên Tạp chí Luật Khoa và báo Tiếng Dân được điều hành từ nước ngoài thì cho đến ngày 4 tháng 6, những người ngưỡng mộ vẫn không nghĩ ra được [lý do] Đức bị giam giữ. Nhưng sự nể trọng của họ rõ ràng là không có gì thay đổi khi gần đây ông đã bẻ ngoặt quá sát ngọn lửa khi lập luận rằng, bầu không khí sợ hãi có thể kìm hãm quốc gia.
Huy Đức là một phóng viên xuất sắc cho đến khi bị thu hồi thẻ nhà báo cách đây [hơn] chục năm. Ông cũng là tác giả sách Bên Thắng Cuộc, một cuốn sách được xuất bản ở Mỹ, hồi tưởng thẳng thắn, ghi lại những năm hậu chiến khi chế độ Hà Nội vật vã để đưa người dân miền Nam buồn thảm vào nhà nước độc đảng. Bốn ngày sau khi Đức mất tích, không gian mạng Việt vẫn còn đầy những lời tôn vinh; một chủ đề phổ biến là sự sửng sốt khi một người viết điềm tĩnh và thâm trầm như vậy lại có thể bị Bộ Công an nhắm đến.
Tô Lâm đang nắm quyền
Có lẽ ngẫu nhiên dạo gần đây Bộ Công an lại rất nổi tiếng. Tướng Tô Lâm, người đứng đầu Bộ này từ năm 2016 và là Thứ trưởng thường trực trong 6 năm trước đó, đã được chọn làm tân Chủ tịch nước Việt Nam. Ông thay thế vị trí của một ủy viên Bộ Chính trị bị mất chức, được cho là do Tướng Lâm dàn dựng. Thật vậy, như một số nguồn tin (bao gồm cả Asia Sentinel vào ngày 23 tháng 5) kết luận, Lâm dường như đã triển khai hồ sơ làm tiêu tan hy vọng của ít nhất bốn người khác đang mong muốn nắm quyền lãnh đạo đảng cầm quyền – và duy nhất –của Việt Nam tại Đại hội lần thứ 14, sẽ diễn ra trong khoảng 19 tháng tới.
Trong khi đó, điều đặc biệt đáng lo ngại là, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Lâm đã sử dụng thời gian làm lãnh đạo ở Bộ Công An để biến nó thành một bộ máy trừng phạt đáng sợ đối với những người có hành vi sai trái. Tất nhiên, điều đó bao gồm cả những người biển thủ tài sản công hoặc nhận tiền lại quả từ các công ty xây dựng đang tìm kiếm các hợp đồng béo bở. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Nếu người nào hiện là một quan chức thì càng ngày càng khó hơn để biết điều gì được phép làm và điều gì không; điều chắc chắn duy nhất là Bộ Công an có hồ sơ đen về mình.
Các nhà quan sát theo sát tình hình Việt Nam đã ghi nhận xu hướng “an ninh hóa” rõ rệt trong 13 năm Nguyễn Phú Trọng nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Wikipedia giải thích, an ninh hóa là “quá trình các diễn viên nhà nước chuyển đổi chủ đề từ các vấn đề chính trị thông thường thành các vấn đề ‘an ninh’… một mối đe dọa hiện hữu [biến] các biện pháp lạ thường thành hợp pháp để ngăn chặn nó”.
(Độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn về khái niệm này có thể tham khảo phần thảo luận đầy thuyết phục và đáng lo ngại của Mark Sidel về quá trình an ninh hóa các tổ chức Việt Nam do Bộ Công an chủ trì, được Asia Sentinel công bố hồi tháng 1 năm 2023.)
Nhìn lại, năm 2015 được coi là một bước ngoặt. Đó là năm Nguyễn Phú Trọng đẩy lùi âm mưu của Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng định thay thế ông làm Tổng Bí thư. Dũng là một nhà điều hành năng động, ông đã làm ngơ trước tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong hàng ngũ chính phủ, dường như coi đó là chất bôi trơn, giúp bánh xe tăng trưởng kinh tế chạy trơn tru. Khi bị thua trong cuộc bỏ phiếu quyết liệt ở ủy ban trung ương ngay trước Đại hội 12 của đảng, Dũng “được phép nghỉ hưu”. Từ đó, Trọng tự do thực hiện tầm nhìn của riêng mình về một nước Việt Nam, nơi mà sự tiến bộ phụ thuộc vào việc thanh lọc những quan chức không tuân thủ chặt chẽ học thuyết Mác-Lênin và đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại từ năm 2024, rõ ràng tầm nhìn của Trọng đã trao cho Bộ Công an đóng một vai trò rất lớn trong công việc nội bộ của đảng CSVN.
Đinh Thế Vinh, một nhà báo độc lập viết trên Tạp chí Luật Khoa điều hành ở nước ngoài, lưu ý rằng, trong nhiệm kỳ 8 năm làm Bộ trưởng của Tô Lâm, nhiều lớp nhân viên cấp trung của Bộ Công an đã bị loại bỏ, đồng thời, số lượng nhân viên cấp cơ sở đã tăng gấp đôi, lên 1,5 triệu người, thực hiện nhiều chức năng cảnh sát khác nhau. Vinh viết tiếp, “Đặc biệt tại Bộ Công an, việc thu hẹp quy mô có ý nghĩa chính trị đặc biệt, bởi vì đây là một bộ có quyền hành, quy mô to lớn và nhiều chức năng”, bao gồm an ninh nội bộ, tình báo, điều tra tội phạm, nhà tù, v.v…
Tác giả kiêm nhà báo Bill Hayton, cộng tác viên Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn Chatham House ở London, nhận xét trong một bản tóm tắt ngày 9 tháng 5 rằng, một đặc điểm nổi bật của tình trạng hỗn loạn gần đây trong nội bộ đảng – đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng – là những rạn nứt bên trong ngày càng trở nên rõ ràng hơn. “Những kẻ bị thua được phép lặng lẽ rút lui, miễn là họ nhường lại quyền lực cho đối thủ của mình. Những gì chúng ta đang thấy là một sự tiếp nhận. Những kẻ thắng trong cuộc tranh giành quyền lực này là những người theo đường lối cứng rắn: Các tướng cảnh sát và những người theo chủ nghĩa Lênin giáo điều, [những người] tập trung vào sự tồn tại của chế độ hơn là tự do hóa thêm nữa”.
Trong một bài bình luận do một think-tank Singapore công bố vào tháng 5 năm 2023, ông Nguyễn Khắc Giang nhấn mạnh rằng, “Bộ Công an, thường được coi là cơ quan thực thi chiến dịch chống tham nhũng, đã được trao quyền hành rất lớn. Cuộc cải tổ lực lượng cảnh sát năm 2018 nhằm củng cố nền tảng cảnh sát, đã dẫn đến sự tập trung quyền lực cao hơn vào tay Bộ trưởng Bộ Công an. Đồng thời, ngân sách Bộ Công an đã tăng lên đều đặn…”
Bình luận của Huy Đức về những vấn đề này, qua hai bài đăng trên tài khoản Facebook của ông ngay trước khi bị bắt, đang được nhiều người nêu ra như là lý do có thể khiến ông bị bắt. Chúng đến từ ý tưởng ban đầu nhiều hơn các ý kiến của Vinh, Hayton, và Giang ở trên, nhưng không kém phần gây nghĩ ngợi.
Trong bài “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”, đăng ngày 27/5, Huy Đức cho rằng, công an địa phương nên báo cáo cho chính quyền địa phương chứ không phải cho cấp trên thuộc Bộ Công an, và quyền điều tra phải tách khỏi quyền trừng phạt. “Cảnh sát địa phương thì phải do chính quyền địa phương quyền tuyển chọn, bổ nhiệm và điều động, phù hợp với ngân sách và đặc thù địa phương. Những địa phương an ninh tốt [do kinh tế phát triển, dân tin tưởng chính quyền] có thể biên chế một lực lượng cảnh sát cực kỳ tinh gọn”.
Trong bài đăng thứ hai một ngày sau đó, có tựa đề “Những suy nghĩ không rời rạc”, Huy Đức mô tả Tổng Bí thư Trọng là một người có đạo đức hiếm thấy mà cách giải đáp duy nhất của ông cho nạn tham nhũng tràn lan là những cuộc thanh trừng không ngừng và việc hoạch định chính sách ngày càng mờ đục của các cấp ủy đảng.
Đức kết luận: “Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an”.
Tác giả: David Brown
Chuyển ngữ: Song Phan,
Chuyển ngữ: Song Phan,
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |