Cư dân gốc Việt nói gì về sắc lệnh kiểm soát biên giới của TT Biden?
Nguồn: VOA Ngày đăng : 2024-06-08
Tổng thống Joe Biden phát biểu về sắc lệnh hành pháp tại Phòng Đông tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 4 tháng 6 năm 2024.
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp cho phép nhanh chóng trục xuất di dân nhập cảnh bất hợp pháp đang khơi lên những ý kiến trái chiều trong bối cảnh ông nỗ lực kiểm soát cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới phía nam với Mexico.
Ông Biden, người theo Đảng Dân chủ, đã áp dụng phương sách cứng rắn đối với vấn đề an ninh biên giới khi di trú nổi lên như một ưu tiên hàng đầu đối với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào ngày 5 tháng 11. Ông sẽ phải đối mặt với ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa, người luôn coi quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư là trọng tâm của chính sách di trú của chính quyền ông và tuyên bố sẽ trấn áp trên diện rộng nếu tái đắc cử.
Ông Biden nhậm chức vào năm 2021 với cam kết đảo ngược một số chính sách nhập cư mang tính hạn chế của ông Trump nhưng đã chật vật ứng phó với số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp cao kỉ lục, khiến lực lượng an ninh biên giới và các thành phố bị quá tải.
Theo sắc lệnh ông Biden ban hành hôm 4/6, những di dân bị bắt vì vượt biên bất hợp pháp có thể nhanh chóng bị trục xuất hoặc bị trả về Mexico. Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết sẽ có ngoại lệ đối với trẻ em không có người đi cùng, những người đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng về y tế hoặc an toàn, và nạn nhân bị buôn người.
Lệnh cấm mới sẽ được áp dụng khi số vụ bắt giữ ở biên giới trung bình mỗi ngày vượt quá 2.500 vụ và kéo dài trong một tuần. Theo số liệu thống kê gần đây nhất của chính phủ, trong tháng 4 vừa qua mỗi ngày trung bình có 4.300 vụ bắt giữ ở biên giới Mỹ.
Lệnh cấm sẽ được tạm dừng khi số vụ bắt giữ xuống dưới mức trung bình 1,500 mỗi ngày suốt trong ba tuần. Lần gần đây nhất mà số lượng di dân giảm xuống mức đó là vào những tháng đầu của đại dịch COVID, hồi tháng 7 năm 2020, khi việc đi lại khắp toàn cầu giảm xuống mức thấp lịch sử.
“Hành động này sẽ giúp chúng ta giành quyền kiểm soát biên giới của mình và khôi phục trật tự trong quá trình này,” ông Biden nói trong một cuộc họp báo giải thích về lệnh cấm. “Lệnh cấm này sẽ được duy trì cho đến khi số người tìm cách nhập cư bất hợp pháp giảm xuống mức mà hệ thống của chúng ta có thể quản lý một cách hữu hiệu.”
Ông Nguyễn Tường Tuấn, một cư dân ở bang Illinois, cho rằng biện pháp này là quá trễ và không thay đổi được gì cả.
Ông chỉ ra rằng số lượng di dân ồ ạt đã khơi lên lo ngại không chỉ từ những người theo Đảng Cộng Hòa mà cả những người theo Đảng Dân chủ của ông Biden, giữa lúc các cuộc khảo sát ý kiến công chúng cho thấy di trú luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
“Ngay cái ngày đầu tiên ông Joe Biden nhậm chức thì ông ấy đã mở cửa biên giới rồi, mà ông ấy mở cửa đến cả ba năm trời nay, không biết bao nhiêu vấn đề đến nước Mỹ, thì không thể nào biện hộ là giờ cuối cùng tổng thống có quyền. Đây chỉ là vấn đề áp lực của bầu cử có thế thôi,” ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đình Minh Quốc, một cư dân ở tiểu bang Texas giáp biên giới Mexico, thì hoan nghênh sắc lệnh này như một biện pháp mà sẽ giúp giảm số lượng người nhập cư trái phép trong thời gian tới.
Cư dân này cho rằng việc ông Biden bãi bỏ những chính sách mang tính hạn chế dưới thời ông Trump không phải là mở cửa biên giới mà là đảo ngược những chính sách như tách rời cha mẹ với con cái khi họ bị câu lưu tại biên giới vốn gây nhiều tranh cãi về khía cạnh nhân đạo.
“Bây giờ chúng ta phải giải quyết vấn đề biên giới, mà bây giờ Quốc hội không thông qua [luật cải tổ di trú] thì làm cách nào để giải quyết vấn đề biên giới để mà giảm số của người tị nạn nó càng ngày càng gia tăng, thì đấy là một cái biện pháp tốt nhất, hay nhất để mà thực hiện cái điều đó,” ông Quốc đưa ra nhận xét về lệnh cấm của ông Biden.
Suốt nhiều tháng qua, ông Biden đã không thành công trong việc thúc đẩy thông qua một dự luật của Thượng viện do một nhóm thượng nghị sĩ ở cả hai đảng soạn thảo nhằm tăng cường an ninh biên giới. Phe Cộng hòa đã bác bỏ dự luật này sau khi ông Trump công khai lên tiếng phản đối.
Ngoài biện pháp mới nhất, chính quyền Biden trong năm qua đã thực hiện một số bước để thắt chặt quy trình xin bảo hộ tị nạn, bao gồm ban hành quy định vào tháng 5 năm 2023 nâng cao tiêu chuẩn đối với yêu cầu xin tị nạn ban đầu.
Ông Tuấn, một người ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump, nói ông đồng tình về một dự luật giải quyết vấn đề biên giới mang tính lưỡng đảng nhưng việc thông qua một dự luật như vậy phải chờ đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11 để “xác định vị trí của Quốc hội.”
“Hiện giờ thì Quốc hội cũng đang chao đảo rất là nhiều. Mà cái số lượng mỗi bên khi mà đứng trong cái phía đa số thì cũng rất là mong manh. Thượng nghị sĩ thì cũng mong manh đối với Đảng Dân Chủ và hạ nghị viện thì cũng mong manh với Đảng Cộng Hòa,” ông nói.
Ông Quốc, người ủng hộ Tổng thống Biden, nói rằng việc phe Cộng hòa thay đổi lập trường sau khi ông Trump lên tiếng phản đối cho thấy họ “đặt đảng phái lên trên quyền lợi của quốc gia.”
Ông nhấn mạnh rằng ông không ủng hộ việc di cư bất hợp pháp và lợi dụng những lỗ hổng trong luật di trú của Mỹ để xin bảo hộ tị nạn vì nhiều di dân đến Mỹ với lý do kinh tế.
“Cá nhân tôi, tôi không có chống đối người di dân. Chỉ mong sao họ di dân hợp pháp và có những chính sách để mà ngăn chặn những cái vấn đề vô lý như là ‘tôi là người tị nạn thì sẽ được ở lại.’ Tôi nghĩ chính sách đó nó quá nhân đạo đi. Và khi quá nhân đạo như vậy thì sẽ có sự lợi dụng,” ông nói.
Vẫn còn những câu hỏi về cách thức mà sắc lệnh này sẽ được thi hành, bao gồm làm thế nào chính quyền sẽ nhanh chóng trục xuất người di cư từ các nước xa xôi và không hợp tác cũng như số lượng di dân không phải người Mexico mà Mexico sẽ chấp nhận theo chế độ thực thi mới.
Số di dân bị bắt vì vượt biên giới Mỹ-Mexico bất hợp pháp đã giảm trong những tháng gần đây, một xu hướng mà các quan chức Mỹ nói một phần là do Mexico tăng cường thực thi chấp pháp.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn