Tấm pin mặt trời giúp kiềm chế sự lũng đoạn của Trung cộng
Tác Giả : Lynn Topel
Biên dịch : Hoa Hưng
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng : 2024-06-08
Tấm năng lượng mặt trời rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng hiện tại ngành này đang bị lũng đoạn bởi các sản phẩm giá rẻ từ Trung cộng. Nhà đầu tư lớn nhất trong ngành sản xuất tấm năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đang áp dụng một công nghệ mới, hy vọng có thể giảm chi phí sản xuất, từ đó giúp xây dựng chuỗi cung ứng ngoài Trung cộng.
Theo bản tin của The Wall Street Journal hôm 30/05, công nghệ mới này đến từ một công ty khởi nghiệp của Israel, giúp đơn giản hóa một trong những bước phức tạp nhất trong quá trình sản xuất năng lượng mặt trời, và giảm chi phí sản xuất bằng cách giảm lượng bạc cần thiết để tấm pin hấp thụ ánh sáng mặt trời.
Gần đây, giá bạc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên, nguyên nhân một phần là do bạc là nguyên liệu cần thiết để làm ra các tấm pin mặt trời.
Công ty khởi nghiệp này có tên là Lumet, do ông Benny Landa thành lập. Ông cũng là nhà sáng lập Inidgo, một công ty phát triển máy in kỹ thuật số đầu tiên và đã được bán cho HP với giá 830 triệu USD vào đầu những năm 2000. Ông Landa cho biết, Lumet đang hợp tác với Bank of America để điều động hàng trăm triệu USD trong vài tháng tới.
Tập đoàn Hanwha của Nam Hàn cho biết họ sẽ là công ty đầu tiên sử dụng công nghệ mới của Lumet. Công ty con Qcells của Hanwha là một trong những nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất ngoài Trung cộng. Công ty này đang xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trị giá hàng tỷ USD tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.
Qcells dự kiến sẽ là một trong những công ty hưởng lợi tiềm năng lớn nhất từ các biện pháp ưu đãi của Đạo luật Khí hậu Hoa Kỳ năm 2022 và các biện pháp tăng thuế pin mặt trời Trung cộng mới được Hoa Kỳ công bố. Gần đây, công ty cho biết sẽ đóng cửa nhà máy duy nhất của mình tại Trung cộng.
Các nhà phân tích trong ngành cho biết, giá tấm pin mặt trời của Trung cộng có thể chỉ bằng một nửa giá của các nước khác. Điều này gây ra áp lực phải cắt giảm chi phí lên các doanh nghiệp.
Bà Danielle Merfeld, Giám đốc Công nghệ Toàn cầu của Qcells, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal rằng: “Chúng tôi phải đổi mới không ngừng.”
“Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể dựa vào các rào cản thương mại hoặc trợ cấp để nâng cao năng lực cạnh tranh.”
Dự án chuỗi cung ứng trị giá 2.5 tỷ USD của công ty Qcells tại Georgia dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, và sẽ cung cấp sản phẩm cho các khách hàng lớn, trong đó có Tập đoàn Microsoft.
Lynn Topel _ Hoa Hưng
 
Máy bay năng lượng mặt trời khởi hành từ Nhật đi Hawaii
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng : 2024-06-08
Máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 cất cánh từ sân bay Nagoya sáng sớm hôm nay.
Một máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời do Thụy Sĩ chế tạo thực hiện thêm một cuộc thử nghiệm nữa trong nỗ lực tiến hành một chuyến đi dài 35.000 cây số vòng quanh thế giới mà không cần dừng để tiếp nhiên liệu.
Chiếc máy bay Solar Impulse 2 (Si2) cất cánh từ trung tâm Nhật Bản sáng sớm hôm nay sau kỳ nghỉ một tháng không lên kế hoạch.
Chiếc Si2 được điều khiển bởi phi công Thụy Sĩ Andre Borschberg một trong những người chế tạo ra nó, đã rời Nagoya, Nhật Bản để bắt đầu chuyến bay xuyên Thái Bình Dương, chuyến đi dài nhất trong cuộc hành trình của nó.
Nếu điều kiện thời tiết ở Thái Bình Dương không tiếp tục thuận lợi, Si2 sẽ được quay về. Tuy nhiên, trong chuyến đi vượt Thái Bình Dương sẽ không có điểm quay về cho máy bay này khi nó không thể bay trở lại Nhật Bản.
Chuyến bay qua Thái Bình Dương tới Hawaii đầy rủi ro vì không có địa điểm hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp.
Máy bay Solar Impulse 2 một chỗ ngồi làm bằng sợi carbon có sải cánh dài 72 mét, dài hơn sải cánh của chiếc Boeing 747.
Theo lịch, máy bay Si2 sẽ không đáp cánh ở Nhật, nhưng đã được chuyển hướng tới đây vào đầu tháng 6 trên đường từ Nam Kinh miền Đông Trung Quốc tới Hawaii vì thời tiết xấu.
Tuần rồi, Si2 được lên lịch lại khởi sự hành trình xuyên Thái Bình Dương nhưng chuyến bay bị hủy vào giờ chót vì thời tiết xấu.
Si2 là đứa con tinh thần của hai khoa học gia Thụy Sĩ, Bertrand Piccard và Borschberg. Hai khoa học gia đã mất 12 năm để tạo ra chiếc máy bay này.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn