Hamas suy yếu, chuyển sang chế độ phục kích ở Gaza
Tác Giả : Thu Sanh | Nguồn: NTD Vn | Ngày đăng : 2024-06-09 |
Bức ảnh cho thấy vào ngày 26/2/2024, người Palestine đi ngang qua các tòa nhà bị hư hại do các cuộc tấn công ở phía bắc Gaza khi giao tranh vẫn tiếp diễn giữa Israel và tổ chức Hamas. (AFP qua Getty Images)
Hamas đã mất khoảng một nửa số quân của mình trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng và hiện đang dựa vào chiến thuật phục kích đánh rồi bỏ chạy để chống lại các nỗ lực của Israel nhằm kiểm soát Gaza.
Ba quan chức cấp cao của Mỹ nắm rõ tình hình chiến trường nói với hãng tin Reuters rằng, nhóm cầm quyền ở vùng Gaza chỉ còn 9.000 đến 12.000 binh sĩ, giảm so với ước tính của Mỹ trước cuộc xung đột là 20.000 đến 25.000 binh sĩ. Trong khi đó, Israel cho biết họ đã mất gần 300 binh sĩ trong chiến dịch Gaza.
Hamas chuyển sang chế độ phục kích
Một trong những quan chức cho biết, các tay súng Hamas hiện nay phần lớn tránh các cuộc giao tranh đang diễn ra với lực lượng Israel đang tiếp cận thành phố Rafah, thay vào đó thường dựa vào các cuộc phục kích và bom ứng biến để tấn công các mục tiêu phía sau phòng tuyến của kẻ thù.
Một quan chức cho biết, nhóm Palestine đã chứng tỏ khả năng rút lui nhanh chóng sau các cuộc tấn công, ẩn náu, tập hợp lại và xuất hiện trở lại ở những khu vực mà Israel tin rằng đã quét sạch phiến quân.
Một số cư dân Gaza, trong đó có Wissam Ibrahim cho biết, họ cũng đã quan sát thấy sự thay đổi trong chiến thuật của Hamas.
Ông Ibrahim nói với Reuters qua điện thoại rằng trong vài tháng qua, bất cứ khi nào quân đội Israel tiến vào lãnh thổ Hamas, các chiến binh Hamas sẽ đánh chặn và bắn vào quân đội Israel. “Tuy nhiên, giờ đây, mô hình hoạt động của họ đã có sự thay đổi rõ ràng và họ sẽ chờ đợi lực lượng Israel triển khai trước sau đó tiến hành cuộc tấn công".
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, chiến thuật phục kích mới của Hamas, chủ yếu dựa vào vũ khí được tuồn lậu vào Gaza qua các đường hầm và các vũ khí khác thu hồi được từ những quả bom chưa nổ hoặc vũ khí thu được từ lực lượng Israel, chiến thuật này dự kiến sẽ giúp Hamas tiếp tục kháng cự trong nhiều tháng.
Các chiến dịch tuyên truyền của Hamas diễn ra song song với các hoạt động phục kích của họ. Một số chiến binh Hamas đã quay lại video về các cuộc phục kích của quân đội Israel, sau đó chỉnh sửa và đăng tải lên các ứng dụng mạng xã hội khác như Telegram.
Chiến tranh sẽ kéo dài trong bao lâu?
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Peter Lerner, nói với Reuters rằng quân đội Israel đang thích ứng với sự thay đổi chiến thuật của Hamas và thừa nhận rằng Israel không thể loại bỏ mọi tay súng Hamas hay phá hủy mọi đường hầm của Hamas.
Ông Lerner nói: “Mục tiêu của chúng tôi chưa bao giờ là tiêu diệt mọi kẻ khủng bố trên thực địa. Đây không phải là một mục tiêu thực tế, nhưng việc tiêu diệt Hamas với tư cách là cơ quan quản lý là một mục tiêu quân sự có thể đạt được".
Ông Lerner nói rằng, Israel vẫn còn lâu mới có thể loại bỏ được Hamas và Israel sẽ phải đối mặt với một trận chiến kéo dài để đánh bại Hamas, lực lượng đã cai trị Dải Gaza kể từ năm 2006.
Ông Lerner nói: “Với 17 năm xây dựng năng lực của Hamas, vấn đề của Hamas không thể được giải quyết chỉ trong một đêm”, nhưng ông nói thêm rằng Hamas đã mất khoảng một nửa hiệu quả chiến đấu.
Cố vấn An ninh Quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuần trước cho biết, cuộc chiến sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2024.
Hiện tại, ông Netanyahu và chính phủ của ông đang chịu áp lực từ Washington rằng phải đồng ý kế hoạch ngừng bắn nhằm chấm dứt chiến tranh.
Ông Netanyahu đã phớt lờ các lời kêu gọi trong nước và quốc tế và chậm chạp trong việc vạch ra kế hoạch hậu chiến cho vùng lãnh thổ này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo rằng, nếu không có lộ trình như vậy, vùng đất này có thể rơi vào tình trạng khoảng trống quyền lực vô pháp luật.
Một quan chức Ả Rập nói với Reuters rằng trong khoảng trống quyền lực, các băng nhóm tội phạm đã nổi lên ở Gaza, cướp phá lương thực và tiến hành các vụ cướp có vũ trang.
Vị quan chức này và hai nguồn tin chính phủ Ả Rập khác giấu tên, cho biết IDF có thể phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự như những mối đe dọa ở thành phố Falluja sau khi Mỹ tấn công Iraq vào năm 2004-2006.
Cuộc nổi dậy lan rộng ở thành phố Fallujah, ban đầu đã củng cố lực lượng của Al Qaeda và sau đó củng cố lực lượng của Nhà nước Hồi giáo (IS), đã khiến Iraq rơi vào xung đột và hỗn loạn mà hai thập kỷ sau vẫn chưa thoát khỏi được.
Trong bản báo cáo tại cuộc họp kín trước Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Knesset (Quốc hội Israel) vào tuần trước, cựu tư lệnh quân đội Israel, Gadi Eisenkot, người phục vụ trong nội các chiến tranh của ông Netanyahu, đã nhấn mạnh sự phức tạp của cuộc chiến tranh Israel - Hamas.
Ông Eisenkot nói: "Đây là cuộc đấu tranh liên quan đến tôn giáo, sắc tộc, xã hội và quân sự. Không thể giải quyết một lần là kết thúc, mà sẽ là một cuộc chiến kéo dài, nhiều năm".
Hamas vẫn còn sức mạnh
Theo các quan chức Israel và Mỹ, khoảng 7.000 đến 8.000 chiến binh Hamas đang đóng quân ở Rafah, thành trì kháng cự quan trọng cuối cùng của tổ chức này. Ông Yahya Sinwar, thủ lĩnh cao nhất của tổ chức vũ trang Hamas, cùng anh trai Mohammed, phó tướng Sinwar của Mohammed Deif vẫn còn sống và được cho là đang trốn trong đường hầm cùng với các con tin Israel.
Trong những năm qua, Hamas đã xây dựng một thành phố đường hầm dài 500 km (310 dặm). Đường hầm này, được quân đội Israel mệnh danh là "Tàu điện ngầm Gaza", có chiều dài bằng một nửa hệ thống tàu điện ngầm ở New York và được trang bị nước, điện, hệ thống thông gió và là nơi ở của các thủ lĩnh Hamas, trung tâm chỉ huy và kiểm soát cũng như kho vũ khí và đạn dược.
Quân đội Israel tuần trước cho biết họ đã phát hiện khoảng 20 đường hầm trong khu vực được Hamas sử dụng để vận chuyển vũ khí tới Gaza, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã kiểm soát toàn bộ biên giới đất liền giữa Gaza và Ai Cập để ngăn chặn buôn lậu vũ khí.
Các quan chức Ai Cập trước đây đã phủ nhận mọi giao dịch bí mật như vậy và cho biết họ đã phá hủy một mạng lưới đường hầm dẫn vào Gaza nhiều năm trước.
Kế hoạch thời hậu chiến
Washington và các đồng minh Ả Rập cho biết họ đang thảo luận về cách phát triển một kế hoạch hậu xung đột cho Gaza, trong đó bao gồm một lộ trình có thời hạn và không thể đảo ngược để thành lập một nhà nước Palestine.
Các quan chức Mỹ cho biết, kế hoạch này là một phần trong "thỏa thuận lớn” mà Mỹ thiết lập nhằm đảm bảo bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel.
Một quan chức của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, các hoạt động viện trợ khẩn cấp của nhiều quốc gia ở Gaza cần có lời mời từ Palestine, đồng thời cần phải chấm dứt các hành động thù địch, Israel rút lui hoàn toàn, và xác định rõ ràng về địa vị pháp lý của Gaza, bao gồm cả việc kiểm soát biên giới.
Vị quan chức này cho biết, hoạt động viện trợ khẩn cấp sẽ kéo dài trong một năm và có thể kéo dài thêm một năm nữa.
Ông nói thêm rằng cần phải có lộ trình chi tiết hơn cho giải pháp hai nhà nước và những cải cách nghiêm túc, đáng tin cậy đối với Chính quyền Palestine để bắt đầu tái thiết.
Giới chức ở Riyadh (Saudi Arabia) cho rằng, một giải pháp về chiến tranh giữa Israel và Hamas là một trong những điều kiện để bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Palestine, nhưng chưa rõ Mỹ dự định thuyết phục ông Netanyahu bằng cách nào.
Cựu chỉ huy quân đội Israel, Gadi Eisenkot, đã đề xuất thành lập một liên minh quốc tế do Ai Cập lãnh đạo để thay thế sự cai trị của Hamas ở Gaza.
Ông David Schenker, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Washington, một trung tâm nghiên cứu của Hoa Kỳ (và cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung Đông), đã bác bỏ bất kỳ đề xuất nào về việc quân đội Israel hoàn toàn rút khỏi lãnh thổ Palestine.
Ông Schenker nói: “Israel nói rằng họ sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát an ninh và ngụ ý rằng họ sẽ tiếp tục gửi máy bay không người lái qua Gaza, và nếu họ phát hiện Hamas tái xuất hiện, họ sẽ quay trở lại mà không bị hạn chế”.
Cuộc tấn công vào Gaza là hoạt động quân sự dài nhất và dữ dội nhất của Israel kể từ khi nước này tấn công Lebanon vào năm 1982 nhằm đánh bật Tổ chức Giải phóng Palestine.
Cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu vào ngày 7/10 năm ngoái, khi các chiến binh Hamas bất ngờ tấn công miền nam Israel. Theo thống kê của Israel, cuộc tấn công đã giết chết hơn 1.200 người Israel và bắt hơn 250 người làm con tin.
Cuộc tấn công trên bộ và trên không sau đó của Israel vào Gaza đã khiến khu vực này trở thành đống đổ nát. Theo cơ quan y tế Palestine, cuộc phản công của Israel đã giết chết hơn 36.000 người. Liên Hợp Quốc cho biết hơn một triệu người phải đối mặt với nạn đói "thảm khốc".
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch
Lý Ngọc biên dịch
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |