Thích Minh Tuệ: Lời cảnh báo cho nạn khuynh loát tôn giáo
(Phần 1)
Tác Giả : JB Nguyễn Hữu Vinh Nguồn: rfavietnam Ngày đăng : 2024-06-13
Vấn nạn quốc doanh
Từ rất lâu, những câu chuyện về nhà chùa, nhà sư trong xã hội Việt Nam đã trở thành một đề tài được cộng đồng mạng bàn tán xôn xao hoặc rộ lên từng đợt sau mỗi sự việc trong “hậu cung nhà chùa” bị bại lộ. Để rồi sau đó lại như đá ném ao bèo, nghĩa là dần dần đi vào quy luật “nói lắm cũng nhàm” và mọi chuyện trở nên bình thường trong một hoàn cảnh không bình thường của hệ thống Phật giáo tại Việt Nam.
Đó là hệ thống Phật giáo đã được định hướng theo khẩu hiệu: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, một khái niệm mông lung mà có lẽ Đức Phật có sống lại cũng chẳng hiểu cái “Chủ nghĩa Xã hội” mà các thế hệ sư sãi hiện nay ở Việt Nam đặt chắn trước mặt các tượng Phật là cái gì.
Theo ngôn ngữ dân gian, thì hệ thống Phật giáo đó được định nghĩa là hệ thống Phật giáo Quốc doanh – nghĩa là Phật giáo dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản Việt Nam ( CSVN) là một đảng lấy chủ thuyết Mác – Lein vô thần, bạo lực và bất khoan dung với mọi tôn giáo là “Kim chỉ nam” của mọi hành động.
Hệ thống Phật giáo đó, được nhào nặn bằng sự quy tập tất cả 9 hệ phái tôn giáo nguyên ủy đã tồn tại ở Việt Nam cho đến năm 1981 - mấy năm sau khi người Cộng sản hoàn thành việc xâm lược một quốc gia anh em qua một cuộc chiến tranh bạo tàn vì hệ tư tưởng Cộng sản. Cuộc quy tập và nhào nặn tạo thành cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam này, là một hình thức “nấu lẩu” bằng cách trộn lẫn tất cả mọi thứ vào một nồi cho dễ quản lý.
Hệ thống đó được hình thành, nhằm thay thế cho hệ thống Phật giáo chân truyền lâu đời đã tồn tại ở Việt Nam và đã bị chính sách tiêu diệt tận gốc của đảng tàn sát trước đó trong “Cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa”.
Và hệ thống mới, được quản lý bởi hệ thống sư sãi do đảng đào tạo, lựa chọn, bổ nhiệm hoặc được đào tạo, bổ nhiệm từ đội ngũ an ninh sang nhận “nhiệm vụ đặc biệt”. Vì thế, cái tiêu chuẩn “Hồng hơn chuyên” được áp dụng triệt để cho các “Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng” này của đảng CSVN.
Với tiêu chuẩn “Hồng hơn chuyên” nên việc tu tập, việc thực hành tôn giáo theo yêu cầu của Giáo lý, Phật pháp là điều không quan trọng bằng quá trình lập thành tích, quá trình phấn đấu kết nạp đảng hoặc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị là chính.
Cũng chính vì vậy, mà hiện tượng “Lạ” liên tục xuất hiện trước cửa thiền môn, bởi chính các tăng lữ, bởi các chùa chiền và đội ngũ sư sãi. Thế rồi dần dần, trong xã hội Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều và càng phổ biến hiện tượng “ma tăng” theo cách gọi của dân chúng cõi đời.
Báo chí, mạng xã hội thỉnh thoảng lại rộ lên những vụ việc không thể giấu kín, không thể che đậy và làm choáng váng xã hội Việt Nam.
Đó là những vụ như nhà sư Thích Trí Hộ ở Quảng Trị giết người tình rồi ném xác xuống sông phi tang. Vụ Đại đức, Thượng tọa Thích Thanh Toàn quấy rối tình dục nữ phóng viên bằng nhiều cách bẩn thỉu và khi bị bại lộ thì “Hòa thượng Xin tí Khí” đề nghị được nhận lại khối tài sản mấy trăm tỷ có được nhờ tu hành mấy năm. Hay tập thể nhà sư hùa nhau xâm hại tính dục đồng tính những nam phật tử đến chùa ở Vĩnh Phúc.
Người ta cũng chẳng thấy lạ khi ngày nay, sư sãi chỉ cần ở chùa ban ngày còn buổi tối thay áo đội mũ đi quán bar, hát karaoke và chơi gái. Thậm chí, những ngày đầu năm mới đây, Đại đức Thích Nhuận Nghi chùa Từ Đức đã phải hồi tục sau khi một đoạn video đen mà Đại đức và ni cô đã thực hiện cái việc mà cha ông nói là “ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau”.
Đó là những vụ nhà sư nghiện ma túy rồi trộm cả chuông chùa để bán hay nhà sư lừa đảo hàng chục nạn nhân với số tiền khổng lồ hoặc Hòa thượng trụ trì kiêm chạy án, đã nhận cả mấy triệu đola để chạy án ở những vụ án động trời…
Rất, rất nhiều những vụ việc nổi tiếng về sự sa đọa của hàng ngũ tăng lữ trong cái gọi là Phật giáo Quốc doanh ngày nay.
Tuy nhiên, nếu chỉ sa đọa về tư cách, về đạo đức cá nhân, về hành xử và lừa đảo cá nhân, thì chưa hết. Cộng đồng mang và dư luận gần đây chú ý nhiều đến những hiện tượng sư sãi quốc doanh làm khuynh đảo xã hội bởi những vụ lừa đảo có tính chất quốc gia, có tính chất phổ thông toàn xã hội với những mớ lý thuyết đi ngược với giáo lý nhà Phật với mục đích nhằm dọa dẫm các tín đồ, các phật tử đi vào con đường sai lạc. Để từ đó, nhằm moi từ họ những khoản tiền khổng lồ.
Những hiện tương sư sãi bày trò mê tín dị đoan nổi tiếng như “Oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng của Thích Trúc Thái Minh – một hình thức mê tín bịa đặt nhằm dọa dẫm người u mê bỏ ra những khoản tiền lớn cho thầy chùa. Thế rồi khi bị lên án, thì không lâu sau đó, hệ thống chùa này lại bịa chuyện “Xá lợi lông” của đức Phật. Và một vụ lừa đảo mới lại bị phanh phui.
Không chỉ có mỗi Thích Trúc Thái Minh, trong hàng ngũ tăng đoàn của Phật giáo Quốc doanh hiện tại, những nhân vật như Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang… đã và đang là những điển hình được nhắc tới trên mạng xã hội về những trò đi ngược giáo lý Phật giáo với mục đích duy nhất, tối thượng là lừa đảo kiếm tiền bá tánh u mê.
Có lẽ không cần nói nhiều, những người chỉ cần đầu óc tỉnh táo đã có thể thấy được sự lỳ lợm bất chấp của những kẻ mang áo nhà sư quốc doanh này.
Và người ta nói, người ta lên án, người ta phê phán đủ mọi cách.
Nhưng mọi việc vẫn cứ như cũ, chẳng hề suy suyển, những bộ mặt nhà sư vẫn nhăn nhở, vẫn lẻo mép và vẫn lừa đảo như thường.
Và cả hệ thống Phật giáo Quốc doanh lừa đảo ấy vẫn câu kết với nhau, vẫn bảo vệ lẫn nhau để tồn tại, để bất chấp dư luận, để kiếm ăn bằng sự mê muội của đám con nhang đệ tử được hướng dẫn, được đào tạo bằng mọi cách để phục vụ đám quốc doanh và quên đi mọi thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay.
Không chỉ có Phật giáo
Nói đến vấn nạn tôn giáo Quốc doanh hiện nay tại Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến Phật giáo.
Bởi nó đã là điển hình cho sự thành công của chính sách khuynh loát của đảng CSVN đối với các tôn giáo, nhằm thực hiện chiến lược “Tận dụng các phần tử tiến bộ trong các tôn giáo nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng CS của giai cấp vô sản” như trong lý thuyết Mác – Lenin đã ghi.
Nhưng sự khuynh loát không chỉ có ở trong một tôn giáo hay một lĩnh vực đời sống xã hội. Mọi tôn giáo, mọi mặt đời sống xã hội đều phải được sự quan tâm của đảng và bàn tay của đảng phải thò vào tận nơi, thì khi đó mới mong được yên ổn không bị coi là “thế lực thù địch”.
Ngay cả trong Phật giáo, thì nhóm Phật Giáo thống nhất không chịu sự khuyunh loát của đảng, cũng đã bị loại ra khỏi xã hội bằng cái gọi là “Bất hợp pháp”.
Những tôn giáo khác như Hòa Hảo, Cao Đài… đều được sự quan tâm của đảng và đảng thừa lực lượng, đầy khả năng để vô hiệu hóa những nhóm tôn giáo chân truyền, lập ra những nhóm Quốc doanh để thay thế, để chia rẽ, để lũng đoạn.
Riêng hệ thống Công giáo, là một tôn giáo khó lũng đoạn nhất, bởi Giáo hội Công giáo có một tổ chức toàn cầu vững chắc, bền vững và chặt chẽ từ xưa đến nay, độc lập trong đào tạo, nghiêm cẩn trong chọn lựa nhân sự… nên việc khuynh loát không hề dễ dàng như các tổ chức tôn giáo khác.
Thế nhưng, khó, không có nghĩa là nhà cầm quyền buông tha.
Và một chiến lược lâu dài, bền bỉ và có sách lược, được thực hiện bằng cả hệ thống chính trị với những chi phí, đầu tư không hề tiếc tiền dân cho các bộ phận nghiệp vụ nhằm khuất phục tôn giáo này từ trung ương đến địa phương ròng rã mấy chục năm nay.
Bắt đầu từ việc thành lập tổ chức “ma giáo” thay tổ chức tôn giáo chân chính như cách làm xưa nay của các chế độ cộng sản. Cái gọi là “Ủy ban đoàn kết công giáo” được thành lập hơn 70 năm trước vẫn được nuôi bằng tiền dân, vẫn dai dẳng sống và lập thành tích dâng đảng bằng mọi cách, mọi lúc và mọi khả năng.
Rồi việc hệ thống chính trị Việt Nam dùng con mồi “bang giao” với Vatican, nhằm đưa Vatican vào hết cạm này đến bẫy khác trong quá trình giao thiệp, để cuối cùng Vatican đồng ý trao ngọn roi quyền lực vào tay nhà cầm quyền CSVN trong việc cho họ có vai trò trong lựa chọn nhân sự quyết định của Giáo hội xưa nay người có quyền lực duy nhất là Giáo hoàng.
Và chiếc bẫy đã sập xuống.
Và những hệ lụy của nó đã lập tức được thể hiện rất… ngoạn mục.
Đó là thay vì thái độ kiên quyết với trò ma giáo đi ngược lại đức tin, đường lối của Giáo hội Công giáo, kiên quyết nói không với những nạn khuynh loát và kiềm chế giáo hội, thì ngày nay, nhiều nơi, các Giám mục được bổ nhiệm sau khi đã được sự đồng ý của nhà cầm quyền CSVN, đã coi chuyện khối ung bướu “Ủy ban đoàn kết” mà đảng dựng lên bên canh Giáo hội là chuyện bình thường, thậm chí là còn cử các linh mục của mình vào đó để “Công tác”. Điều này đi ngược lại nguyên tắc giáo luật của Giáo hội Công giáo là tu sĩ không được tham gia chính trị.
Đặc biệt, việc kiềm chế, điều khiển những nhân vật, chức sắc, tu sĩ đi theo nhà nước là nghề riêng của đám an ninh Việt Nam. Rất nhiều các linh mục, tu sĩ trong số những người xếp hàng trong hàng ngũ cơ quan của đảng ấy, đã lập những “thành tích đen” trong đời sống tu trì của họ trong giáo hội.
Và đó là chiếc dây thừng mà nhà cầm quyền cầm chắc để dẫn họ đi theo mình.
Nhưng giáo hội vẫn để hiện tượng đó tồn tại ngang nhiên.
Bởi không dễ dàng để xử lý những điều đó từ những Giám mục không có thái độ thẳng thắn, rõ ràng đen trắng phân minh.
Đó là những Giám mục mà nói theo Công an là “Chúa không chọn, thì chúng tôi chọn”, thay vì thái độ kiên quyết lên án cái xấu, từ bỏ sự đen tối, sự cám dỗ đi ngược lại đường lối Đức tin cho giáo dân noi gương, thì ngược lại đã thực hiện chính sách “đề huề” và coi việc giao lưu, giao hảo với đám quan chức lãnh đạo của Cộng sản như một ân huệ, một thành công, một sự hãnh diện cho cá nhân mình.
Và các ngài không nhớ rằng thiên hạ đã có câu: “Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai”. Bởi sau những cuộc đón tiếp trang trọng, kính cẩn, sau những cái bắt tay hữu hảo và những bó hoa, nụ cười kia với các Giám mục, linh mục, thì đám quan chức đó đã hiện nguyên hình là đám cướp, đám tội phạm.
Và không chỉ có vậy, rất nhiều hiện tượng tục hóa trong Giáo hội đã xảy ra, những mâu thuẫn khó giải quyết giữa giáo dân và linh mục đã có nhiều nơi, nhiều lúc đến tình trạng căng thẳng.
Bởi não trạng Giáo sĩ trị đã thay thế não trạng phục vụ cho cộng đồng dân Chúa.
Bởi một số giáo sĩ, linh mục tự coi mình như những vua, quan, và trên hết, họ coi việc đi tu, là một nghề kiếm sống. Và khi đó, rất nhiều linh mục đã phải chống chọi gian nan giữa con đường tu trì và cuộc sống hiện đại với những tham vọng vật chất, nhục dục, danh vọng và nhiều vấn đề trong đời sống cộng đồng xuất phát từ sự tha hóa, khuynh loát của hệ thống chính trị một cách ngang nhiên.
Rất tiếc là điều ít khi người giáo dân nghĩ đến và không thể chấp nhận, đã xuất hiện không ít và thậm chí ngày càng nhiều trong đời sống giáo hội mà với mạng truyền thông hiện đại ngày nay, thì việc che đậy không phải là giải pháp tốt nhất.
Thậm chí, không chỉ linh mục, tu sĩ mà ngay cả Giám mục, một Chức vị được coi trọng bậc nhất trong giáo hội Công giáo. Với truyền thống xưa nay của Giáo hội Việt Nam, là hiện thân của Chúa, người được sai đến “Nhân danh Chúa”. Thì ngày nay, đã xuất hiện hiện tượng giáo dân bất phục tùng, giáo dân đã thẳng thừng đề nghị các ngài tự nguyện ra khỏi chức vụ của mình khi đã không còn chỗ đứng trong trái tim và khối óc của họ.
Những điều đó, nói cho cùng, là kết quả của nạn khuynh loát bởi bàn tay Cộng sản với giáo hội Công giáo.


J.B Nguyễn Hữu Vinh
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn