Tổng thống Putin: Phương Tây khinh ghét, Việt Nam chào đón
Nguồn: BBC Ngày đăng :2024-06-19
"Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Putin vẫn ở mức rất cao, bất chấp quyết định xâm lược Ukraine của ông ta," Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nói với BBC Tiếng Việt hôm 18/6.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được nhiều người miêu tả là một người bị phương Tây khinh ghét, nhưng ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi đến thăm Việt Nam, theo Reuters.
"Tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Putin vẫn ở mức rất cao, bất chấp quyết định xâm lược Ukraine của ông ta," Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nói với BBC Tiếng Việt hôm 18/6.
Putin được coi là người đã đưa quan hệ Việt – Nga trở lại đúng hướng sau khi ông Gorbachev bỏ rơi Hà Nội.
Hình ảnh 'người đàn ông mạnh mẽ' của Putin cũng được người Việt Nam yêu thích, đặc biệt là đối với nam giới trẻ tuổi," ông Storey nhận định.
Việt Nam không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi đã ban hành lệnh bắt giữ Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.
Mối quan hệ giữa Hà Nội và Moscow bền chặt trong nhiều thập kỷ.
Giống như Moscow, Hà Nội cũng theo dõi chặt chẽ những gì truyền thông nhà nước đưa tin, và các nhóm vận động phương Tây cho rằng quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm trọng ở Việt Nam.
“Tôi rất vui khi biết ông Putin tới Việt Nam vì ông rất tài năng, thực sự là một nhà lãnh đạo thế giới,” ông Trần Xuân Cường, 57 tuổi, cư dân Hà Nội, nói trước tượng đài người sáng lập nhà nước Liên Xô Vladimir Lenin ở thủ đô Việt Nam, theo trích dẫn của Reuters.
Một người dân Hà Nội khác, Nguyễn Thị Hồng Vân, cho biết quà lưu niệm Nga ở cửa hàng của bà bán rất chạy.
“Người Việt Nam rất yêu thích các sản phẩm của Nga,” bà nói với Reuters, xung quanh là búp bê Matryoshka và mũ có thêu chữ CCCP - viết tắt của Liên Xô.
Nhà lãnh đạo Nga ít có các chuyến công du nước ngoài kể từ phán quyết của ICC, điều mà Moscow cho biết họ không công nhận.
Nga cũng phủ nhận việc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc xâm lược toàn diện mà Putin phát động vào tháng 2/2022.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, 55 tuổi, sưu tập và bán đồ lưu niệm Nga tại cửa hàng của bà ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 16/6/2024. Bà đã sống và làm việc ở Nga 20 năm.
'Thích lãnh đạo quyền lực'
Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc, cũng có chung nhận định rằng “cả giới lãnh đạo và công chúng Việt Nam vẫn dành tình cảm lớn cho Nga” vì tâm lý của người Việt là "thích những nhà lãnh đạo mạnh và có quyền lực".
Ông Phương nói với BBC:
Quan sát cuộc chiến của Nga tại Ukraine thì một bộ phận lớn công chúng vẫn ủng hộ hành động quân sự của Nga.
Mối quan hệ với quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố là có 'tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc' được xây dựng trên cơ sở hỗ trợ của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam và thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.
“Tâm lí lịch sử tạo ra một sự yêu mến rất lớn của đông đảo người dân Việt Nam với nước Nga, cũng như ông Putin.
“Vì đứng dưới góc độ của công chúng Việt Nam, ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh.
“Xu hướng của người Việt Nam hiện nay là thích những nhà lãnh đạo mạnh và có quyền lực, nên ông Putin sang Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
“Tuy nhiên, không thể bỏ qua một thực tế rõ ràng là vẫn có những luồng quan điểm không ủng hộ Nga, hoặc có những người vẫn yêu mến nước Nga nhưng không ủng hộ hành động quân sự của quân đội Putin ở Ukraine.”
ÔNG PUTIN THĂM VIỆT NAM: CÓ KÝ THỎA THUẬN VŨ KHÍ MỚI?
Trao đổi với BBC Tiếng Việt trước chuyến thăm lần thứ năm của ông Putin tới Việt Nam, Tiến sĩ Ian Storey nói rằng “Nga là một người bạn lâu năm và đáng tin cậy của Việt Nam”.
Ông nói:
“Sự hỗ trợ của Moscow trong Chiến tranh Việt Nam rất quan trọng đối với chiến thắng của Hà Nội.
“Đảng Cộng sản Việt Nam luôn biết ơn sự hỗ trợ của Moscow trước, trong và sau cuộc chiến và điều này sẽ không thay đổi.
“Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, trong đó cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết và hiệu quả với tất cả các cường quốc, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga.
“Hà Nội tuy không lên án việc Nga xâm lược Ukraine nhưng cũng không bỏ qua điều đó. Nhiều quan chức của Việt Nam dù không bày tỏ công khai nhưng họ cho rằng Điện Kremlin đã phạm phải một sai lầm to lớn về mặt chiến lược.”
Theo ông Storey, tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông Putin vẫn ở mức rất cao, bất chấp quyết định xâm lược Ukraine của ông ta.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người dân Việt Nam phản đối hành động gây hấn của Nga và không đồng tình với việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khi biểu quyết lên án Nga.
“Những người chỉ trích lập trường của Việt Nam trong cuộc chiến Ukraine đã đặt câu hỏi: 'Nếu chúng ta không đứng lên vì Ukraine, ai sẽ đứng lên bảo vệ chúng ta nếu Việt Nam bị Trung Quốc tấn công?'" ông Ian Storey nói với BBC Tiếng Việt.
Thạc sĩ Hoàng Việt từ ĐH Luật TP Hồ Chí Minh thì nhìn nhận rằng tình cảm của người Việt Nam với ông Putin có sự thay đổi sau cuộc chiến Ukraine.
"Có nhiều người học ở Nga đã từng hoặc đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và công an. Nhóm này thì vẫn rất thích và thần tượng vai trò của ông Putin.
"Nhưng sau cuộc chiến Ukraine thì dư luận Việt Nam có sự phân hóa trong cái nhìn về ông Putin."
Trong khi đó, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thì nhận định với BBC rằng "sự biểu lộ của người dân Việt Nam đối với tổng thống Putin sẽ là thứ mà chính quyền sẽ kiểm soát rất ngặt nghèo".
"Thành ra người nào mà thích Nga và hoan hô Putin thì sẽ được thoải mái.
"Thế nhưng những người không thích Putin mà thậm chí là muốn phản đối thì sẽ không có đất để thể hiện được cái chuyện đó."
Mối quan hệ truyền thống
Tổng thống Nga Vladimir Putin nâng ly cùng các quan chức Việt Nam vào ngày 12/11/2013 tại Hà Nội
Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam và các công ty Nga khai thác dầu khí tại các mỏ của Việt Nam ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Hàng chục ngàn cán bộ Việt Nam đã đi học ở Liên Xô cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó có các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và người đứng đầu Đảng Cộng sản hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng, một nhà tư tưởng Mác-Lênin.
Hà Nội rải rác những tòa nhà theo phong cách Liên Xô, bao gồm bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Hữu nghị Việt-Xô, được xây dựng vào cuối những năm 1970 trên địa điểm nơi có một phòng triển lãm của Pháp bị ném bom.
Ở một đất nước bị lãnh đạo Cộng sản kiểm soát chặt và nơi tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm ngặt, ông Putin ít khả năng phải đối mặt với những lời chỉ trích công khai, theo Reuters.
"Tâm hồn Nga là một điều tuyệt vời. Nó nhẹ nhàng tình cảm, yêu hòa bình," ông Trần Xuân Việt, 83 tuổi, nói với Reuters. "Tôi sẽ luôn dành sự tôn trọng và tình cảm cho Putin. Thực tế, có rất nhiều điều về ông ấy mà tôi thường (...) áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình."
Một số thanh niên Việt Nam cũng hoan nghênh chuyến thăm của Putin.
"Tôi khá thích Tổng thống Nga Putin. Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ tăng thêm tình đoàn kết, hợp tác và hữu nghị giữa Nga và Việt Nam," Phạm Hoàng Hải Đăng, sinh viên 20 tuổi, nói với Reuters.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn