Bờm trước sau vẫn chỉ là… thằng Bờm. Một nét đẹp của văn chương truyền khẩu
Tác Giả : Nguyễn Văn Lục Nguồn: Đàn Chim Việt Ngày đăng :2024-07-30
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười. Nguồn: hoidap.7sac.com
Về văn học cổ truyền: Xin hãy để Bờm vẫn là … thằng Bờm
Tôi đã có dịp so sánh và nhận xét hai tập san Sử Địa của hai miền Nam Bắc vào trước 1975. Bài viết sau đây, xin được nhấn mạnh và nhận xét về các câu truyện huyền thoại, truyện cổ tích của dân tộc VN đã bị các nhà phê bình văn học, các nhà viết sử miền Bắc bôi bác như thế nào.
Hẳn nhiên, bây giờ họ đã không nghĩ và viết như thế nữa. Hẳn nhiên, nhiều người cũng không còn muốn nhìn nhận những điều “tồi tệ” mà họ là tác nhân, đã xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Có thể họ đã có cái nhìn khác và không khỏi hối tiếc cho cái thời đen tối của một thòi kỳ văn học đã qua.
Tưởng rằng thời kỳ đen tối ấy sẽ qua đi và không bao giờ trở lại.
Nhưng cho đến bây giờ, cả nước dù có 634 cơ quan báo chí, có 68 đài phát thanh với tổng số 15000 nhà văn, nhà báo.
Nó vẫn chỉ có một tiếng nói duy nhất, một thông tin đồng dạng, đại diện cho 15000 nhà báo. Nói ngoa ngôn, nhưng thực tiễn thì người ta chỉ cần một tờ báo, một bộ biên tập là đủ.….cho gần 100 triệu dân.
Và chủ nhân ông là hai người: Ông Đỗ Quý Doãn, đại diện chính quyền và ông Trương Tấn Sang, đại diện đảng.
Hiện nay, đảng và chính quyền đã đề ra một nguyên tắc bất di bất dịch cho tất cả báo chí: “Báo chí, xuất bản nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Nguyên tắc này như một cái rọ hay như một cái thòng lọng lúc nào cũng sẵn sàng thắt cổ báo chí.
Nguyên tắc này áp dụng năm 2008 cũng là những nguyên tắc được áp dụng hơn nửa thế kỷ trước.
Chỉ cần nêu ra trường hợp ông Võ Văn Kiệt từ trần đã 24 giờ, nhưng các báo VN đã im lặng. Ngoài nước, chỉ cần sau 5 phút. Mọi người đều biết tin. Trong nước không ai biết.
Chỉ trường hợp báo mạng duy nhất là tờ Vietnamnet đưa tin:
Được tin buồn nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 6 giờ 40 sáng ngày 11/06/2008, Vietnamnet xin trân trọng giới thiệu bài viết.
Nhưng chỉ mấy giờ sau, lời loan tin đã trở thành: Vietnamnet xin trân trọng giới thiệu bài viết. Bỏ hẳn đoạn loan tin ông Kiệt từ trần.
Tình trạng thông tin báo chí của VN là như thế. Nó sẽ tiếp tục như thế mãi khi chính quyền cộng sản còn tồn tại.
Như chỉ thị của ban bí thư trung ương đảng cộng sản vn, mang chữ ký của ông Trương Tấn Sang quy định rõ: Tổng biên tập và cơ quan chủ quản của mỗi tờ báo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những bài báo liên quan tới các đề tài “nhạy cảm”.
Đề tài nào được xếp vào loại nhạy cảm? Và khi gọi là nhạy cảm thì phải viết như thế nào? Phải tự mình kiểm duyệt, tự mình phải cắt bỏ thế nào.
Nghĩa là biết làm báo sạch. Thứ báo mà các người làm báo chỉ là chuyên viên chùi đồ đồng hay những đứa trẻ đánh giày có bổn phận đánh bóng đôi giày chế độ.
Đất nước hiện nay đang trên đà tụt dốc suy thoái, lạm phát mà lý do chính là tình trạng tham nhũng thất thoát hàng vạn tỷ đồng mà vẫn không đốt hết lò. Cuộc sống vẫn tiếp tục một cách bình thường như không có chuyện gì xẩy ra cả.
Đó là bi kịch của Việt Nam hiện nay. Thản nhiên sống, sống bình thường như thể không có chuyện gì xẩy ra cả.
Thế cho nên hiện nay, cung cách làm văn học, cung cách phê bình, cung cách thông tin, cung cách viết bài theo chỉ thị đã một thời ngự trị tại miền Bắc trước đây như thế nào, nay nó trở lại nguyên hình.
Thật khổ cho người làm báo VN quá. Bởi vì không có tự do báo chí, không có tự do con người. Nên không có tất cả.
Nhớ lại thời ấy, những Trần Đức Thảo, Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh đã phải cúi mình làm tôi tớ cho bọn người không có văn hóa mà trình độ có thể vừa ra khỏi tiểu học, ép mình viết ra những điều đáng lẽ họ không nên viết.
Vậy mà họ đã phải viết.
Trần Thanh Mại yêu cầu gọi Thằng Bờm là em Bờm, Trần Đức Thảo cũng không làm khác được, cũng một điều em Bờm. Nào ai dám gọi khác? Bây giờ, không cần bom đạn hủy diệt của Mỹ, đất nước VN đã bị một bọn người tham lam kéo giật lùi hàng nửa thế kỷ của tiến bộ và phát triển so với bất cứ láng giềng nào của mình. Góc tối văn học với bao nhiêu che khuất phiền lụy đến giờ phút này cũng chưa mở ra hết. Một số nhà văn trước khi chết đã dám viết ra.
Nhưng vẫn chưa đủ. Góc sáng thì chưa thấy đâu. Đốm sáng thì có, vụt lên rồi tắt cứ như người chạy đua yếu sức. Cứ cung mực này, văn học trong nước khó có cơ hội vươn lên cùng người khác.
Không có tự do thì không có sáng tác văn học, cứ tiếp tục chìm đắm trong mê sảng về những hào quang không có thật và bằng lòng tự mãn với những cảm quan thư lại kiểu Hội Nhà Văn, thiếu chất sáng tạo với một thứ ngôn ngữ văn học đã được sàng lọc, được chưng cất kỹ càng.
Nghĩ mà giật mình. Càng nghĩ càng ngao ngán. Đất nước nay do một tập đoàn những người lãnh đạo như một bầy kên kên sâu xé xẻ thịt.
Vậy mà xem ra, giai cấp lãnh đạo vẫn chưa chịu mở mắt ra mà nhận ra những sai lầm nghiêm trọng của họ.
Thời nay, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế đã phát triển, xã hội đã thay đổi. Tình trạng mất tự do trong giới nhà văn, nhà báo xem ra không có mấy thay đổi và không có dấu hiệu cải tiến gì.
Cũng may là hiện nay còn có hệ thống báo điện tử nhờ đó, một số nhà văn, nhà báo trong nước có chỗ xả “xu páp”.
Bài viết này hóa ra vẫn cần thiết như một nhắc nhở. Cần thiết như một cảnh báo.
1. Tham vọng dùng chủ nghĩa Mác Xít để giải lý lịch sử, văn học
Đây là tham vọng có thật, xẩy ra thật. Rất máy móc và rất thô kệch trì độn, ít lắm từ 1955 đến 1975. Là hễ nói đến văn học hay chính trị là phải chèn cho bằng được hai chữ Mác Xít vào. Mác nói thế này, Mác bảo thế kia. Mác như một thứ bảo kê kiến thức. Nói theo Mác là đúng. Nói khác là có “vấn đề”. Rồi dùng mũi nhọn chủ nghĩa Mác đề cắt nghĩa lịch sử. Cắt nghĩa thế nào, ngay cả vo tròn bóp méo cốt làm sao cho đúng khuôn thước của Mác. Đó là một hiện tượng Mác học rất thịnh hành sau 1954. Nhưng đó chỉ là thứ Mác để sơn phết bên ngoài, bên trong rỗng tuếch.
Chẳng hạn trong suốt gần 50 số báo Tập San Sử địa miền Bắc, tôi không thấy một bài nghiên cứu tìm hiểu, phê bình nghiêm chỉnh nào về học thuyết Mác về phương diện lý thuyết, về lịch sử hay về lý thuyết kinh tế của Mác.
Nhưng chỉ thấy người ta trưng dẫn Mác để giải thích truyện này truyện kia một cách tùy tiện.
Không thể đem tiêu chí, con mắt của người bây giờ để suy đoán truyện đời trước một cách áp đặt.
Lại phải mất bao nhiêu năm tháng chữa căn bệnh Mác học này? Chế độ miền Bắc cộng sản là chế độ quanh năm ngày tháng lo sửa sai. Nhưng hết sửa sai, rồi lại sai, tiếp tục sai, tiếp tục sửa sai, sửa mãi và cứ thế tiếp tục sai mãi? Sửa sai lả một cách bào chữa, che dấu tội phạm mà không có kẻ phạm tội, không cần pháp luật hay công lý. Tôi lần đọc lại Nghị quyết của Hội Đồng chính phủ về kết quả sửa sai cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức như sau:
Hội đồng chính phủ trong phiên họp tháng 6, 1958 đã nghe Ủy Ban cải cách ruộng đất Trung ương báo cáo về việc căn bản hoàn thành công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Hội đồng chính phủ đã nhận định rằng:
Hiện nay công tác sửa sai đã căn bản hoàn thành và có kết quả tốt, căn bản đạt yêu cầu. Kết quả tốt của công tác sửa sai có tác dụng xác định và củng cố thắng lợi của cải cách ruộng đất. Những xích mích tạm thởi trong nội bộ nhân dân đã được giải quyết một cách thỏa đáng. Tình hình nông thôn đến nay căn bản đã được ổn định”.
Đọc đoạn văn trên cho thấy chính sách cải cách ruộng đất có sai lầm. Sai lầm thế nào không ai biết và cũng không có một ai trách nhiệm về sai lầm ấy.
Đó là chính sách Huề cả làng.
Tham vọng Mác xít hóa về văn học diễn ra như sau:
Về lịch sử:
Người cộng sản có tham vọng “làm cho mọi người thấy rõ được cái dĩ vãng vẻ vang của dân tộc, giúp cho nhân dân thấy rõ tổ quốc của mình là vĩ đại, dân tộc mình là anh hùng”. Vì thế, họ đã biên soạn: Sơ thảo lịch sử Việt Nam, trọn bộ. Lịch sử 80 năm chống Pháp, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Tìm hiểu lịch sử phát triển xã hội Việt Nam, Tài liệu tham khảo về Cách mạng cận đại Việt Nam, 12 quyển, Cách mạng Tây Sơn. Kể như họ đã viết lại lịch dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác. Chẳng hạn các cuộc nổi dậy thời phong kiến hay thời thực dân đều gài đặt giới nông dân là nguyên nhân khởi phát và chủ động như các bài viết: Phong trào nông dân hay phong trào dân tộc, Lịch sử Thủ đô và lịch sử dân tộc. Trong bài Lịch sử Thủ đô kết thúc cuối cùng của bài viết là:
Ngày 19/08/1945, giữa nhà Hát Lớn Hà Nội, trung tâm của thủ đô yêu quý, dựng lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ghi ngày độc lập đầu tiên của đất nước sau ngót 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ… Thủ đô tưng bừng trong rừng cờ đỏ sao vàng thì giặc Pháp gây sự ngày 19/12/1946.
Lịch sử đã bị bóp méo. (Trích thư của Ban nghiên cứu Văn Sử điạ Việt Nam ở Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 1958, Tập san Sử địa số 48 – tháng 8, 1958).
Về Văn học cổ: Có Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển 1 và 2. Tục ngữ và dân ca Việt Nam, quyển 1 và 2, Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Truyện cổ Việt Nam, Văn học trào phúng Việt Nam, Truyện tiếu lâm Việt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập, Khảo luận về truyện Thạch Sanh. Cạnh đó còn không biết bao nhiêu bài viết tham luận chung quanh các giá trị văn chưong cũ như các bài của Trần Thanh Mại: Bài giảng ca dao cổ kéo theo các cuộc tranh luận chung quanh truyện Thằng Bờm, truyện Trê Cóc, truyện Thạch Sanh, truyện Tấm Cám, truyện Chử Đổng Tử, truyện Lục súc tranh công, truyện Trạng Quỳnh, v.v…
Bên cạnh đó còn có những bài viết liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Trần Tế Xương, v.v… Chẳng hạn bài: Đoàn Thị Điểm với chinh phụ ngâm hay là tác phẩm văn học chống chiến tranh của Văn Tân (Tập san Sử Điạ số 19). Ngoài ra Họ còn lên án những tác giả có tư tưởng hữu khuynh như Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Trần Đức Thảo, v.v…
Tất cả các loạt bài phê bình trên đều dựa trên quan điểm Mác Xít như Văn Tân viết:
“Ở đây cũng như ở nhiều chỗ khác, bao giờ chúng tôi cũng coi công tác vận dụng quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác vào việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử văn học là một công tác khó khăn và phiền phức… Những luận điểm phản động, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê Nin cuả Trương Tửu trong Mấy vấn đề Văn học sử Việt Nam chỉ mới là những luận điệu phản động lộ liễu nhất ở phần ấy.Tư tưởng phản động của Trương Tửu cũng biểu hiện trắng trợn hơn ở phần thứ hai quyển Mấy vấn đề ăn học sử Việt Nam.” (trích Văn Tân, Tập san sử điạ, tháng 9-1958)
Việc phê bình các nhân vật lịch sử hay các sự kiện lịch sử, người cộng sản có thói quen sai lầm là tách rời sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và cả người viết sử ra khỏi hoàn cảnh lịch sử. Thậm chí còn đưa ra những tiêu chuẩn quá cao về sự hy sinh, về lòng yêu nước của nhân vật lịch sử. Chẳng hạn phê phán Phan Thanh Giản đầu hàng Pháp, họ cho Phan Thanh Giản là một người yếu hèn, biểu tượng của giai cấp phong kiến, vua quan triều đình. Mà không xét đến điều kiện lịch sử khách quan của thời kỳ đó. Thời đại nào thì đẻ ra nhân vật lịch sử thời đó. Một thời đại lịch sử do những điều kiện khách quan chi phối chỉ có thể đẻ ra những nhân vật lịch sử nhất định, biểu tượng cho thời kỳ đó. Như Lỗ Tấn viết:
“Sinh ra ở thời này mà muốn viết tác phẩm cho thời sau, con người như thế chỉ tạo ra cho mình một ảo ảnh không thể thực hiện được trong thế giới hiện tại.”
Cho nên, không thể đem tiêu chí, con mắt của người bây giờ để suy đoán truyện đời trước một cách áp đặt được. Nhận xét về sự thắng bại của Quang Trung, họ dễ dàng suy diễn rằng do các phong trào nông dân nổi dạy đã góp phần trực tiếp vào cuộc chiến thắng Đống Đa của người anh hùng áo vải.
Cứ như thế mà họ viết lịch sử. Cứ như thế mà lịch sử bị bóp méo, xuyên tạc. Cứ như thế mà dùng văn hóa như một công cụ cho một chính quyền, cho một thể chính trị. Tình trạng văn học như thế chẳng khác gì một canh bạc văn học, chơi xong rồi dẹp bỏ, bày canh khác. Canh bạc ấy vẫn đang tiếp diễn và còn tiếp diễn.
Tham vọng giải thích Huyền thoại, truyện cổ tích dưới lăng kính chủ nghĩa Mác
Bài viết cuả Nguyễn Đổng Chi:
Nguyễn Đổng Chi, một người viết rất có thẩm quyền về lãnh vực truyện cổ tích và huyền thoại. Nhưng qua bài: Ý nghĩa truyện Chử Đổng Tử cách viết của cụ đã khác. Thiếu khách quan vì viết về hùa. Xin tóm tắt câu truyện Chử Đổng Tử. Truyện này được trích dẫn trong sách Lĩnh Nam trích quái với đề mục Đầm một đêm, (nhất dạ trạch) do Trần Thế Pháp sưu tập, ông sống vào khoảng cuối đời Trần). Cũng như đa số các truyện truyền kỳ khác, truyện này truyền lại từ thời cổ, không tránh khỏi bị nhiều lớp bụi thời gian phủ lấp, che mờ thực tại nội dung của truyện lúc ban đầu. Nó được truyền thừa kể lại, thêm bớt, gia giảm tùy thuộc người kể truyện. Chỉ biết rằng câu truyện xoay quanh công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng Vương thứ ba. Ở làng Chử Xá, có người tên Chử Đổng Tử, con Chử Cù Vân. Nhà bị một trận cháy mất sạch, hai cha con phải chung nhau một cái khố. Khi cha chết muốn nhường lại cái khố cho con. Chử Đổng Tử không chịu không nỡ để cha chết truồng, dùng chiếc khố độc nhất đó liệm cha để mà chôn. Ngày ngày đi bắt cá, ngâm mình nửa người dưới nước để bán cá hoặc xin ăn. Kịp khi công chúa Tiên Dung đi qua. Chử Đồng Tử sợ hãi chui vào bụi rậm, lấy cát mà phủ lên người. Công Chúa Tiên Dung lại muốn tắm nên sai người quây màn ngay chỗ bụi lau có Chử Đồng Tử. Khi công chúa dội nước, cát trôi đi để lộ thân hình trần truồng của Chử Đồng Tử. Công Chúa ngạc nhiên, hỏi cớ sự, hồi lâu mới rõ và bảo: Tôi vốn có ý định không lấy chồng, nay bỗng nhiên gặp anh như thế này, chắc có trời xui khiến, bèn cho áo quần và tính làm vợ chồng.
Vua Hùng nghe tin nổi giận nói với mọi người rằng: con gái ta không kể danh tiết, hạ giá với kẻ nghèo hèn, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa. Từ nay mặc kệ nó muốn đi đâu thì đi, không cho về cung. Tiên Dung không dám về cung bèn cùng chồng về mở chợ buôn bán sinh nhai.
Câu truyện kể là đẹp, lãng mạn và không thiếu tính cách nhân bản. Đọc truyện này nhắc nhớ tới truyện Trương Chi. Nó bày ra nghịch cảnh, trớ trêu, khúc mắc mà thực tế trên đời vị tất đã là có thật. Dù khúc mắc, nhưng nó lại đơn thuần, tự nhiên và rất người. Nhưng dưới mắt của Nguyễn Đổng Chi thì đây là: sự xung đột giữa tình yêu và quan hệ giai cấp, của hai giai cấp cực đoan. Lý giải đi xa hơn thế nữa: Tình yêu đã thắng quan hệ giai cấp. Thật là một cuộc nổi loạn, một hành động “cách mạng”… Biên giới của giai cấp đã phân định rõ không thể nào vi phạm đuợc. Và cụ Nguyễn Đổng Chi kết luận:
Truyện Chử Đổng Tử là một công trình sáng tác có giá trị của nhân dân lao động. Nó được tô điểm sửa chữa lần cuối cùng trong giai đoạn xã hội phong kiến. Nó có một giá trị nhân đạo sâu sắc: thù ghét lễ giáo đạo đức của giai cấp thống trị xâm phạm đến quyền sống của con người.
Và cụ khẳng định: Ý nghĩa của truyện Chử Đổng Tử là tình yêu đã thắng quan hệ giai cấp. Tháng 10/1956.
Một vài nhận xét.
● Nhận xét thứ nhất: Đây không phải là một sáng tác của một cá nhân nào. Cho dẫu do một cá nhân đi nữa thì truyện đã thay đổi từng thời kỳ, đã được cải biên tùy thuộc vào người kể hơn là người sáng tác ra câu truyện. Cho nên gọi là một công trình sáng tác tác tập thể cũng không hẳn là sai.
Cụ Nguyễn Đổng Chi căn cứ vào nội dung câu truyện giả thiết rằng người sáng tác phải thuộc thành phần nông dân, không thể thuộc giai cấp quý tộc, quyền quý đuợc: Nó là của nhân dân lao động vì một lẽ rất dễ hiểu là suốt truyện nó phản kháng chế độ xã hội đã kìm hãm con người. Đó chỉ là một suy luận giả định, không đủ thuyết phục. Việc sáng tác vì vậy có thể do giới quan quyền, giới quý tộc đã sáng tác. Bằng chứng là Lĩnh Nam trích quái là do một người có tên tuổi, thuộc giới có ăn học, có chức phận là Trần Thế Pháp sưu tập.
Nhận xét thứ hai là cụ Nguyễn Đổng Chi đã dùng những chữ của thời đại bây giờ như cách mạng, xung đột giữa quan hệ giai cấp, nhân dân lao động, văn học của quần chúng, giai cấp đối lập để giải thích nội dung truyện. Những thuật ngữ này chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh của cuộc cách mạng tháng 10 ở Liên Xô mà thôi. Đưa nó ra khỏi bối cảnh xã hội ấy, nó không có nghĩa gì nữa. Ý thức về giai cấp và về giai cấp đấu tranh chỉ có thể hiểu được trong một xã hội phát triển về kinh tế, về kỹ nghệ từ thế kỷ 19 và không thể áp đặt xa hơn nữa.
Nhận xét thứ ba là cần căn cứ vào chính nội dung, căn cứ vào lời nói của công chúa Tiên Dung để hiểu câu truyện như thế nào? Việc găp gỡ Chử Đổng Tử trong một hoàn cảnh éo le được công chúa chấp nhận dễ dàng chỉ vì: Nay bỗng nhiên gặp anh thế này, chắc có Trời xui khiến. Anh hãy dậy tắm rửa đi. Chử Đổng Tử sợ, từ chối thì công chúa nói: Đây là do Trời tác hợp sao anh lại từ chối? Và rồi hôn lễ cừ hành ngay trên sông. Đã do Trời xui khiến thì còn e ngại gì đến phân biệt giàu nghèo, truyện danh tiết, truyện tiếng tăm, truyện lễ nghi phép tắc rườm rà hay lời thị phi của người đời. Câu truyện tưởng chừng như khó gỡ, khó giải quyết, nhưng nay đã vịn vào lý do Trời định thì mọi chuyện được hoá giải.
Và đó chính là tâm thức người xưa cũng như lối hành xử, tin vào Trời của họ. Khi bị vua cha vây hãm, công chúa cũng chỉ có một lối hành xử duy nhất là tin vào Trời. Công chúa nói: Tất cả mọi việc đều do Trời chứ không phải ta. Ta đâu dám cự lại phụ vương. Sống và chết đều nhờ Trời. Ta có bị phụ vương giết cũng không oán hận.
Chủ nghĩa Mác Xít xuất hiện chưa đầy một thế kỷ, đem chủ nghĩa ấy nhằm giải thích truyện đời xưa là một cưỡng đạt thô bạo khó chấp nhận được.
Truyện thằng Bờm
Không hiểu sao, câu truyện thằng Bờm trở thành câu truyện tranh luận sôi nổi, ngay cả triết gia Trần Đức Thảo cũng nhập cuộc.
Bài phê bình câu truyệnThằng Bờm do Trần Thanh Mại khai pháo trong một bài viết: Giảng văn về ca dao cổ của nông dân tranh đấu, trong đó Trần Thanh Mại phân tích ba bài: Con mèo mà trèo cây cau, Thằng Bờm và Mười cái trứng. Riêng bài Thằng Bờm gây được một dư luận khá sôi nổi.
Nhưng trước hết xin đăng lại toàn bộ bài thơ Thằng Bờm cho tiện theo dõi.
Thằng Bờm
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng, bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim,
Bờm rằng bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Trần Thanh Mại (1908-)
Bài thơ dễ hiểu và đơn giản chỉ có thế. Mục đích có thể chỉ để cười. Kể từ lúc có câu chuyện Bờm, dân gian thêm một truyện cười, truyện giải trí. Nhưng dưới mắt ông Trần Thanh Mại, bài thơ đã trở thành:
Một bài thơ tiêu biểu cho tinh thần nông dân đấu tranh chống phong kiến, địa chủ áp bức, bóc lột, biểu lộ rõ rệt lòng tin tưởng của giai cấp ở một thắng lợi hoàn toàn. Vì tên “địa chủ” phú ông đã thất bại trong âm mưu lừa bịp Bờm bằng nhũng lời hứa hẹn mơ hồ: ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi. Và sau cùng nó đã phải ngã gục, quỳ gối đầu hàng, tức là đưa hòn xôi thiết thực để lấy cái quạt mo. Nó còn biểu lộ rõ rệt ý thức của giai cấp bần cố nông về trí tuệ của mình, lực lượng của mình, lòng tin tưởng của giai cấp ở một thắng lợi hoàn toàn, thế nào cũng đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh lâu dài, đánh đổ uy thế của địa chủ cường hào gian ác để tự mình giành nắm lấy ưu thế chính trị và kinh tế trong một xã hội công bằng, hợp lý hơn.
Xin trích đoạn tiếp sau đây về nhân cách, hình dạng Bờm và xin cố giữ nghiêm chỉnh. Đừng cười. Nay ông đề nghị để trân trọng Bờm, không được gọi là thằng Bờm. Vì chỉ bọn địa chủ mới gọi nông dân là thằng mà phải gọi là anh Bờm, chú Bờm hay “Em” Bờm. Ông tán rộng thêm về cái bề ngoài của Bờm. Bờm là một em bé cố nông, 10, 12 tuổi, có một chòm tóc đặc biệt, “bất khuất” trên đầu, vòng lên như cái bờm ngựa. Theo ông, cái tên này, riêng nó đã bao hàm cả giai cấp tính ở trong: bình dị, thực tế.
Và ông Trần Thanh Mại đánh giá bài Thằng Bờm là:
“Một bài thơ kiệt tác của nông dân lao động, một hòn ngọc đẹp nhất, sang nhất của chuỗi ngọc thi ca Việt Nam. Nó là một quốc tuý văn chương.”
Lời nhận xét của ông Trần Thanh Mại thật là cường điệu. Bao nhiêu chữ, bao nhiêu ngôn từ xa hoa vô nghĩa. Chỗ nào là đấu tranh lâu dài, chỗ nào là địa chủ bóc lột, chỗ nào là cường hào gian ác? Nó không còn là một bài phê bình văn học. Nhưng là một bản án địa chủ, phong kiến như trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Nó toát ra ra một không khí đấu tranh một mất một còn giữa địa chủ và giai cấp nông dân qua nhân vật Thằng Bờm.
Câu chuyện huyền thoại về Thằng Bờm đang tự nhiên, đang dí dỏm, đang vô tư của một đứa trẻ con biến thành câu truyện người anh hùng đấu tranh giai cấp. Thằng Bờm bỗng chốc trở thành em Bờm ngọt xớt. Tự nhiên mất vui, mất hết ý nghĩa.
Trần Đức Thảo nhập cuộc với bài: Tìm hiểu giá trị văn chương cũ. Phần một, ông Trần Đức Thảo đề cập đến Lập trường giai cấp và quan điểm lịch sử. Theo ông: chúng ta coi mọi tác phẩm đời phong kiến với con mắt người cách mạng ngày nay, đứng trên lập trường bây giờ. Tuy nhiên, ông cho rằng: Người nông dân ngày bấy giờ có thể tố cáo tội ác của địa chủ, nổi dậy, đánh đổ một lớp cường hào ác bá và quý tộc phản động, nhưng chưa thể quan niệm một cuộc cách mạng triệt để phản phong, tiêu diệt giai cấp địa chủ. Ở chỗ khác, ông lại tự dối và đi ngược lại ý tưởng của chính ông khi ông viết rất hay và chính xác như sau:
“Nhận xét về tác phẩm đời xưa, chúng ta không thể nào tách rời hoàn cảnh lịch sử và điều kiện hẹp hòi của xã hội cũ”.
Ở phần chót, ông viết:
“Nhưng dưới cái vỏ tôn ti trật tự, đã phát hiện đời sống thực sự trong xã hội phong kiến, tức là một cuộc đấu tranh không ngừng giữa một bọn kẻ cướp lòng tham không đáy và nông dân lao động bắt buộc phải bảo vệ từng giờ từng phút điều kiện sinh sống tối thiểu”.
Tôi có cảm tưởng, người ta chỉ mượn câu truyện Thằng Bờm như một cái cớ để phô diễn quan điểm tranh đấu giai cấp mà thôi. Cũng như mượn câu truyện: con mèo mà trèo cây cau, trù ểm cho mèo chết (mèo đại diện cho tầng lớp phong kiến địa chủ). Hay câu truyện về Mười cái trứng.
Nhưng có lẽ ngạc nhiên và lý thú nhất là phần ý kiến bạn đọc, trong đó có ý kiến cuả ông Ngô Quân Miện. Theo ông Ngô Quân Miện thì nội gọi Bờm là thằng, địa chủ được gọi là phú ông cho thấy Bờm bị khinh miệt, phú ông được trọng nể. Cũng theo ông Miện, những đề nghị vô lý của phú ông chỉ cho thấy sự xỏ lá và khinh miệt Bờm, có nghĩa là khinh miệt nông dân. Diễu Bờm chán rồi, phú ông thẩy ra một nắm xôi. Bờm khoái trá vồ lấy ăn. Câu truyện kết thúc ở đấy.
Ngay cả ý kiến của Ngô Quân Miện cũng chỉ là lời bàn Mao Tôn Cương, không phải là cách nhìn nghiêm chỉnh vể truyện cổ như phần trình bày sau này.
Truyện Trê Cóc, truyện Tấm Cám, truyện Thạch Sanh, truyện Lục Súc tranh công
Chúng tôi đã trình bày, phân tích vài truyện cổ ở trên, thiết tưởng thế cũng đã đủ. Vì những truyện cổ như Trê Cóc, Tấm Cám hay Thạch Sanh cũng được giải thích dựa trên quan điểm giai cấp đấu tranh nên không có gì khác biệt cả.
Thạch sanh chống quý tộc bóc lột và áp bức?
Chẳng hạn, trong truyện Thạch Sanh được nhận xét là:
“Dưới hình thái thần thoại, nó đã phản ánh được khá chân thực và sâu sắc nhiều nét sinh hoạt cốt yếu của xã hội phong kiến, nó lại đã nói lên được những ý nghĩ tâm lý, nguyện vọng thâm thiết của nhân dân lao động chống quý tộc bóc lột và áp bức”
Nhận xét về truyện Trê Cóc được viết:
“Trê Cóc là một truyện ngụ ngôn đầu tiên nói đến cảnh chia rẽ ở nông thôn Việt Nam do cường hào, địa chủ, quan lại gây nên. Bọn cường hào địa chủ, quan lại ung dung sống trên sự chia rẽ ấy. Trê Cóc đã vạch cho người ta thấy những sự thật hãi hùng ấy của xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến và cả Pháp thuộc nữa”
Nhận xét chung
Huyền thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian là nét đặc trưng của bất cứ nền Văn hóa cổ nào.
Nền văn minh Hy Lạp cũng như nền văn minh Ai Cập được coi là cao nhất trong số các nền văn minh của thế giới. Nhưng văn minh Hy Lạp lại được coi là cái nôi của Huyền thoại. Từ Hy Lạp chạy sang Ai Cập trong đó bao gồm Mesopotamy cổ đại với các nền văn minh sáng chói nhất với các đế quốc Assyrie và Babylonne chạy sang pre-Columbian hay vùng rừng rậm nguyên sơ Amazon.
Ở đâu cũng có mặt của huyền thoại trong nếp sống cổ xưa.
Có thể nói, huyền thoại là là nếp sống, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của con người thời cổ.
Huyền thoại là hơi thở của đời sống con người cổ xưa.
Những huyền thoại đó đã được tích lũy, cải biên, kể lại, truyền đạt hết thế thế hệ này sang thế hệ kia từ vài trăm năm trước niên lịch. Những câu truyện huyền thoại cũng như các câu truyện cổ tích lâu đời nhất được ghi nhận từ 900 năm đến 800 năm trước thiên niên kỷ.
Và hằng ngàn năm như thế, con người ta không phải chỉ nghe kể về những huyền thoại mà sống huyền thoại. Huyền thoại là chính họ, là đời sống và ý nghĩa đời sống của họ, trong đó quá khứ hiện tại trộn vào nhau là một. Tất cả những câu truyện huyền thoại hoặc truyện dân gian đó nhằm giải thích cắt nghĩa về sự sáng tạo ra thế giới này, về các thần thánh ngự trị, về linh hồn hoặc về những biểu hiện thiên nhiên trong trời đất như nắng, mưa gió bão hay nguồn gốc vật tổ và nhất là cái chết và thế giới bên kia.
Như đối với các dân tộc người thiểu số ở Việt Nam. Hầu hết các câu truyện huyền thoại của người Tây nguyên bàng bạc trong đời sống của họ với đủ các loại thần của họ. Những con người Tây nguyên ấy là nhân chứng về quá khứ của con người.
Họ chỉ cho chúng ta biết ngày xưa chúng ta là như thế nào. Từ đêm tối của thời Thái cổ, trải qua hàng ngàn năm, các di vật và di ngôn của tiên tổ thông qua qua các câu truyện huyền thoại đã để lại một gia tài văn hóa của người Việt.
● Di vật thứ nhất, nhờ các khai quật của khoa cổ sử đã lôi ra ánh sáng những di tích vật chất và mở đầu cho các thời kỳ trung thạch Hòa Bình, Bắc Sơn, Sa Huỳnh, rồi kỹ nghệ đồ Đồng Cổ Loa, Đông Sơn. Đất đã ấp ủ, gìn giữ các di tích đó trong nhiều thế kỷ và nay hé lộ trao lại cho chúng ta.
● Di vật thứ hai là từ thuở nào, thuở ngàn xưa, không định được ngày tháng, hay nguồn gốc, các câu truyện huyền thoại hay truyện cổ tích đã được truyền tụng lại trong dân gian như di ngôn văn hóa của các bậc tiên tổ để lại. Như huyền sử đời Hồng Bàng. Các dân tộc như người Mường có Lang Đa Cần, người Thái có Tào Ngân, người Mán có Phù Huy. (Xem thêm Tuyết xưa của Trần Ngọc Ninh). Các huyền thoại đó đều muốn nói tới nguồn gốc thủy tổ tộc Việt? Nào đẻ 100 trứng hay từ một trái bầu đẻ ra 100 con người như trong huyền thoại Tây nguyên.
Chúng ta ngày này có nên mất công sưu tầm sử liệu, đào xới, khảo cổ để đi tìm sự thật về nguồn gốc không? Sự thật 100 trứng sẽ cho biết được điều gi? Về mặt huyền thoại, tôi khẳng định là không. Bởi vì người ta sống huyền thoại mà không nhất thiết phải tra hỏi về huyền thoại. Huyền thoại có giá trị tượng trưng, giá trị biểu hiện nằm trong cơ cấu quá khứ – hiện tại – con người vượt ra khỏi nhãn giới lý giải. Cho nên, tôi không thấy là cần thiết phải đi tìm cho bằng được xem truyên Tấm Cám sinh ra ở làng nào, năm nào. Trong Tập san Sử địa, số 39 tháng Tư, 1958, ý kiến đóng góp cho rằng Tấm Cám sinh ra ở làng Thuận Quang, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc ninh, chính là quê hương của Tấm Cám, ngay cạnh đường số 5. Rồi cách ga Phú Thuỵ chừng 300 thước, còn một ngôi chùa là chùa Bà, thờ Bà Tấm, bà Cám. Dân địa phương còn chỉ cho thấy giếng Bống, nơi Tấm nuôi Bống, nào là ngàn dâu, nơi Tấm hái dâu và gặp vua. Giả thuyết của ông Phong Châu nêu ra còn rất nhiều nghi vấn và hoang đường.
Tìm hiểu làm gì cho hoài công.
Cách duy nhất là chỉ cần biết nội dung câu truyện Tấm Cám mà không cần thiết truy tìm nguồn gốc, một điều không cần làm và không nên làm.
Rất nhiều người đã nghi ngờ, đã tìm cách lý giải huyền thoại theo cách luận lý, khoa học bây giờ và đã không ngần ngại cắt bỏ, gọt rũa lại huyền thoại.
Họ đã thất bại.
Xenophon và Platon đã làm như thế.
Bên Á Châu thì Khổng Tử chỉ chú trọng san định lại Kinh Thi, Kinh thư.
Cho nên, cần khẳng định là càng không thể sửa, san định hoặc gán ghép vô bằng các quan điểm chính trị như Mác Xít để lý giải huyền thoại và truyện cổ tích.
Đó là bóp méo và giết chết thần thoại phá hủy “cơ cấu ý nghĩa” của huyền thoại.
Như Jacques Dournes viết:
Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu. Yêu và kính trọng nữa. Phải yêu cuộc sống gian khổ và bình dị, phải yêu thiên nhiên tinh khôi và say mê vẻ đẹp của nó, phải yêu cái không khí đầm ấm của căn nhà sàn và hơi nóng tỏa ra từ bếp lửa của nó, phải yêu khu rừng ngo và đêm đầy trăng”… Mà đấy là cả một bài thơ và một cuộc sống, nằm ngoài thời gian, nó không chỉ chăm chăm vào quá khứ… Đêm bên bếp lửa đã tàn. Ai nấy đều im lặng. Câu chuyện của cụ Già làng đã hòa tan vào cái lặng thinh sâu thẳm của đêm .. Trong bếp lửa ủ, ngọn lửa không còn bốc lên, đến lượt khói cũng tan dần và lẫn vào các đồ vật trong căn nhà. Chẳng mấy chốc, bình minh đã dát bạc bầu trời còn mờ tái và khiến các đỉnh núi long lanh ngũ sắc Một buổi sáng mới đang bắt đầu.”
L’HOMME ET SON MYTHE, Jacques Dournes Nguồn: alapage.com
Một đoạn trích khác:
Nó là than hồng trong bếp lửa đêm trong căn nhà sàn, đêm hôm trước được cụ Già Làng thổi bùng lên, khi cụ cảm nhận ra cái bình minh mà cụ còn chưa nhìn thấy. Đốm lửa ủ dưới lớp tro tàn của các thế hệ suốt lịch sử sẽ được khêu lên lại để làm hồi sinh một ngọn lửa mới, không chỉ cho thế hệ hệ trẻ “hiện đại” vốn không biết đến những hiểm nguy của một ngọn lửa quá nóng chói, mà là cho cả căn nhà, vừa vẫn thấm đậm được cái truyền thống xưa cũ vừa cảm nhận ra được cái buổi ban mai mới mẻ này.” (Trích lại trong Miền đất huyền ảo, Jacques Dournes, phần Mào đầu, từ trang 11-13)
Ôi đẹp và thơ mộng biết bao những đêm huyền thoại bên bếp lửa tàn!!! Xin một lời cảm tạ J. Dournes.
Người cộng sản đang quét sạch cái bếp lửa tro tàn ấy của những đêm huyền thoại linh thiêng, cao cả và đượm tình con người.
Sau 1954, sinh hoạt văn học miền Bắc đẫm mầu Máx xít. Cái gì cũng mang con dao Mác Xít ra mổ xẻ, pha chế. Vứt bỏ những cái không đáng vứt bỏ, tôn sùng những cái không đáng tôn sùng như lời nhận xét của một Chế Lan Viên.
Truyện Huyền thoại, truyện cổ tích mang tính huyền thoại là những viên đá quý bị vứt bỏ để chỉ giữ lại những hòn sỏi.
Và để đạt được mục tiêu đó, họ đã chẻ sợi tóc làm tư hay nói như nhà văn Nguyễn Bất Tuân (tức Nguyễn Tuân), trích lại trong Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết của nhà văn Xuân Vũ, cụ Nguyễn viết: “Thật là kỳ quặc, người ta sợ hãi những cái không đáng sợ, cấm những cái không đáng cấm, người ta dùng kính hiển vi đi tìm vi trùng chống đối”.
Thật mỉa mai thay. Một Trần Đức Thảo mà cũng phải uốn lưỡi không ngượng miệng gọi theo Trần Thanh Mại là “Em Bờm”. Trần Đức Thảo viết trong bài nhận định Thằng Bờm của ông như sau: “Cuộc giằng co quyết liệt giữa hai bên lại được biểu diễn một cách kín đáo, nhưng chính xác trong những câu có đi có lại giữa “Em Bờm” và “tên” phú ông”.
Còn đâu một Trần Đức Thảo xuất chúng đã một thời tranh luận tay đôi với J.P. Sartre trong 5 buổi tranh biện tại Paris thuở nào.
Không gọi theo như thế là không được, là khinh miệt giới nông dân.
Tôi nghĩ rằng, để nắm bắt và hiểu được huyền thoại và các câu truyện nêu trên cần được nhìn lại dựa trên những căn bản kiến thức về huyền thoại học (Mythology) hay về Nhân Chủng học (Anthropology).
Thật vậy, trong Nhiệt đới buồn hoang (Tristes tropiques) của Claude Lévy-Strauss sẽ cho thấy rằng người tiền sử, người cổ sơ, họ cũng có hệ thống giá trị, hệ thống tư tưởng của riêng họ. Đó là thứ cơ cấu huyền thoại mà ông gọi đó là thứ tư tưởng hoang dã (Pensées sauvages). Thứ tư tưởng hoang dã này tạo thành nếp sống, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của người thô sơ. Tự nó các tư tưởng hoang dã có giá trị cho chính nó. Nó được nhìn nhận bởi người thô sơ mà không đặt vấn đề đúng hay sai, hơn hay kém so với tư tưởng của xã hội văn minh. Đọc truyện cổ, đọc huyền thoại là để chia xẻ, đẵm mình vào không khí huyền thoại chứ không phải để tìm cách giải hoặc huyền thoại (Demystification) hay diễn giải huyền thoại, nhất là không “pha chè” dạy đời.
Càng không bao giờ cho phép bất cứ ai mang Ông Mác vào để cắt nghĩa huyền thoại.
Thật vậy, chỉ cần đọc bài Tấm Cám có thật ở Việt Nam hay không? Tôi nghĩ rằng, họ đã sa lầy không tìm được phương hướng khi tìm hiểu huyền thoại cổ.
Tượng jatalinga, thế kỷ thứ X, của văn hoá Champa còn lại ở Mỹ Sơn gần Hội An Nguồn: wikimedia.org
Cũng sa lầy và thô thiển như thế khi đọc bài viết: Thử tìm tài liệu Việt Nam trong ngữ ngôn. Trong đó, tác giả bài viết có đề cập đến tín ngưỡng phồn thực hay tục thờ Sinh thực khí (Cult of Linga), một thứ tin tưởng rất dân gian thịnh hành ở Ấn Độ, Trung Quốc, người Chàm và người Việt Nam. Phía người Trung Quốc cho thấy trong 8 quẻ của kinh Dịch, có quẻ hào dương (-) chỉ sinh thực khí đàn ông và hào âm (- -) chỉ sinh thực khí đàn bà.
Lẽ âm dương là thế, trật tự điều hoà là thế.
Cũng vậy, nếu ai có dịp vào ghé thăm Musée Chàm ở Đà Nẵng sẽ thấy người Chàm có nhiều pho tượng đá có hình giống như cái thuyền tán đặt ngửa – chỉ cái âm hộ (DCVOnline) của đàn bà – và ở trên là một cái chày – chỉ dương vật (DCVOnline) của đàn ông.
Có gì là lạ ở những hình tượng đó không?
Ở ngoài Bắc, có làng Khúc Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, có lễ vào ngày 26 tháng giêng, người ta đẽo 36 cái hình sinh thực khí, một nửa, 18 cái là đàn ông, một nửa là đàn bà.
Vậy mà tác giả bài đã viết như sau:
“Ở xứ ta cũng có tục thờ sinh thực khí. Cái tục dã man của chúng ta từ đời xưa ấy chẳng những chỉ rớt lại trong ngữ ngôn mà nó còn biểu hiện ra thực sự đến trước Cách mạng tháng 8 không lâu mấy”.
Vậy là nhờ cách mạng tháng 8, tục lệ dã man ấy mới bị dẹp bỏ. Thật ra, nó chẳng có gì là dã man cả, nó chỉ thể hiện ước muốn sinh con đẻ cháu cho đầy nhà. Chẳng những không dã man mà còn rất lành mạnh, tốt đẹp nữa.
Về vấn đề chiếm hữu nô lệ
Trong việc lý giải các câu truyện huyền thoại, các tác giả ngoài Bắc thập niên 1950 thường có thói quen định chế hóa là ở Việt Nam thực sự có chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến và cuối cùng có cuộc tranh đấu giai cấp giữa nông dân và địa chủ?
Để giải thích sự tiến hóa của lịch sử loài người nói chung và VN nói riêng, người cộng sản đã máy móc áp dụng các thời kỳ xã hội công xã, từ tiền nô lệ, rồi nô lệ chuyển sang chế độ phong kiến. Nhưng câu hỏi đặt ra là có thời kỳ nô lệ ở Việt Nam giống như trong các xã hội cổ Hy Lạp, La Mã hay không?
Câu trả lời rõ rệt là hiện nay không có bất cứ tài liệu nào nói về vấn đề này. Trước đây, ông Đào Duy Anh, trong bài viết: Có thời kỳ chế độ nô lệ trong lịch sử Việt Nam không? Dựa trên mối quan hệ về ruộng đất của xã hội người Mường, ông chứng minh rằng có thể có, cũng có thể không có chế độ nô lệ ở Việt Nam. Ông Nguyễn Đổng Chi ngược lại qua bài viết: Truyện thần thoại Mường có thể chứng minh sự tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ trong lịch sử Việt Nam hay không? dựa trên một tác giả Trung Quốc, ông Đồng Thư Nghiệp, để cho rằng trong lịch sử Việt Nam đã có thời kỳ chiếm hữu nô lệ.
Cuộc tranh cãi chấm dứt ở đó và không đi đến đâu, vì chẳng có bất cứ điểm tựa lịch sử nào để bấu víu vào. Nhưng xem ra, người ta vẫn mặc thị là có chế độ ấy cho phù hợp với cắt nghĩa của người Mác Xít cho rằng các xã hội đi từ chế độ thị tộc, tiến sang nô lệ rồi phong kiến.
Theo tôi, ở Việt Nam cùng lắm có chế độ nô lệ gia trưởng. Có nghĩa là có một người đứng đầu một thị tộc, một “Già làng” theo “tinh thần Hộ” của một đại gia đình. Đại gia đình đó đôi khi mở rộng đến tất cả người trong làng. và những thành viên khác trong thị tộc hay trong làng ấy làm việc cho người đứng đầu. Trong đó, mối tương quan giữa họ có thể là tương quan huyết thống, dòng họ, thân tình, có kính nể hoặc tương quan người nhà có trên có dưới mà không phải tương quan bóc lột, khai thác. Trong mối tương quan đó, người ta làm việc là làm cho nhu cầu gia đình, cho gia tộc mà không phải để sản xuất thặng dư để buôn bán. Vì thế, số lượng người làm nô lệ còn rất ít và hiếm hoi.
Hơn nữa, chưa có buôn bán phát đạt – thời còn nhỏ, tôi còn thấy các phiên chợ nhằm mục đích trao đổi là chính – chế độ tư hữu tài sản còn yếu, mọi sinh hoạt đều đượm tính tôn giáo, ngành nghề chưa phát đạt. Nơi các dân tộc Tây nguyên, một ngưòi thợ rèn chế ra được các vật dụng bằng sắt được coi là người anh hùng khai sáng (Xem them Miền đất huyền ảo của Jacques Dournes).
Các sắc dân Thượng, người Tây nguyên ở Việt Nam như người Bahnar, Rongao, Sêđăng, Giarai, Eđê, hay Noang khi một người thiếu nợ, khi phạm một lỗi lầm, khi đánh nhau bị thua có thể bị bắt làm “nô lệ”. Nhưng ai cũng thích tự do nên trả hết nợ thì được tha, không còn bị bắt làm nô lệ nữa.
Nhiều khi, vị đứng đầu ấy cai quản “nô lệ” mang tính chất quyền uy tôn giáo hay luân lý hoặc tinh thần hơn là quan hệ kinh tế như trong các xã hội có chế độ nô lệ thực sự La Mã, Ai Cập v.v…
Các gia đình Việt nam nghèo đói thường cũng phải mang bán con cho các gia đình giàu có. Như thế có thể hiểu là có chế độ nô lệ không?
Cửa đền như âm hộ – Văn hoá Champa thế kỷ XI-XII: Đền Bánh Ít (Silver tower) phía bắc Quy Nhơn Nguồn: 50megs.com
Cũng không nữa. Nếp sống khó nghèo, nhưng sự sống thì chất phác, đơn thuần, mộc mạc, thô ráp gần bản năng sinh tồn không cho phép người ta nghĩ đến một ý thức về bóc lột giữa chủ và “nô lệ”. Thằng Bờm là thằng Bờm sống gần bản năng sinh tồn hơn bất cứ thứ gì khác. Những điều gán ghép cho Bờm như ý thức về giai cấp, ý thức về bóc lột là những giải thích vô bằng.
Tương quan giữa họ với nhau vẫn là tương quan ân huệ, biết ơn giữa kẻ thi ơn và người được thi ơn. Sự nghèo đói đến cùng cực, sự thiếu học thức, xã hội nông nghiệp trong tình trạng sản xuất thô thiển không cho phép người ta nghĩ xa hơn cái bụng đói, nói chi nghĩ đến truyện bóc lột. Trong Ba người khác của nhà văn Tô Hoài, ông nói đến cái cảnh:
“Ngoài chợ tỉnh cũng bày bán trẻ con nhan nhản như bán chó. Tôi dự một cuộc đấu địa chủ. Có người rễ (để chỉ bần cố nông coi như rễ chính trong việc cải cách ruộng đất) bị đói đã lâu quá, đúng lảo đảo, hét một tiếng rồi lăn ra chết” (Trích Ba người khác, Tô Hoài trang 30)
Cho nên, dùng học thuyết Mác để cưỡng ép cho rằng ở VN có chế độ nô lệ là thiếu kiến thức văn hóa, hồ đồ và nông cạn.
Chế độ phong kiến
Đây cũng là cái đích nhắm của người cộng sản mà tôi có cảm tưởng bất cứ cái gì không phải cộng sản thì là phong kiến. Phong kiến trở thành một danh từ “khung” trong xã hội để chỉ thị cái gì xấu xa, độc ác, bóc lột, gian xảo, giàu có, nịnh bợ, hách dịch, ra oai, bắt nạt, dâm loạn, vô luân v.v…
Chế độ phong kiến là một thứ ngôn ngữ khẩu hiệu bao gồm tất cả tính chất lạc hậu xấu xa vừa kể trên. Như trong bài viết : Truyện Thạch Sanh, Trương Tửu viết:
Dưới hình thái thần thoại, nó đã phản ảnh được khá chân thực và sâu sắc nhiều nét sinh hoạt cốt yếu của xã hội phong kiến. Đây là quá trình đấu tranh không ngừng của hai lực lượng xã hội đối kháng nhau: quý tộc và bình dân… Chúng ta kết luận rằng: Truyện Thạch Sanh là tiếng nói của nhân dân lao động Việt Nam thời phong kiến.
Trần Đức Thảo viết:
Chúng ta coi mọi tác phẩm đời phong kiến với con mắt người cách mạng ngày nay. Trong thời phong kiến, nông dân không ngừng đấu tranh chống chế độ áp bức bóc lột, nhưng những cuộc đấu tranh đó không thoát khỏi hệ thống phong kiến nói chung..tuy nhiên tư tưởng của người nông dân trong phong kiến chưa thể thóat khỏi ý thức hệ phong kiến, tuy luôn luôn vẫn chống phong kiến..Mâu thuẫn giữa nông dân với phonbg kiến còn bị kìm hãm trong phạm vi phong kiến… Không thể đòi hỏi nông dân dứt khoát với giai cấp phong kiến, tức là thủ tiêu chế độ phong kiến..Ví dụ ba bài ca dao như bài Con mèo, Thằng Bờm.. biểu diễn tinh thần phản phong của nông dân…”
Nhưng thời phong kiến là thời nào?
Chữ phong kiến mà các tác giả như Trần Đức Thảo dùng cho người ta có cảm tưởng chế độ phong kiến tồn tại rất lâu đời ở Việt Nam. Như thế, chắc hẳn không phải chữ phong kiến mà người Âu Châu hiểu. Chữ này thật ra mới xuất hiện từ thế kỷ 17, ở bên Âu Châu thời Trung cổ để chỉ thị những lãnh Chúa và những thái ấp cũng như chư hầu của họ. Họ có tiền của, có quân đội riêng như một tiểu quốc.
Một định nghĩa như thế về chế độ phong kiến sẽ không bao giở tìm thấy ở Việt Nam.
Bởi vì ở Việt Nam không có tầng lớp quý tộc, quyền quý, giàu sang và cũng không có lãnh chúa cũng như chư hầu.
Phong kiến hiểu theo người Việt Nam chỉ hạn hẹp vào từng lớp địa chủ và tá điền. Địa chủ có nhiều ruộng có thể cho cấy rẽ hoặc cấy thuê và nếu không chu toàn trả đủ nợ có thể bị xiết nợ, mất nhà, mất cửa hoặc phải bán con.
Dưới mắt người cộng sản, họ phải khai trừ, triệt tiêu giai cấp địa chủ. (Vì ở Viet Nam chưa có tầng lớp tư sản bóc lột như trong nhận định của Lenin về vấn đề này). Chỉ thị của Lenin năm 1919, trong đại hội đảng những người cộng sản phương Đông viết như sau:
“Ở đây, trước mắt các đồng chí có nhiệm vụ mà trước kia chưa hề đề ra cho những người cộng sản toàn thế giới, đó là nhiệm vụ: dựa vào lý luận và thực tiễn bao quát của chủ nghĩa cộng sản, các đồng chí trong khi áp dụng vào những điều kiện đặc biệt mà các nước Châu Âu không có, phải biết áp dụng lý luận vả thực tiễn đó vào điều kiện nông dân là quần chúng chủ yếu, điều kiện cần giải quyết nhiệm vụ đấu tranh không phải chống lại tư bản, mà chống lại những tàn tích của thời Trung cổ” .
Vì ở Việt Nam kinh tế và xã hội còn sơ sài, chưa có giai cấp tư bản, giai cấp địa chủ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ với vô số tội ác tìm thấy trong văn chương cổ cũng như trong thực tế nông nghiệp.
Tô Hoài Nguồn: saga.vn
Hãy nghe Tô Hoài kể trong Ba người khác, nghe xong đến rởn tóc gáy, rụng rời không tin được:
“Ban ngày, anh đi cày, tối tắm rửa sạch sẽ rồi vào giường cả đêm phải ngậm bòi thằng địa. Thằng địa bị bệnh tim la, mút đến nửa đêm cũng không hết được mùi tanh nhức óc. Cả hội trường ào ào đả đảo địa chủ gian ác.. đả đảo… Còn anh ấy nghẹn ngào nức lên không nói tiếp được nữa” ( Trích Ba người khác, Tô Hoài, trang 10)
Và đây là một phiên tòa cải cách ruộng đất:
Hôm ấy, Đình phải điệu ra tòa xử công khai. Cũng như những phiên tòa giữa trời ở các xã. Một cái bãi liền chợ, đông nghịt cả hàng huyện kéo đến trường đấu. Trên hàng người, những chiếc đòn ống vát đầu tua tuả lên như nắm chông… Từng đợt hô khầu hiệu ồn ào bốn phía làm cho Đình xanh xám. Đình bị trói giật cánh khủy, mỗi bước cứ khuỵ xuống, hai bên dân quân lại lôi xềnh xệch. Trưóc dãy bàn xử án. Mấy tấm cót ken nối nhau, dài hang chữ hắc ín: Đả đảo việt gian phản động Nguyễn Văn Đình. Bên cạnh một cọc che tươi, còn cả chòm lá phơ phất được cắm xuống, đất mới loang lổ chung quanh.. Đình bủn rủn ngã gục không gượng lên được nữa. Bởi vì Đình lại đã trông thấy khuất sau chiếc quan tài ghế dài, các đại biểu ngồi, trang trí tết lá dừa lưa thưa, hai người vừa khiêng ra một chiếc quan tài gỗ gạo tươi còn lướp tướp trắng bệch. Đình đã biết cả..Mấy báng súng tống vào lưng, đẩy đình ngồi tựa vào cái cọc tre ấy.. Mốt chiếc thừng luồn vào nách, buộc néo lên cọc, giữ cho Đình khỏi ngật ngưỡng. Xung quanh mỗi lúc một phẫn nộ. Chốc chốc, bốc lên hàng loạt tiếng hô, đứt quãng cả tiếng người đương nói trên loa..Anh đội nói:” Mặc kệ, không cần trật tự, cho quần chúng thỏa lòng căm thù”. Tiếng ai như tiếng thằng Vách quát: “A ha. Chúng nó mặc tất cả quần áo vào người để khỏi phải bị tịch thu đấy. Lột ra, lột hết ra. Tao có quần rồi, tao cần thêm một cái áo, đứa nào lấy cho tao”.
Tôi lấy ý kiến giai cấp nông dân, xin hỏi tên Nguyễn Văn Đình tội gì?
Tội chết, tội chết…
Đình bị kéo đứng thẳng, ngay ở cái cọc tre ấy, dân quân xúm lại thiết chiếc thừng bó giò cả chân tay, cả người. Lúc mặt Đình đã buộc tấm vải thâm thì cỗ quan tài gỗ trắng nhởn cũng được hai dân quân khiêng ra, mở nắp sẵn, đặt cạnh. Nhung Đình đã li bì không biết gì nữa.
Nhưng số Đình chưa phải chết, vì đúng lúc ấy, một ông cán bộ ở trên về nói với mấy vị quan tòa rồi vào trước loa Micrô, thong thả vang lừng:
Thưa toàn thể đồng bào, giai cấp nông dân huyện ta, tôi bí thư, đại diện đoàn uỷ khu về truyền đạt một chỉ thị quan trọng của Trung Ương. Tôi thông báo để đồng bào rõ, kể từ giờ phút nhận được lệnh này của khu, các đội cải cách, đội phúc tra, đội chỉnh đốn tổ chức đình chỉ tất cả các vụ xử bắn. Tòa án phải thi hành đúng pháp luật nhà nước, yêu cầu triệt để thi hành”.
Đình may mắn thoát chết trong gang tấc. Đó là hình ảnh rõ nét cuộc CCRĐ đã xẩy ra ở miền Bắc.
Đó cũng là hình ảnh rõ nét trong các bài tham luận, phê bình văn học nhằm tố cáo địa chủ được gán cho hai chữ Phong kiến. Đó cùng là những nét được viết lại một cách sống động trong truyện Ba người khác của Tô Hoài.
Cái bệnh Mác Xít học đã làm tiêu hao bao nhiêu công trình sáng tác văn học để trở thành bài viết tuyên truyền thấp và rẻ tiền? Đã đánh tụt giá trị tài năng bao nhiêu nhà văn trở thành những kẻ viết theo, nói theo? Nhưng trong số ấy, có những người thẳng thắn, cương trực, không nói theo. Nhân dịp tổ chức khóa học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân đang diễn ra ở Liên Xô. Lợi dụng dịp đó, trong Giai phẩm mùa thu, tập 1, trong bài Phê bình lãnh đạo Văn nghệ cụ Phan Khôi đã thẳng thắn nhận xét:
“Người ta làm cho tôi cảm thấy qua việc ấy rằng nước Việt Nam ngày xưa, triều đại là triều đại Thiệu Trị, Tự Đức, cái nguồn văn chương là Tứ thư Ngũ kinh, còn nước Việt Nam ngày nay cũng là triều đại gì đó, chỉ khác cái nguồn văn chương là Mác Xít”.
Và Phan Khôi kêu lên: “cụ Đồ Chiểu ơi, cụ đồ Chiểu, tôi còn làm gì được nữa”. Nhân Văn Giai phẩm cũng trong tình hình lúc bấy giờ đã lợi dụng cất lên tiếng nói trung thực.
Nhưng chẳng được bao lâu, giờ ra chơi đã điểm. Trống vào lớp xếp hàng đã đánh. Học trò lại ngoan ngoãn xếp hàng vào lớp.
Làm gì được nữa khi mà mọi người đều phải nói to lên rằng: “Chủ nghĩa Mác Lê nin là chủ nghĩa duy nhất đứng đắn”.
Và Hoàng Cầm chỉ còn một con đường trú ẩn:
Rúc đầu vào nách vợ Hút hít như chó con
Trong khi đó thì
Diễn văn cót két chân giường mới …
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn