Những nhà khoa học Mỹ gốc Hoa đối mặt với rủi ro trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung
Tác Giả : Sylvia Chang Nguồn: BBC Ngày đăng : 2024-11-02
Giáo sư Hy Tiểu Tinh từ Đại học Temple (Mỹ) đã đệ đơn kiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về việc bị bắt giữ oan
Tiếng đập cửa mạnh và dồn dập tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) lúc trời vừa hừng đông khiến Giáo sư Hy Tiểu Tinh giật mình tỉnh giấc. Ông mặc vội chiếc quần soóc và chạy nhanh xuống cầu thang.
Có khoảng một chục đặc vụ của FBI, một số người có súng, hô hiệu lệnh và xông vào nhà của Giáo sư Hy.
Vợ của Giáo sư Hy lúc bước ra khỏi phòng ngủ thì bị một cảnh sát chĩa súng vào người.
Hai cô con gái 13 và 22 tuổi của họ sửng sốt và không biết chuyện gì đang xảy ra. Trước mặt người thân trong gia đình, Giáo sư Hy bị còng tay và áp giải đi.
Không ai đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Buổi sáng ngày 21/5/2015 hôm ấy đã in sâu vào tâm trí của vị giáo sư Trung Quốc.
Chuyên gia vật lý này bị cáo buộc bốn tội danh gian lận liên quan đến hoạt động làm gián điệp kinh tế cho Trung Quốc, nếu bị kết tội sẽ đối mặt với mức án tối đa 80 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới một triệu đô la Mỹ (hơn 25 tỷ đồng).
Bốn tháng sau, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã hủy mọi cáo buộc nhằm vào vị giáo sư vật lý của Đại học Temple, viện dẫn lý do có sai sót trong "bằng chứng quan trọng nhất" của họ.
Ông Hy bị cáo buộc gửi các bản thiết kế của một thiết bị siêu dẫn mang tính chất nhạy cảm được gọi là thiết bị sưởi bỏ túi cho các đối tác Trung Quốc của mình - nhưng bản thiết kế mà ông chia sẻ lại không phải là thiết kế lò sưởi bỏ túi.
"Cuộc Cách mạng Văn hóa cứ lởn vởn trong tâm trí của tôi," chuyên gia về chất siêu dẫn, người là một học sinh cấp hai khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thanh trừng giới trí thức từ năm 1966 đến 1976, cho biết.
Giáo sư Hy đang khởi kiện FBI vì đã bắt oan ông và vi phạm các quyền hiến định của ông.
Giáo sư Hy nhớ lại những gì ông đã trải qua trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa
Giáo sư Hy là một trong những nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa đầu tiên gặp rắc rối khi căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường trong thập kỷ qua.
Mỹ bắt đầu phản ứng trước sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng chiến lược "Xoay trục sang châu Á" của cựu Tổng thống Obama vào năm 2011.
Nhưng quan hệ Mỹ-Trung nhanh chóng xấu đi sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017, khi Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược".
Công nghệ là một trong những lĩnh vực then chốt mà hai nước đang tìm cách thống trị.
Chuyện giám sát chặt các nhà khoa học này bắt đầu được tăng cường vào năm 2018, khi chính quyền Trump đưa ra Sáng kiến Trung Quốc để trấn áp các hành vi đánh cắp bí mật thương mại, tin tặc và gián điệp kinh tế của Bắc Kinh.
"Sáng kiến Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm và chính thức hóa sự giám sát chặt chẽ này thành một chương trình thúc đẩy các cuộc điều tra hàng loạt và khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á dễ trở thành đối tượng dễ bị phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử", Gisele Perez Kusakawa, Giám đốc Diễn đàn Học giả người Mỹ gốc Á (Asian American Scholar Forum) cho biết.
Ít có thay đổi rõ rệt nào trong chiến lược Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, nhưng Washington đã chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc vì nó dẫn đến "nhận thức có hại" về vấn đề thiên vị chủng tộc.
Nhưng cũng có quan ngại rằng chương trình này có thể sớm được hồi sinh.
"Cuộc bầu cử tổng thống này đóng vai trò rất quan trọng đối với các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa", Giáo sư kinh tế và quản lý toàn cầu Hoàng Á Sinh từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho biết, đồng thời nói thêm rằng Sáng kiến Trung Quốc ban đầu là một biện pháp hành chính nhưng ngày càng xuất hiện thêm các lời kêu gọi đưa sáng kiến này thành luật.
Hai tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật để khởi động lại Sáng kiến Trung Quốc, với sự ủng hộ của 214 đảng viên Cộng hòa và 23 đảng viên Dân chủ.
Mặc dù dự luật này khó có thể được thông qua tại Thượng viện, vốn hiện do Đảng Dân chủ kiểm soát, nhưng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể đảo ngược tình hình.
Quan hệ Mỹ-Trung đã xuống thấp trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Ảnh ông Donald Trump khi đương chức tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 9/11/2017
Chính phủ Mỹ chưa bao giờ công bố có bao nhiêu người bị truy tố theo Sáng kiến Trung Quốc.
Nhưng theo một báo cáo năm 2021 của MIT Technology Review, trong đó có trích dẫn các thông cáo báo chí được đăng trên trang web Sáng kiến Trung Quốc của Bộ Tư pháp Mỹ từ năm 2018 đến 2021, chưa đến một phần ba trong số khoảng 150 bị cáo liên quan đến 77 vụ án bị kết án.
Gần 90% cá nhân bị buộc tội là người gốc Hoa.
Chỉ có 25% các vụ án bao gồm những cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp Kinh tế, trong khi khoảng một phần ba tập trung vào tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học, có nghĩa liên quan đến việc không khai báo mối liên hệ của họ với các tổ chức hoặc nguồn thu nhập từ Trung Quốc.
Những người chỉ trích cho rằng lý do có thể hoàn toàn vô hại như các quy tắc khai báo không rõ ràng. Hợp tác quốc tế, bao gồm đảm nhận các vị trí ngắn hạn hoặc nhận nguồn tài trợ từ nước ngoài, là những chuyện phổ biến trong giới học thuật.
Giáo sư Hoàng Á Sinh cho biết trước khi có Sáng kiến Trung Quốc, các cuộc điều tra nhằm vào những nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa "chỉ giới hạn ở các khía cạnh công nghệ".
Nhưng sáng kiến này đã lan sang tiết lộ thông tin, vốn không đòi hỏi phải có kiến thức về công nghệ, khiến các cuộc điều tra như vậy rất mang tính chủ quan.
Tổn thương gia đình
Giáo sư Đào Phong và vợ của mình, bà Hồng Bành cho biết gia đình của họ đã phải trải qua thời gian rất khó khăn liên quan đến các hậu quả sau vụ án của chồng bà, mặc dù hiện ông đã được xóa mọi cáo buộc
Đào Phong, cựu giáo sư hóa học tại Đại học Kansas (KU), là học giả gốc Hoa đầu tiên bị truy tố theo Sáng kiến Trung Quốc.
Giới chức trách Mỹ bắt đầu điều tra ông Đào sau khi nhận được một nguồn tin giấu tên.
Hoá ra, nguồn tin đó là một học giả thỉnh giảng tại Đại học Kansas, một người có tranh chấp với ông Đào và đe dọa sẽ báo cáo ông với FBI nếu ông Đào không trả cho bà 300.000 đô la Mỹ, theo một tài liệu của tòa án.
FBI ban đầu tiến hành điều tra Giáo sư Đào Phong về tội gián điệp nhưng không tìm thấy bằng chứng nào.
Thay vào đó, họ phát hiện ra rằng ông Đào đang liên lạc với một trường đại học ở Trung Quốc, nơi đã mời ông làm việc toàn thời gian.
Ông Đào đến Trung Quốc để xây dựng một phòng thí nghiệm cho trường đại học. Năm 2020, Giáo sư Đào, người đã nhận được nguồn tài trợ nghiên cứu từ hai cơ quan liên bang của Mỹ, bị cáo buộc gian lận và cung cấp thông tin sai sự thật.
Giáo sư Đào đã mất hơn bốn năm để minh oan cho mình. Tòa án ra phán quyết rằng các cáo buộc vô giá trị vì ông Đào không nhận lời mời làm việc cũng như không nhận bất kỳ khoản thanh toán nào.
Tòa án cũng cho biết việc Giáo sư Đào không công khai những mối quan hệ với Đại học Kansas là không có gì liên quan đến các cơ quan chính phủ. Phán quyết cuối cùng nhằm vào Giáo sư Đào đã bị hủy bỏ vào tháng Bảy.
Giáo sư Đào đã từ chối trả lời phỏng vấn vì ông đang trong quá trình thương lượng với Đại học Kansas về việc khôi phục lại vị trí của mình.
Đại học Kansas đã không trả lời yêu cầu của BBC.
Gia đình của ông vẫn đang phải chống chọi với hậu quả của vụ án.
"Chồng tôi làm việc ít nhất 16 giờ một ngày, gần như mỗi ngày. Ông ấy chỉ là một nhà khoa học. Tôi không thể tin chuyện này lại xảy ra với chồng của mình," bà Hồng Bành cho biết.
Để trang trải cho chi phí pháp lý 2,3 triệu đô la Mỹ, bà Hồng Bành, một kỹ thuật viên siêu âm, đã phải làm việc sáu ngày một tuần, thường là những ca đêm kéo dài 12 giờ. Gia đình của bà vẫn còn nợ hơn một triệu đô la Mỹ.
Một đêm nọ, sau ca làm việc dài 24 giờ, bà Bành dừng xe trước đèn giao thông, đột nhiên không nhớ mình đang ở đâu nữa. "Tôi vô cùng sợ hãi. Tôi nghĩ nếu tôi gục ngã, cả gia đình mình sẽ tan vỡ".
Tại tòa, bà Bành cũng biết rằng gia đình họ đã bị theo dõi bằng thiết bị drone.
"Vào ngày đầu tiên các con tôi đến trường trung học, họ đã quay lại toàn bộ hành trình của chúng tôi".
Chảy máu chất xám
Ông Hồ An Minh, một chuyên gia về công nghệ nano đã đến Mỹ với niềm hy vọng về triển vọng nghề nghiệp tốt đẹp hơn, cách đây khoảng hai thập niên
Ông Hồ An Minh, một chuyên gia về công nghệ nano, người Canada gốc Hoa, giảng dạy tại Đại học Tennessee, cũng gặp tình cảnh tương tự như Giáo sư Hy và Giáo sư Đào.
Ông Hồ đã bị bắt vào năm 2020 với cáo buộc có thời gian giảng dạy mùa hè tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh trong khi nộp đơn xin tài trợ từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Ông Hồ đã bị giam trong tù tám đêm vì các công tố viên coi ông có nguy cơ bỏ trốn khỏi Mỹ. Ông đã được tuyên trắng án cho sáu tội danh vào năm sau đó, nhưng vụ án đã khiến ông mất tất cả các dự án nghiên cứu.
Phó Giáo sư Hồ, người đã sang Mỹ để mong muốn có một triển vọng nghề nghiệp tốt đẹp hơn cách đây khoảng hai thập kỷ, nói các nhà khoa học gốc Hoa là "những vật tế thần trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị", mặc dù ông tin rằng Mỹ có mối quan tâm chính đáng đối với an ninh quốc gia.
"Xét về lâu dài, điều này sẽ làm suy yếu nền tảng trong vai trò đi đầu của Mỹ đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ," ông nói.
Một báo cáo của Đại học Stanford được công bố vào tháng Bảy cho thấy khoảng 20.000 nhà khoa học gốc Hoa đã rời khỏi nước Mỹ trong khoảng từ năm 2010 đến 2021, với con số thường niên vào năm 2021 tăng gần gấp ba lần so với năm 2010.
Sau khi Sáng kiến Trung Quốc được công bố, số lượng các nhà khoa học Trung Quốc ra đi đã tăng 75%, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học đời sống, vốn đã có hơn 1.000 nhà khoa học ra đi chỉ tính riêng trong năm 2021.
Thế nhưng các tài năng Trung Quốc đã đóng "vai trò quá lớn" trong công nghệ Hoa Kỳ. Chỉ tính riêng trong năm 2020, 17% trong số tất cả các bằng tiến sĩ về khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ đã thuộc về sinh viên đến từ Trung Quốc.
Trước đây, Phó Giáo sư Hồ đã hướng dẫn tám nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Trung Quốc, nhưng hiện tại ông tránh mọi sự hợp tác với các công dân và viện nghiên cứu từ Trung Quốc.
Giáo sư Hy cũng có cùng chung quan điểm. "Thật sáng suốt khi không liên quan gì đến Trung Quốc".
Vào tháng Chín, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung thêm 37 cơ quan Trung Quốc vào danh sách hạn chế xuất khẩu, bao gồm Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nơi Giáo sư Hy từng làm việc.
Giáo sư Hy tin rằng danh sách này sẽ còn dài thêm nữa.
Cả Giáo sư Hy và Phó Giáo sư Hồ đều muốn tranh đấu chống lại sự phân biệt nhằm vào các nhà khoa học gốc Trung Quốc.
Hiện đang tham gia vào các hoạt động vận động, Giáo sư Hy đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng Chín, với hy vọng có thể thuyết phục các nhà lập pháp không khôi phục Sáng kiến Trung Quốc.
"Những lo ngại về tính thiên lệch và nạn phân biệt chủng tộc sẽ không chấm dứt Sáng kiến Trung Quốc. Nhiều người trong cộng đồng học thuật vẫn lo ngại về khả năng bị những công ty và các cơ quan liên bang tiến hành điều tra," ông nói.
Vào năm 2017, Giáo sư Hy đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các hành động của FBI. Vụ án này chỉ được tòa phúc thẩm liên bang bật đèn xanh vào năm ngoái.
Ông hiểu rằng rất khó để thắng kiện, nhưng vẫn tranh đấu.
“Ít ra là chúng tôi muốn đưa các đặc vụ FBI phải bước lên bục nhân chứng và giải trình hành động của họ,” Giáo sư Hy nói.
“Chúng tôi cần bắt họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.”
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn