Mùa bầu cử đá banh
Tác Giả : Lại thị Mơ | Nguồn: Email | Ngày đăng : 2024-11-11 |
Nếu cứ 4 năm có đá banh tranh tài của thế giới, gọi là world cup (wc) sôi nổi thế nào, thì ở Mỹ mỗi 4 năm cũng có bầu cử Tổng Thống (TT), không khí cũng sôi động chẳng kém.
Có rất nhiều trò chơi thể thao, nhưng không có gì đơn giản như đá banh, từ già trẻ lớn bé, không cần rành rẽ luật lệ chơi cũng hiểu. Chỉ cần thấy quả banh lọt vô lưới, cùng với tiếng reo hò dô……dô là biết bên nào thắng. Màu áo của hai đội cũng khác nhau rất dễ phân biệt, ngay cả những người ngồi trên khán đài, cổ vũ cho bên nào cũng mặc màu áo giống cầu thủ.
Bầu cử Mỹ cũng không khác, hai đội:
Dân Chủ ( DC) màu xanh dương, biểu tượng con lừa.
Cộng Hòa ( CH) màu đỏ, biểu tượng con voi.
Mẹ tôi qua Mỹ hơn 30 năm, nhưng mới được đi bầu 7 lần. Những lần trước đây, mùa bầu cử không sôi động, tới ngày bỏ phiếu, mọi người bình thản đi bầu.
Chỉ có 3 lần bầu cử gần đây xuất hiện ông tỷ phú tên Donald Trump được Đảng CH đề cử, mới ồn ào náo loạn.
Hầu như tất cả ứng cử viên ( UCV) TT đều đang giữ một chức vụ trong chính quyền hiện tại: Thống Đốc, Thượng nghị sĩ, dân biểu. Nhưng ông Trump chỉ là thương gia, chưa hề tham gia chính trường, nên bị thiên hạ dè bỉu, chẳng sao hết.
Bất cứ ai sanh ở Mỹ, trên 30 tuổi là đủ điều kiện ứng cử TT.
Trước ngày bầu cử cả năm. UCV chọn theo đảng nào, phải được đảng đó chọn lọc (không dễ đâu). Năm 2016 có gần 20 UCV đảng CH. Tranh cãi om sòm, có vẻ họ không muốn chọn ông Trump.
Đảng không chọn, thì làm UCV độc lập. Có sao đâu?
Nói vậy thôi, chứ ông già gan lì (70 tuổi) cuối cùng cũng đánh bại hết gần 20 UCV trẻ đảng CH.
Không phải dễ dàng tổ chức các cuộc vận động tranh cử, nếu không có tiền. Toàn triệu triệu, có khi lên tới hàng tỷ đô. Vì thế họ phải kêu gọi các nhà tài trợ giúp.
Người dân cho năm, bẩy đồng (góp gió thành bão), người giàu cho năm, bẩy triệu, có khi mấy chục triệu.
Ông Trump có tính cách ngang tàng, bộc tuệch. Khi nói chuyện mặt ông “vênh vênh“, nên bị “chúng“ ghét (chả hiểu làm sao?).
Khi yêu trái ấu cũng tròn/ Khi ghét trái bồ hòn cũng méo.
Năm 16, lần đầu tiên Mỹ có UCV TT phụ nữ, bà Hillary Clinton. Thành tích của bả lẫy lừng khỏi nói: Đệ Nhất phu nhân, Bộ Trưởng ngoại giao, bằng cấp cao, bụng đầy chữ.
Lúc đó người dân vừa trải qua 8 năm có TT đảng DC.
Năm đó không khí bầu cử cũng ồn ào sôi động chẳng kém năm nay.
Phe DC chắc mẩm sẽ thắng. Họ âm thầm chuẩn bị sẵn xe hoa rực rỡ để diễn hành mừng chiến thắng.
Mặc lời ong tiếng ve, ông Trump vẫn lầm lũi đi vận động, và chỉ về nhà lúc 2 giờ sáng của ngày bỏ phiếu.
Mẹ tôi tội nghiệp, ái ngại cho ông già. Bà vẫn thường khuyên con cháu:
Giàu đâu có kẻ ngủ trưa
Hay đâu có kẻ say sưa tối ngày.
Hay đâu có kẻ say sưa tối ngày.
Early birds catch worm.
Năm 2024 ông Trump cũng tận tụy đến mọi nơi mọi chỗ vận động tranh cử. Và cũng chỉ trở về nhà lúc 2 giờ sáng ngày bầu cử, mặc dù giờ ông đã 78 tuổi.
Có 2 số để tính kết quả bầu cử TT Mỹ :
- Phổ thông ( PT) là phiếu người dân chọn.
- Cử tri đoàn ( CTD), là tổng số Thượng nghị sĩ và Dân biểu của tiểu bang đó.
Số phiếu PT của Đảng nào nhiều hơn (dù chỉ 1 phiếu ) sẽ lấy trọn số CTD. Nguyên tắc này được ấn định trong Hiến Pháp từ thời lập quốc.
50 tiểu bang (TB) sẽ có những TB chiến địa, tức là hầu như bất di bất dịch khó thay đổi đảng mà dân trong TB đã chọn. Đây là nơi “khó ăn“, khó thuyết phục “đổi màu”.
Ngoài TB chiến địa, còn loại TB “đong đưa” như cái võng (swing), hễ ai tốt thì theo.
Muốn thắng phải đạt được 270 số CTD.
CA 55,TX 34,NY 31, FL 27, PA 21, III 21,GA 15, NC 15, NJ 15,VA 13, MA 12…
Còn lại vài TB từ 10 trở xuống.
CA luôn luôn xanh, TX đỏ, FL đỏ.
Dĩ nhiên ít có chuyện “trở cờ“, dân trung thành với màu đã chọn.
Vậy thì tập trung vào những nơi “đong đưa”.
Trong các swing state, PA là nơi rất quan trọng, quyết định kết quả.
Năm 16 ông Trump thua bà Hillary phiếu PT, nhưng thắng nhờ phiếu CTD.
Lần bầu cử năm nay PA cũng có dấu ấn đặc biệt đi vào lịch sử bầu cử.
Ông Trump đã thoát chết trong tích tắc ở Butler PA, trên sân khấu rally.
Lần thứ nhì ở FL, lúc ông đang chơi golf.
Thoát nạn sau vụ mưu sát, người dân tin rằng Chúa đã cứu ông. Chúa chọn ông để cứu nước Mỹ.
Từ đó uy tín của ông càng tăng thêm. Tất cả những ai yêu mến ủng hộ ông đều bị gọi là “ cuồng Trump “.
Thời ông Trump tại vị, giá xăng rất rẻ, vì ông chủ trương xài xăng của nước Mỹ sản xuất. Trong khi từ hồi nào giờ, các nước Trung Đông hay Nga, có nguồn dầu tự nhiên vô tận. Họ trở thành người bán xăng dầu cho thế giới.
Một khi bị lệ thuộc, thì phải chịu o ép.
Ông Trump là dân buôn bán, thừa biết câu “ buyer never win “ (người mua thua kẻ bán).
Nhiệm kỳ 20-24 Mỹ có phó TT là phụ nữ: bà Kamala.
Sau khi dịch Covid chấm dứt, hầu như tình trạng kinh tế của toàn thế giới suy thoái. Vật giá leo thang đến chóng mặt, những người bình dân như mẹ tôi rầu rĩ, than thở mỗi khi đi chợ. Trẻ con trong nhà cũng bị cúp những món “ăn chơi”, không còn chip để mà nhâm nhi. Tất cả mọi chi tiêu đều để dành cho những món cần thiết. Mẹ tôi bây giờ là bà nội, bà ngoại cứ dỗ dành đám trẻ, khi không được đi chơi xa. Mọi thứ đều gia tăng, thuế nhà, thuế xe, mà tiền lương vẫn đứng nguyên. Tất cả anh em chúng tôi cũng như các con đã trưởng thành, đều chỉ là những công chức lương “ba cọc ba đồng” như bố chúng tôi ngày trước.
Ngoài lạm phát còn thêm nạn di dân lậu tràn qua biên giới, rồi homeless tràn ngập nhiều thành phố.
Tin tức và hình ảnh sờ sờ trước mắt.
Ông Trump ra ứng cử lần này đã 78 tuổi, nhưng tính cách vẫn không thay đổi.
Non sông dễ đổi, bản chất khó dời.
Vẫn ăn nói ngang tàng, vẫn làm cho chúng “ ghét “.
Còn UCV đảng DC là bà Kamala, vì là phó TT, có nhiều lợi thế được nhiều đài truyền thanh truyền hình ủng hộ DC ca tụng hết lời.
Thời internet, mọi tin tức lan truyền khắp thế giới qua mạng xã hội (MXH) đến chóng mặt. Chỗ nào cũng chia thành 2 phe.
Đám con cháu bây giờ đã lớn, chúng được quyền bỏ phiếu, là quyền tự do bất khả xâm phạm của mỗi công dân. Không biết họ chọn ai, trừ khi chính họ nói ra.
Thời gian tranh cử chính thức được bắt đầu (6 tháng trước ngày bầu cử). Hai UCV bắt buộc phải có 2 hay 1 lần tranh luận, đối chất trước công chúng (debate).
Đài truyền hình được chọn, sẽ đặt câu hỏi cho hai UCV. Dĩ nhiên phải công bằng trung thực.
Than ôi! Đó chỉ là nguyên tắc, còn có trung thật vô tư không, thì người xem tự nhận xét.
Sau debate, bà Kamala đã làm cử tri bắt đầu nghi ngờ khả năng ứng xử của bà.
Các cuộc vận động tranh cử (rally) khắp mọi nơi bắt đầu sôi động.
YouTube ra rả suốt ngày chọn tin hấp dẫn để câu view.
Còn đài truyền thanh truyền hình ủng hộ cho UCV nào thì cổ động cho UCV đó.
Ông Trump chỉ có 2 đài, còn bà Kamala nhiều gấp đôi.
Để người dân hoang mang, họ phao tin giả, ông Trump gọi là fake news. Chữ này bắt đầu phổ biến từ ngày đó.
Người bình thường không thể hiểu những quy định về quyền hạn của: Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, khống chế lẫn nhau.
Đảng DC có lợi thế đang cầm quyền, nên UCV đối lập là ông Trump khốn khổ phải ra hầu tòa ở NY ròng rã suốt 6 tuần. Phe DC muốn tạo hình ảnh một UCV tội phạm. Tuy nhiên no proof no guilty.
Một trong những điều quan trọng của công dân Mỹ là thượng tôn pháp luật (cũng như khi bị police chận, thì đừng có cãi, hì hì).
Ông Trump phải ra hầu tòa, nhưng không bao giờ nhận tội. Có đâu mà nhận ?
Họ còn nghĩ cách nhốt ông cho tới khi qua bầu cử, mặc dù ông vẫn là UCV TT.
Nhưng không, vẫn có người bênh vực. Ông Trump vẫn được tự do đi cổ động .
Thời thế đã thay đổi, người dân bắt đầu quan sát, nhận xét về đường lối chủ trương của các UCV.
Rất nhiều tin đồn thất thiệt được tung ra để kiếm phiếu.
Nhiều người già lo sợ ông Trump thắng, sẽ cúp hết mọi thứ phúc lợi đang có (thật là vô lý), nên họ luôn luôn chọn DC. Trong khi đó giới trẻ lại chọn CH. Thế là xung đột xảy ra giữa bạn bè, người thân.
Mẹ tôi trái lại, rất sáng suốt, bà chọn đảng CH.
Các con đều chọn đỏ, nhưng đám cháu chọn xanh.
Cha mẹ, hết năn nỉ, tới “hăm he”:
Đứa nào bỏ cho DC, từ giờ phải tự lo tiền ăn, tiền học. Không giúp nữa.
Dĩ nhiên chúng chỉ dạ dạ thưa thưa ngoài miệng. Còn trong phiếu bầu làm sao biết?
Bà cụ hàng xóm có cô giúp việc chưa bao giờ đi bầu. Cô nói với tôi:
Cô ơi ! Cô giúp con ghi tên bầu cử. Con tức lắm rồi, con phải bầu cho ông Trump.
Tưởng gì, bầu cho ông Trump thì theo tôi. Thế là dẫn đi ghi tên, rồi xin bầu bằng thư luôn.
Tôi hăng hái xung phong giúp các cụ già viết phiếu bầu bằng thư, cũng may các cụ đồng ý: Tuỳ cháu.
Người bình dân đâu biết số Thượng nghị sĩ TNS, dân biểu DB rất quan trọng cho TT cùng đảng. Vì giúp chính sách (kế hoạch) của TT được thông qua.
Ngày bầu cử mẹ tôi vô cùng hồi hộp, cứ chăm chăm nhìn lên màn ảnh TV.
Mỗi khi màu đỏ ít hơn màu xanh bà than thở luôn miệng. Các cháu phải trấn an:
Màu đỏ còn nhiều mà bà.
Người Mỹ có cách diễn tả thật đơn giản, hữu dụng. Đau nhiều đau ít thì dùng con số.
Đỏ ít là hồng, đỏ nhiều là đỏ, cho tới khi “ đỏ chét “ là phe ta thắng rồi.
3 giờ sáng ngày thứ Tư, mẹ tôi thức dậy vội vã bật TV, thấy cả gia đình ông Trump lên sân khấu. Bà tưởng mọi người không biết, chạy vô từng phòng đánh thức mọi người.
Chưa bao giờ mẹ tôi phấn kích đến như vậy, người lớn mặt mày rạng rỡ, còn đám trẻ mặt mũi buồn hiu. Tụi nó đã biết kết quả cả giờ trước rồi.
Năm nay ông Trump thắng cả phiếu PT lẫn CTD.
Kết quả bầu cử năm nay đã làm yên lòng cử tri, vì cả hai lưỡng viện cũng có đa số TNS, DB của đảng CH, sẽ hỗ trợ cho những gì ông Trump hứa:
- Giảm lạm phát (điều mong muốn của người nghèo).
- Giải quyết nạn di dân lậu.
- Mang lại cảnh quan cho nhiều thành phố bị xuống cấp vì homeless tràn ngập.
- Tạo công ăn việc làm.
- Giảm giá xăng dầu.
- Trên hết tất cả là mang lại hoà bình cho thế giới.
Tội nghiệp cho ông già 78 tuổi còn phải mang trọng trách nặng nề. Nhưng người dân tin rằng Chúa vẫn bao vệ che chở cho ông hoàn thành tâm nguyện, trước khi nghỉ ngơi.
Mẹ tôi nói đùa:
Cây cao bóng cả không ngồi
Ra ngồi chỗ nắng nói trời không râm.
Ra ngồi chỗ nắng nói trời không râm.
Tội nghiệp ông già.
God bless America.
Lại thị Mơ
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |