Việt Nam trước khả năng bị Trung Quốc sử dụng để lách thuế từ Mỹ trong nhiệm kỳ Trump 2.0
Nguồn: BBC Ngày đăng : 2024-11-16
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2024 tại Peru vào ngày 14/11 theo giờ địa phương
Khi ông Donald Trump sắp sửa quay trở lại Nhà Trắng, chiến tranh thương mại đã trở thành chủ đề đứng đầu chương trình nghị sự của các lãnh đạo tại Thượng đỉnh APEC 2024.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - cao hơn nhiều so với mức 7,5-25% mà ông đã áp trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Nếu Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - sử dụng đến chủ nghĩa bảo hộ hàng loạt trong nhiệm kỳ lần 2 của ông Trump, nhiều nền kinh tế nhỏ hơn có thể tiếp bước.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng về viễn cảnh chủ nghĩa bảo hộ và thương chiến Mỹ-Trung thời Trump 2.0.
Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương đã bị chỉ trích tại APEC 2024 cho thấy các lãnh đạo thế giới đang rất quan ngại về viễn cảnh này dù có thể họ sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2024 ở thủ đô Lima của Peru vào ngày 14/11 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường nói về cần bỏ tư duy "nhất bên thắng, nhất bên thua".
"Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới hàng trăm năm qua, không ai có thể phủ nhận được là, chỉ khi thương mại được thúc đẩy, được kết nối, người dân được tham gia và thụ hưởng thì mới có phát triển, mới có thịnh vượng; và ngược lại, đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói. Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy 'nhất bên thắng, nhất bên thua', không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách."
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường tại Đối thoại không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC ở thủ đô Lima của Peru vào ngày 15/11
Tuyên bố của ông Lương Cường được đưa ra trong bối cảnh thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ là một vấn đề gây khó chịu lớn đối với chính quyền Trump nhiệm kỳ 2, theo giới quan sát.
Việt Nam theo đó có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các biện pháp bảo hộ từ Washington.
Mức thặng dư cao của Việt Nam đối với Mỹ một phần xuất phát từ việc Việt Nam được dùng làm nơi lắp ráp cho các thành phần, vốn phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc và đôi khi dẫn đến các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Về phần mình, trong bài phát biểu tại APEC vào thứ Sáu 15/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại:
"Thế giới đã bước vào một giai đoạn mới của sự hỗn loạn và thay đổi, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng lan rộng, tính chất phân mảnh của nền kinh tế thế giới ngày càng gia tăng."
“Việc cản trở hợp tác kinh tế bằng cách viện nhiều lý do khác nhau, không ngừng thúc đẩy sự cô lập trong một thế giới tương hỗ đang làm đảo ngược tiến trình lịch sử,” ông Tập nói thêm.
'Đường tránh để lách thuế'
Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vào ngày 12/11/2017
Ngày 16/11, bình luận với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói:
"Không chỉ thặng dư thương mại của Việt Nam tăng vọt mà lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ của Việt Nam cũng hoàn toàn không tăng."
"Đối với chính quyền Trump, điều này là không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ chúng ta cũng phải chú ý đến thực tế là Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam."
Bên cạnh tìm kiếm lợi nhuận bên ngoài đất nước, một số công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Nếu Việt Nam bị xem là một quốc gia được Trung Quốc sử dụng để lách các chính sách thương mại của Mỹ, họ có thể vấp phải sự chỉ trích của chính quyền Trump," Giáo sư Zachary Abuza nói.
Trong bài viết ngày 13/11 trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng nên quan ngại về làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
"Hà Nội nên thận trọng khi phê duyệt các dự án của Trung Quốc nhằm sử dụng Việt Nam làm đường tránh để lách các rào cản thuế quan của Mỹ. Hà Nội cũng cần có cách tiếp cận có chọn lọc hơn và thậm chí phải sẵn sàng từ chối các dự án từ Trung Quốc sử dụng nhiều lao động hoặc tài nguyên."
Việt Nam hiện có mức thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ ba trên thế giới, xếp sau Trung Quốc và Mexico.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Mỹ vượt mức 100 tỷ đô la sau 9 tháng đầu năm 2024, là đối tác có trao đổi thương mại lớn thứ 2, sau Trung Quốc (150 tỷ đô la).
Chính quyền Trump 2.0 đã tuyên bố sẽ áp thuế từ 20% đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
"Nếu Mỹ tăng áp thuế lên Trung Quốc, chuyện này sẽ thực sự có tác động đối với Việt Nam, một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Chỉ riêng xuất khẩu sang Mỹ đã chiếm hơn 20% GDP," Giáo sư Zachary Abuza nói thêm.
Giám sát tiền tệ
Việt Nam nằm trong danh sách 7 nền kinh tế bị giám sát tiền tệ của Mỹ
Ở nhiệm kỳ thứ nhất, ông Trump đã thường xuyên phàn nàn rằng đồng đô la mạnh làm giảm sức cạnh tranh thương mại của Hoa Kỳ. Kết thúc nhiệm kỳ đầu của ông tại Nhà Trắng, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố Việt Nam và Thụy Sĩ là các nước thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020 do các can thiệp vào thị trường nhằm làm suy yếu giá trị đồng tiền của họ.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ cho biết tính đến ngày 30/6/2024, không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ nằm trong danh sách thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện nằm trong danh sách 7 nền kinh tế bị giám sát tiền tệ, theo báo cáo được công bố vào ngày 14/11 của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Đức vào “danh sách giám sát” để theo dõi kỹ lưỡng hơn về hối đoái.
Ngoài ra, vào ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Nếu Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Mỹ xem xét công nhận là nền kinh tế thị trường thì quy trình này có thể phải tiếp tục mất thêm nhiều tháng nữa.
Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường từ năm 2002 trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với xuất khẩu cá da trơn. Tình trạng này gây bất lợi cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.
Hiện chỉ có 12 quốc gia bị Mỹ xác định là có nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam.
Chân dung ông Trump: Hai lần đắc cử tổng thống Mỹ
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn