Sử dụng " tên lửa chiến lược " oanh kích Ukraina : Tín hiệu đe dọa mới của Nga nhắm vào châu Âu ?
Tác Giả : Trọng Thành | Nguồn: RFI | Ngày đăng : 2024-11-22 |
Trong đêm hôm 20 qua ngày 21/11/2024, Matxcơva đã dùng tên lửa đạn đạo chiến lược, có thể mang được đầu đạn hạt nhân, tấn công Ukraina. Cùng với việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân, mở rộng khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử trong xung đột, hành động nói trên của Nga rõ ràng là một bước leo thang mới trong cuộc đối đầu với phương Tây. Vậy mục tiêu của Nga là gì ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với quốc dân, ngày 21/11/2024, từ điện Kremlin. via REUTERS - Vyacheslav Prokofyev
Hiện tại các chuyên gia quân sự tiếp tục tìm hiểu về loại vũ khí đã được điện Kremlin sử dụng để tấn công một địa điểm thuộc thành phố Dnipro, miền trung Ukraina. Một số chuyên gia nói đến loại tên lửa chiến lược tầm trung có tầm bắn hơn 5.500 km được cải biên. Trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định đây là một " tên lửa đạn đạo tầm trung " (IRBM) đang trong giai đoạn thực nghiệm, mang tên " Orechnik ".
Lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo được sử dụng trên chiến trường
Có một điều được giới quan sát coi như chắc chắn : Hỏa tiễn vừa được dùng để oanh kích là một tên lửa đạn đạo chiến lược, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một tên lửa chiến lược có thể mang đầu đạn hạt nhân được sử dụng để oanh kích đối phương. Theo chuyên gia Héloise Fayet, việc sử dụng tên lửa này " hoàn toàn không làm thay đổi đáng kể cục diện trên chiến trường ", và những tên lửa loại này là rất đắt tiền và chắc chắn Nga không có nhiều. Vậy vì sao Nga dùng tên lửa đạn đạo chiến lược để tấn công Ukraina ?
Theo AFP, giới chuyên gia đều thống nhất ở một điểm : cuộc oanh kích này là một " thông điệp chính trị " gửi đến Kiev và các đồng minh phương Tây. Cuộc tấn công diễn ra ngay sau khi Kiev dùng các tên lửa chiến thuật tầm xa do Mỹ và Pháp, Anh viện trợ, với tầm bắn có thể lên đến 300 km, để tấn công một số mục tiêu trên đất Nga, điều vốn được Matxcơva coi như một " lằn ranh đỏ ".
Điện Kremlin ngay lập tức hứa hẹn trả đũa. Nga cho thấy cũng sẵn sàng vượt qua lằn ranh đỏ. Cuộc oanh kích bằng tên lửa đạn đạo chiến lược nói trên diễn ra ngay sau khi điện Kremlin chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân, cho phép Nga dùng vũ khí hạt nhân tấn công một quốc gia không có vũ khí hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh quốc gia thù địch nói trên được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn, thách thức toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Ngụ ý rõ ràng nhắm vào Ukraina và đồng minh.
Cuộc oanh kích nói trên để ngỏ khả năng là Matxcơva có thể " sẵn sàng cho mọi kịch bản ", nếu phương Tây hậu thuẫn Kiev mạnh mẽ hơn về quân sự, như điều mà Putin tái khẳng định hôm qua. Cuộc oanh kích lần này được tiến hành với tên lửa chiến lược không mang đầu đạn hạt nhân, thì lần tới, không thể loại trừ là với đầu đạn hạt nhân.
Hỏa tiễn đạn đạo khoét sâu chia rẽ Mỹ và châu Âu
Theo một số chuyên gia, cảnh báo mới nói trên của Matxcơva không nhắm đến phương Tây nói chung, mà chủ yếu hướng đến châu Âu. Theo phỏng đoán của chuyên gia về rủi ro an ninh quốc tế Stéphane Audrand, Nga không muốn leo thang căng thẳng trực tiếp với Mỹ, mà mục tiêu chính là " gia tăng áp lực tối đa với châu Âu ". Cuộc tấn công diễn ra đúng vào lúc nước Mỹ chuẩn bị chuyển giao quyền lực.
Việc Trump lên nắm quyền có thể là một cơ hội vàng với Matxcơva, bởi tổng thống tân cử Mỹ thường được coi là người có chủ trương giảm bớt hậu thuẫn quân sự của Hoa Kỳ với châu Âu. Không có đủ hậu thuẫn của Mỹ, an ninh của châu Âu sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết kể từ Thế Chiến Hai.
Dĩ nhiên, tại châu Âu có hai cường quốc hạt nhân là Pháp và Anh. Vấn đề là Paris và Luân Đôn có sẵn sàng dùng hệ thống răn đe hạt nhân của mình để bảo vệ châu Âu hay không ? Và các đồng minh châu Âu có sẵn sàng đóng góp vào hệ thống răn đe hạt nhân chung này hay không ? Từ rất lâu nay, vấn đề này vẫn được để ngỏ, và hiện chưa có nỗ lực đáng kể nào để mang lại giải pháp.
Phản ứng răn đe trước mắt của các cường quốc hạt nhân châu Âu
Để đáp trả lại tín hiệu đe dọa hạt nhân mới của Nga, ba cường quốc hạt nhân phương Tây, Mỹ, Anh và Pháp, được chờ đợi sẽ có các động thái " răn đe chiến lược " tương thích. Theo chuyên gia Stéphane Audrand, các phản ứng của các cường quốc hạt nhân phương Tây có thể ít được công chúng biết đến, nhưng đã mang lại hiệu quả.
Vào thời điểm khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraina, tháng 2/2022, Matxcơva từng cho các tàu ngầm hạt nhân rời khỏi căn cứ. Ít tuần lễ sau, Pháp và Mỹ cũng làm tương tự để đáp trả. Rút cục Nga đã phải chọn giải pháp xuống thang, với việc đưa tàu về căn cứ. Chuyên gia Stéphane Audrand tin tưởng là một trong ba cường quốc hạt nhân phương Tây, hoặc cả ba sẽ có một tín hiệu như vậy trong thời gian tới để xác lập trở lại " thế cân bằng " về răn đe hạt nhân.
-------------
Pháp và Anh cam kết không để Putin " đạt được mục tiêu " tại Ukraina
Tác Giả : Trọng Thành | Nguồn: RFI | Ngày đăng : 2024-11-22 |
Sau vụ Nga dùng tên lửa đạn đạo tấn công Ukraina, hôm qua, 21/11/2024, ngoại trưởng Pháp và Anh đồng ký tên vào một phát biểu chung, lên án nỗ lực của nhà cầm quyền Nga " hủy diệt kiến trúc an ninh (quốc tế) đã bảo đảm nền hòa bình kéo dài nhiều thế hệ ", đưa thế giới trở lại kỉ nguyên lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.
Một vụ nổ tại Kiev do bị Nga tấn công bằng drone, ngày 03/11/2024. REUTERS - Gleb Garanich
Trong bài phát biểu, đăng tải trên trang mạng báo Le Figaro, ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot và đồng nhiệm Anh David Lammy cam kết cùng các đồng minh " triển khai mọi nỗ lực cần thiết để giúp Ukraina có được vị thế thuận lợi nhất, nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững ".
NATO tiếp tục hậu thuẫn Kiev
Tối hôm qua, 21/11/2024, NATO ra một thông báo nhấn mạnh việc Nga sử dụng " tên lửa đạn đạo tầm trung " chống lại Ukraina " sẽ không làm thay đổi tiến trình xung đột cũng như quyết tâm của các đồng minh NATO hậu thuẫn Kiev ". AFP hôm nay 22/11, cho hay theo một số nguồn tin ngoại giao, NATO và Ukraina có cuộc họp cấp đại sứ tại Bruxelles vào ngày 26/11, để bàn về cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh của Nga, theo đề nghị của Kiev.
Về phản ứng từ Ukraina, thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết cụ thể :
" Ngày thứ Tư 20/11, nhiều sứ quán tại Kiev đóng cửa với thông báo đã nhận được thông tin về một cuộc oanh kích lớn và ngay tức khắc tại Ukraina. Việc Matxcơva hôm qua sử dụng một loại tên lửa mới để tấn công thành phố Dnipro dường như đã xác nhận các lo ngại này có cơ sở.
Tổng thống Ukraina lên án cuộc tấn công mới : "Hôm nay, kẻ láng giềng điên rồ của chúng ta một lần nữa đã cho thấy bộ mặt thật của mình, cho thấy nhà cầm quyền Nga sẵn sàng chà đạp lên phẩm giá, tự do và quyền sống của mọi người như thế nào, và cũng cho thấy họ sợ hãi đến mức nào, khi phải sử dụng các loại tên lửa mới như vậy."
Ukraina thoạt tiên nói đến việc Nga sử dụng một tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng giờ đây Kiev chỉ nói đến tên lửa tầm trung, tương tự như các đồng minh, trong khi chờ đợi thẩm định của các chuyên gia.
Tổng thống Ukraina nói : Putin tìm kiếm vũ khí khắp nơi trên thế giới. Đôi lúc ở Iran, đôi lúc ở Bắc Triều Tiên, và giờ đây là tên lửa mới này, có các đặc tính giống với tên lửa liên lục địa, về các chỉ số như tốc độ, độ cao. Các điều tra vẫn đang diễn ra. Nhưng rõ ràng là Putin đang sử dụng Ukraina như một thao trường. Điều rõ ràng là ông ta sợ hãi khi chứng kiến cuộc sống bình thường đang diễn ra quanh mình, khi tất cả mọi người đơn giản là muốn sống có phẩm giá.
Ngày 21/11 là ngày Tự Do và Phẩm Giá tại Ukraina, kỉ niệm các cuộc cách mạng 2004 và 2013, khi người dân nổi dậy chống lại sự cai trị của Nga. Bất chấp các cuộc tấn công gần như hàng ngày của Matxcơva, dân chúng tại đây không chấp nhận từ bỏ ước mơ về một nước Ukraina độc lập, hội nhập với châu Âu. "
Nga thông báo với Mỹ 30 phút trước cuộc tấn công
Theo phát ngôn viên của điện Kremlin, được báo chí Nga dẫn lại, Matxcơva đã thông báo với Washington 30 phút trước khi tiến hành cuộc oanh kích. Một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận là phía Mỹ đã được thông báo qua " các kênh giảm thiểu nguy cơ hạt nhân ".
Người phát ngôn của Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre, cho biết " xem xét nghiêm túc " các đe dọa từ Nga, nhưng tái khẳng định Mỹ " không lý do gì " để thay đổi học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của mình, sau khi Nga quyết định mở rộng các trường hợp cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |