Lại chuyện cái cây Ngô Đồng.
Tác Giả : Peter Phạm | Nguồn: Email | Ngày đăng :2024-06-25 |
Trước hết cám ơn Diễn Đàn Ba Cây Trúc đã đăng tải những bài viết lên Diễn Đàn, để mọi người liên hệ có cơ hội giải tỏa nổi lòng …thòng.
Phàm ở đời, mọi sự tùy duyên cả, có duyên thì hỏng gỏ cửa cũng mở, từ sự lùm xùm, tiếng chì tiếng bấc, nào là kháng chiến bịp, chiến khu ma, lục lâm thảo khấu, lạc quyên tiền bạc, máu đổ đầu rơi, tái nạm gầu gân xách ….. Mặt trận miền Tây hỏng chịu yên tĩnh, vẫn âm ỉ, ì xèo, giữa ông Âu Đặng vs ông Đỗ Thông Minh.
Dzậy mà có ngờ đâu câu chuyện xoay vòng thành chuyện văn chương và Tui cũng cám ơn ông Trần Huy Bích đã cất công tìm kiếm, thâu nhặt những chi tiết liên hệ đến 2 câu thơ, dù, (như ông viết ) “vài tìm tòi khiêm nhượng phía trên.” [Tham chiếu bài XUẤT XỨ CỦA CÂU “NGÔ ĐỒNG NHẤT DIỆP LẠC …” --- (Tác Giả : Trần huy Bích)]
Ngô Đồng nhất diệp lạc .
Thiên hạ cộng trị thu.
Thiên hạ cộng trị thu.
Những chi tiết ông Bích đưa ra, thực ra tui đã mày mò, lục lọi trên khắp nẻo đường đất nước ….. Google, ông Thầy Gú-Gồ cũng cung cấp hết mình , nhưng , những tài liệu trên Google cũng chưa thỏa đáng và có nhẽ xuất xứ của 2 câu thơ “ Ngô đồng…….” Sẽ đi vào Huyền thoại và tác giả có nhẽ sẽ mãi mãi Khuyết Danh.
Trong quá trình đi tìm xuất xứ của câu thơ, vô tình tìm ra nhiều điều thú vị cũng như bài thơ Hoàng hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, (không cần thiết viết ra, ai cũng biết) ông thi tiên Lý Bạch leo lên lầu Hoàng Hạc, thấy cảnh đẹp hùng vĩ lung linh, định vung tay múa bút, nhưng kịp thấy bài thơ của Thôi Hiệu hay quá, không thể hay hơn được nửa, ông LB tay run, bút rớt, đành than rằng “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc. Thôi Hiệu đề thi tại thượng lầu ” cũng ông Ly Bach vớ vẫn này, hỏng biết từ bao giờ mà cây Ngô Đồng trở thành ước lệ của Mùa Thu, cũng hỏng biết LB ghét bỏ Mùa Thu hay Ngô Đồng mà thơ rằng “Thu sắc lão Ngô Đồng ”, nghe chẳng thích chút nào!
Trong bài viết của ông Bích đã thể hiện nét đặt thù của một công chức, sự tuân thủ máy móc của một nhân viên thư mục.
Ông Bích cho rằng chữ thứ 3 trong câu 2 phải là chữ “tận” thì mới đúng bài, ai mà thích 2 câu thơ đó thì cũng đều biết chữ Tận, chữ. “tận tri thu” tung hoành ngang dọc bên Tàu ra sao thì tui hỏng biết, nhưng chữ Tận lọt qua VN thì bị bóp cổ thả trôi sông ngay lập tức, ai mà dám làm điều đó, xin thưa là các Cụ Xưa của chúng ta. Thử đọc lại 2 câu thơ
Ngô Đồng nhất diệp lạc
Thiện hạ tận tri thu.
Thiện hạ tận tri thu.
Chỉ vỏn vẹn có 10 chữ mà đã 2 lần khẳng định :
Lần 1/ nhất diệp lạc,
Lần 2/ tận tri thu.
Văn chương thi phú mà cứng như củi khô, nói như ra lệnh thì còn gì là văn chương, còn gì là nghệ thuật.
Chữ Tận trong câu thơ như ép đặt, cưỡng chế, như nhát chém vào sự rung cảm tâm hồn người nghe. Cũng giống như Diệt Tuyệt Sư Thái chương môn phái Hằng Sơn ra lệnh cho tăng ni đệ tử phải “truy cùng giết Tận” kẻ thù. Chính trị,binh gia, chủ nghĩa thì mới sắt máu, dã man như bọn Cộng Sản chủ trương “trí phú địa hào, đào Tận gốc, trốc Tận rễ”, nghe mà rợn cả người.
Các Cụ Xưa đã quá tài hoa khi thế chữ Tận bằng chữ Cộng, chữ cộng ở đây như lời mời gọi, mơn man, cộng hưởng cùng nhau, cùng thưởng thức Mùa Thu, mùa thu có gió heo may, có lá khô rơi xào xạc, có con Nai vàng ngơ ngác, có hạnh phúc lứa đôi, Thu đi cho lá vàng rơi, lá rơi cho đám cưới về, mùa thu của lãng mạn, của trào dâng cảm xúc, ông Đoàn Chuẩn, cả một đời sáng tác để lại cho chúng ta một gia tài hỏng nhỏ, (hỏng phải nước mắm Vạn Vân) mà là Âm Nhạc, những bài tình ca, hầu như bài nào cũng ca tụng màu xanh và Mùa Thu, “Anh mong chờ Mùa Thu, Thu Quyến Rũ,” (cũng may hỏng có Thu Lẳng Lơ, nếu có, tui cũng thích lắm).
Các Cụ Xưa quả thật là tài hoa lãng mạn, đã hòa âm phối khí cho câu thơ Ngô Đồng... bằng chữ Cộng, nếu không thế thì chưa chắc 2 câu thơ đó có thể sống sót và được lưu truyền đến Tận (chữ Tận ở đây hay đáo để) ngày hôm nay. Tui hỏng nói đùa đâu, như số phận bài hát Ngậm Ngùi ông Phạm Duy phổ thơ Huy Cận , bài hát ra đời và nằm chết dí trong tủ nhạc cả mấy mươi năm dài, mãi cho đến khi ông Nghiêm Phú Phi soạn lại, làm mới phần hoà âm phối khí và tiếng hát Lệ Thu đã thắp cảnh đưa bản nhạc Ngậm Ngùi lên cao bay xa , xa cho đến tận bây giờ (chữ Tận dùng trong trường hợp này đã vô cùng đúng).
Thế nên như tui đã nói
. “ đừng thấy Hoa nở mà tưởng Xuân về”
Mà nếu có ai đó cứ …tưởng Xuân về, thì chắc chắn người đó, có họ hàng với ông Cung Trầm Tưởng … Bở.
Một lần nữa cám ơn ông Trần huy Bích.
Peter Pham
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |