Tội Ác Của Tàu Cộng Trên Biển
(Phần cuối)
(Phần cuối)
Tác giả : Đỗ Quân | Nguồn: Thời Báo Canada | Ngày đăng: 2024-02-11 |
(Tiếp theo Phần 1)
Cướp phá mọi vùng biển
Theo Global Initiative Against Transnational Organized Crime (Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm có Tổ chức xuyên quốc gia), Trung quốc là nước thực hiện việc đánh bắt bất hợp pháp nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Hoạt động trên biển cả rất tốn kém và hầu như không có sự hiện diện của cơ quan thực thi pháp luật – điều này khuyến khích việc đánh cá ở các vùng cấm và sử dụng các kỹ thuật bị cấm để đạt được lợi thế cạnh tranh. Môi trường là cái giá phải trả cho việc đánh bắt cá quá mức. Một phần ba trữ lượng hải sản của thế giới đang bị đánh bắt quá mức. Nguồn dự trữ mực ống vốn từng dồi dào nay đã sụt giảm nghiêm trọng. Hơn 30 quốc gia, có cả Trung quốc, đã cấm lấy vây cá mập nhưng hoạt động này vẫn tiếp diễn. Các tàu Trung quốc thường đánh bắt cá mập đầu búa, cá mập trắng đại dương và cá mập xanh để lấy vây làm súp vi cá. Năm 2017, chính quyền Ecuador đã tìm thấy ít nhất 6,000 con cá mập bị đánh bắt trái phép trên một tàu đông lạnh. Các loài sinh vật biển khác cũng đang bị tàn sát. Các tàu đánh cá totoaba, một loài cá lớn có bong bóng có giá cao trong kỹ nghệ thuốc bắc, đã dùng lưới làm cho loài cá heo vaquita, loài chỉ sống ở Biển Cortez của Mexico, vô tình vướng vào và chết đuối. Theo các nhà nghiên cứu hiện chỉ còn lại khoảng mười con cá heo vaquita. Trung quốc có đội tàu bottom trawler lớn nhất thế giới, kéo lưới qua đáy biển, san bằng các rạn san hô. Trầm tích biển lưu trữ một lượng lớn carbon, và theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature, các tàu bottom trawler hàng năm thải ra gần một tỷ rưỡi tấn carbon dioxide – nhiều bằng lượng phát thải của toàn bộ ngành hàng không. Hoạt động đánh bắt trái phép của Trung quốc cũng cướp đi nguồn tài nguyên của các nước nghèo. Ước tính hoạt động đánh bắt trái phép của đội tàu hàng trăm chiếc được Trung Quốc duy trì ngoài khơi Tây Phi gây thiệt hại cho khu vực hơn 9 tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Nơi tập trung tàu đánh cá bất hợp pháp lớn nhất thế giới có thể là đội tàu câu mực Trung quốc ở vùng biển Bắc Hàn. Năm 2017, để đáp trả các cuộc thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn, Hội đồng Bảo an LHQ, với sự hậu thuẫn rõ ràng từ Trung quốc, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm tước đi nguồn ngoại tệ của chính phủ Kim Jong Un, một phần bằng cách ngăn chặn Bắc Hàn bán quyền đánh cá, một nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, theo LHQ, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục kiếm được ngoại tệ – 120 triệu Mỹ kim chỉ riêng năm 2018 – bằng cách cấp quyền đánh cá (bất hợp pháp) cho ngư dân Trung quốc. Trên trang web Zhihu của Trung quốc có một quảng cáo về giấy phép do quân đội Bắc Hàn cấp để đánh bắt cá “không rủi ro, năng suất cao” và không có giới hạn đánh bắt: “Mong có sự hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Trung quốc dường như không thể hoặc không muốn thực thi các biện pháp trừng phạt đối với đồng minh của mình.
Tàu Trung quốc đã góp phần làm suy giảm trữ lượng mực trong khu vực; sản lượng đánh bắt giảm khoảng 70% kể từ năm 2003. Ngư dân địa phương không thể cạnh tranh. Haesoo Kim, lãnh đạo hiệp hội ngư dân Nam Hàn trên đảo Ulleung nói: “Chúng tôi sẽ bị phá sản”. Các tàu đánh cá Bắc Hàn đã buộc phải đi xa bờ hơn, nơi họ gặp bão hoặc hỏng máy tàu, còn các thủy thủ phải đối mặt với cái đói, cái lạnh và chết đuối. Khoảng 100 tàu đánh cá nhỏ của Bắc Hàn giạt vào bờ biển Nhật Bản hàng năm, một số mang theo thi thể của ngư dân. Các tàu Trung quốc ở vùng biển này cũng nổi tiếng với việc lao vào tàu tuần tra. Năm 2016, ngư dân Trung quốc đụng chìm tàu cá Nam Hàn ở Hoàng Hải. Trong một vụ khác, Lực lượng Duyên phòng Nam Hàn đã phải nổ súng khi hơn hai chục tàu Trung quốc lao vào tàu của họ.
Năm 2019, tôi (ký giả Ian Urbina của OOP) đi cùng tàu câu mực của Đại Hàn tới vùng biển biên giới giữa Bắc – Nam Hàn. Chúng tôi không mất nhiều thời gian để tìm thấy một đoàn tàu mực Trung quốc đang tiến vào vùng biển Bắc Hàn. Chúng tôi đi theo và phóng drone để ghi lại số nhận dạng của các tàu này. Một trong những thuyền trưởng Trung quốc đã hú còi và nháy đèn – những dấu hiệu cảnh báo trong nghi thức hàng hải. Vì chúng tôi đang ở vùng biển Nam Hàn và ở một khoảng cách hợp pháp nên thuyền trưởng tàu chúng tôi đã tiếp tục hành trình. Thuyền trưởng Trung quốc sau đó đột ngột lao tàu về phía chúng tôi, theo quỹ đạo va chạm. Thuyền trưởng của chúng tôi đã phải chuyển hướng khi tàu Trung quốc chỉ còn cách 30 feet.
Bộ Ngoại giao Trung quốc nói với tôi rằng “Trung quốc đã thực thi một cách nhất quán và tận tâm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến Bắc Hàn” và nói thêm rằng nước này đã “liên tục trừng phạt” hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Nhưng Bộ này không thừa nhận cũng không phủ nhận việc Trung quốc đưa tàu vào vùng biển Triều Tiên. Vào năm 2020, Tổ chức phi lợi nhuận Global Fishing Watch đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để chứng minh rằng hàng trăm tàu mực Trung quốc thường xuyên đánh bắt mực ở vùng biển Bắc Hàn. Đến năm 2022, Trung quốc đã cắt giảm 75% đội quân bất hợp pháp này so với thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, ở những vùng biển không được kiểm soát, số giờ làm việc của đội tàu đã tăng lên và quy mô đánh bắt của đội tàu chỉ có tăng.
Những ngày cuối cùng của Aritonang
Ngay sau ngày đầu năm mới 2021, Zhen Fa 7 đã vòng qua mũi của lục địa Nam Mỹ và dừng lại một thời gian ngắn ở vùng biển Chile, đủ gần bờ để bắt sóng điện thoại di động. Aritonang lên boong tầu, bằng tay và tiếng Anh ba rọi, hỏi một trong các sĩ quan để mượn điện thoại. Viên sĩ quan ra dấu phải trả tiền. Aritonang chạy xuống boong, bán một số thuốc lá và đồ ăn thêm, vay tứ tung và trở lại boong tàu với số tiền tương đương khoảng 13 đô la, giúp cậu có được 5 phút. Cậu gọi về nhà cho cha mẹ, mẹ cậu trả lời, vui mừng khi được nghe tiếng con. Cậu nói với mẹ mình sẽ về nhà vào tháng 5 và xin được nói chuyện với cha. “Ông đang nghỉ ngơi,” bà nói. Thực sự, ông đã chết vì một cơn đau tim vài ngày trước đó, nhưng bà không muốn con trai phải buồn. Sau đó bà nói với mục sư của họ rằng bà rất mong con về. “Thằng bé muốn xây cho chúng tôi một ngôi nhà.”
Daniel Aritonang nằm trên cáng ở Montevideo sau khi được đưa xuống cảng. Anh ta có dấu hiệu bị đánh đập, suy dinh dưỡng nặng, chân bị phù nề vì bệnh beri beri (Jesica Reyes/The Outlaw Ocean Project) |
Ngay sau đó, Zhen Fa 7 thả neo ở Blue Hole, một khu vực gần Quần đảo Falkland, nơi các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra giữa Anh và Argentina tạo ra lỗ hổng trong việc thực thi luật trên biển mà các tàu có thể khai thác. Aritonang nhớ nhà, cậu chỉ ở trong phòng và thực phẩm chính là mì gói. “Anh ta dường như trở nên buồn bã và mệt mỏi,” Fikran nói. Tháng 1 năm đó, Aritonang bị bệnh beriberi. Lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng và chân sưng vù. Anhar kể rằng tình trạng Daniel khá tệ. Thuyền trưởng từ chối chăm sóc y tế cho cậu. “Vẫn còn rất nhiều mực. Chúng tôi đang trong thời gian chiến dịch.” Vào tháng 2, thủy thủ đoàn dỡ sản phẩm đánh bắt của họ lên một tàu đông lạnh để chở đến Mauritius. Nhưng, không rõ vì lý do gì, thuyền trưởng vẫn từ chối không cho Aritonang lên bờ.
Cuối cùng, Aritonang không thể đi lại được nữa. Thủy thủ đoàn Indonesia lại lên tầng chỉ huy, họ đối đầu với thuyền trưởng, đe dọa sẽ đình công nếu Aritonang không được trợ giúp y tế. Sau cùng, thuyền trưởng đã phải đồng ý. Ngày 2 tháng 3, Aritonang được chuyển sang chiếc tàu dầu Marlin để được tàu này đưa đến Montevideo, Uruguay. Tàu Marlin đưa Aritonang đến một khu sửa chữa tàu ngoài khơi rồi thuyền nhỏ đón và đưa cậu về cảng. Cơ quan hàng hải đại diện cho Rong Cheng Wangdao ở Uruguay điện thoại cho bệnh viện địa phương, Aritonang được đón về bệnh viện.
Jesica Reyes, 36 tuổi, là một trong số ít thông dịch viên tiếng Indonesia ở Montevideo. Cô tự học ngôn ngữ khi làm việc tại một quán cà phê Internet mà các nhân viên Indonesia hay đến. Từ năm 2013 đến năm 2021, các tàu đánh cá, hầu hết là người Trung quốc, khoảng một tháng rưỡi lại vớt một xác chết ở Montevideo. Reyes đã kể cho tôi nghe về hàng trăm deckhand mà cô đã giúp đỡ. Cô kể một deckhand đã chết vì nhiễm trùng răng vì thuyền trưởng của anh ta không đưa anh ta vào bờ. Một người bệnh khác đã chết sau khi công ty nhân dụng không chịu đưa anh đến bệnh viện mà giữ anh trong phòng khách sạn trong khi tình trạng ngày càng xấu đi.
Ngày 7/3/2021, Reyes được cơ quan hàng hải nhờ đến phòng cấp cứu để giúp các bác sĩ nói chuyện với Aritonang; cô được thông báo rằng cậu bị đau bụng. Reyes thấy toàn thân cậu sưng vù, quanh mắt và cổ có những vết bầm tím. Aritonang thì thầm với cô rằng cậu đã bị trói cổ. Reyes gọi cho cơ quan hàng hải, nói: “Nếu đây là một cơn đau bụng… quý vị đã không nhìn thấy chàng trai trẻ này. Anh ta bầm dập rồi!” Cô đã chụp nhiều ảnh tình trạng của cậu trước khi các bác sĩ buộc cô dừng lại.
Trong phòng cấp cứu, Aritonang được truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Cậu vừa khóc vừa run hỏi Reyes, “Các bạn của tôi đâu? Tôi sợ.” Sáng hôm sau Aritonang qua đời.
Anhar, bạn thân nhất của Aritonang, chỉ biết về cái chết của cậu sau khi xuống tàu Zhen Fa 7 ở Singapore vào tháng 5 năm đó. Khi chúng tôi đến gặp, Anhar vẫn đang mang theo một vali đầy quần áo của Aritonang mà anh đã hứa sẽ mang về nhà giúp cậu.
Nơi của những người không còn đường nào khác
Đánh cá là một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới—một nghiên cứu gần đây ước tính rằng hơn một trăm ngàn công nhân thiệt mạng mỗi năm—và làm trên tàu Trung Quốc nằm trong số những công việc tàn bạo nhất. Các nhà tuyển dụng thường nhắm đến những người tuyệt vọng ở nội địa Trung Quốc và các nước nghèo. Một quảng cáo trực tuyến ở Trung Quốc viết: “Nếu bạn mắc nợ, gia đình xa lánh, không muốn bị coi thường, hãy tắt điện thoại và tránh xa đất liền”. Theo tài liệu tòa án và điều tra của các hãng tin Trung Quốc, nhiều người đã bị dụ dỗ bằng những lời hứa hẹn về những hợp đồng béo bở để rồi phát giác rằng họ phải tốn một loạt chi phí – đôi khi lên tới hơn một tháng lương – để trang trải các chi phí như đi lại, học nghề, giấy chứng nhận của phi hành đoàn và quần áo bảo hộ lao động. Thông thường, họ phải vay tiền từ các cơ quan quản lý nhân sự để trả những khoản phí này, và vướng vào ràng buộc nợ nần. Do các công ty tịch thu thông hành và phạt tiền nếu họ bỏ việc, người lao động mắc thêm sâu vào bẫy. Đôi khi, ngay cả những người sẵn sàng chấp nhận chịu phạt tiền vẫn bị cầm giữ trên tàu.
Làm việc suốt đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Ảnh cắt từ video của The Outlaw Ocean Project |
Ở Trung Quốc, những vụ lạm dụng lao động này là một bí mật được công khai. Một cuốn nhật ký do một deckhand người Trung Quốc lưu giữ cho thấy một cái nhìn chi tiết khác thường về thế giới này. Vào tháng 5 năm 2013, một deckhand đã trả một khoản phí tuyển dụng trị giá hai trăm đô la cho một công ty quản lý nhân sự, anh được đưa đến con tàu Jin Han Yu 4879. Thủy thủ đoàn được thông báo rằng 10 ngày đầu tiên của họ trên tàu, giai đoạn thử thách, sẽ là một khoảng thời gian khó khăn. Sau thời gian đó họ có thể ra đi, nhưng con tàu vẫn ở trên biển suốt 102 ngày. “Anh là nô lệ, giờ nào chỗ nào cũng phải làm việc,” deckhand này viết trong nhật ký. Anh kể rằng đến bữa ăn các sĩ quan được dọn món thịt, nhưng deckhand chỉ được ăn xương. “Chuông reo, anh phải dậy, bất kể đó là ngày, đêm, sáng sớm, bất kể gió mạnh, mưa lớn cỡ nào, không có Chủ nhật và ngày lễ.”
“Đó là một trải nghiệm cuộc sống rất cay đắng”
Công chúng ở Trung Quốc đã buộc phải xem xét tình trạng trên các con tàu khi thủy thủ đoàn của tàu câu mực Lu Rong Yu 2682 nổi loạn vào năm 2011. Thuyền trưởng Li Chengquan là một người đàn ông “to, cao và tính khí thất thường”, theo lời kể của một deckhand, người đã đánh bầm mắt một công nhân chỉ vì anh ta làm hắn tức giận. Tin đồn bắt đầu lan truyền rằng mức lương bảy ngàn đô la hàng năm mà họ đã hứa không được bảo đảm. Thay vào đó, họ sẽ chỉ kiếm được khoảng 4 xu cho mỗi pound mực đánh bắt được – tính ra thấp hơn nhiều. Chín thành viên thủy thủ đoàn đã bắt thuyền trưởng làm con tin. Trong năm tuần tiếp theo, thủy thủ đoàn của con tàu chia thành nhiều phe phái đánh lẫn nhau. Có những người biến mất vào ban đêm, một thuyền viên bị trói và ném xuống biển, và một van trên tàu đã bị phá hoại làm nước bắt đầu tràn vào. Cuối cùng, thủy thủ đoàn đã khôi phục được hệ thống liên lạc của tàu và truyền tín hiệu cấp cứu, thu hút hai tàu cá Trung Quốc đến giúp họ. Chỉ có 11 người trong số 33 người ban đầu của con tàu đã lên bờ. Kẻ cầm đầu vụ nổi loạn và thuyền trưởng của con tàu đã bị chính phủ Trung Quốc kết án tử hình.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã thực hiện một số cải cách, nhưng dường như để nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến hơn là buộc các công ty phải chịu trách nhiệm. Vào năm 2017, sau khi một công nhân Phi luật tân chết trong cuộc đấu dao với một số đồng đội người Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã thành lập một chi bộ Đảng Cộng sản ở Chimbote, Peru nhằm mục đích củng cố “nguồn nuôi dưỡng tinh thần” của họ. Cảnh sát địa phương ở một số thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các liên kết video vệ tinh để kết nối với cầu chỉ huy của một số tàu Trung Quốc. Năm 2020, khi thủy thủ đoàn Trung Quốc trên một con tàu gần Peru đình công, công ty đã liên lạc với cảnh sát địa phương, họ giải thích cho các công nhân rằng họ có thể lên bờ ở Peru và bay về Trung Quốc, nhưng sẽ phải trả tiền vé máy bay. Một sĩ quan cảnh sát hỏi “Không phải bỏ về bây giờ giống như thua cuộc sao?” Những công nhân quay trở lại làm việc.
Như tôi đã tường trình về những con tàu này, những câu chuyện về bạo lực và tình trạng bị giam cầm vẫn nổi lên ngay cả khi tôi không tìm kiếm chúng. Năm nay, tôi nhận được một video từ năm 2020, trong đó hai thuyền viên người Philippines nói rằng họ đau ốm nhưng bị ngăn không cho rời tàu. “Xin hãy cứu chúng tôi”, một người cầu xin. “Thuyền trưởng không chịu đưa chúng tôi đến bệnh viện”. Ba deckhand chết vào mùa hè năm đó; ít nhất một thi thể trong số đó đã bị ném xuống biển. Trong chuyến đi đến Jakarta, Indonesia, vào năm 2020, sáu thanh niên đã kể với tôi rằng vào năm 2019, một thủy thủ trẻ tên Fadhil đã chết trên tàu của họ vì các sĩ quan từ chối đưa anh ta vào bờ sau khi “anh ấy đã van lạy xin được trở về nhà”, Ramadhan Sugarandhi, một deckhand nói. Tháng 6 vừa qua, một chiếc chai dạt vào bờ biển gần Maldonado, Uruguay, trong đó có vẻ như là một tin nhắn của một deckhand người Trung Quốc gặp nạn: “Xin chào, tôi là thuyền viên của tàu Lu Qing Yuan Yu 765, và tôi đã bị công ty giam giữ. Khi bạn nhìn thấy tờ giấy này, hãy giúp tôi gọi cảnh sát! S.O.S. S.O.S.”.
Trong cả ba trường hợp kể trên, các công ty quản lý công nhân, công ty sở hữu tàu đều không trả lời các yêu cầu bình luận của chúng tôi. Công ty chủ tàu, Qingdao Songhai Fishery thì nói rằng các thành viên thủy thủ đoàn bịa chuyện.
Reyes, phiên dịch viên người Indonesia, đã giúp tôi liên lạc với Rafly Maulana Sadad, một người Indonesia. Hai năm trước khi đang làm việc trên tàu Lu Rong Yuan Yu 978, anh đã ngã xuống cầu thang và gãy lưng nhưng lập tức trở lại làm việc rồi ngất đi khi đang kéo lưới. Thuyền trưởng từ chối đưa anh vào bờ, và anh phải ở trên tàu 5 tháng tiếp theo, tình trạng của anh ngày càng tồi tệ. Bạn bè của Sadad giúp anh ăn và tắm, nhưng anh bị mất phương hướng và thường nằm trong vũng nước tiểu của chính mình. Vào tháng 8 năm 2021, thuyền trưởng thả Sadad xuống Montevideo và anh phải nằm viện 9 ngày trước khi được bay về nhà. (Rong Cheng Rongyuan, công ty sở hữu con tàu mà Sadad làm việc, và PT Abadi Mandiri International, cơ quan quản lý nhân sự của anh, đều không trả lời các yêu cầu bình luận.)
Nói chuyện với tôi từ Indonesia, nơi anh vẫn phải đi lại bằng nạng, Sadad chua chát: “Đó là một trải nghiệm cuộc sống rất cay đắng.”
Lao động cưỡng bức
Giống như những tàu cung cấp hàng cho họ, các nhà máy chế biến của Trung Quốc dựa vào lao động cưỡng bức. Trong ba mươi năm qua, chính phủ Bắc Hàn đã buộc công dân phải làm việc trong các nhà máy ở Nga và Trung Quốc, và chuyển 90% thu nhập của họ—lên tới hàng trăm triệu đô la—vào các tài khoản do nhà nước kiểm soát. Người lao động thường bị giám sát chặt chẽ và bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc di chuyển. Các biện pháp trừng phạt của LHQ cấm sử dụng lao động Bắc Hàn như vậy, nhưng theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, chỉ riêng tại một thành phố ở phía đông bắc Trung Quốc năm ngoái có tới 80 ngàn công nhân Bắc Hàn đang sống. Theo báo cáo của Ủy ban cho Nhân quyền ở Bắc Hàn, ít nhất 450 người trong số đó đang làm việc trong các nhà máy hải sản. Chính phủ Trung Quốc đã xóa phần lớn các tài liệu nói đến những công nhân này trên Internet. Tuy nhiên, khi sử dụng nhóm chữ tìm kiếm “người đẹp Triều Tiên”, chúng tôi đã tìm thấy một số video trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, có vẻ như quay cảnh các nữ công nhân nhà máy hải sản, hầu hết được các nhân viên đăng lên. Một nhà bình luận Trung Quốc nhận xét rằng phụ nữ “có ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc và có tính kỷ luật tự giác!” Tuy nhiên, một người khác lập luận rằng các công nhân không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh, nếu không “gia đình họ sẽ phải chịu thiệt”.
Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc cũng đã tiến hành đàn áp người Uyghurs (Duy Ngô Nhĩ) và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, thiết lập các trung tâm giam giữ hàng loạt và buộc những người bị giam giữ phải làm việc trên các cánh đồng bông, trang trại cà chua và trong các nhà máy polysilicon. Gần đây hơn, trong nỗ lực phá vỡ cộng đồng người Uyghurs và tìm lao động giá rẻ cho các ngành kỹ nghệ lớn, chính phủ đã di dời hàng triệu người Uyghurs đến làm việc cho các công ty trên khắp đất nước. Công nhân thường được giám sát bởi các nhân viên bảo vệ an ninh, trong các dãy nhà có hàng rào thép gai bao quanh.
Ngày trở về của Daniel Aritonang. Ảnh cắt từ video của The Outlaw Ocean Project |
Trung Quốc không hoan nghênh việc đưa tin về ngành này. Vào năm 2022, tôi đã dành hai tuần trên tàu Modoc, một chiếc tàu cũ của Hải quân Hoa Kỳ được tổ chức bất vụ lợi Earthrace Conservation dùng làm tàu tuần tra, để thăm các tàu mực của Trung Quốc ngoài khơi Nam Mỹ. Khi chúng tôi đang quay trở lại cảng Galápagos, một tàu Hải quân Ecuador đã tiếp cận chúng tôi và một sĩ quan nói rằng giấy phép quay trở lại vùng biển Ecuador của chúng tôi đã bị thu hồi. Ông nói: “Nếu quý vị không quay hướng ngay bây giờ, chúng tôi sẽ lên tàu và bắt giữ quý vị.” Ông ta bảo chúng tôi đi sang một nước khác trong khi chúng tôi không có đủ thức ăn và nước uống cho cuộc hành trình. Sau hai ngày đàm phán, chúng tôi được phép vào cảng một thời gian ngắn, ở đó các sĩ quan Ecuador có vũ trang lên tàu; họ cho rằng giấy phép của tàu đã được nộp không đúng thủ tục và tàu của chúng tôi đã đi chệch một chút so với lộ trình đã được duyệt khi ra khỏi vùng biển quốc gia. Những vi phạm như vậy thường chỉ bị một giấy phạt. Nhưng theo Đại sứ Fitzpatrick thì chính phủ Trung Quốc đã liên lạc với một số nhà lập pháp Ecuador để nêu lên quan ngại về sự hiện diện của cái mà họ mô tả là “một tàu bán quân sự tham gia vào các hoạt động bí mật”. Khi tôi nói chuyện với Juan Carlos Holguín, Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador vào thời điểm đó, ông phủ nhận việc Trung Quốc có liên quan đến sự vụ. Nhưng theo Fitzpatrick Quito đã phải thận trọng khi nói đến Trung Quốc, một phần vì Ecuador đang mắc nợ nước này rất nhiều. “Trung Quốc không thích tàu Modoc. Nhưng chính yếu là họ không muốn truyền thông đưa tin nhiều hơn về đội tàu mực của họ”.
Tại sao các quốc gia Nam Mỹ không quan tâm?
Ngày Aritonang chết, Reyes đã nộp báo cáo cho Lực lượng Duyên phòng Uruguay và cho các sĩ quan xem những bức ảnh cô chụp. “Họ có vẻ khá không quan tâm,” cô nói. Ngày hôm sau, một nhân viên điều tra địa phương đã giảo nghiệm tử thi. Báo cáo viết: “Đã thấy có tình trạng lạm dụng thể xác xuất hiện”. Weedn, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y, được xem báo cáo này đã nói rằng thi thể có dấu hiệu bạo lực và bệnh beriberi không được điều trị dường như là nguyên nhân dẫn đến cái chết. Nicolas Potrie, người điều hành lãnh sự quán Indonesia ở Montevideo, nhớ lại đã nhận được điện thoại của Mirta Morales, công tố viên điều tra vụ án Aritonang. Potrie kể rằng bà đã nói: “Chúng ta cần tiếp tục cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Những dấu hiệu này – mọi người đều nhìn thấy chúng”. (Đại diện của Rong Cheng Wangdao nói “Không có gì liên quan đến những sự việc kinh khủng mà quý vị cho là lạm dụng, vi phạm, xúc phạm nhân cách, bạo lực thể xác hoặc bị giữ lương.” Công ty cho biết họ đã chuyển vấn đề này cho Hiệp hội Nghề cá hải ngoại Trung Quốc. Các câu hỏi được gửi tới hiệp hội đều không được trả lời.)
Potrie thúc giục điều tra thêm, nhưng có vẻ như không có gì sẽ xảy ra. Morales từ chối chia sẻ bất kỳ thông tin nào về sự vụ với tôi. Vào tháng 3 năm 2022, tôi đến văn phòng của Aldo Braida, chủ tịch Phòng đại lý đánh cá nước ngoài, đại diện cho các công ty làm việc với tàu nước ngoài ở Uruguay, tại ở Montevideo. Ông ta bảo những câu chuyện về việc ngược đãi trên các tàu Trung Quốc cập cảng là “tin giả”, “quanh vụ này có rất nhiều lời nói dối.” Theo Braida, nếu các thi thể của các thành viên thủy thủ đoàn được đưa lên bờ ở Montevideo có dấu hiêu đã bị hành hạ thể xác, thì chính quyền Uruguay đã phát giác ra. Braida còn nói rằng khi cho những người đàn ông ở gần nhau, các cuộc ẩu đả có thể sẽ nổ ra. Ông nói: “Chúng ta đang sống trong một xã hội bạo lực.”
Rất có thể có những con mực máu đã được đưa lên đĩa của người Mỹ
Ngành thủy sản rất khó để kiểm soát bằng luật lệ. Một phần lớn cá tiêu thụ ở Mỹ được các công ty Trung Quốc đánh bắt hoặc chế biến. Có một số luật để ngăn chặn Hoa Kỳ nhập cảng các sản phẩm do lao động cưỡng bức, bao gồm cả những luật liên quan đến việc sản xuất kim cương xuất xứ từ các nơi có xung đột và hàng hóa bóc lột sức lao động. Nhưng Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về các tàu và nhà máy chế biến của họ. Có một lần, trên một con tàu Trung Quốc, một deckhand cho tôi xem những đống cá đông lạnh đựng trong các túi màu trắng. Anh giải thích rằng họ không in tên tàu trên các túi để có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các tàu. Cách làm đó cho phép các công ty thủy sản che giấu quan hệ của họ với các tàu có tiền sử tội phạm. Trên cầu của một con tàu khác, một thuyền trưởng Trung Quốc đã mở cuốn nhật ký, được cho là ghi lại hoạt động đánh bắt của ông. Hai trang đầu có ghi chép; phần còn lại trắng tinh. “Không ai giữ những thứ đó,” ông ta nói. Các quan chức của công ty có thể đảo ngược thông tin sau này. Kenneth Kennedy, cựu quản lý chương trình chống lao động cưỡng bức tại Cơ quan Thực thi Di trú và Thuế quan, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ nên chặn hàng hải sản nhập từ Trung Quốc cho đến khi các công ty Mỹ có thể chứng minh rằng chuỗi cung ứng của họ không bị lạm dụng. Ông nói: “Mỹ tràn ngập hải sản bị nhiễm bẩn (tainted).” (Chú thích: “tainted products” ở đây chỉ sản phẩm do sử dụng lao động cưỡng bức hoặc trẻ em)
Rất có thể một số con mực bắt được khi Aritonang chết đã được đưa lên đĩa của người Mỹ.
Cậu ấy đã sửa được nhà cho cha mẹ
Ngày 22 tháng 4, thi thể của Aritonang được đưa từ Montevideo đến Jakarta, sau đó được chở trong một chiếc quan tài gỗ trên nắp có tượng Chúa Giêsu, về nhà của gia đình cậu ở Batu Lungun. Dân làng xếp hàng dọc đường để bày tỏ sự thương tiếc; Mẹ của Aritonang đã khóc đến ngất xỉu khi nhìn thấy quan tài.
Một đám tang nhanh chóng được tổ chức, Aritonang được chôn cách cha chỉ vài bước chân, trong một khu nghĩa trang không xa nhà thờ của cậu. Mộ của cậu được đánh dấu bằng hai thanh gỗ được ghép lại thành một cây thánh giá. Đêm đó, một quan chức từ cơ quan quản lý của Aritonang đã đến gia đình họ để thảo luận về cái mà người dân địa phương gọi là “thỏa thuận hòa bình”. Anhar cho biết cuối cùng gia đình đã chấp nhận khoản dàn xếp trị giá khoảng 200 triệu rupiah (chừng 13.000 Mỹ kim). Các thành viên trong gia đình không muốn nói về những sự kiện trên tàu. Beben, anh của Aritonang cho biết anh không muốn gia đình mình gặp rắc rối và việc nói ra sự việc có thể gây rắc rối cho mẹ anh. Anh nói: “Chúng tôi, gia đình của Daniel, đã làm hòa với những người trên tàu và để chú ấy ra đi.”
Năm ngoái, mười ba tháng sau cái chết của Aritonang, tôi lại nói chuyện với gia đình cậu qua video. Bà Regina Sihombing, mẹ cậu, ngồi trên tấm thảm in hình da báo trong phòng khách cùng anh con trai Leonardo. Căn phòng không có đồ đạc và không có chỗ ngồi nào ngoài sàn nhà. Theo trưởng làng, ngôi nhà đã được sửa chữa bằng tiền từ vụ dàn xếp. Có vẻ như cuối cùng Aritonang đã sửa chữa được nhà cho cha mẹ. Khi cuộc trò chuyện chuyển sang Aritonang, bà mẹ bắt đầu khóc. Leonardo nói với bà: “Đừng buồn. Phần số của chú ấy là thế.”
Đỗ Quân
(lược dịch Crime at Sea: A Fleet to Captive Labor and Plunder, The Outlaw Ocean Project)
----------